Trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có những dấu hiệu rất nguy hiểm mà đôi khi chúng ta không chú ý hoặc đánh giá không đúng gây nguy hại đến trẻ. Hãy cùng BlogAnChoi học cách nhận biết các dấu hiệu này để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện nhé.
Các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân là biểu hiện của những bệnh nặng do nhiều nguyên nhân khác nhau như diễn biến nặng của viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, tiêu chảy nặng có rối loạn điện giải,… Nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Hầu hết các ông bố bà mẹ khi sinh con ra đều nâng niu, chăm sóc, đôi khi lại có cảm giác lo lắng, sợ hãi đặc biệt là khi con của mình bị ốm. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ông bố bà mẹ khi con ốm lại thường tự mua thuốc điều trị cho con, hoặc ra hiệu thuốc tư vấn mà không qua thăm khám đúng phương pháp. Việc làm này có thể gián tiếp, trực tiếp hoặc làm trầm trọng thêm bệnh cảnh của trẻ.
Vậy làm sao để nhận biết khi nào trẻ đang gặp nguy hiểm cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế? Đọc kỹ những dấu hiệu nguy hiểm toàn thân của trẻ cần đưa đến ngay bệnh viện ngay mà BlogAnChoi liệt kê dưới đây nhé!
1. Không uống được hoặc bỏ bú
Một trẻ có dấu hiệu “không uống được hoặc bỏ bú” là khi trẻ không thể nuốt hoặc mút khi cho bú mẹ hoặc cho uống. Khi cho bé bú hãy chú ý xem bé có nuốt sữa mẹ hay không. Đây là biểu hiện thường thấy khi bệnh đã tiến triển nặng, cần đưa trẻ đi khám ngay.
Khi trẻ bị tắc mũi cũng có thể không bú hoặc không uống được. Nếu sau khi làm sạch mũi miệng mà trẻ bú hoặc nuốt được thì không phải là một trong những dấu hiệu nguy hiểm toàn thân.
2. Nôn tất cả mọi thứ
Đây là tình trạng trẻ nôn không thể giữ lại thứ gì kể cả thức ăn, nước uống hoặc thuốc. Cần chú ý không nhầm lẫn dấu hiệu “nôn tất cả mọi thứ” với việc nôn trớ thông thường của trẻ. Nguyên nhân là do dạ dày của trẻ sơ sinh còn nằm ngang nên rất dễ trớ sau khi ăn no hoặc đầy hơi. Nếu trẻ chỉ nôn 1-2 lần, nôn sau khi ăn, nôn ít thì không phải là dấu hiệu nguy hiểm toàn thân.
3. Co giật
Co giật là dấu hiệu trẻ co cứng vì các cơ bị rút ngắn lại, mắt trợn hay mất ý thức. Trẻ có thể thờ ơ với ngoại cảnh hoặc không tỉnh táo, không đáp ứng với sự vật sự kiện xung quanh trẻ. Trẻ có thể co giật từng cơn 10 phút, 20 phút.
Khi trẻ bị sốt cao có thể run chân tay nhưng vẫn tỉnh táo và đáp ứng với mọi thứ xung quanh thì không phải là co giật nguy hiểm.
4. Ngủ li bì, khó đánh thức
Trẻ ngủ li bì là trẻ ngủ gà, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Trẻ không tỉnh táo, không nhìn mẹ hay không nhìn khi gọi hỏi bé. Trẻ không quan tâm tới việc bú mẹ hoặc ăn uống. Trẻ có thể tỉnh khi bị kích thích nhưng ngay sau đó lại ngủ sâu như trước.
Nếu kích thích, động chạm,… không thể đánh thức được trẻ thì phải đưa đến bệnh viện. Cha mẹ đừng chủ quan mà bỏ qua, để lại hệ quả khôn lường với con.
5. Những dấu hiệu nguy hiểm khác
Khó thở
Một trong những dấu hiệu dễ quan sát của khó thở đó là thở nhanh. Bạn phải đếm nhịp thở của trẻ để xác định xem trẻ có thở nhanh hay không. Trẻ phải im lặng, nằm yên khi bạn quan sát. Nếu trẻ khóc, giãy giụa hay đang bú thì sẽ không đếm chính xác được. Lưu ý cần phải đếm nhịp thở của trẻ trong 60 giây, không nên đếm trong 15 giây hoặc 30 giây rồi nhân 4, nhân 2 do trẻ thở không đều.
- Với trẻ dưới 2 tháng tuổi, trẻ thở nhanh khi nhịp thờ >= 60 lần trong 1 phút.
- Với trẻ từ 2 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi, trẻ thở nhanh khi nhịp thở >= 50 lần trong 1 phút.
- Với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 5 tuổi, trẻ thở nhanh khi nhịp thở >= 40 lần trong 1 phút.
Quan sát thêm thấy trẻ môi tím, đây là dấu hiệu của bệnh rất nặng cần đưa trẻ vào viện ngay.
Nhiễm khuẩn tại chỗ
- Tấy đỏ quanh rốn.
- Mụn mủ, nhiễm khuẩn nặng ở da.
- Chảy mủ tai.
Sốt hoặc hạ nhiệt độ
Đối với những trẻ từ 1 tuần tuổi đến 2 tháng tuổi mà có dấu hiệu sốt trên 38 độ C hoặc hạ nhiệt độ dưới 35,5 độ C là dấu hiệu trẻ có thể bị một bệnh nặng, có nguy cơ tử vong cao, bố mẹ phải hết sức lưu ý để đưa con tới bệnh viện kịp thời.
Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây:
- Phát hiện và xử trí đúng cách sốt vi rút ở trẻ em
- 5 điều cần biết về bệnh tiêu chảy ở trẻ em để phòng tránh, điều trị tốt nhất
Trên đây là những dấu hiệu nguy hiểm toàn thân ở trẻ mà các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý để kịp thời đưa con em mình đến cơ sở y tế. Hãy truy cập BlogAnChoi mỗi ngày để cập nhật những kiến thức bổ ích nhé!