Có thể nói Đại học Harvard là ngôi trường ưu ái dành cho giới thượng lưu, bởi dù cho những ứng viên “con nhà giàu” không có điểm số lý tưởng nhưng nếu họ là con của các nhà tài trợ lớn hoặc người có tầm ảnh hưởng thì họ vẫn có thể trúng tuyển Đại học Harvard. Các bạn độc giả sẽ hiểu được vì sao hội “con nhà giàu” lựa chọn theo học tại Đại học Harvard và vì sao ngôi trường này mở rộng “cửa sau” cho họ, thông qua bài viết này.
Lối vào “cửa sau” ở Đại học Harvard
Theo New York Post, có các ứng viên “con nhà giàu” không đủ điều kiện trúng tuyển Đại học Harvard, nhưng trường vẫn “nhắm mắt cho qua”. Tên của những ứng viên này được liệt kê trong một danh sách, gọi là Z-List. Trường sẽ khuyên họ tham gia xét tuyển đại học sau một năm tạm nghỉ. Các số liệu không mấy sáng sủa về năng lực học thuật cũng không được đưa vào báo cáo của lớp sinh viên năm nhất. Bằng cách này, các sinh viên được ví như là “con ma dữ liệu” sẽ không thể làm ảnh hưởng xấu đến điểm trung bình học thuật xuất sắc của các sinh viên khác hay thứ hạng của trường.
Theo Ivy Coach, có khoảng 60 học sinh có tên trong Z-List hàng năm. Họ nhận được lá thư với nội dung “Chúng tôi sẽ xem xét việc nhập học của bạn trong một năm”. Theo Brian Taylor, Giám đốc Quan hệ Đối tác của Ivy Coach có trụ sở tại Manhattan, họ không phản hồi thư vì họ đã được đảm bảo rằng họ có suất học tại ngôi trường danh tiếng. Trong quá trình làm việc của mình, Taylor nói rằng cứ hai năm một lần, có một học sinh là khách hàng của Ivy Coach được lọt vào Z-List. Anh ước tính số học sinh nằm trong danh sách Z-List chiếm chưa đến 10% trong số những học sinh được nhận vào Harvard mà anh từng cộng tác.
Anh nói thêm, Z-List dành cho những người thân cận và thành viên trong gia đình các nhà lãnh đạo thế giới hoặc các nhà tài trợ lớn. Bên cạnh đó, dấu hiệu rõ ràng cho thấy một học sinh chắc chắn có tên trong danh sách Z-List là học sinh đó có khoảng thời gian nghỉ xả hơi trong một năm, trước khi bước vào năm học đầu tiên trên giảng đường đại học.
Trường Đại học Harvard là nơi duy nhất có cái gọi là Z-List, tuy nhiên, Taylor cho biết những trường danh tiếng khác cũng dùng cách tương tự để thu hút những học sinh “con nhà giàu”. Ví dụ, Đại học Cornell lợi dụng việc chuyển trường để thu nạp những sinh viên có điểm trung bình không quá xuất sắc ở các trường khác.
Lý do lớn nhất dẫn đến sự thiên vị
Lợi thế lớn nhất của các nhóm học sinh “con nhà giàu” là sự kế thừa nền tảng giáo dục từ gia đình. Nếu một học sinh có cha mẹ là cựu sinh viên của trường thì học sinh đó có thể nhận được thư mời nhập học cao gấp ba lần so với những ứng viên khác. Vì vậy, cơ hội sẽ tăng gấp ba lần đối với các học sinh ở tầng lớp trung lưu nếu họ cũng thuộc thế hệ kế thừa. Lý do là việc tuyển sinh thế hệ kế thừa giúp đảm bảo sự đóng góp của cựu sinh viên, nhất là các cựu sinh viên giàu có. Điều này cũng giải thích vì sao con cái của các gia đình nằm trong nhóm phân phối thu nhập cao có cơ hội nhập học lớn hơn gấp năm lần. Vậy Đại học Harvard cần đến sự đóng góp của các nhà tài trợ để làm gì?
Báo cáo tài chính 2023 của Đại học Harvard cho biết, doanh thu đến từ các chương trình giáo dục và nghiên cứu không đủ chi trả cho toàn bộ hoạt động của nhà trường. Vì vậy, nhà trường phải phụ thuộc vào sự tài trợ. Quà tặng, tiền mặt hay tài sản được quyên góp chiếm đến 45% doanh thu của nhà trường. Điều này phản ánh sự hào phóng và niềm tin của các nhà tài trợ đối với nền giáo dục và nghiên cứu của Đại học Harvard. Ở chiều ngược lại, sự tài trợ có tầm quan trọng ngày càng lớn đối với các trường cao đẳng, đại học nói chung. Có thể nói, Đại học Harvard duy trì chất lượng của hoạt động giảng dạy và nghiên cứu nhờ có sự đóng góp của các nhà tài trợ.
Đích đến thực sự của hội “con nhà giàu”
Nhóm “con nhà siêu giàu” thường sẽ lựa chọn theo học tại một trong những ngôi trường danh giá nói chung, không chỉ riêng Đại học Harvard, sau khi xem xét khả năng học thuật của mình. Có một sự đối lập giữa nhóm học sinh sống trong gia đình trung lưu và nhóm học sinh là “cậu ấm cô chiêu” trong những gia đình siêu giàu. Các học sinh trung lưu đạt điểm SAT hoặc ACT cao hơn 99% số người dự thi còn lại, nhưng chỉ có 10% số học sinh theo học tại những trường danh tiếng. Còn trong số học sinh thuộc hội “con nhà siêu giàu” đạt điểm cao, phải có hơn phân nửa theo học tại các trường danh tiếng.
Phải chăng việc học tại các trường đại học danh giá có thể đảm bảo cho sinh viên có được công việc uy tín với thu nhập cao? Các nhà kinh tế học Raj Chetty, David Deming và John Friedman chỉ ra rằng những sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học danh giá có nhiều hơn 44% khả năng lọt vào top 1% nhóm phân phối thu nhập cao, đồng thời có nhiều hơn 173% khả năng được làm việc trong một công ty lớn, hay được làm công việc mà nhiều người khao khát, hoặc cũng có thể làm việc ở vị trí lãnh đạo.
Có thể nói, những trường đại học danh giá hàng đầu nước Mỹ đã mở ra cánh cổng dẫn tới sự giàu có và quyền lực. Trên thực tế, số lượng sinh viên của 12 trường tư thục uy tín nhất nước Mỹ (bao gồm khối trường Ivy League, Đại học Chicago, Đại học Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Duke) chỉ chiếm 0,8% trên tổng số sinh viên đại học, nhưng có tới 13% số người có thu nhập cao nhất và 12% số người nắm giữ vị trí CEO từng học tại các ngôi trường này. Một số cựu sinh viên khác đã trở thành Thượng nghị sĩ, hay nhà báo của tờ New York Times.
Mời bạn xem thêm các bài liên quan:
- 10 trường đại học hàng đầu ở Mỹ với chất lượng giáo dục đẳng cấp thế giới
- Ivy League – Hệ thống trường đại học danh giá nhất nước Mỹ
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Các bạn có thể giúp mình trở nên tốt hơn bằng cách để lại ý kiến của bạn về bài viết ở phần bình luận.