Chăm sóc tốt cho đôi mắt của bạn là điều cần thiết. Một số loại thực phẩm có các chất dinh dưỡng có thể giúp bảo vệ đôi mắt của bạn và có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Nếu bạn bị đái tháo đường, các bệnh về mắt thường phổ biến hơn và kiểm soát lượng đường trong máu là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa bệnh về mắt.

Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến mắt như thế nào?

Đục thủy tinh thể là một vấn đề về mắt do biến chứng đái tháo đường (Ảnh: Internet)
Đục thủy tinh thể là một vấn đề về mắt do biến chứng đái tháo đường (Ảnh: Internet)

Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù ở Canada. Nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt, bạn có thể có nguy cơ cao mắc các tình trạng:

  • Mờ mắt
  • Khó tập trung tầm nhìn
  • Tiến triển bệnh đục thủy tinh thể
  • Bệnh võng mạc
  • Bệnh tăng nhãn áp
  • Bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD)

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm cả mạch máu và mắt Một số bệnh về mắt, chẳng hạn như bệnh võng mạc, là do sự thay đổi của các mạch máu nhỏ nuôi võng mạc của mắt. Lượng đường trong máu cao do bệnh đái tháo đường cũng có thể khiến thủy tinh thể của mắt sưng lên, làm thay đổi thị lực.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa những vấn đề này là kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường để tránh lượng đường trong máu tăng cao có thể dẫn đến tổn thương các mạch máu và protein bị hư hỏng do đường.

Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh về mắc khi bị đái tháo đường?

Không có thực phẩm hoặc chất dinh dưỡng cụ thể nào làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể hoặc bệnh võng mạc. Để giúp ngăn ngừa những căn bệnh này hoặc ngăn chúng trở nên tồi tệ hơn, những người mắc bệnh đái tháo đường nên kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp, mức cholesterol và không hút thuốc lá.

Lượng đường trong máu ổn định dẫn đến ít vấn đề về mắt hơn. Hãy hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để lập kế hoạch ăn uống phù hợp với bạn.

Những chất dinh dưỡng nào có thể giúp cho mắt khỏe mạnh?

Để giúp bảo vệ mắt khỏi các bệnh, hãy chọn thực phẩm có vitamin A và carotenoid. Lutein và beta-carotene là hai loại carotenoid có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Beta-carotene được chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể. Dưới đây là một số loại thực phẩm quan trọng đối với sức khỏe của mắt:

  • Thực phẩm chứa vitamin A và beta carotene: khoai lang, bí đỏ, cà rốt, dưa đỏ, rau xanh, cá và trứng.
  • Thực phẩm có chứa lutein: rau lá xanh như cải xoăn, cải thìa và rau bina; đậu Hà Lan, ngô và trứng.
Chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của mắt (Ảnh: Internet)
Chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của mắt (Ảnh: Internet)

Vitamin C, vitamin E và các khoáng chất như selen và kẽm cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của mắt. Dưới đây là một số ví dụ về những loại thực phẩm cung cấp dinh dưỡng tốt:

  • Vitamin C: ớt ngọt, bông cải xanh, bắp cải, đu đủ, kiwi, cam, dâu tây
  • Vitamin E: hạnh nhân, hạt hướng dương, mầm lúa mì, cá, rau xanh
  • Kẽm: thịt nạc, cá, hải sản (đặc biệt là hàu), hạt bí ngô, mầm lúa mì
  • Selen: các loại hạt, cá và hải sản

Sản phẩm bổ sung liều cao cung cấp các chất dinh dưỡng này không được khuyến khích để ngăn ngừa bệnh về mắt. Cách tốt nhất là thực hiện chế độ ăn cân bằng. Tuy nhiên bạn có thể cân nhắc bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất. Hãy hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để biết thêm thông tin.

Ngoài việc chú trọng đến các chất dinh dưỡng có lợi cho mắt trong chế độ ăn uống, bạn có thể:

1. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục là một thói quen tốt. Tập thể dục vừa phải làm giảm lượng đường trong máu và huyết áp, đồng thời làm tăng cholesterol HDL tốt – tất cả đều có lợi cho các mạch máu trong mắt.

Tập thể dục thường xuyên tốt cho cả sức khỏe và mắt (Ảnh: Internet)
Tập thể dục thường xuyên tốt cho cả sức khỏe và mắt (Ảnh: Internet)

Ngay cả việc đi bộ nhanh và dọn dẹp nhà cửa cũng được coi là hoạt động thể chất. Hầu hết mọi người nên dành ít nhất 30 phút vận động trong hầu hết các ngày. Hãy kiểm tra sức khỏe với bác sĩ trước khi bắt đầu một kế hoạch tập thể dục mới.

2. Ăn cá

Omega-3 từ cá là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho mắt (Ảnh: Internet)
Omega-3 từ cá là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho mắt (Ảnh: Internet)

Omega-3 trong các loại cá béo như cá hồi, cá bơn, cá ngừ, cá thu và cá mòi có liên quan với giảm tỷ lệ bệnh võng mạc do tiểu đường. Các nhà khoa học cho rằng chúng giúp bảo vệ chống lại chứng viêm và sự phát triển bất thường của các mạch máu trong mắt. Omega-3 cũng giúp điều chỉnh lượng cholesterol, tốt cho mạch máu và do đó tốt cho mắt. Hai phần cá trong một tuần là chế độ ăn vừa phải bạn nên áp dụng.

3. Thiền

Tập thiền giúp cải thiện tâm trạng và giảm nguy cơ mắc bệnh (Ảnh: Internet)
Tập thiền giúp cải thiện tâm trạng và giảm nguy cơ mắc bệnh (Ảnh: Internet)

Căng thẳng có thể làm tăng lượng đường trong máu cũng như huyết áp. Các chuyên gia cho biết thiền có thể giúp loại bỏ những lo lắng phiền toái và những suy nghĩ cằn nhằn, vô bổ, giúp thư giãn tâm trí và cơ thể nhẹ nhõm. Bạn có thể tham khảo các ứng dụng hướng dẫn thiền, hỏi ý kiến chuyên gia trị liệu hoặc tham gia một lớp học thiền theo nhóm.

4. Uống nhiều nước

Uống nước nhiều có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu (Ảnh: Internet)
Uống nước nhiều có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu (Ảnh: Internet)

Mất nước có thể làm tăng lượng đường trong máu. Nhưng vì nước ngọt và nước trái cây có thể làm tăng lượng glucose nên nước trắng sẽ an toàn hơn. Có thể trộn với trái cây hoặc thảo mộc như dâu tây và bạc hà để có hương vị thơm ngon mà không bị tăng đường.

5. Tránh nắng

Chống nắng tốt để bảo vệ đôi mắt (Ảnh: Internet)
Chống nắng tốt để bảo vệ đôi mắt (Ảnh: Internet)

Các tia UV mạnh của mặt trời có thể gây hại cho mắt và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt bao gồm cả đục thủy tinh thể. Ngay cả vào những ngày nhiều mây, hãy đeo kính râm có tác dụng ngăn chặn ít nhất 99% tia UV-A và UV-B.

6. Bổ sung rau xanh

Bổ sung rau xanh chính là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho mắt (Ảnh: Internet)
Bổ sung rau xanh chính là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho mắt (Ảnh: Internet)

Các loại rau xanh có lá sẫm màu như cải xoăn, rau bina, rau diếp, rau cải rổ và củ cải có rất nhiều chất dinh dưỡng lutein và zeaxanthin. Những chất chống oxy hóa này giúp bảo vệ các tế bào trong võng mạc và cùng với vitamin E có thể giúp bạn tránh được bệnh đục thủy tinh thể. Bông cải xanh, đậu Hà Lan, ngô và trứng cũng là những nguồn dinh dưỡng tốt.

7. Uống thuốc đúng cách

Uống thuốc đúng cách để kiểm soát bệnh đái tháo đường (Ảnh: Internet)
Uống thuốc đúng cách để kiểm soát bệnh đái tháo đường (Ảnh: Internet)

Để thuốc phát huy tác dụng, bạn phải làm theo đúng hướng dẫn như uống khi nào, như thế nào và bao nhiêu. Nếu bạn dùng insulin, hãy bảo quản ở nhiệt độ thích hợp và tránh ánh sáng mặt trời. Hãy báo cho bác sĩ biết nếu lượng đường trong máu của bạn quá cao hoặc quá thấp để điều chỉnh liều thuốc.

8. Bổ sung chất xơ

Chất xơ làm chậm quá trình giải phóng glucose vào máu, và thực phẩm có nhiều chất xơ hòa tan cũng có thể giúp giảm mức cholesterol LDL xấu. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị ít nhất 20-30 gam chất xơ mỗi ngày.

Chất xơ tốt cho kiểm soát đường máu (Ảnh: Internet)
Chất xơ tốt cho kiểm soát đường máu (Ảnh: Internet)

Hãy bắt đầu bữa sáng với bột yến mạch hoặc ngũ cốc làm từ yến mạch. Các nguồn chất xơ tốt khác bao gồm ngũ cốc nguyên hạt và lúa mạch, đậu, các loại hạt, cà tím và đậu bắp, trái cây có pectin (như táo, dâu tây, nho và cam quýt).

9. Không hút thuốc lá

Hút thuốc có hại cho sức khỏe về mọi mặt (Ảnh: Internet)
Hút thuốc có hại cho sức khỏe về mọi mặt (Ảnh: Internet)

Hút thuốc không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn có hại cho mắt, ví dụ như nguy cơ bị đục thủy tinh thể cao gấp đôi và cao hơn nữa đối với các vấn đề do bệnh đái tháo đường gây ra. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh võng mạc do đái tháo đường cao hơn và bệnh trở nặng nhanh hơn.

10. Khám mắt thường xuyên

Khám mắt để được bác sĩ tư vấn (Ảnh: Internet)
Khám mắt để được bác sĩ tư vấn (Ảnh: Internet)

Bạn có thể không nhận thấy sự thay đổi về thị lực khi bắt đầu có vấn đề về mắt. Hãy khám mắt ít nhất mỗi năm một lần để bác sĩ nhìn rõ bên trong mắt, võng mạc và dây thần kinh thị giác, kiểm tra các dấu hiệu tổn thương từ sớm. Khi phát hiện bệnh sớm và điều trị ngay lập tức, bạn có thể sẽ tránh được những vấn đề nghiêm trọng hơn sau này.

Theo dõi BlogAnChoi để không bỏ lỡ những thông tin sức khỏe bổ ích nhé!

Một số bài viết bạn có thể quan tâm:

Xem thêm

6 dấu hiệu cảnh báo gan nhiễm mỡ nguy hiểm phải chú ý phát hiện từ sớm

Gan là một trong những bộ phận có kích thước lớn và có vai trò cực kỳ quan trọng. Khi gan bị bệnh sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể, vì vậy nếu như lá gan yêu thương của bạn đang có dấu hiệu nhiễm mỡ cần phải được điều trị ngay. Dưới đây là ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận