Lời chia sẻ được đúc kết từ kinh nghiệm của một “bạn nhỏ” đã vào đại học ngay lúc “ hơi dịch” – 2020. Chào cậu, nhân lúc sắp đi học trở lại và cảm nhận được cái “sờ sợ” của các cậu với việc sắp học OFF trở lại sau khoảng thời gian dài dịch dã. Và hơn 1 năm trước, lúc mới vào Đại học mình cũng “sợ” y chang, nên mình hy vọng bài viết này sẽ giúp cậu phần nào vượt qua cái “sờ sợ lo lo” này nha.
1. Vật chất quyết định ý thức?
Đúng vậy, “vật chất” theo đúng nghĩa đen mà cậu đang nghĩ đấy. Bao gồm 3 thứ cậu sẽ cần chuẩn bị:
Tiền
Nhân lúc Tết, nhân lúc còn được lì xì, hãy để dành một quỹ tiền nho nhỏ gửi vào tài khoản cá nhân như một sự chuẩn bị cho phí sinh hoạt sau này. Dù biết là có được sự hỗ trợ từ gia đình thì việc có một khoản tiền riêng sẽ mang lại cho cậu cảm giác tự tin, an tâm hơn.
Ngoài ra hãy chủ động tìm hiểu các khoản tiền cần phải chi mỗi tháng khi đi học xa nhà để có thể chuẩn bị kỹ lưỡng nhất có thể. Mình sẽ có một bài viết riêng để cụ thể hơn về vấn đề này.
Nơi ở
Cậu đã biết mình sẽ ở đâu khi học Đại học chưa, nhà trọ, chung cư, KTX hay nhà họ hàng? Việc biết rõ nơi mình ở và tìm hiểu về nó sẽ giúp cậu không bị bỡ ngỡ khi mới đến. Có nhiều vấn đề cần tìm hiểu:
- Chỗ đó có gần trường mình hay gần nội thành không?
- Ban đêm an ninh ở đó thế nào?
- Xung quanh có có các cơ sở tiện nghi cần thiết như bệnh viện, trạm công an, phòng bảo vệ,…?
Và hãy nằm lòng địa chỉ nơi đó cũng như xem trên Google Maps khoảng cách từ đó đến trường, đến nhà họ hàng của mình (nếu có) là bao xa.
Phương tiện
Khi biết rõ khoảng cách từ đó để đến trường, cậu sẽ biết mình nên lựa chọn phương tiện nào cho phù hợp.
À mà… cậu đã có bằng lái xe chưa nhỉ?
Nếu chưa, đây là khoảng thời gian hoàn hảo để chuẩn bị cho việc thi bằng lái, sau Tết. Hoặc đi xe bus cũng là một lựa chọn không tồi. Hãy lên app Busmap để tra cứu và nằm lòng các tuyến xe bus đến trường nha.
Khi tất cả những “vật chất” được đáp ứng đủ, bước đầu ta sẽ có sự an tâm nhất định.
2. Ý thức thể hiện mức độ sẵn sàng
Đây là lúc đến gần hơn với cái “lo lo sợ sợ” mà chúng ta đang có.
Hãy để bản thân hòa vào môi trường “đại học” nhiều nhất có thể, dù là mạng xã hội. Đặc biệt là với tân sinh viên, hãy tham gia vào các group, diễn đàn, fanpage uy tín, nơi có các kiến thức hữu ích được chia sẻ bởi những anh/chị đang và đã học đại học. Nhờ vậy, dù không được trải nghiệm thực tế thì chúng ta cũng có sự chuẩn bị về ý thức và kinh nghiệm để “đương đầu và chiến đấu” từ việc đăng ký tín chỉ cho đến teamwork hay nỗi sợ rớt môn …
3. Hãy “Kết” để “Nối”
Học online xuyên suốt khiến cậu khó có thể tương tác thực tế cũng như kết thêm bạn mới. Việc mở rộng các mối quan hệ cũng vì thế mà trở nên khó khăn hơn.
Nhưng đừng vì vậy mà lơ là nó. Đặc biệt đối với “thế giới ảo” các kết nối thường nhanh và mỏng hơn, nên hãy thường xuyên giữ lửa mối quan hệ và kết nối những người bạn Đại học của mình. Điều này rất quan trọng. Bởi vì khi đến một môi trường mới thì việc có cho mình một người bạn đồng hành, cùng học, cùng chia sẻ là điều đặc biệt cần thiết.
Những người bạn đó sẽ hỗ trợ cậu rất nhiều, xuyên suốt quãng thời gian Đại học nên việc chọn bạn cũng cần sự sáng suốt. Chất lượng hơn số lượng.
4. Kỹ năng sinh tồn, bỏ túi một chút có lúc cần dùng!
Xung quanh những điều lớn lớn mà người lớn thường dặn dò mỗi khi ta đi xa, thì những mẹo nhỏ, những kỹ năng “sinh tồn” cũng cần được lưu ý không kém.
Mình đã có một bài viết về chủ đề này, bao gồm những mẹo nhỏ mà mình tin rằng sẽ rất hữu ích với cậu. Nó bao gồm việc mang tiền khi đi học bao nhiêu là đủ, nên mang các đồ vật nào khi đi học,…
Ngoài ra, những kỹ năng mà sinh viên cần có như teamwork, public speaking, quản lý thời gian,.. là những kỹ năng cần trau dồi và luyện tập rất nhiều.
5. Kiến thức, yếu tố quan trọng nhất
Trước khi bước vào giảng đường một cách chính thức, đây có lẽ là khoảng thời gian chúng ta “rảnh rỗi” nhất. Vì vậy hãy trang bị thêm cho mình những kỹ năng, kiến thức cần thiết để khiến mình trở nên thú vị hơn, giúp kiếm thêm thu nhập và hỗ trợ cho nghề nghiệp sau này.
Đó có thể là tham gia các khóa học online, học ngoại ngữ hay trau dồi về khả năng viết content, định hướng phát triển thêm thu nhập khi còn là sinh viên thì có thể tham gia khóa học trả phí chất lượng như mình đang học. Tất cả tùy thuộc vào nhu cầu của cậu.
Một số bài viết mà mọi người có thể tham khảo thêm:
- Sinh viên năm nhất đi tìm việc làm thêm: Cách tìm việc an toàn và phù hợp
- “1001” chuyện làm thêm và sinh viên năm nhất: Lưu ý khi tìm việc
- Những sự thật tâm lý ít người biết: Đàn ông hài hước? Tin nhắn “tầm thường”?
Thật thà cảm ơn cậu đã đọc bài viết! Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với cậu. Nội dung bài viết dựa trên quan điểm và trải nghiệm cá nhân. Rất mong nhận được góp ý của cậu nếu có nội dung có thiếu sót. Chúc cậu thật vui vẻ.