Nếu vi xử lý được xem như “bộ não” thì màn hình lại chính là “cửa sổ tâm hồn” để người dùng cảm nhận toàn bộ những gì mà công nghệ có thể mang lại. Và thứ quyết định chất lượng của màn hình – từ độ sắc nét, màu sắc, góc nhìn cho đến độ tương phản – lại nằm ở yếu tố thường bị “lướt qua” và đó không gì khác chính là tấm nền. Có thể bạn đã từng nghe đến TN, IPS, OLED hay mới đây nhất là Mini LED, nhưng liệu bạn có biết chúng khác nhau ra sao và ảnh hưởng như thế nào đến trải nghiệm sử dụng hay chưa? Hãy cùng tìm hiểu chúng qua bài viết này nhé.

TN: Tấm nền dù “cổ điển” nhưng vẫn chưa lỗi thời

Kể từ những ngày đầu tiên khi thị trường máy tính vẫn còn đang phát triển, tấm nền TN (Twisted Nematic) đã từng là lựa chọn phổ biến nhất lúc bấy giờ. Ưu điểm lớn nhất của TN nằm ở tốc độ phản hồi cực nhanh, thậm chí chỉ với 1ms – điều mà các game thủ từng coi là “chuẩn mực vàng” cho trải nghiệm chơi game không độ trễ. Với tần số quét có thể lên đến 240Hz, TN khiến bạn cảm giác như mọi chuyển động đều được ‘vuốt ve’ một cách êm ái nhất.

Tuy nhiên, cái giá phải trả cho tốc độ phản hồi lại chính là chất lượng hiển thị. Do có góc nhìn hẹp, màu sắc dễ biến dạng nếu không nhìn trực diện và độ tương phản tương đối thấp khiến TN dần lép vế trước những công nghệ hiện đại hơn. Dù vậy, trong phân khúc giá rẻ và dành cho người dùng cần màn hình có khả năng phản hồi nhanh, TN vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc.

So sánh cách hoạt động của hai tấm nền là TN và IPS (Nguồn: Internet)
So sánh cách hoạt động của hai tấm nền là TN và IPS (Nguồn: Internet)

IPS: Khi màu sắc và góc nhìn lên ngôi

Tấm nền IPS (In-Plane Switching) ra đời như một cuộc cách mạng trong ngành do nó khắc phục hầu hết những điểm yếu cố hữu của TN trước đây. Với khả năng hiển thị màu sắc sống động, trung thực và góc nhìn rộng đến 178 độ, IPS nhanh chóng trở thành “vua tấm nền” trong phân khúc phổ thông và trung cấp.

Chạm vào màn hình IPS, bạn sẽ thấy rõ độ chắc chắn khi không còn hiện tượng lóe sáng hay biến dạng hình ảnh khi ấn vào như ở TN. Màu sắc của IPS gần như không thay đổi dù bạn nghiêng thiết bị từ nhiều góc độ khác nhau. Và đây cũng chính là lý do vì sao IPS rất được ưa chuộng trên các thiết bị di động, laptop, TV hay màn hình đồ họa chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, IPS vẫn có điểm yếu cố hữu là tiêu thụ điện năng nhiều hơn và đôi khi hơi nóng hơn so với TN. Nhưng bù lại, trải nghiệm hình ảnh mà nó mang lại thực sự vô cùng đáng giá.

IPS có góc nhìn rộng hơn TN (Nguồn: Internet)
IPS có góc nhìn rộng hơn TN (Nguồn: Internet)

VA: Sự dung hòa giữa tốc độ và màu sắc

Nằm đâu đó giữa TN và IPS là tấm nền VA (Vertical Alignment) – một lựa chọn cân bằng dành cho những ai không muốn hy sinh quá nhiều. VA có độ tương phản cao hơn IPS cùng khả năng tái tạo màu đen sâu và thể hiện chi tiết trong vùng tối rất tốt.

Tuy nhiên, VA lại không phải là lựa chọn lý tưởng cho game thủ hardcore. Tốc độ phản hồi của nó chậm hơn TN và có thể tạo ra hiệu ứng mờ trong các cảnh chuyển động nhanh. Ngoài ra, màu sắc hiển thị của VA tuy khá trung thực nhưng cũng không “bắt mắt” bằng IPS.

Dẫu vậy, nhờ giá thành hợp lý và chất lượng hình ảnh tương đối tốt, VA vẫn đang được sử dụng phổ biến trên các dòng TV, màn hình văn phòng và thiết bị giải trí tầm trung.

So sánh màu sắc trên cả ba tấm nền gồm TN, IPS và VA (Nguồn: Internet)
So sánh màu sắc trên cả ba tấm nền gồm TN, IPS và VA (Nguồn: Internet)

OLED: Bước tiến đột phá của thế giới hiển thị

Nhắc đến tấm nền cao cấp mà không kể về OLED (Organic Light-Emitting Diode) thì quả thật là thiếu sót lớn. Khác với TN, IPS hay VA khi chúng vốn đều thuộc nhánh LCD và cần đèn nền thì mỗi pixel của màn hình OLED lại là một nguồn sáng độc lập. Điều này giúp OLED đạt độ tương phản gần như vô hạn, màu đen sâu tuyệt đối, màu sắc rực rỡ cùng khả năng phản hồi cực nhanh.

Với OLED, bạn sẽ không còn thấy hiện tượng “halo” hay “blooming” xung quanh vùng sáng trên nền tối như ở các tấm nền LCD nữa. Khả năng tái tạo màu sắc và hiệu ứng thị giác của OLED khiến nó trở thành lựa chọn hàng đầu trong giới công nghệ từ smartphone cao cấp, TV 4K đến cả màn hình VR hiện đại.

Tuy nhiên, OLED vẫn có một “gót chân Achilles” và đó chính là hiện tượng burn-in. Sau thời gian dài sử dụng, các pixel có thể bị “lưu ảnh” khiến hình ảnh bị ám mờ vĩnh viễn. Dù các hãng đã cải thiện điều này bằng thuật toán và quản lý nhiệt độ, nhưng đây vẫn là yếu tố khiến nhiều người dùng e ngại khi nghĩ tới loại tấm nền hiện đại này.

Mini LED: Màn hình LED thế hệ mới đầy tiềm năng

Mini LED có thể xem là bước tiến hóa của tấm nền LCD truyền thống. Thay vì chỉ sử dụng vài bóng đèn nền lớn như LED thường, Mini LED dùng hàng nghìn bóng đèn siêu nhỏ để chiếu sáng từng vùng hình ảnh. Điều này giúp Mini LED có nhiều vùng làm tối cục bộ (local dimming) hơn, độ tương phản, hiển thị chi tiết vùng sáng và vùng tối tốt hơn, từ đó tiệm cận chất lượng của OLED.

Một điểm cộng lớn của Mini LED là khả năng đạt độ sáng rất cao vượt xa cả OLED. Trong khi OLED khó vượt qua ngưỡng 1000 nits, thì Mini LED có thể đạt đến 2000 nits và thậm chí hơn trong một số bài test. Ngoài ra, Mini LED không bị burn-in như OLED nên rất phù hợp cho những ai cần độ bền và độ sáng cao trong môi trường ánh sáng mạnh.

Tuy nhiên, giá thành của Mini LED hiện vẫn còn khá cao, và nếu không được kiểm soát tốt, màn hình Mini LED vẫn có thể xuất hiện hiện tượng blooming – tức là ánh sáng bị “tràn viền” từ vùng sáng sang vùng tối kế bên.

Lựa chọn tấm nền – lựa chọn trải nghiệm

Không có tấm nền nào là hoàn hảo tuyệt đối. Mỗi loại đều có ưu và nhược điểm riêng, và quyết định chọn loại nào còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn. Dù thế nào đi nữa, tấm nền không chỉ là phần cứng mà nó còn là cầu nối giữa người dùng và công nghệ. Và khi hiểu đúng về chúng, bạn sẽ không chỉ chọn được một chiếc màn hình phù hợp, mà còn chọn được đúng trải nghiệm mà mình đang tìm kiếm.

Xem thêm

YouTube Shorts sẽ có thêm tính năng tìm kiếm giống như Google Lens và Circle to Search

Video Shorts là một trong những sản phẩm quan trọng nhất và phát triển nhanh nhất của YouTube hiện nay, liên tục được bổ sung thêm nhiều tính năng mang đến trải nghiệm mới cho người dùng. Một tính năng sắp ra mắt trong vài tuần tới sẽ mang đến trải nghiệm kỳ diệu giống như Google Lens cho ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận