Do đâu trẻ bị thấp lùn? Từ những sai lầm trong giai đoạn mang thai cho đến những điều lầm tưởng như “ăn thật nhiều canxi để cao lớn”, hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu những nguyên nhân và giải pháp để cải thiện chiều cao cho các bé yêu nhé!
- Chiều cao có phải hoàn toàn do gene quyết định?
- 1. Dinh dưỡng cho mẹ trong giai đoạn mang thai
- 2. Trẻ không được bú mẹ đầy đủ trong 6 tháng đầu sau sinh
- 3. Ăn dặm không đúng cách
- 4. Trẻ ăn quá nhiều canxi cũng có thể bị lùn!
- 5. Trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn thường xuyên
- 6. Trẻ ít vận động
- 7. Thiếu ngủ cũng làm hạn chế chiều cao
Chiều cao có phải hoàn toàn do gene quyết định?
Chiều cao là yếu tố quan trọng làm nên vẻ đẹp ngoại hình của mỗi người. Trong cuộc sống hiện nay việc sở hữu thân hình cao ráo sẽ đem lại cho chúng ta nhiều lợi thế, không chỉ trong hoạt động thể chất hằng ngày mà còn ảnh hưởng đến việc xây dựng các mối quan hệ xã hội để phục vụ công việc.
Tuy nhiên trên thực tế chiều cao của người Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa được cải thiện đáng kể và vẫn phải “ngước nhìn” các nước khác trong khu vực theo đúng nghĩa đen. Vì sao lại như vậy? Nguyên nhân nào khiến trẻ em chậm phát triển chiều cao: do di truyền hay cách chăm sóc và lối sống?
Các nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng chiều cao tối đa mà mỗi người có thể đạt được khi trưởng thành phụ thuộc vào cả yếu tố di truyền lẫn các tác nhân từ môi trường. Tuy nhiên các gene của cha mẹ chỉ đóng góp khoảng 25% vào việc quyết định chiều cao, còn lại phần lớn vẫn là vai trò của lối sống bao gồm các yếu tố như dinh dưỡng, vận động, cách chăm sóc khi còn nhỏ…
Như vậy có thể hiểu đơn giản là “gene thấp” hay “gene cao” chỉ tạo phần nền tảng, còn chiều cao thực tế có đạt được đúng như gene đó quy định hay không lại phụ thuộc vào cách chúng ta chăm sóc cơ thể mình mỗi ngày. Người không may mang gene thấp nhưng áp dụng lối sống lành mạnh vẫn có thể chạm tới chiều cao lý tưởng trong phạm vi của gene đó.
Ngược lại, những trẻ em may mắn được cha mẹ truyền cho những “gene cao” nhưng nếu lối sống không khoa học, sinh hoạt không điều độ cũng khó có thể đạt chiều cao như mong muốn và có nguy cơ bị “lùn” khi trưởng thành. Vậy đâu là những sai lầm khiến trẻ em chậm phát triển chiều cao? Và làm thế nào để khắc phục những vấn đề đó? Cùng khám phá ngay nào!
1. Dinh dưỡng cho mẹ trong giai đoạn mang thai
Nhiều bà mẹ nghĩ đơn giản rằng khi mang thai chỉ cần tăng cân là được, nhưng lại ít chú ý đến thành phần dinh dưỡng có cân đối và đầy đủ các chất thiết yếu hay không. Để em bé phát triển chiều cao tối ưu, chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai đóng vai trò rất lớn, thậm chí quyết định đến cả quãng đời sau này.
Mức tăng cân hợp lý của các bà mẹ là khoảng 12kg trong suốt 9 tháng mang thai, trong đó cần đảm bảo cung cấp đủ các thực phẩm giàu dưỡng chất, quan trọng nhất đối với phát triển chiều cao là các vitamin B, C và vitamin A liều thấp, cùng các chất khoáng vi lượng như sắt, kẽm và canxi. Một trong những thực phẩm có chứa các chất này với hàm lượng dồi dào là sữa, do đó các bà mẹ nên bổ sung sữa vào khẩu phần ăn uống hằng ngày trong thai kỳ nhé.
2. Trẻ không được bú mẹ đầy đủ trong 6 tháng đầu sau sinh
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thuộc lòng câu nói “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Ngay cả các nhà sản xuất sữa bột cũng phải nhắc đi nhắc lại điều đó trước khi quảng cáo cho các sản phẩm thay thế sữa mẹ!
Lý do khiến sữa mẹ được coi là thực phẩm hoàn hảo cho trẻ nhỏ là vì sữa có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho giai đoạn phát triển đầu đời. Hơn nữa hàm lượng các chất này trong sữa được giữ ở mức cân đối và hệ tiêu hóa của trẻ dễ hấp thu hơn, chẳng hạn như protein trong sữa bò cao hơn sữa người nhưng lại là dạng protein khó tiêu, do đó trẻ uống sữa bò thực ra sẽ không tốt bằng bú sữa mẹ.
Mặt khác nhiều bà mẹ vì muốn lấy lại thân hình thon thả sau sinh nên ăn uống kiêng khem dẫn đến giảm chất lượng sữa mẹ, hoặc cho con bú sữa bột, sữa công thức thay thế hoàn toàn vì nhiều lý do như bận công việc hay quá tin vào quảng cáo. Những thói quen sai lầm này sẽ khiến trẻ bị thiếu chất nghiêm trọng, có thể gặp nhiều vấn đề về phát triển thể chất lẫn trí tuệ sau này.
Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ trong 6 tháng đầu sau sinh cần được bú sữa mẹ hoàn toàn, bú đủ bất cứ khi nào trẻ thấy đói và không cần ăn thêm bất kỳ thức ăn nào khác vì thực tế hệ tiêu hóa của trẻ trong giai đoạn này cũng chưa thể hoạt động “hết công suất” như người trưởng thành.
Để cung cấp đủ dưỡng chất cho con thông qua sữa mẹ, các bà mẹ đang cho con bú cần ăn uống đủ chất, đủ lượng, các loại thức ăn đa dạng và thay đổi thường xuyên để kích thích vị giác, đừng vì quá mê những món khoái khẩu mà ăn đi ăn lại dẫn đến thiếu chất, ngược lại cũng không nên cho quá nhiều gia vị mạnh để tăng hương vị cho món ăn bởi dễ làm rối loạn tiêu hóa.
Bên cạnh đó khi cần uống thuốc các bà mẹ cũng phải lưu ý một vài loại thuốc có thể bài tiết qua sữa. Một số loại an toàn trong khi những loại khác có thể ảnh hưởng đến cơ thể còn non nớt của trẻ nhỏ, do đó hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn chính xác nhé!
3. Ăn dặm không đúng cách
Thời điểm nào là thích hợp để bắt đầu cho trẻ ăn dặm? Đây là câu hỏi mà tất cả các bà mẹ đều đã từng thắc mắc và được gia đình, bạn bè “tư vấn” mỗi người một kiểu dẫn đến cho con ăn dặm sai cách, ảnh hưởng đến dinh dưỡng và tăng trưởng chiều cao cân nặng của trẻ.
Như đã nói ở trên, trong 6 tháng đầu đời trẻ có thể bú mẹ hoàn toàn mà không sợ bị thiếu chất, với điều kiện sữa mẹ có đầy đủ dinh dưỡng hợp lý. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chỉ nên cho trẻ ăn bổ sung các thực phẩm bên ngoài từ 6 tháng tuổi bởi đó là lúc cơ quan tiêu hóa của trẻ đã phát triển hoàn thiện để tiêu hóa được thức ăn phức tạp.
Riêng một số trường hợp có thể cho trẻ ăn sớm hơn như khi mẹ bị bệnh truyền nhiễm lây qua sữa, trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc suy dinh dưỡng cần được bổ sung thực phẩm từ bên ngoài.
Ở những trường hợp này giai đoạn đầu cũng phải cho trẻ uống sữa công thức chờ đến khi đủ 4 tháng tuổi mới bắt đầu ăn dặm, nếu ăn sớm hơn hệ tiêu hóa chưa đủ khả năng xử lý thức ăn sẽ khiến trẻ càng bị rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng và suy dinh dưỡng nguy hiểm hơn.
Ngược lại, cho ăn dặm quá trễ cũng có thể làm trẻ thiếu chất do cơ thể phát triển nhanh và mạnh nhưng sữa mẹ không cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng. Do đó từ 6 tháng tuổi trẻ nên được cho ăn dặm để đảm bảo sự tăng trưởng tối ưu.
Bên cạnh “đúng lúc” thì ăn dặm “đúng cách” cũng là vấn đề thường gặp nhưng không phải ai cũng biết cách giải quyết. Thói quen từ xưa các bà các mẹ thường chỉ cho trẻ ăn bột hoặc cháo với nước hầm xương, kiêng khem nhiều món như dầu mỡ, hải sản hay thiếu rau củ quả… Đó đều là những cách cho ăn không đúng, không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ.
Thực ra chế độ ăn dặm của trẻ cũng phải đảm bảo đầy đủ các nhóm chất như người trưởng thành: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Mỗi chén bột của trẻ cần được bổ sung đa dạng các loại thịt, cá, tôm, cua, trứng, rau củ và một ít dầu mỡ, hay còn gọi là nguyên tắc “tô màu chén bột”. Đặc biệt dầu mỡ với lượng thích hợp sẽ giúp cơ thể hấp thụ vitamin D và A vốn tan trong dầu, là những chất rất quan trọng để tăng trưởng chiều cao.
Ngoài ra cũng không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt nhiều đường vì dễ làm trẻ “nghiện” vị ngọt dẫn đến bỏ ăn các thực phẩm lành mạnh, hậu quả là cơ thể thiếu chất và nguy cơ béo phì.
4. Trẻ ăn quá nhiều canxi cũng có thể bị lùn!
Điều này nghe có vẻ “ngược đời”, nhưng thực tế lại là hiện tượng đã được khoa học ghi nhận.
Chiều cao của trẻ được quyết định bởi sự phát triển chiều dài xương, mà quá trình này lại phụ thuộc vào phần sụn tăng trưởng nằm ở đầu xương nơi có các tế bào liên tục phân chia để tạo nên xương mới. Tuy nhiên các tế bào sụn này không thể phân chia mãi mãi mà chỉ hoạt động vào những năm đầu của cuộc đời, sau đó sẽ bị cốt hóa tức biến đổi thành tế bào xương hoàn toàn không còn tăng trưởng thêm được nữa.
Khi hệ tiêu hóa hấp thu quá nhiều canxi từ thức ăn, lượng canxi trong máu tăng cao sẽ được đưa vào xương nhiều hơn làm phần sụn tăng trưởng bị cốt hóa sớm, do đó chiều cao của trẻ sẽ bị chững lại so với các trẻ ăn uống hợp lý.
Ngoài ra dư thừa canxi còn có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác cho sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nguy cơ sỏi thận… Như vậy các bậc cha mẹ hãy đảm bảo chế độ ăn uống của con cân bằng các chất dinh dưỡng ở mức độ vừa phải thay vì nhồi nhét thật nhiều thức ăn giàu canxi nhé!
5. Trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn thường xuyên
Nguyên nhân khiến các trẻ mắc bệnh nhiễm trùng lại chậm phát triển chiều cao là vì thuốc kháng sinh dùng để chữa bệnh có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của xương. Bên cạnh đó trẻ bị bệnh cũng biếng ăn hơn dẫn đến thiếu chất và thấp bé nhẹ cân.
Do đó ngoài việc chăm lo chế độ dinh dưỡng cha mẹ cũng nên chú ý phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp như tiêm vaccine và giữ vệ sinh nhé.
6. Trẻ ít vận động
Nhiều gia đình vì quá cưng con mà lúc nào cũng bế ẵm hoặc cho trẻ nằm trong nôi, đến khi được vài tuổi lại ít vận động vì bị bắt học quá nhiều hoặc “nghiện” tivi máy tính ở nhà. Lối sống thụ động như vậy từ lâu đã được khoa học chứng minh là gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe, trong đó có việc phát triển chiều cao.
Hoạt động thể chất thường xuyên có tác dụng kích thích quá trình chuyển hóa của cơ thể, tăng cường trao đổi chất để các tế bào phát triển mạnh mẽ hơn, bao gồm cả hệ xương.
Thay vì cưng chiều con bằng cách “nhốt” trẻ trong nhà suốt ngày, cha mẹ nên khuyến khích con vận động dưới nhiều hình thức như làm việc nhà, chơi thể thao, vui chơi cùng bạn bè… Các hoạt động này nên được duy trì đều đặn mỗi ngày, không chỉ tốt cho thể chất mà còn giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội nữa.
7. Thiếu ngủ cũng làm hạn chế chiều cao
Nghe thì có vẻ chẳng liên quan, nhưng thực tế giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển chiều cao cũng như tăng trưởng thể chất nói chung. Nguyên nhân là vì trong lúc ngủ tuyến yên ở não sẽ tiết ra hormone tăng trưởng (GH) có tác dụng kích thích cơ thể phát triển nhanh. Những trẻ ít ngủ sẽ mất đi cơ hội nhận được lượng hormone này, do đó có thể bị lùn về sau.
Để giúp con ngủ đủ giấc và phát triển chiều cao như mong muốn, hãy tập cho trẻ thói quen đi ngủ sớm vào khung giờ cố định, hạn chế các thiết bị điện tử không cần thiết dễ làm trẻ “ham vui” không muốn ngủ, ngoài ra cũng không nên bắt trẻ học quá nhiều, vừa phải thức khuya làm bài lại vừa căng thẳng khó đi vào giấc ngủ.
Chiều cao tốt không chỉ tôn lên vẻ đẹp ngoại hình mà còn giúp ích rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày. Hãy áp dụng những biện pháp đơn giản nêu trên để con em mình phát triển toàn diện và lớn khỏe mỗi ngày bạn nhé!
Mời bạn tham khảo những thông tin lý thú khác của BlogAnChoi:
- 5 quan niệm sai lầm nhưng rất thường gặp về tật cận thị
- Những nguyên nhân gây bệnh ung thư và làm thế nào để phòng tránh chúng
Hãy nhớ đón xem những bài viết hấp dẫn và bổ ích được mang đến cho bạn mỗi ngày tại BlogAnChoi nhé!