Cận thị là tật khúc xạ thường gặp của mắt mà ai cũng biết, nhưng bạn đã bao giờ nghe nói đến “cận thị giả”? Bất ngờ hơn nữa là có thể chính bạn cũng đã từng mắc phải tình trạng này mà không để ý thôi! Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về khái niệm nghe khá lạ tai này nhé!

Cận thị giả là gì?

Để trả lời câu hỏi này trước tiên chúng ta cần xem lại cận thị thật xảy ra như thế nào nhé.

Sự khác biệt giữa mắt cận thị và mắt bình thường (Ảnh: Internet).
Sự khác biệt giữa mắt cận thị và mắt bình thường (Ảnh: Internet).

Mắt có cấu tạo như một thấu kính giúp điều chỉnh tia sáng đi vào hội tụ trên võng mạc để tạo hình ảnh. Nhưng không giống như những thấu kính nhân tạo, độ hội tụ của mắt có thể thay đổi liên tục để thích ứng với các vật ở gần hoặc xa.

Nếu như với kính lúp chúng ta phải đưa kính tới lui để nhìn rõ vật thì mắt lại điều chỉnh độ hội tụ bằng cách khác, đó là thay đổi hình dạng của thủy tinh thể. Đây là cấu trúc có độ đàn hồi cao và đóng vai trò chủ đạo làm nên độ hội tụ của toàn bộ mắt. Bình thường thủy tinh thể được dây chằng “treo” vào một vòng cơ gọi là cơ thể mi như hình dưới đây:

Các bộ phận cấu tạo nên mắt của chúng ta (Ảnh: Internet).
Các bộ phận cấu tạo nên mắt của chúng ta (Ảnh: Internet).

Khi nhìn các vật ở xa, cơ thể mi giãn làm các dây chằng treo kéo căng thủy tinh thể thành dạng dẹt nên độ hội tụ giảm và mắt ở trạng thái thư giãn thoải mái. Còn khi phải nhìn gần các cơ này sẽ co, dây chằng chùng lại làm thủy tinh thể phồng lên do đàn hồi, khi đó độ hội tụ tăng lên và nếu duy trì lâu sẽ làm mắt cảm thấy mỏi (giống như mọi cơ bắp khác trong cơ thể chúng ta vậy).

Sự thay đổi độ hội tụ của mắt như trên được gọi là điều tiết mắt. Cận thị xảy ra do các khuyết tật bẩm sinh làm cấu trúc của mắt bất thường, hoặc khi thủy tinh thể phồng liên tục lâu ngày do nhìn gần quá nhiều và không thể dẹt lại như trước được nữa. Cả hai trường hợp này đều khiến độ hội tụ của mắt tăng và cố định, không thể thay đổi linh hoạt để thích ứng với khoảng cách nhìn khác nhau. Kết quả là người bị cận chỉ có thể nhìn rõ vật ở gần còn khi nhìn xa sẽ thấy mờ.

Cận thị làm những hình ảnh ở xa bị mờ (Ảnh: Internet).
Cận thị làm những hình ảnh ở xa bị mờ (Ảnh: Internet).

Như vậy cận thị thật là hiện tượng mắt tăng độ hội tụ một cách cố định và không thể tự khỏi, phương pháp duy nhất có thể phục hồi khả năng điều tiết của mắt về bình thường là phẫu thuật.

Cận thị giả là gì?

Những người vừa trải qua một thời gian học tập làm việc căng thẳng khiến mắt phải nhìn gần quá lâu sẽ có cảm giác nhìn mờ hơn trước và nghĩ rằng mình đã bị cận thị. Thậm chí có người còn lấy kính cận đeo thử, thấy nhìn rõ hơn hẳn và cứ thế ra tiệm mua kính đeo luôn mà không tới khám tại các cơ sở y tế.

Sau khi làm việc mệt mỏi mắt có thể bị mờ giống như cận thị (Ảnh: Internet).
Sau khi làm việc mệt mỏi mắt có thể bị mờ giống như cận thị (Ảnh: Internet).

Thực ra hiện tượng mắt mỏi và nhìn mờ sau khi tập trung quá lâu không đồng nghĩa rằng bạn đã bị cận thị, mà có thể chỉ là dấu hiệu cận thị giả hay còn gọi là cận thị tạm thời. Mặc dù cũng là một tình trạng bệnh lý nhưng cận thị giả không cố định mãi mãi như cận thị thật mà có thể tự khỏi sau một thời gian mắt được nghỉ ngơi thư giãn.

Cận thị giả cũng biểu hiện nhìn gần không rõ nhưng nguyên nhân không phải do biến dạng của nhãn cầu hoặc thủy tinh thể mất độ đàn hồi như cận thị thật, mà do cơ thể mi bị co liên tục làm thủy tinh thể luôn trong trạng thái phồng, tăng độ hội tụ làm cho hình ảnh không hiện rõ trên võng mạc.

Cận thị giả xảy ra sau một thời gian mắt phải làm việc căng thẳng (Ảnh: Internet).
Cận thị giả xảy ra sau một thời gian mắt phải làm việc căng thẳng (Ảnh: Internet).

Nguyên nhân làm co thắt cơ thể mi gây cận thị giả là do thần kinh đối giao cảm bị kích thích quá mức hoặc mắt bị “quá tải” sau khi hoạt động hết công suất trong thời gian dài, tương ứng với hai nguyên nhân này mà cận thị giả được chia thành thực thể hay cơ năng.

Phân biệt cận thị giả và cận thị thật như thế nào?

Về triệu chứng, cận thị giả cũng giống cận thị thật ở điểm nổi bật nhất là cảm giác mờ mắt khi nhìn xa, ngoài ra có thể kèm nhức mỏi, chảy nước mắt, đặc biệt khi đeo kính cận vào sẽ thấy rõ hơn.

Biểu hiện của cận thị giả giống hệt như cận thị thật (Ảnh: Internet).
Biểu hiện của cận thị giả giống hệt như cận thị thật (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên điểm khác biệt quan trọng nhất giúp phân biệt hai dạng bệnh này là cận thị giả sẽ tự hết sau khi mắt được nghỉ ngơi hoặc điều trị dưới hướng dẫn của bác sĩ, còn cận thị thật không thể tự khỏi mà phải đeo kính hoặc phẫu thuật mới có thể chữa dứt điểm.

Điều cần lưu ý là người bị cận thị giả khi đeo kính sẽ thấy mắt nhìn rõ hơn ngay lập tức, nhưng nếu tiếp tục đeo lâu hơn sẽ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như nhức mỏi mắt, nhìn mờ kể cả khi có kính, đau đầu. Nếu vẫn chủ quan tiếp tục đeo thì chẳng mấy chốc mắt sẽ bị cận thị thật do phải điều tiết liên tục với cường độ cao để thích nghi với cặp kính.

Hãy khám mắt tại các cơ sở y tế khi thấy mắt mờ, mỏi (Ảnh: Internet).
Hãy khám mắt tại các cơ sở y tế khi thấy mắt mờ, mỏi (Ảnh: Internet).

Vì cận thị giả có thể gây ra những tác hại nghiệm trọng đối với thị lực nếu không được chẩn đoán đúng nên khi thấy mắt nhìn mờ bạn nên tới các cơ sở có chuyên khoa mắt để được khám chính xác. Đối với bác sĩ việc phân biệt hai tình trạng này khá đơn giản và không cần chờ tới vài ngày để xem mắt có tự hồi phục về bình thường hay không.

Tại phòng khám bạn sẽ được nhỏ một loại thuốc có tác dụng làm giãn cơ thể mi (thường là thuốc atropine) trước khi đo thị lực. Nếu chỉ là cận thị giả, thuốc sẽ giúp mắt nhìn rõ lại ngay mà không cần đeo kính, còn cận thị thật chỉ có thể được cải thiện bằng cách đeo kính cận mà thôi.

Trên thực tế việc nhỏ thuốc giãn cơ thể mi như vậy là thao tác bắt buộc mà các bác sĩ phải thực hiện trong mỗi lần khám mắt, do đó khi đến các cơ sở y tế bạn sẽ tránh được nguy cơ bị chẩn đoán nhầm giữa cận thị thật và giả.

Cách điều trị và phòng ngừa cận thị giả như thế nào?

Vì là một bệnh “giả” nên cách điều trị cũng không quá phức tạp. Đối với những trường hợp nhìn mờ sau một thời gian làm việc mệt mỏi, chỉ cần cho mắt thư giãn, ăn uống nghỉ ngơi điều độ và kết hợp với thuốc nhỏ mắt theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp mắt tự hồi phục và nhìn rõ trở lại.

Hãy cho mắt được nghỉ ngơi bạn nhé! (Ảnh: Internet).
Hãy cho mắt được nghỉ ngơi bạn nhé! (Ảnh: Internet).

Những trường hợp cận thị giả nặng hơn sẽ được bác sĩ hướng dẫn đeo kính chuyên dụng để giảm bớt gánh nặng cho mắt, giúp mắt không phải điều tiết quá nhiều khi làm việc. Tuy nhiên khi thị lực đã trở về bình thường người bệnh phải dừng đeo kính ngay để tránh mắt bị cận thị thật.

Bạn có thể phòng ngừa tình trạng cận thị giả bằng những biện pháp đơn giản trong lối sống hằng ngày như:

  • Khi học tập hoặc làm những công việc đòi hỏi phải nhìn gần, bạn nên dành ra những khoảng ngắn để mắt được thư giãn, tránh căng thẳng liên tục quá lâu. Một trong những cách giúp mắt nghỉ ngơi là công thức 20-20-20, tức là sau mỗi 20 phút nhìn gần thì nên dành 20 giây để nhìn ra khoảng cách xa 20 feet (tương đương 6 mét).
Thư giãn trong lúc làm việc giúp mắt không bị căng thẳng liên tục (Ảnh: Internet).
Thư giãn trong lúc làm việc giúp mắt không bị căng thẳng liên tục (Ảnh: Internet).
  • Hạn chế nhìn quá gần khi học tập, làm việc, không nên đọc sách, xem điện thoại ở nơi thiếu ánh sáng hoặc môi trường rung lắc như trên tàu xe vì khiến mắt phải điều tiết liên tục với cường độ cao.
  • Mát xa cho mắt để tăng tuần hoàn máu và giúp các cơ vùng mắt được thư giãn, tránh căng cứng gây đau mỏi, nhìn mờ. Bạn có thể tham khảo các động tác mát xa đơn giản cho mắt trong video dưới đây:

  • Tập nhìn xa mỗi ngày thông qua những hoạt động như thả diều, ngắm sao, đi dạo ngắm cảnh… Đó cũng là lúc bạn được tạm thoát khỏi sách vở hay những màn hình điện tử luôn tạo áp lực căng thẳng cho mắt.
  • Chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể và đặc biệt là đôi mắt thông qua những thực phẩm đa dạng và giàu dưỡng chất.

Như vậy cận thị giả là tình trạng rối loạn thoáng qua của mắt khiến bạn nhìn xa không rõ, nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn một cách đơn giản và trả lại cho bạn đôi mắt sáng khỏe.

Điều quan trọng là mỗi khi thấy những dấu hiệu bất thường bạn hãy đến các cơ sở có uy tín để được thăm khám chính xác, đừng bao giờ tự chữa bệnh tại nhà hay nghe theo những lời đồn vô căn cứ nhé, hậu quả khôn lường!

Mời bạn đọc thêm những bài viết liên quan:

Hãy đón xem những thông tin hữu ích và lý thú được mang đến cho bạn mỗi ngày tại BlogAnChoi nhé!

Xem thêm

Ung thư buồng trứng: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ung thư buồng trứng có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai buồng trứng. Bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ trung niên sau 50 tuổi. Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng đã trở nên hiệu quả hơn trong những năm gần đây, với kết quả tốt nhất khi bệnh được phát hiện sớm.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận