Có thể bạn đã từng nghe nói đến vi khuẩn Salmonella và biết rằng đó là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm. Nhưng còn những sự thật nào khác về loại vi khuẩn lây nhiễm cho rất nhiều người trên khắp thế giới này và vẫn thường xuyên xuất hiện trên các tin tức thời sự? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) hồi tháng 7/2020 đã ban hành lệnh thu hồi đối với hành tây tại nước này do lo ngại nhiễm khuẩn Salmonella. Đồng thời FDA cùng với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) và các đối tác khác cũng đã điều tra một đợt bùng phát nhiễm khuẩn Salmonella xảy ra ở nhiều bang trên khắp nước Mỹ, có thể liên quan đến quả đào.

Vi khuẩn Salmonella là thủ phạm thường xuyên gây ra nhiều đợt ngộ độc thực phẩm (Ảnh: Internet).
Vi khuẩn Salmonella là thủ phạm thường xuyên gây ra nhiều đợt ngộ độc thực phẩm (Ảnh: Internet).

Sau đây là 10 điều bạn cần biết về vi khuẩn Salmonella, từ sự lây truyền và cách phòng ngừa chúng cho đến những biến chứng đáng ngạc nhiên và cả một số sự thật thú vị về chúng nữa.

1. Có một số loại thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn Salmonella hơn

Rita M. Knotts, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại trung tâm y tế NYU Langone, New York, cho biết: mặc dù sự bùng phát của vi khuẩn Salmonella có liên quan đến mọi loại thực phẩm, từ trái cây cắt sẵn đến thịt đông lạnh, nhưng nhìn chung vi khuẩn này thường có ở các loại thịt, sữa và trứng.

Những loại thực phẩm từ động vật có nguy cơ nhiễm Salmonella cao hơn (Ảnh: Internet).
Những loại thực phẩm từ động vật có nguy cơ nhiễm Salmonella cao hơn (Ảnh: Internet).

Theo Hiệp hội Bảo vệ Thực phẩm Quốc tế, sự bùng phát vi khuẩn Salmonella ở gia cầm chiếm khoảng 19% các trường hợp nhiễm khuẩn, trứng chiếm 14,8% và thịt bò chiếm 7%.

Theo bác sĩ Knotts, Salmonella lây truyền qua đường phân-miệng, vì vậy con người có thể bị nhiễm khuẩn nếu tiếp xúc với những thực phẩm này, có thể là qua nguồn nước được dùng để rửa chúng. “Có thể do bàn tay chưa rửa của công nhân thực phẩm hoặc cách họ rửa đã dẫn đến ô nhiễm chéo”.

Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, hãy nhớ rửa tay kỹ trước và sau khi xử lý thực phẩm. Rửa thực phẩm tươi bằng nước giúp giảm bớt vi khuẩn và mầm bệnh gây hại, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn được. CDC khuyến cáo nên mua các loại rau xanh đóng gói sẵn được dán nhãn “đã rửa ba lần” hoặc “có thể ăn ngay”.

Tuy nhiên bạn nên cẩn thận khi rửa các loại thịt trước khi nấu, vì nước từ thịt sống có thể bắn tung tóe và làm nhiễm bẩn các thực phẩm, đồ dùng và bề mặt khác. Rửa tay, vệ sinh căn bếp sạch sẽ và dùng thớt riêng cho đồ sống là những biện pháp có thể giúp bảo vệ bạn và gia đình khỏi ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh đó, nấu chín kỹ các loại thịt là yếu tố quan trọng để tiêu diệt vi khuẩn. Theo hướng dẫn an toàn thực phẩm của Mỹ, thịt gà phải đạt nhiệt độ bên trong tối thiểu là khoảng 75 độ C và thịt bò phải đạt khoảng 65 độ C.

2. Salmonella có thể lây từ người sang người và khi tiếp xúc với động vật

Salmonella có thể lây truyền rất nhanh qua đường tiêu hóa (Ảnh: Internet).
Salmonella có thể lây truyền rất nhanh qua đường tiêu hóa (Ảnh: Internet).

Salmonella có thể lây truyền từ người sang người qua đường phân-miệng. Ở New York vào đầu những năm 1900, có một phụ nữ tên là Typhoid Mary đã gây ra đợt bùng phát vi khuẩn Salmonella nổi tiếng trong lịch sử, mà nguyên nhân là vì cô đã không rửa tay khi làm công việc nấu ăn cho nhiều người.

Theo bác sĩ Knotts, sự lây truyền từ người sang người nhìn chung rất hiếm xảy ra. Salmonella không phải là tác nhân lây qua không khí như COVID-19, mà chỉ có thể xâm nhập thông qua đường tiêu hóa, thường là từ phân của động vật bị nhiễm bệnh hoặc khi chúng ta ăn thứ gì đó bị nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên bạn cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn này khi tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh. Ví dụ như vào tháng 7 năm 2020, CDC và các cơ quan y tế công cộng của Mỹ đã điều tra các đợt bùng phát nhiễm khuẩn Salmonella ở nhiều nơi có liên quan đến việc tiếp xúc với gia cầm trong các hộ gia đình, chẳng hạn như gà con và vịt con.

Gia cầm có thể là nguồn lây Salmonella cho người (Ảnh: Internet).
Gia cầm có thể là nguồn lây Salmonella cho người (Ảnh: Internet).

Gia cầm thả vườn có thể mang vi khuẩn Salmonella ngay cả khi chúng trông khỏe mạnh, sạch sẽ và không có dấu hiệu bệnh tật,” theo CDC. Đó là lý do tại sao bạn nên rửa tay bằng xà phòng và nước ngay sau khi chạm vào gia cầm, trứng của chúng hoặc bất cứ thứ gì trong khu vực mà chúng sinh sống và đi qua.

3. Có nhiều chủng vi khuẩn Salmonella khác nhau

Khi nói đến “Salmonella” là thực ra chúng ta đang đề cập đến nhiều chủng vi khuẩn khác nhau. Theo CDC, đã có hơn 2.500 nhóm hoặc tuýp huyết thanh của Salmonella được xác định cho đến nay – trong đó có khoảng 100 chủng gây ra hầu hết các bệnh nhiễm trùng ở người. Hai chủng gây bệnh phổ biến nhất ở Mỹ là Salmonella thương hàn – còn được gọi là Salmonella Typhi – và Salmonella không thương hàn.

Sốt thương hàn là một bệnh đe dọa tính mạng do Salmonella enterica tuýp huyết thanh Typhi và Salmonella enterica tuýp huyết thanh Paratyphi gây ra. Hầu hết các trường hợp bị nhiễm bệnh sốt thương hàn đều tập trung ở một số khu vực trên thế giới và lây lan khi có người từ nơi khác đi du lịch tới. Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, nhức đầu, chán ăn và mệt mỏi.

4. Các loài vật nuôi có thể mang vi khuẩn Salmonella mà không bị ảnh hưởng gì

Vật nuôi thường bị nhiễm khuẩn Salmonella do ăn thức ăn hoặc nước uống có chứa vi khuẩn. Nhiễm Salmonella không phổ biến ở chó mèo, và những vật nuôi mắc bệnh này thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Tuy vậy chúng vẫn có thể là vật mang vi khuẩn và truyền bệnh cho con người, theo FDA.

Thú cưng có thể là nguồn chứa vi khuẩn Salmonella (Ảnh: Internet).
Thú cưng có thể là nguồn chứa vi khuẩn Salmonella (Ảnh: Internet).

Ví dụ như chó có thể lây truyền vi khuẩn qua phân và nước bọt, vì vi khuẩn sống trong đường ruột của chúng. Mèo có thể lây bệnh bằng cách nhảy lên mặt bàn bếp hoặc bàn ăn. Các chuyên gia y tế đặc biệt khuyến cáo mọi người nên rửa tay kỹ sau khi dọn phân của vật nuôi hay dọn dẹp ổ của chúng. Thật khó để từ bỏ những người bạn bốn chân này, nhưng bạn nên cố gắng để thú cưng tránh xa khu vực nấu nướng hoặc bàn ăn.

Chó cũng có thể lây truyền vi khuẩn khi bạn ôm hôn chúng, vì vậy để tránh bị nhiễm khuẩn, bạn hãy rửa sạch những chỗ bị chúng liếm và giữ cho các bề mặt vật dụng trong nhà luôn sạch sẽ. Các động vật khác cũng có thể lây truyền vi khuẩn Salmonella là rùa, thằn lằn, gà, vịt, ngỗng, chuột, và các vật nuôi trong trang trại như dê, bò, lợn.

5. Nhiễm khuẩn Salmonella có thể dẫn đến viêm khớp hoặc hội chứng ruột kích thích

Những người bị nhiễm vi khuẩn Salmonella có nguy cơ mắc một dạng viêm khớp đặc biệt. Theo Hội Thấp khớp học Mỹ, viêm khớp phản ứng là một bệnh của khớp gây viêm và rất đau, xảy ra do phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng trong bộ phận sinh dục (chẳng hạn như Chlamydia) hoặc đường ruột (chẳng hạn như Salmonella).

Các khớp có thể bị viêm và đau do phản ứng với nhiễm khuẩn (Ảnh: Internet).
Các khớp có thể bị viêm và đau do phản ứng với nhiễm khuẩn (Ảnh: Internet).

Theo bác sĩ Knotts, “bạn có thể bị viêm khớp phản ứng ngay lập tức nếu bị nhiễm vi khuẩn. Chính các kháng nguyên có trong vi khuẩn Salmonella ảnh hưởng đến khớp của bạn”. Tuy nhiên đây không phải là biến chứng lâu dài, vì thông thường khi hết nhiễm trùng thì bệnh viêm khớp cũng sẽ khỏi.

Knotts cho biết một trong những biến chứng nghiêm trọng lâu dài liên quan đến vi khuẩn Salmonella cần chú ý là hội chứng ruột kích thích (IBS) sau nhiễm trùng, có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng, có khoảng từ 4% đến 32% bệnh nhân mắc IBS sau nhiễm trùng sau khi đã nhiễm khuẩn Salmonella, bên cạnh các loại vi khuẩn khác lây truyền qua đường tiêu hóa.

6. Tỏi và quế có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn Salmonella

Đây là các nguyên liệu rất dễ kiếm trong các căn bếp (Ảnh: Internet).
Đây là các nguyên liệu rất dễ kiếm trong các căn bếp (Ảnh: Internet).

Hầu hết các trường hợp viêm dạ dày ruột liên quan đến vi khuẩn Salmonella có thể tự khỏi trong vòng một tuần mà không cần điều trị. Bệnh nhân nên uống nhiều nước để giúp bổ sung lượng chất lỏng bị mất do tiêu chảy và nôn mửa. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, hoặc nếu người bệnh có nguy cơ bị biến chứng nguy hiểm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.

Có một số bằng chứng cho thấy các nguyên liệu thường gặp trong căn bếp của bạn cũng có thể giúp đối phó với vi khuẩn này. Các nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng đặc tính kháng khuẩn của tinh dầu vỏ quế có thể chống lại các chủng vi khuẩn gây bệnh như Salmonella Typhi và Paratyphi.

Vỏ quế có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe (Ảnh: Internet).
Vỏ quế có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu khác so sánh hoạt tính kháng khuẩn trong nhiều loại gia vị như thì là, quế và đinh hương, phát hiện ra rằng quế có khả năng chống vi khuẩn tốt nhất.

Các nghiên cứu cũng cho thấy đặc tính kháng khuẩn của tỏi có thể giúp điều trị bệnh nhiễm Salmonella. Một nghiên cứu trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm chỉ ra rằng nước xốt từ tỏi có thể làm giảm khả năng tồn tại của vi khuẩn Salmonella trong thực phẩm.

Tuy nhiên các bằng chứng hiện nay vẫn còn hạn chế, vì vậy nếu muốn sử dụng các loại tinh dầu hoặc thực phẩm bổ sung để hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn thì bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn nhé.

7. Vi khuẩn Salmonella được phát hiện bởi một bác sĩ thú y có tên là Salmon

Bác sĩ thú y Daniel Elmer Salmon (Ảnh: Internet).
Bác sĩ thú y Daniel Elmer Salmon (Ảnh: Internet).

Năm 1876, Daniel Elmer Salmon được trao bằng bác sĩ thú y đầu tiên ở Mỹ sau khi tốt nghiệp Đại học Cornell. Kể từ đó bác sĩ Salmon bắt đầu điều tra các bệnh truyền nhiễm ở gia súc và vật nuôi trong trang trại bao gồm sốt gia súc Texas, dịch tả lợn, dịch tả gà và bệnh lở mồm long móng.

Để ghi nhớ những đóng góp mang tính đột phá của Salmon, vi khuẩn Salmonella đã được đặt theo tên ông bởi Theobald Smith, cũng là một nhà nghiên cứu về động vật và là người đầu tiên xác định được vi khuẩn này trong khi nghiên cứu bệnh tả lợn.

8. Tuổi tác, các loại thuốc và bệnh đang mắc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm Salmonella

Theo báo cáo của CDC, những người có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh tiểu đường, bệnh tim, ung thư, bệnh thận và HIV/AIDS có nguy cơ bị nhiễm khuẩn do ngộ độc thực phẩm cao hơn.

Hệ miễn dịch suy yếu là cơ hội để tác nhân gây bệnh xâm nhập (Ảnh: Internet).
Hệ miễn dịch suy yếu là cơ hội để tác nhân gây bệnh xâm nhập (Ảnh: Internet).

Người lớn từ 65 tuổi trở lên cũng như phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella cao hơn. Trên thực tế, trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ phải nhập viện cao gấp 3 lần nếu bị nhiễm vi khuẩn này.

Những người đang dùng một số loại thuốc như thuốc giảm axit dạ dày cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn.

9. Bảo quản trứng trong tủ lạnh làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn

Để trứng ngay trên mặt bếp là thói quen phổ biến của nhiều người nội trợ, nhưng các chuyên gia khuyến cáo rằng nên bảo quản trứng trong tủ lạnh sẽ an toàn hơn.

Giữ trứng trong tủ lạnh sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn hơn (Ảnh: Internet).
Giữ trứng trong tủ lạnh sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn hơn (Ảnh: Internet).

Giữ trứng trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4 độ C hoặc thấp hơn sẽ giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có hại, bao gồm cả Salmonella. Điều này cũng đúng đối với các món ăn được làm từ trứng, vì vậy đừng để chúng ở nhiệt độ phòng quá hai tiếng đồng hồ. Ngoài ra bạn cũng nên vứt bỏ những quả trứng bị nứt hoặc hư hỏng và bỏ vỏ trứng đúng chỗ nhé.

10. Salmonella thường gặp nhiều hơn vào mùa hè

Bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella xuất hiện nhiều hơn trong những tháng ấm áp, khi nhiệt độ tăng và vi khuẩn sinh sôi phát triển thuận lợi hơn.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh, hãy bảo quản các loại thực phẩm dễ hư hỏng như sữa, trứng, thịt và đồ tươi sống trong tủ lạnh hoặc đông lạnh. Đừng quên cất thức ăn thừa vào hộp và để trong tủ lạnh trong vòng hai giờ sau khi nấu xong, hoặc chỉ một giờ nếu nhiệt độ ngoài trời cao hơn 30 độ C.

Thực phẩm tươi sống dễ bị nhiễm khuẩn khi thời tiết nóng (Ảnh: Internet).
Thực phẩm tươi sống dễ bị nhiễm khuẩn khi thời tiết nóng (Ảnh: Internet).

Đông lạnh thực phẩm có thể ngăn vi khuẩn sinh sôi nhưng không thể hoàn toàn tiêu diệt được Salmonella, vì vậy bạn vẫn phải cẩn thận trong cách sơ chế nguyên liệu và nấu nướng bất kỳ loại thực phẩm nào.

Tổng kết

Vi khuẩn Salmonella là tác nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn đối với thực phẩm hằng ngày cũng như các động vật mà bạn tiếp xúc để tránh nguy cơ bị lây các vi khuẩn có hại như Salmonella nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

"Hội chứng bệnh trong nhà" là gì? Vì sao môi trường trong nhà cũng có thể sinh bệnh?

Đã bao giờ bạn cảm thấy cơ thể mình không được khỏe khi ở lâu trong một căn phòng hay tòa nhà nào đó mà không tìm được nguyên nhân rõ ràng? Nếu đúng như vậy thì rất có khả năng bạn đã gặp phải "hội chứng bệnh trong nhà" - một hiện tượng ít khi được nhắc đến ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận