Bạn muốn tự học tiếng Trung tại nhà nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Hãy yên tâm vì ngay sau đây, BlogAnChoi sẽ bật mí cho bạn những bước cơ bản để bắt đầu tự chinh phục ngoại ngữ này nhé!

1. Xác định mục tiêu rõ ràng trước khi bắt đầu tự học

Trước khi bắt đầu tự học một ngoại ngữ mới, điều đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần làm đó là xác định rõ mục tiêu của bản thân. Xác định được lý do và đề ra mục tiêu học tập rõ ràng sẽ giúp bạn định hướng được phương pháp học tập và lộ trình học tập phù hợp, hiệu quả nhất.

Có thể có vô vàn lý do để bạn bắt đầu học tiếng Trung như: bạn cần học tiếng Trung để làm việc tại các công ty, nhà xưởng nước ngoài; bạn cần có chứng chỉ tiếng Trung HSK để đi du học, xét tốt nghiệp hay chỉ đơn giản là muốn xem phim, nghe nhạc mà không cần phải đợi Vietsub…

Từ lý do mà bạn đã xác định được, hãy đặt ra cho bản thân mình một mục tiêu cụ thể để hướng đến và phấn đấu đạt được. Điều này sẽ giúp bạn không đi lạc đường trong hành trình tự học tiếng Trung của mình.

Ví dụ: với lý do tự học tiếng Trung để có thể xem phim tiếng Trung mà không cần đợi Vietsub, bạn đặt ra mục tiêu phải học đến khi nào có thể xem phim Trung Quốc không cần Vietsub cũng có thể hiểu được thì thôi và trong khoảng thời gian dự kiến là 1 năm phải đạt được mục tiêu này rồi tính tiếp.

Với lý do và mục tiêu như trên, bạn biết được rằng để đạt được mục tiêu đã đề ra, bạn cần phải học đầy đủ và cân bằng tất cả các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và nắm vững được từ vựng cùng ngữ pháp cơ bản được sử dụng hàng ngày trong giao tiếp tiếng Trung.

2. Xác định kiểu chữ Hán cần học

Tại sao cần xác định kiểu chữ Hán cần học ?

Lý do đơn giản là do tiếng Trung Quốc có 2 cách viết được sử dụng là chữ phồn thể và chữ giản thể.

Chữ Hán phồn thể

Chữ Hán phồn thể hay chữ Hán chính thể xuất hiện lần đầu cùng với các văn bản ghi chép thời nhà Hán. Có thể xem chữ phồn thể là kiểu chữ truyền thống của Trung Hoa bởi mỗi chữ có một nguồn gốc, và mang ý nghĩa sâu xa.

Ngày nay, chữ phồn thể được sử dụng đa số tại các chùa chiền, miếu mạo, công trình từ xa xưa và tại Đài Loan cùng các nước nói tiếng Trung khác.

Nếu bạn có ý định nghiên cứu về văn hóa, lịch sử và truyền thống Trung Hoa thì lựa chọn học chữ phồn thể sẽ giúp bạn tiếp cận được với nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu và hiểu được chúng một cách không quá khó khăn.

Chữ Hán giản thể

Tuy nhiên, nếu là người mới bắt đầu tự học tiếng Trung thì bạn nên lựa chọn học chữ Hán giản thể. Bởi chữ Hán giản thể được đơn giản hóa từ chữ Hán phồn thể nên các nét chữ đơn giản, dễ viết hơn nhưng ý nghĩa và cách đọc vẫn không có nhiều sự thay đổi.

Bên cạnh đó, ngày nay, chữ Hán giản thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng làm kiểu chữ viết chính thống trong các văn bản hành chính. Hay các công ty, cơ quan, tổ chức tại Trung Quốc Đại Lục cũng sử dụng phổ biến kiểu chữ này.

Vì vậy, lựa chọn học chữ Hán giản thể sẽ giúp bạn có lợi thế hơn trong quá trình học tập, tìm kiếm, trao đổi công việc, thông tin với bạn bè đồng nghiệp là người Trung Quốc.

3. Bắt đầu với việc học phát âm chuẩn tiếng Trung

Dù bạn tự học tiếng Trung tại nhà hay học tại các trung tâm thì điều đầu tiên mà bạn cần phải chinh phục đó là học phát âm thật chuẩn.

Chữ viết tiếng Trung vốn là ngôn ngữ tượng hình. Mỗi chữ Hán lại có cách phát âm được biểu thị bằng các chữ cái latinh và thanh điệu. Bảng chữ cái tiếng Trung mà chúng ta thường thấy thực chất là bảng chữ cái phiên âm và được gọi là Pinyin (Bính âm).

Việc học phát âm chuẩn Pinyin ngay từ đầu giúp bạn tránh được việc về phát âm sai, gây nên những khó khăn cho quá trình học sau này.

Để được hướng dẫn cách đọc bảng chữ cái Pinyin chính xác nhất, bạn có thể tham khảo tại video dưới đây:

Đặc biệt, điều mà bạn cần phải nhớ đó là tuyệt đối không học phát âm tiếng Trung bồi vì điều này sẽ khiến bạn khó khăn khi học lên cao hơn và thậm chí nếu dùng tiếng Trung bồi để giao tiếp với người Trung Quốc thì họ sẽ chẳng hiểu được bạn đang nói gì đâu!

4. Học viết các nét, bộ thủ chữ Hán cơ bản

Như chúng ta đều đã biết, tiếng Trung là một ngôn ngữ tượng hình. Mỗi chữ trong tiếng Trung được cấu tạo bằng các bộ thủ và được viết thành các nét khác nhau.

Có tổng cộng 214 bộ thủ trong tiếng Trung, tuy nhiên, bạn không cần học thuộc hết toàn bộ 214 bộ thủ này mà chỉ cần nắm chắc cách viết và ý nghĩa của khoảng 50 bộ thủ cơ bản nhất là được.

Cần phải luyện viết từ vựng tiếng Trung mỗi ngày (Nguồn: Internet)
Cần phải luyện viết từ vựng tiếng Trung mỗi ngày (Nguồn: Internet)

Thế nhưng, để có thể viết thành thạo các chữ Hán, bạn cần phải nắm chắc 8 nét viết cơ bản với 8 quy tắc chính được sử dụng để viết nên một chữ Hán. Vì vậy, một trong những yếu tố quan trọng nhất mà bạn cần phải nắm vững trong tiếng Trung là cách viết chữ Hán và những bộ thủ chữ Hán cơ bản.

Để nắm vững cách viết chữ Hán, bạn có thể luyện tập bằng cách tô theo các nét chữ có sẵn trong những cuốn sách luyện viết chữ Hán được gợi ý tại đây.

Sau khi luyện tập với những chữ Hán cơ bản nhất, bạn sẽ quen tay và tự động ghi nhớ được các quy tắc viết và biết cách viết các chữ Hán khác mà không cần phải tốn thời gian tra cứu cách viết của từng từ một.

5. Học từ vựng tiếng Trung cơ bản

Sau khi đã có những kiến thức cơ bản nhất về tiếng Trung, bạn cần chăm chỉ tích lũy vốn từ vựng của bản thân càng nhiều càng tốt.

Khi nắm được ý nghĩa và cách dùng của những từ vựng tiếng Trung thông dụng nhất, quá trình học ngữ pháp của bạn ở bước tiếp theo sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn bao giờ hết.

Học từ vựng tiếng Trung theo chủ đề sẽ giúp bạn nhanh ghi nhớ hơn (Nguồn: Internet)
Học từ vựng tiếng Trung theo chủ đề sẽ giúp bạn nhanh ghi nhớ hơn (Nguồn: Internet)

Để tích lũy vốn từ một cách nhanh chóng và hiệu quả, bạn không nên học từ vựng một cách tràn lan mà nên học theo các chủ đề cụ thể để dễ dàng liên hệ và ghi nhớ các từ với nhau hơn.

Thời gian đầu, bạn nên học mỗi ngày một số lượng từ nhất định, không nên học quá nhiều trong cùng một thời điểm vì với mỗi từ tiếng Trung, bạn cần phải ghi nhớ cách viết, phiên âm, ý nghĩa và cách sử dụng của nó.

6. Học ngữ pháp tiếng Trung

Cũng như bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới, tiếng Trung cũng có hệ thống ngữ pháp riêng của mình. Để có thể sử dụng thành thạo tiếng Trung, bạn cần phải nắm chắc những ngữ pháp cơ bản của nó.

Khác với các phần trước, ngữ pháp tiếng Trung là một hệ thống ngữ pháp khá đồ sộ với những cấu trúc câu cần nhớ. Vì vậy, để nắm chắc ngữ pháp tiếng Trung, tạo nền tảng vững chắc để học nâng cao sau này, bạn nên sử dụng các giáo trình tiếng Trung để được giải thích chi tiết và có cái nhìn hệ thống hơn về phần kiến thức này.

Lựa chọn giáo trình học phù hợp giúp việc tự học tiếng Trung tại nhà trở nên thuận lợi hơn (Nguồn: Internet)
Lựa chọn giáo trình học phù hợp giúp việc tự học tiếng Trung tại nhà trở nên thuận lợi hơn (Nguồn: Internet)

Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều các loại giáo trình Hán ngữ để bạn chọn lựa. Tuy nhiên những giáo trình phổ biến nhất phải kể đến:

  • Giáo trình Hán ngữ 6 quyển: gồm 6 cuốn sách với độ khó tăng dần được biên soạn bởi Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh. Có thể nói đây là bộ sách nổi tiếng nhất đối với những người bắt đầu học tiếng Trung bởi kiến thức không quá nặng nề, được giải thích chi tiết, dễ hiểu cùng với các bài tập đi kèm. Đây cũng là bộ giáo trình được giảng dạy tại nhiều trường học cũng như là sự lựa chọn của nhiều người khi mới bắt đầu làm quen với tiếng Trung.
  • Giáo trình chuẩn HSK: cũng bao gồm 6 cuốn như giáo trình Hán Ngữ. Tuy nhiên, kiến thức trong bộ giáo trình này được sắp xếp theo các cấp độ của kỳ thi HSK từ 1 đến 6. Vì thế, giáo trình mang tính học thuật và chuyên sâu hơn so với giáo trình Hán ngữ và phù hợp với những ai có nhu cầu học để thi lấy chứng chỉ HSK.
  • Giáo trình tiếng Trung Boya: chú trọng nhiều hơn vào ngữ pháp và có nhiều bài tập để luyện hơn so với giáo trình Hán ngữ. Chính vì vậy, kiến thức trong giáo trình này được đánh giá là tương đối nặng so với người bắt đầu tự học tiếng Trung.
  • Bộ giáo trình 301 câu đàm thoại: là giáo trình dành cho những người bận rộn, không có nhiều thời gian. Đây được đánh giá là bộ giáo trình dễ học, kiến thức tương đối ít nhưng phục vụ đời sống công việc ổn vì nó cung cấp các kiến thức sẽ giúp bạn nghe, nói nhanh chóng nhất có thể. Tuy nhiên, vì lượng kiến thức không nhiều nên cần rất nhiều thời gian để tạo được một nền tảng vững chắc cho người học.

Để chọn mua được cuốn giáo trình phù hợp với mình nhất, bạn có thể tham khảo, tại đây.

7. Luyện nghe tiếng Trung

Trong quá trình học tiếng Trung, bạn cần phải làm quen thật nhiều với tiếng Trung. Trong đó, việc luyện nghe mỗi ngày trong thời gian dài sẽ giúp bạn tạo được cảm giác quen thuộc với cách nói chuyện của người Trung Quốc cũng như tăng khả năng nghe hiểu của bản thân.

Có 2 cách đơn giản để bạn có thể luyện nghe tiếng Trung, bao gồm:

  • Luyện nghe tiếng Trung chủ động:

Có thể hiểu, luyện nghe chủ động là cách luyện nghe mà bạn sẽ phải tập trung nghe để cố gắng hiểu được nhiều nhất có thể những gì mà người nói đang nói đến.

Bạn có thể luyện nghe chủ động bằng cách nghe đi nghe lại một file nghe đến khi nào có thể viết lại được toàn bộ Pinyin và hiểu được nghĩa trong đó.

Tuy nhiên, với người mới bắt đầu học, bạn nên luyện tập với những file nghe có tốc độ chậm và nội dung đơn giản rồi sau đó nâng cao dần độ khó sao cho phù hợp với khả năng của bản thân.

Bạn có thể bắt đầu với những video đơn giản dành cho người mới học như dưới đây:

  • Luyện nghe tiếng Trung thụ động:

Luyện nghe thụ động là cách luyện nghe không có chủ đích để hiểu. Bạn có thể tận dụng những khoảng thời gian rảnh rỗi như ngay khi vừa thức dậy hoặc những lúc nấu cơm, lái xe ô tô…để nghe một bản tin ngắn, một bài hát hoặc một chương trình radio tiếng Trung…

Thời gian đầu bạn có thể sẽ không thể nghe và hiểu hết ý nghĩa của những gì bạn đang nghe nhưng hãy yên tâm vì mục đích của nghe thụ động chỉ là giúp bạn có thể tận dụng thời gian rảnh để làm quen với tiếng Trung một cách tự nhiên nhất mà thôi.

Bạn có thể lựa chọn nghe các video radio tiếng Trung như dưới đây:

8. Luyện nói tiếng Trung ngay cả khi chưa đủ giỏi

Khi đã nắm chắc, phát âm chuẩn bảng chữ cái Pinyin của tiếng Trung và biết một số từ vựng, ngữ pháp cơ bản thì việc quan trọng nhất để bạn có thể rèn luyện khả năng tiếng Trung của bản thân là luyện nói thật nhiều.

Đừng sợ bản thân chưa đủ giỏi mà ngại nói. Bởi nếu bạn không thử thì bạn sẽ không biết được năng lực của bản thân tới đâu, còn yếu kém và cần sửa ở điểm nào. Như vậy bạn sẽ không bao giờ có thể nâng cao khả năng ngoại ngữ của bản thân.

Hãy bắt đầu luyện nói bất cứ khi nào bạn có thể.

Khi xem phim hoặc các show truyền hình Trung Quốc, bạn có thể nghe kỹ cách các nhân vật phát âm rồi sau đó nhại lại theo họ để tạo cho mình một ngữ điệu giống người Trung Quốc nhất.

Sử dụng các ứng dụng để trò chuyện cùng người Trung Quốc (Nguồn: Internet)
Sử dụng các ứng dụng để trò chuyện cùng người Trung Quốc (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bạn có thể dùng tiếng Trung để nói chuyện cùng với bạn bè bằng cách tham gia các cộng đồng học tiếng Trung, sử dụng các phần mềm tự học tiếng Trung, các ứng dụng mạng xã hội hay chơi các tựa game như PUBG cũng giúp bạn có thể nói chuyện và tăng kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Trung với các bạn người Trung Quốc đó!

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về tự học tiếng Trung tại nhà từ các bài viết dưới đây:

Trên đây là những bước cơ bản để bạn có thể bắt đầu tự học tiếng Trung tại nhà. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp các bạn có cái nhìn đầy đủ nhất về những điều cần phải làm khi bắt đầu hành trình chinh phục ngoại ngữ thú vị này. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo trên BlogAnChoi để có thêm nhiều thông tin bổ ích hơn nhé!

Xem thêm

100+ danh ngôn, câu nói hay áp dụng cho viết văn nghị luận xã hội 200 chữ mới nhất

Một đoạn/bài viết Nghị luận xã hội phải có tính mới mẻ, sáng tạo, độc đáo thì mới có thể trinh phục, chạm được đến trái tim được người nghe đọc, giáo viên chấm bài. Một bài viết/ đoạn văn chỉ nói xuông không thôi rất dễ gây nhàn chán. Vậy để làm được điều đó chúng ta phải ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận