Chia sẻ quan điểm về khởi nghiệp tại Việt Nam và các kỹ năng cần có của một thủ lĩnh trẻ.

Người ta thường nói rằng nếu đã có gan lập nghiệp thì phải lập từ sớm để không bỏ lỡ cơ hội cả đời. Nhưng liệu đó có phải là tư duy đúng đắn mà cả thế hệ trẻ Việt Nam nên theo đuổi? Cùng nghe chia sẻ của chị Thái Văn Linh nhé.

Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng chị vẫn cảm nhận sự gắn bó với quê hương?

Tôi trở về thăm Việt Nam lần đầu năm 1993. Hồi đó, phương tiện đi lại vẫn còn là xe đạp. Khi đang học đại học, tôi có về Việt Nam lần nữa với tư cách là khách du lịch. Nhưng lúc bấy giờ, tôi vẫn còn quá trẻ để nhìn thấy những cơ hội ở đây. Nhất là khi bản thân đã quá đỗi quen thuộc với định nghĩa “giấc mơ Mỹ” – đó là khoác lên mình đồng phục chỉnh tề, làm việc trong những tòa nhà cao tầng và dần dần thăng tiến.

Và rồi giấc mơ đó thành sự thật, nhưng rồi tôi nhận ra rằng nó không đáng để mình ao ước. Là người làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, phần lớn thời gian tôi chứng kiến cảnh số dư tài khoản của mình tăng lên nhanh chóng nhưng đồng thời cũng thắc mắc liệu đó có phải là tất cả mà cuộc sống có thể mang lại. Khoảng thời gian còn lại trong ngày, tôi dành để tìm hiểu về cách để khiến cuộc sống trở nên hạnh phúc. Và trong rất nhiều những bài viết từng đọc qua, có một câu nói khiến tôi nhớ mãi, “if you do something you truly love, then it won’t feel like work.” (Tạm dịch là: Hãy tìm một công việc mà mình yêu thích và bạn sẽ không bao giờ phải làm việc ngày nào trong đời.) Nhưng vấn đề mà tôi, cũng như rất nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 20 mắc phải, đó là không tìm ra được hướng đi cho riêng mình!

Lớn lên, tôi chưa bao giờ có khái niệm về việc sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Thậm chí nếu có người nói điều đó sẽ xảy đến trong vòng tám năm tiếp theo, chắc hẳn tôi cũng như nhiều kiều bào khác sẽ chỉ bật cười. Bởi với số đông Việt kiều, quyết định hồi hương và sinh sống lâu dài chỉ là kết quả của một lựa chọn ngẫu nhiên trong số rất nhiều phép thử mà họ làm nhằm tìm ra định hướng cho bản thân.

Là một người phụ nữ, chị phải trải qua khó khăn gì khi bắt đầu cuộc sống tại Việt Nam?

Sau 10 năm khởi nghiệp ở Mỹ, trong một môi trường làm việc mà nam chiếm đại đa số, tôi và các đồng nghiệp nữ khác đã quen với cách nói năng và cư xử như một người đàn ông thực thụ – dứt khoát, rành mạch và kiên định giữ vựng lập trường của mình. Vốn sinh ra đã khá “ngỗ nghịch”, tôi thích nghi rất dễ dàng với môi trường làm việc đó.

Nhưng khi về đến Việt Nam, tôi không những phải thích nghi với cách biệt văn hóa mà còn phải học lại cách ứng xử mềm mỏng của người phụ nữ Việt Nam. Ngay từ tuần đầu tiên tại chỗ làm, mọi người bảo cách nói năng và cư xử của tôi quá nam tính (hai năm sống ở New York, bất cứ ai cũng sẽ bảo bạn phải bước thật nhanh thì mới kịp đi hết cả thành phố được.)

Thời gian đầu, tôi vẫn cố chấp giữ nguyên quan điểm là điều đó không sai. Nhưng theo thời gian, tôi nhận ra rằng đó chỉ là những khác biệt văn hóa giữa các dân tộc. Muốn thành công, bạn phải biết thích nghi với sự khác biệt đó.

Đến thời điểm này, nếu giao tiếp bằng tiếng Anh, tôi vẫn sẽ là một người mạnh mẽ với những cái bắt tay dứt khoát. Nhưng khi đã nói tiếng Việt rồi, tôi sẽ trở nên dịu dàng, từ tốn và nhẹ nhàng chào hỏi. Nhưng dù có thế nào đi nữa, chỉ cần một nụ cười chân thành là đã đủ sức kéo mọi nền văn hóa và các cá tính khác biệt lại với nhau rồi.

Nhưng đừng hiểu sai ý tôi nhé! Đó chỉ là khác biệt trong phong cách ứng xử chứ không phải là để ám chỉ phụ nữ Việt Nam dễ bị thu phục. Bất cứ mối quan hệ nào muốn phát triển cũng đòi hỏi những người trong cuộc phải đồng điệu. Và nếu đã xác định sinh sống và làm việc ở Việt Nam rồi, thì phải biết cách cư xử như một người Việt.

Nguồn tham khảo: thaivanlinh.com

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

15 truyện tranh đam mỹ Hàn Quốc hay nhất, đẹp từ nội dung đến nét vẽ

Không chỉ phim đam mỹ mà truyện tranh đam mỹ Hàn Quốc cũng đang ngày càng chiếm được cảm tình của độc giả bởi nội dung hay, nét vẽ đẹp. Cùng điểm danh top 15 truyện tranh đam mỹ Hàn Quốc hay nhất, được yêu thích nhất hiện nay nhé.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận