Rối loạn lo âu là tình trạng sức khỏe tâm thần gây ra cảm giác hồi hộp và lo lắng dai dẳng hoặc tái diễn. Chúng có thể gây ra một loạt các triệu chứng thể chất, chẳng hạn như thở nhanh hoặc nông, đổ mồ hôi hoặc khó ngủ.
- Tổng quan về rối loạn lo âu
- Rối loạn lo âu là gì?
- Ai có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu?
- Có mấy loại rối loạn lo âu?
- Rối loạn lo âu phổ biến như thế nào?
- Rối loạn lo âu ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?
- Nguyên nhân và triệu chứng của rối loạn lo âu
- Nguyên nhân nào gây ra chứng rối loạn lo âu?
- Các triệu chứng của rối loạn lo âu là gì?
- Hội chứng ruột kích thích (IBS) có liên quan gì đến chứng rối loạn lo âu?
- Chẩn đoán chứng rối loạn lo âu
- Quản lý và điều trị chứng rối loạn lo âu như thế nào?
- Phòng ngừa chứng rối loạn lo âu như thế nào
Tổng quan về rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu là một tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần. Nếu bị rối loạn lo âu, bạn có thể phản ứng với một số sự việc và tình huống bằng sự sợ hãi quá mức. Bạn cũng có thể gặp phải các dấu hiệu lo lắng về thể chất, chẳng hạn như tim đập thình thịch và đổ mồ hôi.
Đối với mọi người, cảm giác lo lắng là điều khá bình thường. Mọi người đều có thể cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng nếu phải giải quyết một vấn đề nào đó trong công việc, đi phỏng vấn, làm bài kiểm tra hoặc đưa ra một quyết định quan trọng. Đôi lúc lo lắng là bản năng nguyên thủy của con người và hoàn toàn có lợi. Ví dụ, lo lắng giúp chúng ta nhận thức các tình huống nguy hiểm và tập trung sự chú ý để giữ bản thân an toàn.
Nhưng chứng rối loạn lo âu lại nghiêm trọng hơn so với sự lo lắng hay nỗi sợ hãi bình thường. Rối loạn lo âu xảy ra khi:
- Lo lắng cản trở khả năng hoạt động của bạn.
- Bạn thường phản ứng thái quá khi có điều gì đó kích hoạt cảm xúc của mình.
- Bạn không thể kiểm soát phản ứng của mình trước các tình huống.
Rối loạn lo âu có thể khiến bạn cảm thấy lúc nào mọi chuyện cũng khó khăn. May mắn thay, có một số phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng rối loạn lo âu.
Ai có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu?
Sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn lo âu. Bạn có thể có nguy cơ cao hơn nếu bạn đã và đang có những dấu hiệu sau:
- Một số đặc điểm tính cách nhất định, chẳng hạn như nhút nhát hoặc ức chế hành vi – cảm thấy không thoải mái và né tránh những người, tình huống hoặc môi trường không quen thuộc.
- Các sự kiện căng thẳng hoặc chấn thương trong thời thơ ấu hoặc tuổi trưởng thành.
- Tiền sử gia đình về chứng lo âu hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác.
- Một số tình trạng thể chất, bao gồm các vấn đề về tuyến giáp và rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường).
Rối loạn lo âu xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ. Các nhà nghiên cứu vẫn đang nghiên cứu tại sao lại như vậy. Có thể là do nội tiết tố của phụ nữ, đặc biệt là những nội tiết tố dao động theo chu kỳ kinh. Hormone testosterone cũng có thể đóng một vai trò nào đó – nam giới có nhiều hơn và nó có thể làm giảm bớt lo lắng. Cũng có thể do phụ nữ ít tìm cách điều trị hơn, do đó tình trạng lo lắng trở nên trầm trọng hơn.
Có mấy loại rối loạn lo âu?
Có một số loại rối loạn lo âu khác nhau, bao gồm:
- Rối loạn lo âu tổng quát (GAD).
- Rối loạn hoảng sợ.
- Ám ảnh.
- Chứng sợ khoảng trống.
- Rối loạn lo âu xã hội.
- Rối loạn lo âu chia ly.
Một số tình trạng sức khỏe tâm thần khác có đặc điểm giống với rối loạn lo âu, bao gồm rối loạn căng thẳng sau chấn thương và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Rối loạn lo âu tổng quát (GAD) là gì?
Với GAD, bạn có thể cảm thấy lo lắng và căng thẳng tột độ một cách vô lý, ngay cả khi không có lý do gì để gây ra những cảm giác đó. Khi gặp phải tình trạng này, bạn có thể lo lắng rất nhiều về các vấn đề khác nhau như sức khỏe, công việc, trường học và các mối quan hệ. Sự lo lắng này sẽ không dừng lại và bạn cứ tiếp tục lo hết điều này đến điều khác.
Các triệu chứng thể chất của GAD có thể bao gồm bồn chồn, khó tập trung và khó ngủ.
Rối loạn hoảng sợ là gì?
Nếu bị rối loạn hoảng sợ, bạn sẽ có những cơn hoảng sợ dữ dội và đột ngột. Những cơn này thường có cảm giác mạnh hơn, dữ dội hơn so với các dạng rối loạn lo âu khác.
Cảm giác hoảng sợ có thể bắt đầu đột ngột và bất ngờ, hoặc có thể đến từ một nguyên nhân nào đó, chẳng hạn như khi đối mặt với một tình huống làm bạn sợ hãi. Các cơn hoảng sợ có thể giống với cơn đau tim. Nếu bạn nghi ngờ mình đang gặp phải cơn đau tim thì hãy đến ngay phòng cấp cứu. Tốt hơn hết là nên thận trọng và nhờ chuyên gia y tế kiểm tra.
Trong cơn hoảng loạn, bạn có thể gặp các triệu chứng:
- Đổ mồ hôi.
- Tim đập nhanh (cảm giác đánh trống ngực).
- Tức ngực.
- Cảm giác nghẹt thở có thể khiến bạn nghĩ rằng mình đang bị đau tim hoặc “phát điên”.
Các cơn hoảng loạn rất khó chịu. Những người mắc chứng rối loạn hoảng sợ thường dành nhiều thời gian để lo lắng về cơn tiếp theo có thể xảy ra khi nào. Họ cũng cố gắng tránh các tình huống có thể kích hoạt chứng rối loạn hoảng sợ.
Ám ảnh là gì?
Ám ảnh là sự sợ hãi dữ dội đối với một số tình huống hoặc đối tượng nhất định. Một số cơn sợ hãi có thể lý giải được, chẳng hạn như sợ rắn. Nhưng thông thường mức độ sợ hãi lại không phù hợp với hoàn cảnh.
Giống như các chứng rối loạn lo âu khác, bạn có thể mất nhiều thời gian để tránh những tình huống có thể gây ra chứng ám ảnh sợ hãi.
Một nỗi ám ảnh cụ thể, hay “ám ảnh đơn giản”, là nỗi sợ hãi dữ dội về một đối tượng hoặc tình huống cụ thể. Một số kiểu ám ảnh thường gặp là:
- Động vật như nhện, chó hoặc rắn
- Máu
- Ngồi máy bay
- Độ cao
- Tiêm chích
Rối loạn lo âu xã hội là gì?
Rối loạn lo âu xã hội còn được gọi là ám ảnh xã hội. Đó là sự lo lắng và tự ý thức về bản thân với các tình huống xã hội hàng ngày. Bạn có thể lo lắng bị người khác đánh giá, lo rằng mình bị xấu mặt, hay lo bị chế giễu. Những người bị rối loạn lo âu xã hội thường tìm cách tránh hoàn toàn các tình huống xã hội.
Chứng sợ khoảng trống là gì?
Nếu bị chứng sợ khoảng trống, bạn có thể sợ hãi tột độ khi bị choáng ngợp hoặc không thể tìm được sự giúp đỡ. Thông thường chứng sợ này xảy ra trong những môi trường như:
- Không gian kín
- Đám đông
- Không gian mở
- Những nơi bên ngoài nhà mình
- Trên các phương tiện công cộng
Trong những tình huống nghiêm trọng, người mắc chứng sợ hãi khoảng trống thường sẽ không ra khỏi nhà.
Rối loạn lo âu chia ly
Tình trạng này chủ yếu xảy ra với trẻ em hoặc thanh thiếu niên, lo lắng về việc phải xa cha mẹ của mình. Trẻ bị rối loạn lo âu chia ly có thể sợ rằng cha mẹ của mình sẽ gặp phải một điều không hay nào đó hoặc không quay lại như đã hứa. Trường hợp này thường xảy ra rất nhiều ở những trẻ độ tuổi mẫu giáo. Thanh thiếu niên và người lớn cũng có thể mắc chứng rối loạn lo âu nếu trải qua một sự kiện căng thẳng.
Rối loạn lo âu phổ biến như thế nào?
Rối loạn lo âu là tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở Mỹ, ảnh hưởng đến khoảng 40 triệu người Mỹ. Rối loạn này xảy ra với gần 30% người lớn vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Rối loạn lo âu thường bắt đầu ở thời thơ ấu, thanh thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành.
Rối loạn lo âu ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?
Trẻ em cảm thấy bồn chồn, lo lắng hoặc sợ hãi ở một số thời điểm là bình thường. Ví dụ, một đứa trẻ có thể cảm thấy sợ hãi trước một cơn giông bão hoặc tiếng chó sủa. Tuổi thiếu niên có thể lo lắng về một bài kiểm tra sắp tới hoặc buổi khiêu vũ ở trường.
Nhưng đôi khi trẻ em trong những tình huống này lại sợ hãi tột độ hoặc không thể ngừng nghĩ về tất cả những nỗi sợ hãi liên quan đến các sự kiện này. Những đứa trẻ này thường bị “mắc kẹt” vào nỗi lo lắng của mình, gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày như đi học, đi chơi và khó ngủ. Trẻ cũng cực kỳ miễn cưỡng khi phải thử một điều gì đó mới mẻ.
Nguyên nhân và triệu chứng của rối loạn lo âu
Nguyên nhân nào gây ra chứng rối loạn lo âu?
Rối loạn lo âu cũng giống như các dạng bệnh tâm thần khác. Chúng không xuất phát từ sai sót của cá nhân, khiếm khuyết về tính cách hoặc vấn đề trong giáo dục. Nhưng các nhà nghiên cứu hiện chưa biết chính xác điều gì gây ra chứng rối loạn lo âu.
Có một số lý do được nghi ngờ có thể liên quan như:
- Mất cân bằng hóa học trong não: Căng thẳng nghiêm trọng hoặc kéo dài có thể thay đổi sự cân bằng hóa học kiểm soát tâm trạng của bạn. Stress nặng trong thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn lo âu.
- Yếu tố môi trường: Sang chấn tâm lý có thể làm khởi phát rối loạn lo âu, đặc biệt là ở những người vốn đã có nguy cơ cao hơn.
- Di truyền: Rối loạn lo âu có xu hướng di truyền trong gia đình, từ cha mẹ truyền cho con cái.
Các triệu chứng của rối loạn lo âu là gì?
Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại rối loạn cụ thể. Các triệu chứng chung của rối loạn lo âu bao gồm:
Các triệu chứng thực thể:
- Tay lạnh hoặc đổ mồ hôi
- Khô miệng
- Tim đập nhanh
- Buồn nôn
- Tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân
- Căng cơ
- Khó thở
Các triệu chứng tâm thần:
- Cảm thấy hoảng sợ, sợ hãi và bất an
- Những cơn ác mộng
- Những suy nghĩ lặp đi lặp lại hoặc hồi tưởng về những trải nghiệm đau thương
- Những suy nghĩ không thể kiểm soát, ám ảnh
Các triệu chứng hành vi:
- Không có khả năng bình tĩnh
- Các hành vi lặp lại theo khuôn mẫu, chẳng hạn như rửa tay nhiều lần
- Khó ngủ
Hội chứng ruột kích thích (IBS) có liên quan gì đến chứng rối loạn lo âu?
Một số người cảm thấy căng thẳng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của mình. Những người bị IBS có các vấn đề khó chịu về tiêu hóa, bao gồm đau bụng, táo bón và tiêu chảy. Họ cũng thường xuyên cảm thấy lo lắng và trầm cảm, điều này có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.
Mối liên hệ giữa IBS và lo lắng xuất phát từ hệ thống thần kinh kiểm soát đại tràng. Phản ứng của hệ thần kinh đối với căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Trong số những người được điều trị IBS, có từ 50% đến 90% trong số đó bị rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
Chẩn đoán chứng rối loạn lo âu
Nhiều trường hợp rối loạn lo âu không được chẩn đoán và không được điều trị. Trên thực tế, điều trị đúng cách có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, làm việc và các mối quan hệ hằng ngày, đồng thời có thể cải thiện sức khỏe tổng thể.
Đừng cố chịu đựng cảm giác lo lắng và sợ hãi thường xuyên. Nếu bạn nhận ra mình đang có các triệu chứng của rối loạn lo âu, hãy tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt, hạn chế những hậu quả mà rối loạn lo âu có thể gây ra. Thông thường, sự kết hợp giữa thuốc và tư vấn tâm lý điều trị lo âu có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Quản lý và điều trị chứng rối loạn lo âu như thế nào?
Điều trị rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu cũng giống như bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác, cần được điều trị chứ không chỉ thay đổi kỷ luật hay thái độ của bản thân. Các nhà nghiên cứu đã có nhiều tiến bộ trong nhiều năm qua để điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp với từng người, có thể là kết hợp thuốc và liệu pháp tâm lý.
Thuốc điều trị rối loạn lo âu
Thuốc không thể chữa khỏi hoàn toàn chứng rối loạn lo âu, nhưng chúng có thể cải thiện các triệu chứng và giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Thuốc điều trị rối loạn lo âu thường dùng là:
- Thuốc chống lo âu, chẳng hạn như benzodiazepines, có thể làm giảm bồn chồn, hoảng sợ và lo lắng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống lo âu trong thời gian ngắn, sau đó giảm dần hoặc bổ sung thêm thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc chống trầm cảm cũng có thể giúp điều trị rối loạn lo âu. Chúng điều chỉnh một số hóa chất nhất định trong não để cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng. Loại thuốc này có thể mất một chút thời gian để phát huy tác dụng, vì vậy hãy kiên nhẫn. Nếu bạn cảm thấy có thể ngưng thuốc chống trầm cảm, hãy nói với bác sĩ.
- Thuốc ức chế beta, thường được sử dụng trong bệnh cao huyết áp, có thể giúp giảm một số triệu chứng thể chất của rối loạn lo âu, chẳng hạn như giảm nhịp tim nhanh và run rẩy.
Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn để tìm ra loại thuốc và liều lượng phù hợp. Không được tự ý thay đổi liều lượng khi chưa có ý kiến của bác sĩ, và hãy luôn để ý phát hiện các tác dụng phụ của thuốc.
Tâm lý trị liệu điều trị rối loạn lo âu
Tâm lý trị liệu (tư vấn) giúp người bệnh đối phó với phản ứng cảm xúc của mình. Các phương pháp trị liệu bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là loại liệu pháp tâm lý phổ biến nhất được sử dụng với rối loạn lo âu. CBT giúp bạn nhận ra các kiểu suy nghĩ và hành vi dẫn đến lo âu, sau đó bạn sẽ được hướng dẫn cách thay đổi.
- Liệu pháp bộc lộ giúp giải quyết những nỗi sợ hãi ẩn sau rối loạn lo âu, giúp bạn đối mặt với các hoạt động hoặc tình huống mà bình thường bạn luôn né tránh. Bác sĩ cũng có thể sử dụng các bài tập thư giãn và hình ảnh trong liệu pháp này.
Phòng ngừa chứng rối loạn lo âu như thế nào
Không thể ngăn ngừa hoàn toàn chứng rối loạn lo âu, nhưng bạn có thể thực hiện các bước để kiểm soát hoặc giảm bớt triệu chứng của mình nếu đã mắc phải:
- Hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc: Hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng các loại thuốc không kê đơn hoặc thuốc thảo dược. Một vài loại thuốc có chứa các chất hóa học có thể làm cho triệu chứng lo lắng trở nên tồi tệ hơn.
- Hạn chế caffeine: Bỏ hẳn hoặc hạn chế lượng caffeine tiêu thụ, bao gồm cà phê, trà, cola và sô cô la.
- Lối sống lành mạnh: Tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.
- Tìm kiếm sự trợ giúp: Hãy tìm sự tư vấn và hỗ trợ nếu bạn trải qua một sự kiện đau buồn hoặc căng thẳng. Cách này có thể giúp ngăn chặn sự lo lắng và cảm giác khó chịu ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn.
Nhớ theo dõi BlogAnChoi để cập nhật những tin tức về sức khỏe nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Liều vắc xin COVID-19 tăng cường có thể ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta không?
- 5 điều quan trọng cần biết về vắc xin COVID-19 cho phụ nữ mang thai
- 8 dấu hiệu trên da có thể là triệu chứng bệnh viêm gan C – Đừng chủ quan với những cảnh báo này!
- Tiền mãn kinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị để giảm bớt triệu chứng phiền toái
- Bổ sung sắt cho cơ thể có lợi ích ra sao, khi nào cần và phải lưu ý những gì?