Là một trong hai biểu tượng văn hóa Nhật Bản, núi Phú Sĩ (Fuji) mang trong mình sự hùng vĩ và đồ sộ bậc nhất tại đất nước hơn 70% diện tích là đồi núi này. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu những điều thú vị xoay quanh ngọn núi này nhé!
Nguồn gốc tên gọi
Chuyện kể về những ngày xưa cũ, tại một ngôi làng nhỏ, có cặp vợ chồng đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có con. Cả hai vợ chồng trông ngóng ngày đêm và mơ ước về cuộc sống có con cái. Một hôm, người chồng lên núi đốn củi, quẩn quanh những hàng tre quen thân thuộc một ánh sáng lấp lánh thu hút sự chú ý của ông. Ông tiến đến và hiếu kỳ hạ tre xuống và xem bên trong. Bất ngờ lại có một đứa trẻ nằm gọn trong ống tre, ông nhanh chóng bế đứa bé về nhà cho vợ xem.
Người vợ không khỏi hạnh phúc khi sau bao năm họ cũng có được con, cả hai trân trọng món quà từ trời đất và đặt tên là Út ống tre. Vì là nông dân nghèo, cả hai sợ rằng không đủ điều kiện để nuôi dạy con nhưng may mắn thay ông trời nghe được nỗi lòng của họ mà trong một lần đốn tre người chồng đã nhận được một ít vàng bạc châu báu. Nhờ vào số của cải ấy cả hai dựng một phủ tại làng và nuôi lớn Út ống tre – Kaguya Hime.
Không phụ lòng dưỡng dục, đứa bé ngày nào giờ đã lớn. Nàng không những xinh đẹp mà còn tài giỏi, đặc biệt là với tài nghệ đàn hát. Nàng nổi tiếng gần xa và là hình mẫu lý tưởng trong mắt nhiều nam nhân. Dù có bao chàng trai đến và mong được sánh bước cùng nàng thì vẫn nhận sự từ chối. Chỉ riêng Thiên Hoàng là người duy nhất nàng giữ liên lạc.
Trong một đêm trăng thanh gió mát, nàng mang lòng nặng trĩu tâm sự mà bộc bạch với mẹ. Nàng bảo mình vốn là một công chúa ở cung trăng vì một lần phạm lỗi mà phải xuống nơi trần gian chịu phạt, nay đã hết hạn nàng phải bay về trời. Nghe thế, hai vợ chồng già nhờ Thiên Hoàng cùng hợp sức để nàng ở lại nhưng người phàm sao cãi được lệnh trời. Trước lúc ra đi, Kaguya để lại viên thuốc bất tử cho ba mẹ như lời cảm ơn vì công dưỡng dục nhưng hai ông bà đã không uống mà vượt bao khó khăn leo lên đỉnh núi và đốt đi, ông bà không mong sự sống của mình được kéo dài mà chỉ mong tình yêu thương, nỗi nhớ nhung được gửi đến Kaguya. Và đó là nguồn gốc tên núi Phú Sĩ, “Fushi no yama” 不死の山(ふしのやま)được đọc lái sang thành “Fujisan” 富士山(ふじさん).
Phú Sĩ đối với người dân Nhật Bản
Cao 3776 mét, có tiền thân là một núi lửa và đã ngừng phun trào cách đây 3 thế kỷ, đến hiện tại, núi Phú Sĩ vẫn còn hiện tượng phụt hơi. Đây cũng là điểm đến du lịch ăn khách không những dành cho các nhà leo núi mà còn cho các du khách thích ngắm cảnh. Bao quanh núi là những ngọn đồi có độ cao khác nhau cùng những hồ có nước trong xanh.
Núi Phú Sĩ là biểu tượng của sự may mắn, mang đến nhiều điều tốt lành. Khi đến Nhật, chúng ta sẽ thấy rất nhiều bao bì sản phẩm hay thậm chí là một vài tờ tiền có in hình núi Phú Sĩ. Người Nhật quan niệm rằng nếu năm mới nằm mơ thấy 1 trong 3 thứ này nhất định nguyên năm suôn sẻ và như ý. Đó là núi Fuji, chim ưng và cà tím. Còn trong văn học, ngọn núi mang ý nghĩa đoàn kết, bất khuất và được biết là nơi luyện tập cho các chiến sĩ Samurai thời xưa.
Là địa điểm tâm linh đối với người Nhật. Khi đến đây, ngay tại chân núi sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều đền thờ và trong năm sẽ có một vào cuộc hành hương của những người thuộc giáo phái thờ núi. Xưa kể vào những năm đầu thế kỷ 17 có một giáo phái cực đoan sùng bái ngọn núi bằng cách nhịn ăn, khi việc truyền bá đạo này trở nên rộng rãi thì mạc phủ đã ra lệnh cấm tín ngưỡng này.
Bạn có thể quan tâm:
giờ mới biết núi Phú Sĩ có tên gọi là nhờ vậy
Hãy để lại bình luận của các bạn về bài viết để mình có thể cải thiện hơn nữa nhé!