Chúng ta được nghe rất nhiều về điều này, đó là phải yêu thương bản thân mình nhiều hơn. Nhiều người lầm tưởng rằng, yêu thương bản thân là cho bản thân được làm những gì mình thấy thoải mái, là chiều chuộng và ưu tiên bản thân hơn những người khác. Có phải yêu thương bản thân là mỗi lúc có chuyện buồn là sẽ đi shopping, tụ tập bạn bè? Có phải là tập thể dục còn 5 phút nữa là hết giờ mà mệt quá nên thôi nghỉ trước 5 phút có là gì đâu? Vì đọc sách làm bản thân thấy nhàm chán nên lựa chọn xem phim, lướt Facebook vui hơn? Có phải vậy hay không, mời các bạn đọc tiếp dưới đây nhé!

Như thế nào là yêu thương bản thân?

Như những điều đã được liệt kê ở trên thì đó hoàn toàn không phải là cách để yêu thương bản thân của mình, mà là bạn đang cho mình cái quyền được ở mãi trong vùng an toàn, cái vùng bạn cho là mình cảm thấy thoải mái nhất. Không một ai có thể làm được những điều tuyệt vời cho cuộc đời mình khi cứ ở mãi trong giới hạn của bản thân – vùng an toàn. Và đương nhiên bạn cũng sẽ không tạo được giá trị nào cho bản thân mình. Bạn có đang bị mắc kẹt trong những sai lầm đó không?

Yêu thương bản thân mình khi còn có thể (Ảnh: Internet).
Yêu thương bản thân mình khi còn có thể (Ảnh: Internet).

Vậy yêu thương bản thân nghĩa là phải làm điều gì đó để có thể nâng cao giá trị của bản thân mình lên, để mọi người xung quanh tôn trọng bạn. Để làm được điều đó thì chúng ta cần đưa bản thân mình vào khuôn khổ, kỷ luật thép.

Vì sao lại là kỷ luật thép? Khi bạn đưa ra một kỷ luật nào đó cho bản thân, bạn phải nghiêm túc thực hiện nó. Chỉ cần lơ là một chút đồng nghĩa với việc bạn đã tự mình phá vỡ kỷ luật đặt ra, và nó sẽ không hình thành được ý chí kiên cường và nghị lực bên trong chúng ta. Không có hai yếu tố đó thì khi gặp khó khăn thất bại trong cuộc sống bạn sẽ rất dễ bị gục ngã và bỏ cuộc.

Lúc mới bắt đầu, mọi việc sẽ rất khó khăn vì chúng ta phải từ bỏ những thói quen không lành mạnh trước đó. Nhưng hãy bắt đầu với những việc có thể nói là đơn giản nhất, rồi sau đó bạn có thể tự đặt ra cho mình những mục tiêu lớn hơn và nghiêm túc thực hiện nó, và hãy có niềm tin vào điều đó.

Tiếp theo, mình sẽ cho các bạn biết một số điều các bạn có thể làm để bắt đầu yêu thương bản thân hơn.

1. Kết nối với bản thân mỗi ngày

Tìm sự tĩnh lặng từ bên trong (Ảnh: Internet).
Tìm sự tĩnh lặng từ bên trong (Ảnh: Internet).

Tập thể dục, thiền định, chạy bộ, tập yoga, chơi thể thao, bơi lội,… là một số cách để kết nối với chính bản thân của chúng ta. Những hoạt động trên giúp cho các tế bào trong cơ thể của bạn được kích hoạt một cách tốt nhất, vì những hoạt động này đều giúp cho cơ thể chúng ta trở nên khoẻ mạnh và tràn đầy năng lượng hơn.

Bạn có thể tự đặt ra khoảng thời gian quy định để kết nối với bản thân mỗi ngày, nhưng ít nhất hãy là 30 phút, sau đó tăng lên 1 tiếng, 2 tiếng. Khi kết nối với bản thân nhiều hơn, chúng ta sẽ dần dần kiểm soát được cảm xúc, những suy nghĩ lung tung trong ngày của mình và trở nên điềm tĩnh hơn. Sự điềm tĩnh là rất cần thiết để bạn có thể đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống một cách tỉnh táo nhất.

Nếu bạn vẫn đang lấy lí do là mình quá bận thì hãy dậy sớm hơn để làm điều đó, chỉ 30 phút mỗi ngày thôi, và 30 phút đó lại giúp cho bạn khoẻ mạnh hơn, tâm trí bạn được bình an hơn thì tại sao lại không chứ? Nhớ là đừng nghỉ trước 5 phút hay 1 phút đó nhé!

2. Dọn dẹp không gian sống thường xuyên

Thay đổi năng lượng xung quanh chúng ta (Ảnh: Internet).
Thay đổi năng lượng xung quanh chúng ta (Ảnh: Internet).

Bao nhiêu người trong số chúng ta vì quá bận rộn hay lười biếng mà ít khi dọn dẹp phòng của mình nhỉ? Tủ quần áo của các bạn có đang chất đống không? Các giấy tờ có đang nằm lộn xộn trên bàn làm việc của bạn không? Bất cứ những chỗ nào không có sự gọn gàng, ngăn nắp đều mang một trường năng lượng rất thấp. Chúng ta hãy bắt đầu một ngày tốt đẹp hơn với việc dọn dẹp, sắp xếp lại mọi thứ trong phòng được ngăn nắp và tinh tươm.

Đây có lẽ không phải là một việc khó khăn nên hãy đứng dậy và làm ngay khi có thể nhé! Sau khi làm xong, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy một nguồn năng lượng tươi mới tràn vào phòng và bạn sẽ rất tự hào với việc mình vừa làm được đấy.

3. Dừng việc nói xấu, chê bai hay xúc phạm người khác

Nói xấu người khác làm mất giá trị bản thân bạn (Ảnh: Internet).
Nói xấu người khác làm mất giá trị bản thân bạn (Ảnh: Internet).

Đây đều là những hành vi mang tính tiêu cực, và những điều tiêu cực còn tồn tại trong cuộc sống của bạn sẽ không mang đến cho bạn những điều tốt đẹp. Và hơn hết, bạn đang khiến cho bản thân mình trở thành một người tiêu cực và thiếu tinh tế. Nên nhớ rằng “bên trong bạn phản ánh cuộc sống bên ngoài của bạn”. Vì vậy, nếu bạn tiếp tục thể hiện sự thiếu tôn trọng của mình đối với người khác thì bạn sẽ chẳng bao giờ nhận được sự tôn trọng thật sự từ những người xung quanh đối với bản thân bạn.

Dù bạn có làm điều đó bí mật, không ai biết đi nữa thì vũ trụ cũng đã ghi nhận lại hết những việc bạn làm dù là rất nhỏ. Người đời thường nói rằng “gieo nhân nào thì gặt quả ấy”. Bạn gieo đến cuộc sống những điều tiêu cực thì bạn chỉ có thể nhận lại những điều không may mắn đến với mình. Chắc chắn sẽ không một ai muốn điều đó cả, cho nên hãy cố gắng hết sức để thay đổi nó. Một khi bạn bắt đầu khởi được tâm ý tốt thì những chuyện tốt lành chắc chắn đến với bạn dù sớm hay muộn. Hãy tin tưởng vào điều đó. Hãy là một người có giá trị.

Vậy làm thế nào để không nói xấu người khác nữa? Có hai trường hợp chính: một là vì bạn đang ghen tị với họ, hai là vì họ làm cho bạn cảm thấy không hài lòng. Đối với trường hợp thứ nhất, chúng ta hãy nhìn nhận lại bản thân mình. Trong khi bạn đang ngồi ở đó phán xét những điều bạn không hề biết gì về họ thì họ đã làm được những việc mà bạn chỉ có thể mơ ước. Trong khi bạn đang cho rằng người đó được vậy là do họ gặp may thôi thì có một người khác đang nhìn vào tấm gương đó để cố gắng làm được như vậy. Trong trường hợp này, bạn nghĩ sao về bản thân mình? Thay vì chỉ phán xét thì hãy bắt tay vào làm ngay những điều bạn có thể làm cho bản thân bạn, cho gia đình của bạn.

Còn trường hợp thứ hai là vì người đó làm cho mình thấy không vừa mắt, ví dụ như “mặc đồ gì mà hở hang thế”, “đi học chứ có phải đi chơi đâu mà trang điểm lố quá vậy”,.. Nhưng mà các bạn ơi, mình có nói như vậy đi nữa thì họ vẫn làm, họ vẫn vui vẻ với cuộc sống của họ, chỉ có bạn là đang cảm thấy khó chịu thôi. Vậy có phải bạn đang làm cho bản thân thiệt thòi hơn không?

Cuộc sống của họ là do họ toàn quyền quyết định, việc của bạn là tập trung phát triển cuộc sống của mình tốt hơn, tập trung vào việc nghĩ hôm nay mình nên học gì, hôm nay mình sẽ giúp được cho ai. Và cuối cùng những người có giá trị sẽ không buông ra những lời vô giá trị như chửi tục, mắng nhiếc người khác.

4. Loại bỏ những niềm tin giới hạn

Hình thành niềm tin tích cực (Ảnh: Internet).
Hình thành niềm tin tích cực (Ảnh: Internet).

Các bạn có bao giờ nghe qua những câu nói đại loại như thế này: “Mày không làm được đâu, những người làm được điều này ít lắm, mày nghĩ sao vậy”, “Người ta là doanh nhân mới mua được xe xịn như vậy, mình có mà nằm mơ”,… Vô vàn những niềm tin giới hạn đến từ những người xung quanh chúng ta, thậm chí là từ người thân trong gia đình. Từ đó những niềm tin đó sẽ đi vào tiềm thức của mình làm cho bản thân thấy nản chí trước những mục tiêu lớn.

Để loại bỏ được những niềm tin đó, chúng ta cần có ý chí kiên cường để không bị tác động bởi những lời nói xung quanh. Có lẻ lúc đầu điều này sẽ rất khó, nhưng không có nghĩa là bất khả thi. Mình chỉ muốn nói là cuộc sống của bạn có tốt đẹp hay không là do cách bạn suy nghĩ, cách bạn đặt ra những niềm tin và mục tiêu của riêng bạn, không phải do số phận nào đó được viết ra để định sẵn cuộc đời bạn hay một lời nói từ ai khác ngoài bản thân bạn. Chỉ có bạn mới là tác giả của cuốn sách cuộc đời mình, và chỉ có bạn mới hiểu rõ được nó. Đừng nghe theo những lời khuyên tiêu cực nào từ ai cả, bởi không ai có thể hiểu rõ được cuộc sống của bạn hơn bản thân bạn, kể cả ba mẹ của chúng ta cũng vậy.

Chúng ta có thể bắt đầu hình thành những niềm tin vô hạn bằng cách sau đây. Thời điểm hiện tại có vô vàn những video của các diễn giả trên YouTube. Họ là những người sẽ đưa ra câu trả lời cho những thắc mắc của ta, tiếp lửa cho tinh thần của ta và cũng có những diễn giả đem đến cho ta sự chữa lành và sự tĩnh lặng từ bên trong. Có rất nhiều bài học hay. Mỗi ngày chúng ta có thể mở video ra và nghe họ nói về những niềm tin tích cực trong cuộc sống. Khi đó bộ não của chúng ta được nạp vào những điều tích cực mỗi ngày, được rèn luyện khả năng tư duy tích cực hơn. Dần dần bạn sẽ nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách suy nghĩ và những việc bạn chọn làm hàng ngày.

Song song với điều đó, hãy dành ra mỗi ngày ít nhất 10 phút để tĩnh lặng, quay vào bên trong và loại bỏ dần những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tiềm thức của mình. Mình tin rằng bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên tốt đẹp và bình an hơn rất nhiều. Tiếp tục kiên trì bạn nhé!

5. Đi ngủ sớm khi có thể

Đi ngủ sớm rất có lợi cho sức khỏe tinh thần của chúng ta (Ảnh: Internet).
Đi ngủ sớm rất có lợi cho sức khỏe tinh thần của chúng ta (Ảnh: Internet).

Tất nhiên chúng ta không thể đi ngủ sớm khi còn những công việc cần phải giải quyết trong ngày. Nếu không còn việc gì để làm nữa thì chúng ta thường dành thời gian cho việc cày phim, lướt Facebook cho đến tận 1-2h sáng. Nhưng bây giờ hãy tắt điện thoại và đi ngủ sớm.

Cũng có nhiều lúc cuộc sống hiện tại khiến cho chúng ta có nhiều nỗi lo và áp lực không thể nói ra, và chỉ có lúc đi ngủ là những chịu đựng, suy nghĩ ùa về nhiều nhất, khiến cho bản thân cứ trằn trọc, thao thức mãi. Mình muốn hỏi rằng liệu việc suy nghĩ như vậy có làm cho mọi việc trở nên ổn hơn không? Bản thân bạn có ổn hơn không? Những suy nghĩ trước khi đi ngủ sẽ là những cảm xúc còn đọng lại vào buổi sáng hôm sau. Và chúng ta không thể bắt đầu ngày mới của mình bằng những cảm xúc rối bời đó. Vì vậy nếu suy nghĩ cũng không giải quyết được gì thì hãy buông nó đi. Và việc chúng ta nên làm trước khi đi ngủ là tập buông bỏ tất cả những bộn bề trong lòng xuống.

Chúng ta có thể thiền trước khi ngủ hoặc nghe những video tích cực như mình vừa nói ở mục số 4 cho đến khi nào buồn ngủ thì thôi. Điều đó tốt hơn so với việc cứ lướt Facebook và không kiểm soát được thông tin bạn đang xem. Mình hiểu điều này sẽ khó thực hiện nhưng bạn có thể bắt đầu với những cách mình vừa nêu ra. Sau một thời gian khi đã quen dần rồi thì bạn chỉ cần nằm xuống và nhắm mắt ngủ thôi.

6. Liên tục trau dồi kiến thức và kĩ năng nhiều hơn

Tưới tẩm cho vốn tri thức của bạn mỗi ngày (Ảnh: Internet).
Tưới tẩm cho vốn tri thức của bạn mỗi ngày (Ảnh: Internet).

Chắc chắn tất cả mỗi người trong chúng ta đều có một lĩnh vực riêng mà mình rất yêu thích và khi được làm việc với nó chúng ta sẽ được sống hết mình, chỉ là bây giờ bạn chưa phát hiện ra nó thôi. Vì trước giờ chúng ta có bao giờ chủ ý đi tìm nó đâu.

Bạn cứ làm việc với chính mình, làm những điều mình cần làm. Mình tin rằng đến lúc nào đó bạn sẽ tìm thấy nó – điều mà bạn cảm thấy hạnh phúc khi được tiếp xúc và được nghe về nó để nghiên cứu sâu hơn. Một người sẽ có sức hấp dẫn hơn khi họ rất giỏi về một chuyên môn nào đó. Đó có thể là về ngoại ngữ, những hiện tượng khoa học kì bí, tâm lí học hay là thủ công, nấu ăn,… Bạn có thể lựa chọn tuỳ thích, miễn là nó phục vụ cho lợi ích của bạn và… lợi ích của những người xung quanh.

Đúng vậy, là lợi ích của những người xung quanh nữa. Chỉ khi đó bạn mới có thể giúp đỡ được cho mọi người khi họ cần, một người giá trị là người luôn biết cho đi mà không mong cầu nhận lại. Ở đây bạn đang cho đi kiến thức của bản thân và điều đó tạo ra phước lành rất lớn cho cuộc sống của bạn.

Ví dụ khi nghiên cứu về ngoại ngữ, bạn có thể làm thông dịch viên để giúp mọi người giao tiếp với nhau dễ dàng hơn, hoặc bạn có thể dạy lại cho người khác. Khi học về nấu ăn, bạn có thể chia sẻ những bí quyết của mình cho những ai thật sự cần nó hay nấu ăn cho mọi người cũng là một cách để cho đi.

Có lẽ khi đọc đến đây, bạn có thể thắc mắc rằng có vẻ như điều này không liên quan đến việc yêu thương bản thân cho lắm. Nhưng mọi thứ đều có sự liên kết. Mình xin nhắc lại điều này: yêu thương bản thân là lựa chọn làm những việc giúp nâng cao giá trị bản thân. Việc giúp đỡ cho mọi người xung quanh, cho đi những thứ bạn có tức là bạn đang tạo ra giá trị cho bản thân và cho cộng đồng. Điều này là rất có ý nghĩa. Bạn đừng e ngại việc cho đi quá nhiều sẽ làm mình thiệt thòi. Vốn dĩ vũ trụ này không bất công như mọi người thường nói vì nó có luật Nhân – Quả. Bạn cho đi cái gì bạn sẽ nhận lại điều tương tự và chắc chắn điều đó còn được nhân lên rất nhiều lần. Nhưng hãy cho đi với ý niệm không mong cầu được nhận lại.

7. Tha thứ cho mình và tha thứ cho người

Tha thứ và cho đi (Ảnh: Internet).
Tha thứ và cho đi (Ảnh: Internet).

Trong quá khứ và cả hiện tại chúng ta đã từng gây ra rất nhiều lỗi lầm lớn nhỏ. Có những lỗi lầm ngay chính bản thân ta cũng không hề biết là ta đã tạo ra nó. Nhưng có những việc làm trong quá khứ khiến cho chúng ta day dứt và dằn vặt bản thân từ ngày này sang ngày khác. Nhưng dù chúng ta có cảm thấy tội lỗi đi nữa thì sự việc cũng đã xảy ra, chúng ta không thể thay đổi được nó. Việc để cho cảm giác tội lỗi đó ăn sâu vào tâm trí làm rút cạn năng lượng và sự tự tin bên trong chúng ta, cản trở mình bước về phía trước.

Có một câu nói như thế này: “Nếu bạn không thể thay đổi được hoàn cảnh, hãy thay đổi bản thân bạn”. Vì vậy hãy tha thứ cho bản thân từ tận sâu trong đáy lòng. Cải thiện bản thân hàng ngày và giúp đỡ mọi người xung quanh sẽ giúp chúng ta dần thoát ra được những cảm giác tội lỗi đó. Nhưng điều này không có nghĩa là mỗi lần mắc sai lầm bạn được quyền tha thứ cho điều đó rồi sau đó lặp lại lỗi cũ. Mình không nói ra điều này để mọi người lợi dụng nó. Tha thứ cho bản thân để loại bỏ được cảm giác tội lỗi đó, chừa chỗ cho những suy nghĩ tích cực và những ý niệm thiện lành lấp vào.

Còn tại sao tha thứ cho người khác là cách để yêu thương bản thân mình? Chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải một số người làm mình tổn thương, đem đến cho mình cảm giác khó chịu và tiêu cực. Nhưng cái người đã làm ta tổn thương đó, sau đó họ có còn quan tâm gì đến cảm xúc của ta hay không? Họ vẫn tiếp tục sống vui vẻ trong khi bản thân ta thì luôn mang theo cảm giác thù hận người đó. Nếu ta làm vậy tức là đang giúp họ được thoả mãn với việc họ làm, vì chủ đích của họ là muốn làm ta tổn thương, khó chịu kia mà.

Họ đã làm bản thân chúng ta khổ rồi thì bản thân ta đừng tự làm mình khổ thêm nữa. Vì vậy tha thứ cho người đã làm mình tổn thương không phải vì họ, mà là vì mình, để mình không phải sống trong khổ đau, hận thù đó nữa. Và vì sao lại có những người như vậy đến với cuộc sống của mình trong khi chúng ta chẳng gây hoạ gì cho ai? Đó chính là nghiệp xấu của bạn có thể không phải từ kiếp này thì là từ kiếp trước. Cho nên đừng than trách số phận, đừng oán thù gì ai, tất cả là do mình cả thôi. Nếu biết nhận trách nhiệm về mình như thế, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn mà không còn những uẩn khúc nữa.

Xem thêm

200+ cap đăng story hay, ấn tượng, hút tương tác nhất bạn nên thử

Bạn đang tìm cho mình những chiếc cap đăng story hay để bày tỏ cảm xúc của mình? Bài viết này sẽ chia sẻ đến bạn 200+ cap đăng story ngắn lên Instagram, Facebook,... Mời bạn tham khảo!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận