Tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi trong tay, sinh viên mới ra trường, cho đến thạc sĩ, tiến sĩ, vẫn phải ngậm ngùi nhận lại một câu “Công ty không tuyển người không kinh nghiệm em ạ”.

Bài viết này chủ yếu nhắm đến những ngành học thuộc khối ngành kinh tế – khối ngành có tỉ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành cao nhất hiện nay trong tổng số 60% sinh viên ra trường làm trái ngành trên cả nước, theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cuối năm 2021. Không xét tới những ngành đề cao học thuật, bằng cấp và chuyên môn cao như bác sĩ, kĩ sư, kiến trúc sư…

Làm trái ngành không còn là chuyện hiếm (Ảnh: Internet).
Làm trái ngành không còn là chuyện hiếm (Ảnh: Internet).

1. Vấn đề ở đây là gì?

Bàn về việc sinh viên với tấm bằng giỏi, thạc sĩ, tiến sĩ ra trường nhưng vẫn thất nghiệp do không có kinh nghiệm. Tôi có vài chia sẻ như sau:

Lấy ví dụ từ trải nghiệm thực tế. Từng có một chị chuyên viên trong ngành marketing chia sẻ với tôi như thế này: “Em không cần phải học ngành marketing để đi làm marketing đâu em”. Lúc đó mới chập chững bước chân vào đại học, nghe câu đó tôi chẳng tin đâu, vì không học thì làm sao mà làm? Nhưng đến khi bắt đầu mày mò tìm hiểu về những người làm marketing và những nội dung họ làm trên mạng, nghe họ chia sẻ, tôi mới biết, 10 người làm marketing thì phải có khoảng 5 người xuất thân trái ngành. Nhưng đặc biệt hơn là họ vẫn rất thành công và tiến xa với nghề.

Dẫn chứng cho việc này, một YouTuber tôi theo dõi chuyên làm nội dung về marketing và anh hiện đang làm vị trí quản lý Marketing tại một tập đoàn đa quốc gia, nhưng ngành học của anh ấy lại là Ngôn ngữ Anh.

Còn một chị khác, xuất thân từ kế toán, nhưng hiện tại lại đang làm quản lý nhân sự tại một công ty lớn với mức lương hơn $1000/tháng.

Thậm chí nếu không xuất thân từ khối ngành kinh tế như IT, Luật,… việc đá sân sang làm sale vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu bạn có một kỹ năng giao tiếp khôn khéo.

Ngược lại, học đúng ngành, nhưng không có kinh nghiệm thì cơ hội kiếm được việc làm chính thức gần như bằng 0. Thậm chí nếu bạn theo đúng ngành, vẫn sẽ rất khó để xin được một vị trí thực tập nếu bạn không có những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần.

Học một đằng, làm một nẻo (Ảnh: Internet).
Học một đằng, làm một nẻo (Ảnh: Internet).

Trong một lần tâm sự với báo Tuổi Trẻ về câu chuyện tấm bằng đại học và nghề kế toán vào năm 2015, thạc sĩ Đặng Văn Sáng – hiệu trưởng Trường trung cấp Ánh Sáng đã chia sẻ:

“Nếu quy định tất cả những người hành nghề kế toán phải có bằng đại học thì thật sự lãng phí, không cần thiết cho doanh nghiệp và xã hội.” Nghe mới trớ trêu làm sao.

Khảo sát những người học trái ngành, chỉ có một số rất ít người có văn bằng 2 (những ngành yêu cầu chuyên môn cao), số còn lại là dựa trên kỹ năng mềm và kinh nghiệm tự tích lũy.

Vậy từ các dẫn chứng trên, ta nhận thấy, giá trị của tấm bằng đại học còn lại bao nhiêu trong mắt các nhà tuyển dụng và doanh nghiệp?

Thực tế, bằng đại học vẫn có giá trị, vì đó là điều kiện cần để có thể xin được một công việc văn phòng. Tuy nhiên, giá trị của nó chỉ dừng lại ở đó. (Tôi xin nhắc lại, bài viết này không xét đến những chuyên ngành đề cao chuyên môn và bằng cấp). Các nhà tuyển dụng cần nhiều hơn như thế. Vậy vấn đề là nằm ở đâu?

Chọn hướng đi nào cho bản thân? (Ảnh: Internet).
Chọn hướng đi nào cho bản thân? (Ảnh: Internet).

2. Hãy xem đây là một ý kiến đóng góp

Theo ý kiến không mấy chủ quan của tôi thì lý do nằm ở chương trình giảng dạy ở các khối ngành này, tập trung lý thuyết, xa vời thực tiễn, những thứ đã học chỉ là lớp bề mặt, trong khi cái mà các doanh nghiệp cần là các kỹ năng thực tế nằm ở cốt lõi bên trong.

Bản thân là một sinh viên đang trong quá trình tự bồi đắp các kỹ năng cứng và mềm cho bản thân, tôi thấy chương trình giảng dạy các khối ngành kinh tế ở các trường đại học cần phải được thay đổi thì tấm bằng đại học của các ngành nghề đó trong mắt nhà tuyển dụng cũng như doanh nghiệp mới được nâng lên. Bằng cách cắt giảm lý thuyết, chú trọng vào thực hành, tập trung sâu vào giảng dạy và đào tạo những kỹ năng cơ bản mà doanh nghiệp ở mọi quy mô đều cần. Lược bớt các môn lý thuyết hoặc thay thế bằng những lớp kỹ năng cứng và mềm. Lý thuyết có thể được sinh viên nắm bắt trong quá trình học ở các lớp kỹ năng. Có thể nói là nên thay đổi hẳn cả chương trình dạy.

Và dĩ nhiên, nếu muốn thực hiện điều này, sẽ cần một khoảng thời gian dài để nghiên cứu, cộng thêm nhiều buổi đào tạo các giảng viên, thay đổi sách giáo trình và cung cấp thêm các trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy. Tạo ra nhiều thay đổi thì sẽ tốn nhiều chi phí, nhưng ít nhất các chi phí đó là xứng đáng cho tương lai sau này.

Nếu có thể thay đổi, thì tôi tin con số thất nghiệp của sinh viên trên cả nước hằng năm sẽ có thể giảm xuống mức tối thiểu, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân sự chủ chốt của quốc gia. Cớ sao lại không?

Xem thêm

100+ danh ngôn, câu nói hay áp dụng cho viết văn nghị luận xã hội 200 chữ mới nhất

Một đoạn/bài viết Nghị luận xã hội phải có tính mới mẻ, sáng tạo, độc đáo thì mới có thể trinh phục, chạm được đến trái tim được người nghe đọc, giáo viên chấm bài. Một bài viết/ đoạn văn chỉ nói xuông không thôi rất dễ gây nhàn chán. Vậy để làm được điều đó chúng ta phải ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận