Bạn có biết rằng smartphone cũng có thể gây nghiện? Và quan trọng hơn, chứng nghiện này gây hại cực lớn đến sức khỏe của chúng ta cả về thể chất lẫn tinh thần! Thật bất ngờ là một thiết bị “thông minh” được tạo ra để giúp đỡ và mua vui cho cuộc sống của con người hóa ra lại phản tác dụng nếu không được dùng đúng cách. Hãy cùng BlogAnChoi khám phá những tác hại của tình trạng nghiện điện thoại nhé!

Sponsor

Chỉ cần ngồi ở một quán cà phê, trạm xe buýt, quán ăn vỉa hè, tóm lại là bất kỳ nơi nào mà người ta có thể rảnh rỗi được vài phút là có thể dễ dàng bắt gặp cảnh “người người điện thoại, nhà nhà smartphone”.

Ngày nay nhiều người có thói quen dùng điện thoại bất cứ khi nào rảnh rỗi (Ảnh: Internet).
Ngày nay nhiều người có thói quen dùng điện thoại bất cứ khi nào rảnh rỗi (Ảnh: Internet).

Smartphone hay các thiết bị thông minh công nghệ cao nói chung đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, đến nỗi nhiều người hay nói vui rằng ra đường có thể quên ví chứ nhất định không được quên phone!

Nhưng cũng giống như tất cả những phát minh kỳ diệu của con người từ xưa đến nay, điện thoại thông minh chỉ phát huy được vai trò trợ thủ hữu ích cho con người nếu được sử dụng ở mức độ vừa phải và đúng lúc đúng chỗ. Thực tế hiện nay rất nhiều người đang lạm dụng và mê mẩn món đồ chơi công nghệ cao này đến mức “nghiện”, không thể sống thiếu chúng dù chỉ một phút.

Điện thoại đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người hiện nay (Ảnh: Internet).
Điện thoại đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người hiện nay (Ảnh: Internet).

Thói quen này không chỉ gây lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc mà thực sự là mối nguy tiềm tàng cho sức khỏe đã được các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo. Nhưng trước khi tìm hiểu xem những tác hại không ngờ đó là gì, chắc bạn đang thắc mắc không biết mình đã rơi vào tình trạng nghiện điện thoại hay chưa nhỉ?

Dùng điện thoại như thế nào mới gọi là “nghiện”?

Về cơ bản tất cả những thứ khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, hưng phấn và “quên hết sự đời” đều có khả năng gây nghiện.

Khi nghiện điện thoại, cuộc sống của bạn sẽ bị trói buộc bởi không thể sống thiếu chúng (Ảnh: Internet).
Khi nghiện điện thoại, cuộc sống của bạn sẽ bị trói buộc bởi không thể sống thiếu chúng (Ảnh: Internet).

Cơ chế của hiện tượng “nghiện” là do sự giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh trong não có tác dụng tạo cảm giác hạnh phúc, hay gọi nôm na là “sướng”. Dần dần não bạn sẽ quen với cảm giác đó và đòi hỏi nhiều kích thích hơn mới đủ gây ra sự sung sướng như cũ, và thế là bạn buộc phải thực hiện hành động đó ngày càng nhiều hơn để thỏa mãn nhu cầu.

Những chứng nghiện thường gặp như nghiện ma túy hay nghiện đồ ngọt đều có chung nguyên nhân là hiện tượng đó. Nhưng khác với các chất cấm và thực phẩm, điện thoại biến chúng ta thành “nô lệ” một cách âm thầm và kín đáo hơn, hầu như không hề có biểu hiện vật vã hay “lên cơn” để mọi người xung quanh phải sợ hãi và cảnh giác. Đó cũng là lý do khiến chứng nghiện này ngày càng lan rộng và có thể chính bạn cũng đang mắc phải mà không hề hay biết.

Nghiện điện thoại không dễ nhận biết cho đến khi bạn đã "lún" quá sâu (Ảnh: Internet).
Nghiện điện thoại không dễ nhận biết cho đến khi bạn đã “lún” quá sâu (Ảnh: Internet).
Sponsor

Và cũng không giống nghiện “thuốc”, nghiện smartphone chưa được công nhận hay định nghĩa một cách rõ ràng do chưa đủ các nghiên cứu cần thiết. Tuy vậy các chuyên gia đã đưa ra một vài dấu hiệu dễ nhận biết để chúng ta tự kiểm tra xem mình có đang hoặc sắp trở thành “con nghiện điện thoại” hay không. Những biểu hiện đó là:

  • Bạn không thể thoải mái đi ngủ nếu thiếu chiếc điện thoại yêu dấu đặt ngay đầu giường hoặc cạnh gối. Nhiều người thậm chí còn cầm điện thoại lên “quẹt quẹt” kiểm tra vài lần rồi mới ngủ được và khi thức dậy cũng phải “nghía” qua một lượt xem có thông báo mới không rồi mới bước ra khỏi giường.
Có phải bạn luôn kiểm tra điện thoại trước khi ngủ và ngay khi thức dậy?(Ảnh: Internet).
Có phải bạn luôn kiểm tra điện thoại trước khi ngủ và ngay khi thức dậy?(Ảnh: Internet).
  • Nếu đi đâu đó mà chợt nhớ ra mình để quên điện thoại ở nhà, bạn sẽ cảm thấy bứt rứt không yên, bực bội cau có và dường như “bất lực” trước những vấn đề nhỏ nhặt mà thường ngày bạn quen dùng điện thoại để giải quyết (như tính toán, tìm đường…).
  • Lấy điện thoại ra xem là việc đầu tiên bạn làm mỗi khi có thời gian rảnh, bất kể là giờ ra chơi ở trường học, giờ nghỉ trưa ở cơ quan, hay khi thư giãn thoải mái ở nhà.
Học sinh sinh viên là đối tượng dễ nghiện điện thoại nhất (Ảnh: Internet).
Học sinh sinh viên là đối tượng dễ nghiện điện thoại nhất (Ảnh: Internet).
  • Bạn ít tương tác với những người xung quanh kể cả khi đang ở cạnh họ, mối quan tâm lớn nhất của bạn chỉ là những bài đăng và video mới trên mạng xã hội được cập nhật liên tục từng phút từng giây trên điện thoại.
  • Nếu đang “dán mắt” vào điện thoại mà có công việc cắt ngang, bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu. Còn nếu bị ai đó trêu chọc bằng cách giật lấy điện thoại thì bạn sẽ nổi giận và to tiếng với họ ngay.
Chiếc điện thoại là trợ lý đắc lực cho chúng ta trong cuộc sống, nhưng hãy dùng điều độ thôi nhé! (Ảnh: Internet).
Chiếc điện thoại là trợ lý đắc lực cho chúng ta trong cuộc sống, nhưng hãy dùng điều độ thôi nhé! (Ảnh: Internet).
  • Khi mở điện thoại mà không có thông báo mới, thay vì tắt đi và làm việc khác bạn lại mò mẫm đủ các ứng dụng và mạng xã hội để tìm cho bằng được thứ gì đó hay ho.
  • Bạn có thể xem điện thoại mọi lúc mọi nơi, trong lúc ăn cơm, đi bộ trên đường, thậm chí lúc đang lái xe! Điều này cực kỳ nguy hiểm đấy nhé!
Rất dễ bắt gặp cảnh vừa đi xe vừa dùng điện thoại như thế này trên đường phố (Ảnh: Internet).
Rất dễ bắt gặp cảnh vừa đi xe vừa dùng điện thoại như thế này trên đường phố (Ảnh: Internet).

Đó là những biểu hiện thường gặp cho thấy bạn đang dần trở thành “nô lệ” của chiếc smartphone. Hãy tự kiểm tra xem bạn có nằm trong nhóm “nguy cơ cao” không nhé!

Nghiện điện thoại sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của bạn?

Những tác hại của smartphone có thể rất rõ ràng, chẳng hạn như làm mắt dễ bị cận hay gây nguy hiểm khi lái xe. Ngay chính những người “lỡ” nghiện chúng cũng phải thừa nhận điều này, nhưng vì cảm giác vui thích tức thời mà họ sẵn sàng gạt đi những hậu quả về sau.

Tuy nhiên còn có những tác hại khác mà thiết bị thông minh này có thể gây ra cho con người theo một cách cũng rất chi là “thông minh”, tức không thể phát hiện ra dễ dàng mà phải nhờ các nghiên cứu và phép đo chính xác của các nhà khoa học. Hãy cùng khám phá xem đó là gì nhé!

1. Dùng điện thoại nhiều làm hại đôi mắt

Nhiều trẻ em ngày nay bị cận sớm do dùng điện thoại quá nhiều (Ảnh: Internet).
Nhiều trẻ em ngày nay bị cận sớm do dùng điện thoại quá nhiều (Ảnh: Internet).

Ai cũng biết đôi mắt khi hoạt động quá nhiều như đọc sách, xem tivi, nhìn màn hình điện thoại máy tính… sẽ bị mỏi và dễ cận. Nhưng tác hại của smartphone không chỉ dừng lại ở đó, mà nó còn khiến mắt giảm khả năng tập trung, gây ra nhiều bệnh lý khác.

Và nguyên nhân khiến màn hình điện thoại hay các màn hình điện tử nói chung trở thành kẻ thù nguy hiểm của đôi mắt là ánh sáng xanh phát ra từ chúng. Các nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng loại ánh sáng này có tác động mạnh đến các tế bào cảm nhận hình ảnh ở võng mạc của mắt. Do đó nếu bị “tấn công” liên tục bằng ánh sáng xanh, các tế bào này sẽ bị tổn thương và làm ảnh hưởng thị lực của mắt. Tác hại này sẽ càng tăng thêm nếu khoảng cách từ mắt tới màn hình càng gần.

2. Điện thoại làm bạn khó đi vào giấc ngủ

Một số người nghiện điện thoại khẳng định họ không thể yên tâm đi ngủ nếu chưa lướt qua kiểm tra lần cuối các thông báo trên điện thoại. Nhưng đến khi lên giường và nhắm mắt thì vấn đề thực sự mới lộ diện: họ cứ trằn trọc không tài nào ngủ được dù đã “đếm cừu” đến hàng trăm lần! Những suy nghĩ vẩn vơ cứ hiện lên trong tâm trí khiến cả đêm dài trôi qua mà những “con nghiện” điện thoại vẫn không có được giấc ngủ ngon lành.

Sponsor
Thói quen dùng điện thoại nhiều vào buổi tối khiến bạn dễ bị mất ngủ triền miên (Ảnh: Internet).
Thói quen dùng điện thoại nhiều vào buổi tối khiến bạn dễ bị mất ngủ triền miên (Ảnh: Internet).

Thủ phạm gây ra điều này, lại một lần nữa, là ánh sáng xanh. Bộ não của chúng ta đã tiến hóa để tiếp nhận ánh sáng xanh như tín hiệu “báo thức”. Vào ban ngày loại ánh sáng này có sẵn trong tự nhiên giúp bạn ở trong trạng thái tỉnh táo để hoạt động và làm việc. Về đêm khi ánh sáng xanh không còn, não sẽ tiết ra hormone tên là melatonin có tác dụng gây buồn ngủ.

Việc dùng điện thoại vào buổi tối sẽ khiến mắt bạn tiếp xúc với ánh sáng xanh vốn chỉ có vào ban ngày, từ đó khiến não lầm tưởng rằng bạn cần phải tỉnh táo và do đó ức chế giải phóng melatonin. Kết quả là bạn không thể đi vào giấc ngủ ngon được.

Ánh sáng xanh làm đảo lộn nhịp sinh học của cơ thể con người (Ảnh: Internet).
Ánh sáng xanh làm đảo lộn nhịp sinh học của cơ thể con người (Ảnh: Internet).

Giải pháp cho vấn đề này là hãy ngừng sử dụng các màn hình điện tử ít nhất 30 phút trước khi ngủ, hoặc cài đặt các ứng dụng chặn ánh sáng xanh có sẵn trên các kho ứng dụng dành cho cả hệ điều hành Android và iOS.

3. Điện thoại là ổ chứa các mầm bệnh không nhìn thấy được.

Tất cả các bề mặt vật dụng hằng ngày quanh ta đều có vi sinh vật cư trú. Dù bạn không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng chúng vẫn tồn tại ở đó với số lượng “đông hơn quân Nguyên” và sẵn sàng đáp lên cơ thể nếu có tiếp xúc với những đồ vật này.

Sponsor
Điện thoại dù nhìn sáng bóng nhưng vẫn có thể mang hàng đống vi khuẩn như thế này đây (Ảnh: Internet).
Điện thoại dù nhìn sáng bóng nhưng vẫn có thể mang hàng đống vi khuẩn như thế này đây (Ảnh: Internet).

Điện thoại được chúng ta cầm lên tay trong thời gian rất dài và hầu như chẳng ai để ý đến việc rửa tay trước khi cầm chúng, do đó vô tình biến chiếc “dế yêu” trở thành ổ chứa nhung nhúc các loại vi trùng. Theo các nhà khoa học của Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, rất nhiều điện thoại ở Anh có nhiễm loại vi khuẩn E. Coli nguy hiểm và một vài chiếc trong số đó còn mang nhiều vi khuẩn hơn cả nhà vệ sinh!

Chiếc điện thoại không được vệ sinh thường xuyên sẽ trở thành nơi cư trú của vô số mầm bệnh (Ảnh: Internet).
Chiếc điện thoại không được vệ sinh thường xuyên sẽ trở thành nơi cư trú của vô số mầm bệnh (Ảnh: Internet).

Điều này còn đặc biệt nguy hiểm hơn khi điện thoại là vật tiếp xúc rất gần với mắt, mũi, miệng của chúng ta, dễ dàng trở thành trung gian mang mầm bệnh vào cơ thể. Do đó tốt nhất bạn nên thường xuyên lau chùi điện thoại của mình thật sạch và hạn chế dùng điện thoại quá nhiều, nhất là sau khi tiếp xúc với các môi trường bẩn nhé.

4. Dùng điện thoại quá nhiều gây đau cổ

Không chỉ là cảm giác mỏi cổ thoáng qua tức thời, tình trạng này còn có hẳn một tên gọi là hội chứng “text neck”, tức tư thế cổ cong và đầu cúi về trước do nhìn vào điện thoại (chủ yếu để nhắn tin – text). Còn được gọi là “cổ rùa” hay “hội chứng đầu phía trước”, tư thế này gây hại rất lớn cho cơ xương khớp vùng cổ, vai, gáy của con người.

Cúi đầu về trước sẽ làm tăng áp lực lên xương sống cổ rất nhiều (Ảnh: Internet).
Cúi đầu về trước sẽ làm tăng áp lực lên xương sống cổ rất nhiều (Ảnh: Internet).
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

Cột sống cổ của con người đã tiến hóa để giữ độ cong nhất định giúp chịu được trọng lượng khá nặng của đầu. Tư thế cúi về phía trước sẽ làm tăng áp lực đè lên các đốt sống cổ gấp nhiều lần so với tư thế cổ thẳng bình thường, do đó về lâu dài không chỉ gây cảm giác đau mỏi mà còn dẫn đến các chứng bệnh về cổ, vai và phần lưng trên.

5. Cầm điện thoại quá lâu gây hại cho tay

Bạn có thường cảm thấy đau mỏi bàn tay khi cầm điện thoại quá lâu? (Ảnh: Internet).
Bạn có thường cảm thấy đau mỏi bàn tay khi cầm điện thoại quá lâu? (Ảnh: Internet).

Ngoài “text neck” là vấn đề đối với cổ, giới khoa học còn khám phá ra những tác hại của việc dùng điện thoại quá nhiều đối với tay và gọi chúng bằng cái tên “text claw”, tức “móng vuốt”.

Bạn có thể dễ dàng nhận thấy tư thế bàn tay khi cầm điện thoại buộc các ngón phải cong lại giống như móng vuốt, và về lâu dài tình trạng này có thể dẫn đến cảm giác đau nhức mỏi và cứng cơ bàn tay. Việc cố định tư thế trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến các gân và khớp, thậm chí có thể gây ra cơn chuột rút rất đau đớn.

Đau mỏi tay là vấn đề thường gặp đối với những người dùng điện thoại liên tục trong thời gian dài (Ảnh: Internet).
Đau mỏi tay là vấn đề thường gặp đối với những người dùng điện thoại liên tục trong thời gian dài (Ảnh: Internet).

Do đó tốt nhất bạn hãy hạn chế cầm điện thoại quá lâu, hoặc nếu phải làm việc trên điện thoại nhiều thì nên tìm một bề mặt nào để đặt xuống nhằm tránh tạo áp lực cho bàn tay xinh của mình nhé!

Sponsor

6. Dùng điện thoại khi lái xe làm bạn dễ gặp tai nạn hơn

Điều này có thể ai cũng biết, nhưng nhiều người vì muốn tiết kiệm vài giây ngắn ngủi mà vẫn “liều mình” trên đường với chiếc điện thoại trong tay khi đang lái xe. Viện Công nghệ Virginia (Mỹ) đã công bố số liệu cho thấy nếu dùng điện thoại khi ngồi sau tay lái chúng ta sẽ có nguy cơ gặp tai nạn giao thông nhiều gấp đôi so với bình thường.

Hãy lái xe một cách an toàn và có trách nhiệm bạn nhé! (Ảnh: Internet).
Hãy lái xe một cách an toàn và có trách nhiệm bạn nhé! (Ảnh: Internet).

7. Ngay cả khi đi bộ bạn cũng không nên “dán mắt” vào màn hình smartphone!

Không chỉ các “bác tài” lái xe mà ngay cả người đi bộ cũng có thể gặp nguy hiểm khi tham gia giao thông trên đường với chiếc điện thoại trong tay. Do mải “tập trung” vào smartphone, bạn sẽ không quan sát đường phố và không để ý đến xe cộ xung quanh. Các số liệu của Hiệp hội An toàn Đường cao tốc của Mỹ đã cho thấy số lượng người đi bộ gặp tai nạn và tử vong tăng lên do dùng điện thoại quá nhiều.

Dùng điện thoại khi sang đường làm bạn dễ gặp tai nạn giao thông (Ảnh: Internet).
Dùng điện thoại khi sang đường làm bạn dễ gặp tai nạn giao thông (Ảnh: Internet).

8. Điện thoại làm bạn stress hơn chứ không phải vui vẻ hơn!

Điều này nghe có vẻ khá lạ lùng, vì rõ ràng chúng ta cảm thấy thoải mái và thư giãn khi “hóng” những tin tức hoặc chơi những trò game trên điện thoại cơ mà?

Những phút giây vui vẻ với chiếc điện thoại lại có thể khiến bạn stress về sau ư? (Ảnh: Internet).
Những phút giây vui vẻ với chiếc điện thoại lại có thể khiến bạn stress về sau ư? (Ảnh: Internet).
Sponsor

Nhưng thực ra đó chỉ là cảm giác sung sướng nhất thời, giống như nghiện ăn đồ ngọt làm bạn thỏa mãn trong phút chốc nhưng béo phì về lâu dài vậy. Các nhà khoa học thuộc Đại học Gothenburg của Thụy Điển đã thực hiện nghiên cứu và phát hiện ra rằng những thanh niên tuổi đôi mươi dùng điện thoại trong 1 năm sẽ có nguy cơ mắc chứng trầm cảm nhiều hơn so với người ít dùng điện thoại.

Các nghiên cứu khác cũng nhận thấy những thay đổi trong hành vi của người nghiện điện thoại, chẳng hạn như họ có xu hướng lo lắng bứt rứt khi phải xa rời “dế yêu”, mất ngủ nhiều hơn và tính cách bốc đồng so với các bạn bè đồng trang lứa. Thậm chí nồng độ các chất chuyển hóa đặc trưng cho tình trạng stress cũng tăng cao trong cơ thể những người nghiện điện thoại. Như vậy đây rõ ràng là một vấn đề đáng lo ngại đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của chúng ta.

9. Điện thoại có ảnh hưởng làm thay đổi bộ não

Các nhà khoa học của Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã chụp cắt lớp hình ảnh não của những người tham gia nghiên cứu trong lúc để điện thoại ở gần, kết quả cho thấy có sự gia tăng hoạt động ở các vùng não khoảng 7% so với bình thường. Đến nay vẫn chưa ai dám chắc những thay đổi này có nguyên nhân do đâu, ý nghĩa là gì và liệu có ảnh hưởng lâu dài đến bộ não hay không.

Bộ não của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố môi trường, trong đó có điện thoại (Ảnh: Internet).
Bộ não của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố môi trường, trong đó có điện thoại (Ảnh: Internet).

Các nghiên cứu khác cũng phát hiện bộ não bị thay đổi do thói quen dùng điện thoại quá nhiều, chẳng hạn như vùng chất xám vỏ não trước trán bị nhỏ lại, hay một nghiên cứu tại Thụy Sĩ đã nhận thấy có mối liên hệ giữa trường điện từ của các thiết bị viễn thông với chức năng thần kinh của thanh thiếu niên, độ tuổi mà bộ não dễ bị ảnh hưởng bởi các nhân tố môi trường.

Điện thoại có thể thay đổi bộ não, dù chưa rõ điều đó có gây hại lâu dài hay không (Ảnh: Internet).
Điện thoại có thể thay đổi bộ não, dù chưa rõ điều đó có gây hại lâu dài hay không (Ảnh: Internet).
Sponsor

Như vậy điện thoại thông minh đúng là có tác động đến bộ não của chúng ta theo một cách nào đó. Tuy vẫn còn nhiều điều chưa hoàn toàn sáng tỏ về vấn đề này nhưng tốt nhất bạn hãy cố gắng đừng lệ thuộc vào chúng quá nhiều, ít nhất là để tránh cảnh dở khóc dở cười khi đi siêu thị mà phải kè kè chiếc smartphone để tính tiền trước khi ra quầy thanh toán!

Mời bạn đọc tiếp những bài viết thú vị khác của BlogAnChoi:

Chúc bạn luôn có những phút giây thư giãn bổ ích cùng BlogAnChoi nhé!

Sponsor
Xem thêm

6 dấu hiệu cảnh báo gan nhiễm mỡ nguy hiểm phải chú ý phát hiện từ sớm

Gan là một trong những bộ phận có kích thước lớn và có vai trò cực kỳ quan trọng. Khi gan bị bệnh sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể, vì vậy nếu như lá gan yêu thương của bạn đang có dấu hiệu nhiễm mỡ cần phải được điều trị ngay. Dưới đây là ...
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Đánh giá bài viết
Bạn ơi, bài này tuyệt chứ?
Có 504 lượt đánh giá.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

3 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(