Giảm cân để có thân hình đẹp là mong ước chính đáng của tất cả mọi người, nhưng ép cân quá nhanh và quá khổ sở thì lại phản tác dụng, không chỉ khiến bạn dễ tăng cân trở lại mà còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Hãy xem những tác hại đó là gì và tại sao giảm cân “chậm mà chắc” mới là cách tốt nhất nhé.

Lối sống hiện đại, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh phải hạn chế ra ngoài, khiến nhiều người bị tăng cân mà không hề hay biết. Đến một ngày đẹp trời nào đó bạn bước lên bàn cân thì mới nhận ra mình cần phải giảm cân.

Giảm cân nhanh là nhu cầu ngày càng phổ biến (Ảnh: Internet).
Giảm cân nhanh là nhu cầu ngày càng phổ biến (Ảnh: Internet).

Nhưng thực ra quá trình tăng cân không hề xảy ra trong một sớm một chiều, và khi giảm cân cũng như vậy. Chúng ta thường mong muốn giảm cân thật nhanh, kiểu như nhịn ăn một ngày là có thể giảm bớt một chút cân nặng, và nếu sau vài ngày mà chưa thấy tác dụng thì nhiều người sẽ bỏ cuộc ngay.

Vì muốn giảm cân thật nhanh nên nhiều người tìm đến các phương pháp ăn kiêng nghiêm ngặt, thậm chí là cực đoan. Nhưng thực ra tăng cân hay giảm cân đều là vấn đề lâu dài, không thể xuất hiện trong một ngày và cũng không biến mất được trong một ngày. Thay vào đó, giảm cân một cách chậm và ổn định mới đem lại hiệu quả tốt hơn và an toàn cho sức khỏe hơn.

Giảm cân quá nhanh là như thế nào?

Lý do đầu tiên và quan trọng nhất khiến bạn không nên giảm cân quá nhanh là vì những cách đó rất khó duy trì được lâu. Những phương pháp ăn kiêng khổ sở thường được giới thiệu là mang lại kết quả nhanh chóng, nhưng hầu hết mọi người sẽ không thể duy trì cách ăn như vậy trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Ăn kiêng có cần phải khổ như vậy không? (Ảnh: Internet).
Ăn kiêng có cần phải khổ như vậy không? (Ảnh: Internet).

Theo Cleveland Clinic, các chuyên gia cho rằng có tới 95% những người ăn kiêng sẽ tăng cân trở lại sau khi ngừng ăn kiêng. Nếu không muốn rơi vào trường hợp đó thì bạn nên giảm cân từ từ. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), những người giảm cân với tốc độ khoảng 1 đến 2 pound (khoảng 0,5 đến 1 kg) mỗi tuần sẽ duy trì được kết quả giảm cân tốt hơn so với những người giảm với tốc độ nhanh hơn.

Tương tự, một bản đánh giá được đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh vào tháng 12/2020 cho thấy: với cùng mức cân nặng giảm được như nhau, những người ăn kiêng từ từ sẽ giảm được lượng mỡ trong cơ thể nhiều hơn so với những người giảm cân nhanh. Theo Viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn của Mỹ, giảm cân nhanh sẽ làm cơ thể dễ bị mất nước, mất cơ, thậm chí là giảm khối lượng xương.

Giảm cơ hay giảm mỡ? (Ảnh: Internet).
Giảm cơ hay giảm mỡ? (Ảnh: Internet).

Giảm cân tốt là giảm mỡ, còn giảm cân xấu là giảm cơ. Giữ được nhiều cơ bắp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt đối với giảm cân, vì cơ bắp sẽ đốt cháy nhiều calo và tăng cường trao đổi chất ngay cả khi không vận động.

Theo các chuyên gia, khi áp dụng chế độ ăn kiêng khổ sở trong khoảng 1 tháng sẽ bắt đầu xuất hiện những vấn đề sức khỏe, nếu nghiêm trọng có thể là chứng chán ăn hoặc ăn vô độ, còn các biểu hiện nhẹ hơn thì rất thường gặp ở nhiều người.

Tại sao giảm cân quá nhanh lại nguy hiểm cho sức khỏe?

Theo Cleveland Clinic, có nhiều chế độ ăn kiêng yêu cầu bỏ hẳn một loại thức ăn hoặc một nhóm thực phẩm nào đó, hoặc cắt giảm calo nghiêm ngặt để giảm cân nhanh, nhưng điều đó cũng làm mất các nguồn dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể. Theo MedlinePlus, nếu giảm hơn 1kg trong một tuần và duy trì liên tục trong vài tuần thì được coi là giảm cân nhanh và thường là do ăn quá ít calo. Phương pháp này thường không được khuyến cáo trừ khi có sự giám sát của chuyên gia.

Theo dõi cân nặng thường xuyên để xem mình có giảm cân quá nhanh hay không (Ảnh: Internet).
Theo dõi cân nặng thường xuyên để xem mình có giảm cân quá nhanh hay không (Ảnh: Internet).

Tốc độ giảm cân phù hợp cho mỗi người còn tùy thuộc vào cân nặng ban đầu và độ tuổi, nhìn chung những người nặng khoảng 70 đến 135 kg không nên giảm quá 1 đến 2 kg một tuần. Nếu giảm nhanh hơn mức đó và duy trì lâu sẽ không tốt cho sức khỏe.

Giảm cân nhanh có thể gây stress và thay đổi các hormone trong cơ thể, theo MedlinePlus. Hormone leptin gây cảm giác no và ghrelin báo hiệu cảm giác đói có thể bị mất cân bằng khiến bạn thèm ăn nhiều hơn, theo Northwestern Medicine. Ví dụ: khi thực hiện chế độ ăn kiêng mới, bạn có thể giảm được vài cân trong tuần đầu tiên một cách dễ dàng, nhưng sau đó mức giảm cân có thể chậm lại, thậm chí bạn có thể tăng cân trở lại ngay sau khi ngừng hoặc giảm bớt ăn kiêng.

Sự trao đổi chất cũng có thể bị ảnh hưởng khi giảm cân quá nhanh. Theo Cleveland Clinic, khi lượng calo nạp vào ít đi thì cơ thể sẽ điều chỉnh bằng cách làm giảm sự đốt cháy calo để tiết kiệm năng lượng. Khi ăn uống bình thường trở lại, cơ thể chưa kịp thích ứng nên lượng calo dư thừa sẽ làm tăng cân như cũ, và cân nặng đó chủ yếu là mỡ.

Tăng cân trở lại sau khi giảm cân (Ảnh: Internet).
Tăng cân trở lại sau khi giảm cân (Ảnh: Internet).

Giảm cân quá nhanh cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác. Ngoài việc mất cơ, mất nước và giảm mật độ xương, nó có thể gây ra sỏi mật, bệnh gout, mệt mỏi, táo bón, tiêu chảy và buồn nôn, theo MedlinePlus.

Giảm cân quá nhanh đặc biệt tiềm ẩn nguy hiểm đối với những người có bệnh nền, nhất là bệnh tiểu đường và các bệnh về thận, dạ dày. Ngoài ra khi cân nặng thay đổi sẽ ảnh hưởng đến liều lượng thuốc cần dùng cho người đang mắc bệnh, vì vậy nếu bạn thấy cân nặng của mình thay đổi đáng kể thì hãy nói với bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc.

Cách tốt nhất là giảm cân từ từ và lâu dài

Trong khi các chế độ ăn kiêng khổ sở có thể tạo ra thay đổi nhanh và mạnh nhưng không tốt về lâu dài, thì cách giảm cân lành mạnh đòi hỏi bạn phải thay đổi lối sống một cách bền vững và duy trì trong tương lai, nhờ đó mới có thể duy trì những lợi ích của việc giảm cân đối với sức khỏe.

Những thói quen lành mạnh như ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên vận động, giảm stress và ngủ tốt có thể mang lại hiệu quả rõ rệt. Đó là những thành phần thiết yếu của quá trình giảm cân, và khi bạn đã đạt được cân nặng như ý thì cũng đừng bỏ những thói quen này vì chúng vẫn tiếp tục mang đến nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.

Một bản đánh giá được đăng trên tạp chí Obesity Review vào tháng 2/2020 đã phát hiện những kế hoạch giảm cân và giữ cân có hiệu quả tốt nhất là chế biến các loại thực phẩm lành mạnh có sẵn ở nhà, ăn sáng đều đặn, ăn nhiều rau, tránh thực phẩm nhiều đường và chất béo, đồng thời tăng hoạt động thể chất.

Giảm cân lành mạnh là kết hợp chế độ ăn đủ chất với tập thể dục thường xuyên (Ảnh: Internet).
Giảm cân lành mạnh là kết hợp chế độ ăn đủ chất với tập thể dục thường xuyên (Ảnh: Internet).

Bạn đang áp dụng cách giảm cân như thế nào cho bản thân mình? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Tại sao khi có tuổi dễ bị tăng cân và rất khó giảm cân? Làm cách nào để giảm cân tốt hơn?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn khó giảm cân, từ chế độ ăn và tập thể dục cho tới thói quen sinh hoạt hằng ngày. Nhưng đối với người có tuổi càng khó lấy lại vóc dáng thon gọn hơn vì có nhiều thay đổi diễn ra bên trong cơ thể. Vậy làm cách nào để duy trì ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận