Dưới đây là vài quan điểm của mình về những quan niệm lạc hậu muôn thuở nhưng vẫn thường gặp trong cuộc sống ngày nay.
- 1. Quan niệm “Trai Bắc gia trưởng lắm, không nên cưới con ạ!”
- 2. Quan niệm “Người miền Trung keo kiệt lắm”
- 3. Quan niệm “Gái miền Tây thì toàn tay vịn, bia ôm, mát-xa cả thôi!”
- 4. Quan niệm “xăm hình là không đàng hoàng”
- 5. Quan niệm “Con gái thì không cần học nhiều làm gì! Học đến 18 tuổi cưới chồng là tốt rồi!”
1. Quan niệm “Trai Bắc gia trưởng lắm, không nên cưới con ạ!”
Mình không biết từ khi nào mà quan niệm này lại được coi là đương nhiên. Mình thừa nhận rằng một bộ phận đàn ông miền Bắc có xu hướng gia trưởng và truyền thống. Thậm chí bạn bè và một vài người xung quanh mình chỉ cần nghe đến hai từ “trai Bắc” thì lại tránh né. Thế nhưng đâu phải ai cũng như vậy. Nói đâu xa, mình chứng kiến nhiều người chồng Bắc rất tốt với vợ con, luôn đối xử với vợ con và mọi người rất lịch sự. Đặc biệt họ luôn tôn trọng ý kiến của mọi người xung quanh.
Chung quy lại thì gia trưởng cũng là do tính cách của người đó mà ra. Mình từng quen một anh người Nam. Thế nhưng anh ta lại có máu gia trưởng. Anh ấy luôn bắt mình phải làm theo ý muốn của anh ấy. Cái mình cảm thấy trong mối quan hệ là sự ngột ngạt đến khó thở. Và qua câu chuyện trên, mình chỉ muốn khẳng định rằng con trai thì có trai this, trai that. Không phải cứ trai Bắc là gia trưởng.
2. Quan niệm “Người miền Trung keo kiệt lắm”
Bão Noru là vấn đề nổi cộm trên các mạng xã hội, báo đài truyền thông vài ngày gần đây. Không chút bất ngờ khi cơn bão lần này lại đổ bộ vào miền Trung. Giờ thì mọi người đã hiểu vì sao người miền Trung bọn mình lại “keo kiệt” chưa? Nói keo kiệt cũng chả phải. Đơn giản vì bọn mình đang tiết kiệm thôi. Một năm có biết bao nhiêu cơn bão ghé qua với hàng đống những thiệt hại ngổn ngang. Nào là cây đổ, nhà hư. Nào là tài sản rồi là con người dần biến mất không một lời từ biệt. Nếu người miền Trung bọn mình không tiết kiệm thì khi bão đi qua, bọn mình có thể tồn tại bằng cách nào?
Nằm giữa Tổ quốc Việt Nam thế nhưng miền Trung lại phải hứng chịu rất nhiều đau đớn. Bão lũ, hạn hán có đủ. Mình hy vọng sau những dòng văn này, mọi người sẽ có suy nghĩ khác về đồng bào miền Trung chúng mình và cùng chung sức ủng hộ để góp phần đưa người anh em gian khổ này cùng đi lên.
3. Quan niệm “Gái miền Tây thì toàn tay vịn, bia ôm, mát-xa cả thôi!”
Mình vừa đọc một bài confession với nhân vật chính là một chị gái miền Tây. Chị yêu một anh trai miền Bắc. Hai người yêu nhau 3 năm và có ý định tiến tới hôn nhân. Thế nhưng gia đình anh kia lại không đồng ý chỉ vì chị là “gái miền Tây”. Họ cho rằng “gái miền Tây” là “loại” lười làm, ăn chơi, ghê hơn nữa là làm tay vịn karaoke, mát-xa (nói thẳng ra là “làm gái”).
Mình chẳng biết từ bao giờ người con gái miền Tây lại bị đánh đồng một cách thô lỗ đến mức như vậy nữa. Tại sao người ta lại không nhìn vào mặt tốt mà lại cứ chăm chăm mỗi mặt xấu như vậy? Nếu cứ có cái suy nghĩ “cổ hủ” như vậy thì những người con gái nhà lành, những cô gái trong sạch bị vấy bẩn trong oan ức như thế à? Mình tự hỏi rằng khi những người “lớn” kia thốt ra những câu như vậy thì họ đã suy nghĩ chưa? Họ đã uốn lưỡi 7 lần trước khi nói chưa? Mình nhận ra rằng đôi lúc độ tuổi không nói lên được mức độ trưởng thành của một con người. Những định kiến sai lầm ấy đôi lúc lại vô tình đẩy một con người xuống tận đáy vực sâu. Vì thế, hãy ngưng phán xét và đánh giá người khác.
4. Quan niệm “xăm hình là không đàng hoàng”
Điều này xảy ra phổ biến nhất ở genZ. Mình từng chứng kiến một sự việc đau lòng về một cậu bé ở trường cấp 3. Em ấy học lớp 10. Em là cậu học sinh bình thường. Em sống trong gia đình chuẩn mực – cha mẹ là công nhân viên chức. Rồi một ngày nọ, mẹ em mắc bệnh ung thư. Em nảy ra ý định xăm hình mẹ lên tay. Đối với mình, xăm hình gia đình như một cách để thể hiện sự biết ơn và kính trọng. Thế nhưng, khi bố em phát hiện, em đã bị đánh một trận với lí do “xăm hình là không mẫu mực. Chỉ có những thằng quậy phá, giang hồ mới xăm hình”. Và rồi, đêm hôm đó, em tự tử.
Rất nhiều người đã chỉ trích em rằng tại sao em lại hành xử bồng bột như vậy? Tại sao lại dễ dàng từ bỏ cuộc sống đến vậy? Bố mẹ đã nuôi em lớn đến thế này thì phải học và kiếm tiền để báo hiếu bố mẹ chứ? Em còn quá trẻ. Nhưng không ai hỏi rằng: “Em cảm thấy như thế nào?“. Ở độ tuổi đang phát triển như thế, việc giáo dục con cái bằng đòn roi chẳng phải là cách hiệu quả. Đặc biệt hơn cả là vấn đề xăm hình.
Thế hệ bố mẹ chúng mình thường cho rằng: “Xăm hình để thể hiện ta đây là nhất” hay “chỉ có những kẻ ăn chơi, phá làng phá xóm, sống không ra gì mới xăm hình mà thôi“. Cái tư tưởng này in sâu vào tâm trí bố mẹ chúng mình. Thế nhưng đối với genZ – một thế hệ với cá tính mạnh mẽ cho rằng xăm hình là nghệ thuật, là một cách để thể hiện phong cách, cá tính của chính mình. Sự mâu thuẫn này không dễ để hóa giải bởi nó đã là quan điểm của cả một thế hệ. Cách tốt nhất là bố mẹ và con cái nên dành ra một buổi để trò chuyện cùng nhau về vấn đề này. Từ đó, sự thấu hiểu và thay đổi trong nhận thức có lẽ cũng sẽ được cải thiện.
5. Quan niệm “Con gái thì không cần học nhiều làm gì! Học đến 18 tuổi cưới chồng là tốt rồi!”
Mình không thấy tốt chỗ nào cả. Cưới chồng rồi sinh con. Thế rồi cơm áo gạo tiền từ trên trời bay xuống à? Tại sao phụ nữ bắt buộc phải cưới chồng, phải đẻ con? Nói như vậy chả khác gì người phụ nữ là “máy đẻ” cả. Thế mà lời nói đó lại thốt ra từ miệng của cô hàng xóm nào đấy. Cô tự ngầm khẳng định rằng mình là máy đẻ.
Nếu học đến 18 tuổi rồi cưới chồng thì kiến thức trong suốt 18 năm đó để làm gì chứ? Chẳng khác gì cuộc chạy đua cả. Được sinh ra, được nuôi lớn, được học hành rồi được cưới chồng và được sinh con. Như thế thì con người chẳng khác con robot là bao. Chỉ việc làm theo trình tự là được. Vậy thì chúng ta sinh ra trên cuộc đời này có ý nghĩa gì chứ? Để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của bà hàng xóm à? Của cha mẹ à? Học là cả một quá trình tiếp nhận tri thức, là để làm giàu cho trí óc, là để tránh những suy nghĩ như trên đó.
Xã hội hiện đại, hãy phát triển để hiện đại và khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Peace!