Chúng ta đã trải qua hơn 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19. Có thể thấy tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh phụ thuộc rất nhiều vào chủng virus. Thời gian gần đây, số lượng người mắc biến chủng Omicron đang gia tăng nhanh chóng. Vì vậy hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu các dấu hiệu nhiễm Omicron nhé!
- Biến thể Omicron là gì?
- Các dấu hiệu nhiễm Omicron thường gặp
- Ho
- Ngứa rát họng
- Khó thở
- Sốt
- Đau đầu
- Hắt hơi, sổ mũi
- Đau mỏi cơ
- Mất hoặc giảm khứu giác, vị giác
- Các dấu hiệu khác khi nhiễm Omicron
- Nhiễm Omiron có thể điều trị tại nhà không?
- Nhiễm Omicron nặng cần đến bệnh viện khi nào?
- Phòng ngừa nhiễm biến thể Omicron
Biến thể Omicron là gì?
Tính đến thời điểm hiện tại, Omiron đang là biến thể phổ biến nhất toàn cầu do tốc độ lây lan nhanh chóng của nó. Omicron tích lũy đến hơn 30 đột biến liên quan đến protein vỏ gai – đóng vai trò như kháng nguyên của virus, trong đó có nhiều đột biến chưa từng xuất hiện ở các biến thể trước đó.
Các nhà dịch tễ học và bác sĩ lâm sàng quan ngại về khả năng lây lan nhanh chóng, né tránh miễn dịch của cơ thể, kháng lại vaccine và các vấn đề hậu COVID của biến chủng này.
Đặc biệt, biến chủng Omicron gây ra một vài triệu chứng khác so với các biến chủng trước đó nên rất khó để nhận biết được bản thân có mắc bệnh hay không. Biết được dấu hiệu nhiễm Omicron sẽ giúp bạn nhanh chóng phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, nhờ vậy sẽ giảm được nguy cơ lây nhiễm cho người thân đồng thời tránh được các di chứng hậu COVID.
Các dấu hiệu nhiễm Omicron thường gặp
Ho
Theo các nghiên cứu của các chuyên gia y tế, ho là triệu chứng gặp trong 83% các trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Có thể là ho khan, ho kéo dài nhưng thường không kèm theo ho khạc đờm.
Ho cũng thường là dấu hiệu nhận biết đầu tiên của việc nhiễm Omicron cũng như các biến chủng COVID-19 trước đây.
Ngứa rát họng
Ho thường kèm theo đau họng, ngứa rát cổ họng như có ai đó đang cào trong cổ họng của bạn cũng là dấu hiệu gợi ý nhiễm Omicron.
Triệu chứng này gặp trong 72% các trường hợp mắc biến chủng Omicron, trong khi đó ở biến chủng Delta thì tỷ lệ có ngứa rát họng là 34%.
Khó thở
Tỷ lệ gặp khó thở trong nhiễm Omicron thường từ 12-15%, khó thở có thể kèm theo hụt hơi hoặc thở nhanh, nông; đau tức ngực. Tuy nhiên nếu xuất hiện ho, ngứa rát họng, khó thở với tính chất kể trên thì khả năng cao bạn đã nhiễm biến thể Omicron.
Nếu xuất hiện tình trạng khó thở, bạn cần thường xuyên kiểm tra nhịp thở, SpO2 của bản thân để phát hiện dấu hiệu chuyển nặng để nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.
Sốt
Sốt là một trong những dấu hiệu nhận biết nhiễm COVID-19, thường là sốt nhẹ hoặc vừa.
Khác với các biến thể trước đó, khi nhiễm Omicron bạn có thể sốt nhẹ khoảng 37-38°C và giảm nhanh, hoặc đôi khi bạn chỉ cảm thấy cay da hoặc gai lạnh trong người.
Đau đầu
Khi nhiễm biến thể Omicron, bạn có thể gặp triệu chứng đau đầu (khoảng 68%) ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng do đáp ứng miễn dịch của cơ thể nhằm chống lại virus.
Đau đầu do nhiễm Omicron có đặc điểm khác với đau đầu do các nguyên nhân khác bao gồm:
- Đau nặng đầu 2 bên.
- Thường kéo dài từ 2-3 ngày.
- Kém đáp ứng với thuốc giảm đau.
Hắt hơi, sổ mũi
Nhiễm Omicron cũng thường có những triệu chứng hắt hơi, sổ mũi rất dễ nhầm với cảm cúm hoặc khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích đường hô hấp như: khói bụi, phấn hoa, lông động vật,…
Tuy nhiên, nếu triệu chứng này xuất hiện thường xuyên kết hợp với các dấu hiệu như ho, ngứa họng, đau đầu,… thì bạn không nên chủ quan mà cần kiểm tra sức khỏe của mình ngay nhé!
Đau mỏi cơ
Nhiễm Omicron hoặc bất kỳ biến chủng nào của COVID-19, cơ thể đều cảm thấy mệt mỏi, đau nhức nhiều cơ, nhất là cơ vùng chân và vai gáy. Đôi khi có thể xuất hiện tình trạng tê cứng hoặc yếu hơn ở chân và tay.
Tuy nhiên, triệu chứng này thường không kéo dài quá lâu, và sẽ cải thiện nếu bạn nghỉ ngơi điều độ, tích cực bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
Nếu tình trạng trên quá nghiêm trọng, bạn có thể đến gặp các chuyên gia y tế để được kiểm tra và phát hiện các vấn đề sức khỏe bất thường khác nhé!
Mất hoặc giảm khứu giác, vị giác
Nhiễm Omicron có thể có các dấu hiệu mất hoặc giảm khứu giác, vị giác, chiếm khoảng 12% các trường hợp. Tuy nhiên dấu hiệu này thường phổ biến hơn khi nhiễm biến thể Delta so với biến thể Omicron.
Các dấu hiệu khác khi nhiễm Omicron
- Cơ thể mệt mỏi
- Chán ăn
- Ngạt mũi
- Đau bụng
- Nôn, buồn nôn
Tuy nhiên các dấu hiệu trên thường rất phổ biến và hay gặp trong nhiều bệnh, do đó nếu gặp các dấu hiệu này với mức độ vừa hoặc trầm trọng, bạn cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Nhiễm Omiron có thể điều trị tại nhà không?
Hiện nay, các dấu hiệu nhiễm COVID-19 nói chung và Omicron nói riêng thường khá nhẹ do đa số người dân đều đã được tiêm đủ liều vaccine. Do đó, nếu thể trạng cơ thể khỏe mạnh, bạn hoàn toàn có thể tự cách ly và điều trị nhiễm biến thể Omicron tại nhà theo nguyên tắc:
- Điều trị các triệu chứng gây khó chịu: sốt, ho, ngứa rát họng…
- Tăng cường dinh dưỡng với đa dạng các nhóm chất và bổ sung vitamin cần thiết cho cơ thể.
- Uống đầy đủ nước (khoảng 1,5-2 lít/ngày).
- Nghỉ ngơi, vận động, tập luyện thể dục thể thao hàng ngày.
- Thường xuyên đánh giá tình trạng sức khỏe: nhiệt độ, mức độ khó thở hoặc SpO2 để phát hiện tình trạng chuyển nặng cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Nhiễm Omicron nặng cần đến bệnh viện khi nào?
Một vài trường hợp có thể diễn biến nặng thêm khi nhiễm biến thể Omicron cần đến gặp bác sĩ như:
- Xuất hiện rối loạn ý thức (lơ mơ, lú lẫn, kích động,…).
- Khó thở nhiều kèm theo đau tức ngực tăng dần.
- Nhịp thở nhanh > 25 nhịp/ phút.
- Da, móng tay, môi tái xanh hoặc tím.
- Sốt cao kéo dài > 3 ngày không giảm.
Phòng ngừa nhiễm biến thể Omicron
Để phòng ngừa nhiễm Omicron hiệu quả, các tốt nhất bạn nên làm là:
- Tiêm đầy đủ Vaccine phòng COVID-19.
- Tuân thủ nghiêm túc quy đinh 5K của Bộ Y Tế, không được chủ quan.
- Tăng cường và nâng cao thể trạng thông qua ăn uống khoa học, đầy đủ các chất.
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
Tổng kết lại, BlogAnChoi vừa gửi đến bạn các dấu hiệu nhiễm Omicron thường gặp, hi vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu và nhanh chóng phát hiện ra bệnh nếu có các dấu hiệu như trên. Đừng quên theo dõi chuyên mục sức khỏe để cập nhật nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!
Một số bài viết liên quan bạn có thể tham khảo:
- Biến thể “omicron tàng hình” của COVID-19 là gì? Có nguy hiểm hơn omicron thường?
- Biến thể Omicron của virus gây COVID-19 nguy hiểm tới mức nào? Tại sao lại “đáng lo ngại”?
- Liều vắc xin COVID-19 tăng cường có thể ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta không?
Nguồn: Bộ Y tế, Tamanhhospital, Thanhnien