Miền kí ức đó của tôi là những ngày chờ bà ngoại đi chợ về để chạy ra cổng níu tay bà hỏi : “bà có mua bánh bà Đông không bà?”. “Bánh bà Đông” trong ngôn ngữ của tôi ngày đó chính là món bánh dày ngọt, thứ bánh quê đã cùng tôi lớn lên suốt thời thơ ấu.

Bánh đúc: món quà thơm thảo của Phương Đông

Sau một tuần với bánh chưng, canh măng, nem rán… bữa sáng của ngày đi làm đầu tiên sau kì nghỉ Tết bỗng khiến tôi bối rối. Ăn gì để giải ngấy đây nhỉ?

Bánh đúc - món quà thơm thảo của phương Đông. (Ảnh: internet)
Bánh đúc – món quà thơm thảo của phương Đông. (Ảnh: internet)

Mùng 6 Tết, như mọi năm thì ngày này khu chợ nhà tôi đã tấp nập rồi. Nhưng năm nay vì Covid nên các cô, các bác cũng nghỉ chợ lâu hơn mọi năm. Đang loay hoay không biết đã có hàng ăn sáng nào chưa thì mẹ tôi gọi “bác Hương mang bánh đúc với bánh dày ngọt xuống cho ông bà đấy, có mang sang nhà mình nữa đấy, ăn tạm đi”. Bánh dày ngọt thì là món tủ của tôi từ ngày còn bé rồi, còn bánh đúc… Ô! Dễ phải đến mấy năm tôi chưa ăn lại món bánh đúc.

Ở Hà Nội bánh đúc nổi tiếng nhất là Lê Ngọc Hân, chợ Đồng Xuân… Tuy nhiên, lần đầu tiên tôi thưởng thức món bánh này lại không phải ở Hà Nội. Lần đầu tiên của tôi là năm thứ 2 đại học, khi chúng tôi làm bài tập thực tế môn văn hóa dân gian Việt Nam, tôi đã có dịp về thăm và thưởng thức món bánh đúc làng Hạnh.

Khi được giao bài tập về những món ăn dân gian Việt Nam, trong nhóm của tôi có người bạn bạn quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã gợi ý cho cả nhóm về quê bạn tìm hiểu về món bánh đúc. Trong nhóm có ba đứa con gái bị say xe nên phương án đi xe máy về Vĩnh Phúc ngay lập tức được đồng ý. Chuyến đi thực tế năm đó về làng Vạn Hạnh, đối với một đứa con gái sống ở Hà Nội như tôi thật sự rất thích thú. Ngoài việc lần đầu tiên được đi phượt ra ngoại thành bằng xe máy, đến thăm một làng cổ (trước đó tôi chỉ biết “làng” ở quê ngoại Hải Dương), chúng tôi còn được xem tận mắt các công đoạn chế biến món bánh đúc trứ danh của làng Hạnh.

Nhìn miếng bánh đúc bày trên đĩa trông mộc mạc, giản đơn vậy mà từ khâu chọn nguyên liệu đã kì công vô cùng. Để làm ra bánh đúc ngon và dai thì gạo phải là gạo cũ ( được xay , giã từ loại gạo đã được để qua ít nhất làm 1 năm), nếu không bánh sẽ bở và sần. Và điều đặc biệt nhất của bánh đúc làng Hạnh, mà sau này khi đi ăn bánh đúc ở các hàng quán Hà Nội tôi mới thấy rõ, đó là màu xanh nõn chuối tự nhiên. Sau này, tôi hiếm khi bắt gặp được những tấm bánh đúc có màu xanh như vậy.

bánh đúc làng Hạnh nức tiếng gần xa
bánh đúc làng Hạnh nức tiếng gần xa. (ảnh: internet)

Miên man suy nghĩ, tôi nhớ về thời sinh viên của mình. Từ một đứa chỉ biết loanh quanh từ nhà lên đến Hồ Gươm, khi học đại học, lại chuyên ngành về quản lý văn hóa, tôi đã đi nhiều qua nhiều miền đất, được trải nghiệm và học hỏi thêm nhiều kiến thức về văn hóa dân gian dân tộc.

Ẩm thực là ngôn ngữ thể hiện văn hóa vật chất và tinh thần của một dân tộc

Văn hóa gắn liền với ẩm thực, ở mỗi vùng đất lại có những đặc sản riêng, tuy rằng có thể mua được ở nhiều nơi nhưng khi thưởng thức trên chính nơi sản sinh ra nó, chắc chắn luôn đặc biệt hơn hẳn. Cũng vì bản thân học chuyên ngành Văn hóa nên đi đến đâu, ăn món gì, tôi cũng tò mò hỏi người dân địa phương về món ăn đó.

Đi Sơn Tây, ngoài đi thăm thành cổ, tôi còn về làng Phú Nhi để ăn bánh tẻ, dù rằng thi thoảng vẫn thấy những xe bán hàng rong rao “bánh tẻ đặc sản Sơn Tây đây ” chạy qua khu nhà mình. Dù không được xem cách người dân làng Phú Nhi làm ra chiếc bánh tẻ, nhưng chúng tôi được nghe câu chuyện dân gian về nguồn gốc của loại bánh này. Chắc ít ai biết, bánh tẻ lại có nguồn gốc sản sinh từ nồi bánh đúc bị nấu hỏng. Tương truyền rằng, có 1 đôi trai gái yêu nhau vì mải tâm tình mà quên mất nồi bánh đúc đang nấu dở trên bếp, khi nhớ ra thì nồi bánh nửa sống nửa chín. Bố cô gái vì thế mà tức giận, ngăn cấm cuộc tình, khiến cô gái ốm nặng qua đời. Còn chàng trai, mang nồi bột về, không nỡ đổ đi, bèn lấy lá dong, lá chuối khô lau sạch rồi thái làm nhân bánh. Cuốn lá chuối khô bên ngoài, dùng lá giang buộc lại, đem luộc trên bếp. Và bánh tẻ ra đời từ đó.

bánh tẻ làng Phú Nhi ở Sơn Tây
bánh tẻ làng Phú Nhi ở Sơn Tây

Hay như mùa hè năm thứ 3 đại học, khi tham gia Mùa hè xanh, tôi có dịp đến Lạng Sơn và biết thêm món bánh ngải, món bánh đặc sản của dân tộc Tày. Giống như người Kinh không thể thiếu bánh chưng ngày Tết, người Tày không thể thiếu bánh ngải. Bánh ngải cũng có hình tròn như chiếc bánh dày, nhưng nó có màu xanh thẫm của lá ngải cứu, đặc biệt là nhân bên trong rất thơm, được làm từ vừng đen rang chín, giã nhuyễn trộn cùng đường phèn được nấu chảy, tạo nên hương vị ngọt nhưng không quá sắc. Ăn một lần tôi đã đâm ra nghiện, cứ có dịp đứa bạn đồng nghiệp người Lạng Sơn về quê là lại nhờ nó mua bánh ngải.

Hương vị bánh ngải khiến tôi ăn là nghiện ngay lần đầu tiên
Hương vị bánh ngải khiến tôi ăn là nghiện ngay lần đầu tiên

Sinh nhật tôi năm nay đúng vào ngày mùng 1 Tết, lũ bạn thi nhau gửi ảnh bánh chưng cắm nến sinh nhật trêu tôi. Nghĩ cũng buồn cười, Việt Nam mình có biết bao món bánh ngon, đặc sắc, mang đậm hồn quê hương, tại sao vào ngày chúng ta sinh ra đời lại không chọn một loại bánh đặc sản của quê hương mình, thay cho chiếc bánh phủ đầy kem và bơ của nước ngoài?

"bánh Bà Đông" trong kí ức tuổi thơ tôi
“bánh Bà Đông” trong kí ức tuổi thơ tôi

Nếu là bạn, bạn sẽ chọn hương vị bánh nào?

Xem thêm

250+ câu thơ thả thính hay, "cưa đổ" ngay mọi crush khó tính!

Mỗi ngày một câu thơ thả thính, đảm bảo hạ gục mọi crush khó tính nhất. Bạn không tin ư? Lưu ngay những câu thơ thả thính hay nhất, chất nhất của BlogAnChoi về làm thử xem năm sau có người yêu không nào?
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
4 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Phan Thanh Hoàng Yến

Đọc mà chảy nước miếng luôn…

User 7cd9d622

Chọn niềm vui thôi. Bánh nào chả được, mỗi người nhu cầu niềm vui khác nhau mà. Thấy em quan tâm đến bản thân mình nhiều như thế thì kiểu gì em cũng hạnh phúc rồi.

zoelee

nhìn thèm ghê, nói về các loại bánh ăn chơi thì xứ Việt không thiếu :p