Môi trường ẩm ướt và điều kiện vệ sinh kém trong mùa mưa bão khiến một số bệnh bùng phát gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. BlogAnChoi sẽ thống kê biểu hiện và biện pháp phòng tránh của 7 căn bệnh thường gặp trong mùa mưa, chú ý nhé!

1. Sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua vết cắn của muỗi Aedes. Môi trường ẩm ướt và ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi và gây bệnh cho con người. Bệnh sốt xuất huyết có khả năng gây tử vong và chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ em.

Biểu hiện bệnh

  • Cơ thể có thể đột ngột sốt cao có thể kéo dài từ 2 đến 7 ngày.
  • Đau khớp và cơ, đau vùng sau mắt, cơ thể mệt mỏi.
  • Phát ban da hoặc đốm nhỏ màu đỏ trên da.
  • Chảy máu mũi khi sốt bắt đầu giảm dần.
  • Đau bụng, dịch nôn có máu hoặc màu cà phê, phân tối màu.

Cách phòng tránh

  • Che kín thùng nước hoặc thay nước ít nhất mỗi tuần một lần tại những vị trí ít ngờ tới như lọ hoa, nước đọng mái nhà và các chai lọ có khả năng tích nước để ngăn muỗi sinh sản.
  • Khi làm sạch thùng bể chứa nước nên chú ý làm sạch cả thành bể để loại bỏ trứng muỗi bám vào xung quanh.
  • Vệ sinh sạch sẽ nơi ở và sinh hoạt, loại bỏ những chai lọ có khả năng chứa nước.
  • Tại môi trường ẩm ướt, cần tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, bôi kem chống muỗi và ngủ màn ngay cả ban ngày. Mua kem chống muỗi tại đây.
Muỗi đốt
Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết là tiêu diệt và ngăn chặn muỗi sinh sản. (ảnh: Internet)

Tham khảo thêm bài viết: 5 nguyên nhân sốt xuất huyết mọi người cần lưu ý

2. Bệnh tả

Bệnh tả do vi khuẩn Vibrio Cholerae gây ra, lây truyền qua việc ăn uống đồ ăn bị nhiễm chất thải của con người. Phẩy khuẩn tả có thể bị tiêu diệt bởi nhiệt độ (80ºC/5 phút), bởi hóa chất (Clo 1mg/l) và môi trường axit nhưng lại tồn tại lâu trong phân, đất ẩm, nước, thực phẩm.

Biểu hiện bệnh

Bệnh khởi phát đột ngột, đại tiện phân lỏng, nôn mửa. Không đau bụng hoặc đau nhẹ, không sốt hoặc có thể có sốt nhẹ, sau vài giờ đại tiện và nôn liên tục dẫn đến mất nước khiến cơ thể hốc hác, má lõm, da nhăn nheo, môi khô, tụt huyết áp.

Cách phòng tránh

  • Chỉ uống nước sạch và an toàn. Nếu không chắc chắn, hãy đun sôi nước uống khi đạt đến điểm sôi, hãy đun thêm vài phút nữa. Khử trùng nước sinh hoạt bằng Clo hoặc hóa chất được Bộ y tế khuyên dùng.
  • Rửa và nấu thức ăn đúng cách. Giữ thức ăn tránh xa côn trùng và chuột.
  • Sử dụng nhà vệ sinh đúng cách và vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày.
  • Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
  • Giữ môi trường xung quanh sạch sẽ để ngăn chặn nguồn lây bệnh từ ruồi, và các loại động vật khác.
Bệnh tả
Bệnh tả có nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không phòng tránh bệnh đúng cách. (ảnh: Internet)

Các bạn có thể xem thêm các bài viết liên quan tại đây:

3. Bệnh cảm cúm và hô hấp

Bệnh cúm dễ dàng phát triển vào thời tiết ẩm ướt do các chủng vi rút có điều kiện phát triển và xâm nhập qua đường hô hấp, cảm cúm có thời gian ủ bệnh từ một đến ba ngày.

Biểu hiện bệnh

  • Sốt trên 38ºC.
  • Đau đầu.
  • Ho, viêm họng.
  • Chảy nước mũi và các biểu biện hô hấp khác.

Cách phòng tránh

  • Tiêm vắc-xin phòng ngừa cảm cúm.
  • Để người bệnh ở phòng riêng.
  • Che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho để ngăn ngừa sự lây lan của vi rút.
  • Tránh những nguồn có khả năng lây lan như nơi đông người qua lại hoặc ít nhất là đi xa những người đang ho hoặc cúm.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước.

Để tìm hiểu thêm về bệnh cúm các bạn có thể tham khảo các bài viết sau:

4. Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Đau mắt đỏ dễ bùng phát thành dịch nhất là tại những nơi điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ.

Biểu hiện bệnh

  • Mắt đỏ và có ghèn.
  • Người bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, nhiều dử, đau nhức, nổi cộm, chảy nước mắt.
  • Mi mắt sưng nề, mọng.
  • Cơ thể mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.

Cách phòng tránh

  • Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
  • Không dùng chung thuốc nhỏ mắt và các đồ đạc với người đau mắt như khăn, gối, chậu rửa mặt.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
  • Hạn chế sử dụng các nguồn nước có khả năng chứa mầm bệnh như bể bơi công cộng.
Đau mắt đỏ
Tuyệt đối không dùng chung khăn mặt với người bệnh để tránh lây lan. (ảnh: Internet)

5. Các bệnh về da

Trong mùa mưa lũ, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh đặc biệt là các bệnh về da như nấm kẽ chân, nấm móng, ghẻ, viêm da, viêm nang lông, nước ăn chân, mẩn ngứa…

Biểu hiện bệnh

Mỗi bệnh da liễu đều có biểu hiện bệnh khác nhau.

  • Bệnh mề đay thường xuất hiện các sẩn phù từng mảng trên da, gây ngứa ngáy.
  • Bệnh nấm kẽ chân có hiện tượng bong xước da ở kẽ chân, chảy dịch, có các mụn nước.
  • Bệnh ghẻ thì thường xuất hiện mụn nước ở lòng bàn tay, kẽ ngón tay, ngấn cổ tay, quanh rốn, mông…

Cách phòng tránh

  • Tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn.
  • Bảo vệ bản thân bằng cách dùng ủng, găng tay khi tiếp xúc với nguồn nước không đảm bảo.
  • Vệ sinh tay chân và cơ thể sạch sẽ bằng xà bông.
Bệnh viêm kẽ chân
Bệnh da liễu ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt hàng ngày. (ảnh: Internet)

6. Viêm gan E

Viêm gan E là bệnh lây qua thức ăn, nước uống. Khi mùa mưa bão tới, nước sinh hoạt có thể bị lây nhiễm các nguồn bệnh trong đó có vi rút viêm gan E. Vi rút trong nước bám vào thực phẩm, nước uống và khi sử dụng thức ăn, nước uống đó sẽ dễ mắc bệnh.

Biểu hiện bệnh

  • Thời kỳ khởi phát: Người bệnh có biểu hiện sốt nhẹ, chán ăn, cơ thể mỏi mệt, đau mỏi toàn thân khiến nhẫm lẫn với bệnh cảm cúm.
  • Thời kỳ toàn phát: vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu hoặc trắng. Bụng đau lâm râm, buồn nôn, chán ăn, có thể bị tiêu chày.

Cách phòng tránh

  • Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, thau rửa các thùng chứa nước.
  • Khơi thông các nguồn ứ đọng như ao, hồ, cống rãnh.
  • Khử trùng nguồn nước bằng cloramin B hoặc viên aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng.
  • Tuyệt đối không ăn rau sống, uống nước chưa đun sôi, kể các nước đá mà nguồn nước dùng chưa tiệt khuẩn.

7. Bệnh sốt vàng da

Bệnh sốt vàng da do sự xâm nhập của vi khuẩn Leptospira qua các vết thương hở khi tiếp xúc với nước hoặc đất bị ô nhiễm bởi nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh.

Biểu hiện bệnh

  • Sốt, đau đầu, nhức mỏi cơ bắp, mắt đỏ.
  • Đối với trường hợp nặng còn có biểu biện vàng da, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu, nước tiểu ít, đau đầu dữ dội.

Cách phòng tránh

  • Tránh lội hoặc bơi trong nước có khả năng bị ô nhiễm.
  • Sử dụng biện pháp bảo vệ như ủng và găng tay khi buộc phải tiếp xúc với nước bẩn.
  • Tìm cách thoát nước bẩn ra khỏi nơi sinh sống.
  • Diệt chuột tại nhà bằng cách biện pháp như bẫy, thuốc diệt chuột.
  • Giữ ngôi nhà của bạn sạch sẽ.
Bệnh sốt vàng da
Vàng da là một trong những biểu hiện của bệnh. (ảnh: Internet)

Trên đây là những bệnh thường gặp mùa mưa bão mà bạn cần phải lưu ý để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Để biết thêm thông tin về các loại bệnh khác, hãy thường xuyên truy cập BlogAnChoi để có những thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Khái niệm, dấu hiệu và cách điều trị bệnh tay chân miệng

Giai đoạn chuyển mùa là khoảng thời gian dễ gặp phải tình trạng tay chân miệng. Tình trạng này gặp phổ biến nhất ở trẻ em, sức đề kháng còn yếu, khả năng gặp phải tình trạng này cao hơn so với người lớn. Chính vì vậy, bố mẹ không nên chủ quan với bất cứ dấu hiệu nào ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận