Người bệnh tiểu đường phải kiêng khem rất nghiêm ngặt và cẩn thận về chế độ ăn, trong đó có muối. Muối không chỉ là gia vị giúp các món ăn ngon hơn mà còn cung cấp natri có vai trò quan trọng đối với hoạt động sống của cơ thể, nhưng ăn nhiều muối lại gây hại cho sức khỏe. Vậy người bệnh tiểu đường nên ăn bao nhiêu muối là hợp lý và ăn nhiều hơn có thể gây hậu quả gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Tại sao người bệnh tiểu đường cần hạn chế muối khi ăn uống?

Đối với những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thì mối quan tâm lớn nhất trong chế độ ăn là theo dõi lượng carbohydrate (chất bột đường) nạp vào cơ thể, gồm những thức ăn như cơm, mì, khoai, bánh mì, thậm chí cả trái cây. Nhưng trên thực tế, có một chất dinh dưỡng khác mà tất cả những người mắc bệnh tiểu đường type 2 nên chú ý cẩn thận, đó là muối natri.

Tại sao người bệnh tiểu đường cần chú ý hạn chế muối? (Ảnh: Internet)
Tại sao người bệnh tiểu đường cần chú ý hạn chế muối? (Ảnh: Internet)

Cơ thể chúng ta cần natri vì đây là một chất khoáng cần thiết để duy trì hoạt động sống, giúp điều chỉnh cân bằng nước của cơ thể và đảm bảo chức năng bình thường của hệ cơ và thần kinh. Tuy nhiên vấn đề là đa số chúng ta lại ăn quá nhiều muối. Theo một bài đăng trên Tạp chí Tăng huyết áp Mỹ vào tháng 7/2020 thì có tới trên 89% người trưởng thành ăn nhiều muối hơn mức cần thiết.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), ăn nhiều natri làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim. Nhưng điều đó có liên quan gì với bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường và bệnh tim có liên quan với nhau như thế nào?

Các số liệu thống kê cho thấy có mối liên hệ rất rõ ràng giữa bệnh tiểu đường và bệnh tim. Theo Hiệp hội Tim Mỹ (AHA), người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao gấp 2 lần so với những người không bị tiểu đường.

Người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim nguy hiểm hơn (Ảnh: Internet)
Người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim nguy hiểm hơn (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân có thể là do bệnh tiểu đường thường đi kèm với một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như huyết áp cao, LDL (cholesterol xấu) cao, thừa cân và lối sống ít vận động.

Các nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự. Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 ăn nhiều natri nhất sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn 200% so với những người ăn ít natri nhất. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng hạn chế muối có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Ăn bao nhiêu muối là an toàn đối với người bệnh tiểu đường type 2?

“Muối” và “natri” thường được dùng với nghĩa như nhau, nhưng thực ra không phải vậy. Natri là tên của một nguyên tố tự nhiên, là một khoáng chất cụ thể. Còn muối là hợp chất của các nguyên tố khác nhau, trong đó muối natri là hợp chất có chứa 40% natri tính theo trọng lượng. Do đó để giảm nguy cơ cho sức khỏe thì có thể giảm muối hoặc giảm natri đều được.

Các loại muối khác nhau có hàm lượng natri khác nhau (Ảnh: Internet)
Các loại muối khác nhau có hàm lượng natri khác nhau (Ảnh: Internet)

Theo AHA, giảm lượng natri tiêu thụ có thể đóng vai trò quan trọng để giảm nguy cơ huyết áp cao và bệnh tim. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng hạn chế natri giúp làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu và cả huyết áp tâm trương. Hiệp hội Bệnh tiểu đường Mỹ khuyến cáo những người bị bệnh tiểu đường nên hạn chế lượng natri ăn vào mỗi ngày là khoảng 2.300 miligam, tương đương với 1 muỗng cà phê muối ăn. Tuy nhiên theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Dinh dưỡng & Bệnh tiểu đường vào tháng 6/2020 thì chỉ có 7% người bệnh thực hiện đúng điều này.

Một số chuyên gia còn khuyên rằng nên giảm muối hơn nữa. ví dụ như chỉ 1.500 mg natri mỗi ngày. Vì hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau nên hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định mức nào là phù hợp với bản thân mình.

Tuy nhiên việc tính toán và hạn chế muối trong thực đơn hằng ngày lại rất khó đối với hầu hết mọi người, nhất là người bệnh tiểu đường đã phải hạn chế rất nhiều món ăn ngon thì càng khó để giảm muối. Nhưng điều đó hoàn toàn có thể làm được và quan trọng là nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của chúng ta, dù có bệnh hay không.

Mặc dù hiện nay có một số tranh cãi về việc người khỏe mạnh bình thường có nên hạn chế natri hay không, nhưng đối với người người đã bị tiểu đường thì đây là điều cực kỳ quan trọng. Hãy xem việc ăn ít muối giống như bất kỳ một chế độ ăn uống lành mạnh nào khác để bảo vệ sức khỏe của mình.

Nhưng cụ thể phải làm gì để hạn chế muối? Điều bất ngờ là nguồn natri hàng đầu trong chế độ ăn của chúng ta thực ra không phải là muối trắng được nêm vào thức ăn khi nấu ở nhà, mà lại là những món ăn ở hàng quán và thực phẩm đóng gói chế biến sẵn. Trên thực tế, những nguồn này chiếm đến 70% lượng natri nạp vào cơ thể, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Circulation vào tháng 5/2017. Do đó lời khuyên tốt nhất là hãy ăn ở nhà bất cứ khi nào có thể, hạn chế ăn hàng quán và tránh dùng những thực phẩm chứa nhiều muối.

6 nguồn thực phẩm chứa nhiều natri mà bạn không hề hay biết

Bạn nghĩ rằng chỉ những món ăn có vị mặn mới chứa nhiều muối natri? Đó là quan niệm rất sai lầm, vì các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều gia vị khác như đường để che đi vị mặn, thực tế chúng lại chứa rất nhiều muối. Dưới đây là một số thức ăn như vậy mà bạn nên hết sức cẩn thận.

1. Nước sốt, nước chấm

Các loại sốt và đồ chấm có chứa nhiều muối (Ảnh: Internet)
Các loại sốt và đồ chấm có chứa nhiều muối (Ảnh: Internet)

Dù có vị mặn hay ngọt thì đa số các loại sốt và nước chấm đều chứa rất nhiều muối. Để hạn chế nguồn natri này, bạn nên tự làm chúng tại nhà với các nguyên liệu tự nhiên và cho ít muối hơn so với công thức.

2. Bột yến mạch đóng gói

Các gói bột yến mạch được bổ sung hương vị là nguồn thực phẩm chứa nhiều muối đến mức đáng ngạc nhiên, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Thay vì mua những sản phẩm này, bạn hãy tự chế biến bột yến mạch tại nhà, thêm hương vị bằng trái cây tươi hoặc các loại hạt tùy ý mình, và đừng cho thêm muối trong quá trình chế biến.

3. Một số loại gia vị

Mù tạt và tương cà được dùng rất phổ biến để tăng thêm hương vị cho các món ăn, nhưng chúng thực sự có thể chứa rất nhiều muối. Bạn không nhất thiết phải tự làm những loại gia vị này tại nhà vì cách làm rất phức tạp, nhưng khi mua ngoài cửa hàng hãy xem kỹ thành phần của chúng được in trên bao bì và chọn loại nào có chứa ít hơn 100 mg natri trong 1 muỗng cà phê.

4. Bánh mì

Bánh mì cũng chứa nhiều muối? (Ảnh: Internet)
Bánh mì cũng chứa nhiều muối? (Ảnh: Internet)

Nghe có vẻ khó tin, nhưng bánh mì thực sự là một trong những thực phẩm chứa nhiều natri nhất trong chế độ ăn hằng ngày của chúng ta, theo CDC. Cũng giống như các sản phẩm đóng gói khác, bạn hãy so sánh thành phần của chúng để chọn mua loại bánh mì có ít natri nhất. Các chuyên gia khuyên rằng nên chọn những loại bánh mì có chứa ít hơn 200 mg natri trong mỗi lát.

Ngoài ra bạn cũng có thể giảm bớt lượng bánh mì bằng cách chọn các thực phẩm khác thay thế, ví dụ như dùng lá rau để kẹp thịt.

5. Thịt gà

Thịt gia cầm chế biến sẵn là một nguồn chứa natri tiềm ẩn vì nhà sản xuất có thể cho thêm hỗn hợp nước và muối để làm miếng thịt trông đầy đặn hơn. Theo dữ liệu của USDA, khoảng 100 gam thịt gà sẫm màu được bổ sung gia vị có thể chứa lượng natri nhiều hơn đáng kể so với cả một con gà nguyên chất. Do đó bạn cũng nên kiểm tra thành phần của sản phẩm, nếu trong thành phần có những thứ như “nước cốt gà và muối biển” thì đó là dấu hiệu chứng tỏ có gia vị được bổ sung.

6. Phô mai

Nên chọn loại phô mai nào để ít muối? (Ảnh: Internet)
Nên chọn loại phô mai nào để ít muối? (Ảnh: Internet)

Theo USDA, một lát phô mai cheddar nặng khoảng 30 g có thể chứa hơn 150 mg natri. Do đó bạn nên hạn chế muối bằng cách lựa chọn loại phô mai phù hợp. Nghiên cứu cho thấy các loại pho mát đã qua chế biến như pho mát Mỹ và pho mát dây là nhiều muối nhất. Pho mát Thụy Sĩ là một trong những loại ít muối nhất, chỉ có 53 mg trong mỗi miếng nặng 30 g, theo USDA. Theo một nghiên cứu khác, pho mát mozzarella cũng có hàm lượng muối thấp hơn.

Như vậy nguyên tắc cơ bản cũng giống như đối với tất cả những thực phẩm khác: hãy chọn các loại pho mát tươi ít qua chế biến.

Trên đây là những điều cần biết về hạn chế muối cho người bệnh tiểu đường. Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Xem thêm

Nghiến răng thường xuyên có phải là bệnh? Nguyên nhân và cách khắc phục là gì?

Bạn có bao giờ bị nghiến răng trong lúc ngủ? Đó là hiện tượng phổ biến với mọi người nhưng nếu xảy ra thường xuyên và quá mức có thể gây hậu quả như làm vỡ răng, đau hàm và đau đầu khi thức dậy, ngoài ra cũng ảnh hưởng tới những người xung quanh. Vậy nguyên nhân gây ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận