Văn học – Nghệ thuật cũng có những phương pháp tiếp cận rất riêng, nguồn gốc cho nó là các biện luận sâu xa về tâm lý và triết học. Các nhà chuyên môn đã cùng nhau xây dựng các chuẩn mực mỹ học. Góp phần quan trọng trong việc định hướng cả nền nghệ thuật theo một hướng nhất định. Tuy nhiên liệu các công cụ này có làm cho Văn học – Nghệ thuật mất tư duy sáng tạo tự do? Vì vậy các công cụ tâm lý học sẽ trở nên rất hiệu quả để giúp chúng ta hiểu thêm về “Không gian trong Văn học – Nghệ thuật” từ đó xác định sự mở rộng vô hạn trong sáng tạo.
Tâm lý người sáng tạo nghệ thuật
Nghệ sĩ dường như là những người hướng nội, họ có xu hướng cảm thấy không thể tìm được những thỏa mãn của bản thân ở thế giới thực so với thế giới tưởng tượng. Thế giới tưởng tượng cho phép tìm thấy một sự thay thế trực tiếp những mong ước đó, từ đó thúc đẩy người nghệ sĩ chuyển đổi những nhu cầu phi thực tế của mình thành những mục tiêu có thể hiện thực hóa về mặt tinh thần gọi là “sức mạnh của sự thăng hoa”. Đây là một loại cơ chế giúp giam giữ nghệ sĩ trong một thế giới hư cấu, có thể tưởng tượng bạn như một người đang mắc bệnh loạn thần nhưng sự cắt đứt với thực tế diễn ra một các lỏng lẻo hơn nhiều so với người bệnh (chưa hoàn toàn).
Thật vậy nghệ sĩ luôn tìm thấy một con đường trở lại thực tại, và không bị giam cầm hoàn toàn trong thế giới ảo tưởng cứng nhắc, giữ được sự mềm dẻo nhất định, thay đổi linh hoạt khoảng cách và kết nối với thế giới thật, đó gọi là “sự tự đánh lừa bản thân”.
(Sự tự đánh lừa bản thân của nghệ sĩ, ảnh: Internet)
Người nghệ sĩ tạo ra một thế giới thỏa mãn không chỉ vì mục đích riêng tư của tâm trí họ, mà trong đó những người khác cũng có thể kết nối để tìm thấy thích thú cho chính mình, đó chính là nền tảng xây dựng nên cảm thụ nghệ thuật – Nơi người thưởng thức nghệ thuật kết nối vào thế giới của người sáng tác và tìm những nét riêng cho mình.
Sáng tác từ những chất liệu trong thế giới riêng tư
Bản thân nghệ sĩ biết cách xây dựng những tưởng tượng của mình theo cách chúng trở nên thú vị đối với chúng ta. Tuy nhiên với chúng ta cái đẹp thường không nằm trong những thứ nghệ sĩ quan tâm mà ở những vấn đề của cuộc sống. Sự đẹp đẽ của sản phẩm nghệ thuật có thể ví vũ khí, phương tiện trốn tránh trong cuộc vật lộn của nghệ sĩ (người sáng tạo) với thực tại. Nhưng với chúng ta, nó là thứ giúp mình tìm thấy hay mường tượng những khía cạnh cuộc sống mình chưa từng trải qua, điều làm nên giá trị cho tác phẩm nghệ thuật.
Những sáng tác đắt giá thường có độ mở rộng cho nhiều đối tượng, rộng về tính xuyên thời đại của nó. Đơn cử như Truyện Kiều, có thể mở rộng ý nghĩa sau mỗi lần cảm nhận, sau hàng trăm năm nó vẫn mới mẻ để người ta sử dụng cho nhiều công trình nghệ thuật: Ballet Kiều, các tiết mục đương đại, cải lương, tuồng…. Truyện Kiều tưởng chừng như thật riêng tư dành cho chính Nguyễn Du khi viết về cuộc đời lưu lạc của mình nhưng những ai đọc qua Truyện Kiều cũng có những cảm xúc trầm lắng trong cuộc sống của mình, điều này tạo nên giá trị thực cho tác phẩm.
(Truyện Kiều được chuyển thể vào nghệ thuật múa ballet trong vở Ballet Kiều, ảnh: Internet)
Chiều sâu nghệ thuật và sự mở rộng liên tục, nuôi dưỡng cảm xúc vô giá
Mục đích cuối cùng của việc khám phá phân tâm học nghệ thuật là làm sáng tỏ những ý sâu xa tiềm ẩn bên dưới nội dung của tác phẩm nghệ thuật. Trong hội họa, thơ, ngoài những chi tiết có thể thấy ngay khi nhìn thoáng qua (tranh ảnh), hay đọc lướt (văn thơ) thì đa phần nội dung còn lại vốn là phần cốt yếu, tinh túy của tác phẩm lại ẩn sâu dưới những chi tiết nhỏ nào đó, không được nhận ra ngay lập tức, mặc dù ý nghĩa này có thể ngay từ đầu đã rất ấn tượng với chúng ta.
Đó là kết quả của liên tưởng vô thức, và ít nhiều không được chú ý trong tâm trí người đọc. Một nhà thơ có thể chọn một từ hoặc một hình ảnh thay vì một từ khác mà không biết chính xác tại sao. Một số nghệ sĩ nói rằng họ đã từng dự tính xóa một số chi tiết trong tác phẩm của họ, và bản thân họ cũng không thể nhận ra ngay mối liên hệ của những phần này với phần còn lại của tác phẩm, chỉ sau này họ mới nhận ra rằng lý do việc giữ lại chúng xét cho cùng lại rất hợp lý, và cần thiết. Trên thực tế, đây là một loại logic vô thức. Điều này cho thấy rất rõ rằng một nghệ sĩ có thể đưa vào tác phẩm của mình nhiều hơn những gì họ suy nghĩ được.
Các lý thuyết về phân tâm học của Sigmund Freud đưa đến việc xây dựng hệ thống “Thi pháp”, công cụ dùng để mô tả những ẩn ý (nghĩa bóng) dựa trên cơ sở nghĩa đen của tác phẩm văn học, thi pháp có thể nói như là một sợi dây nối hai thế giới. Và người ta có nhiều cách để hiểu một thế giới lớn hơn trong văn học. Thi pháp ngày nay được phát triển khá nhiều, các công trình của Gaston Bachelard,…. giúp người đọc cảm nhận sâu sắc tác phẩm văn học, và cũng là cơ sở đề phê bình đánh giá tác phẩm văn học.
Nhiều giá trị nghệ thuật trong một tác phẩm đôi khi không thể cảm nhận hết được vì thế giới trong tâm trí người đọc và người sáng tác tương đối khác nhau. Điều quan trọng để ta tìm đến thế giới tưởng tượng ấy có thể là bồi dưỡng tâm lý nghệ thuật tiếp thu nhiều nghiên cứu, tự cảm nhận sâu sắc.
Các nhà phân tích cũng thừa nhận yếu tố tâm lý của các tác giả một cách khó xác định rõ ràng, điển hình ở các nhà văn hay nghệ sĩ theo trường phái siêu thực, những người tập trung tạo ra tác phẩm dựa vào những giấc mơ và lan rộng ra hội họa cùng các lĩnh vực khác. Đây là hướng nghệ thuật khai thác sự vô thức, phá bỏ đi các duy lý, thậm chí có phần chống đối lạ các hệ thống triết học mang tính kẹp chặt vốn đang tác động đến người cảm thụ là chúng ta trong thế giới thực. Người thưởng thức đôi khi bị khống chế trong các hệ tư tưởng khác nhau, thường khó hiểu những điều trong giấc mơ của những nhà nghệ thuật theo trường phái siêu thực.