Thông thường khi tập cardio, bạn sẽ ngay lập tức nghĩ rằng đây là một bài tập tốt cho tim mạch, thúc đẩy quá trình bơm máu, tuần hoàn máu, giảm nhịp tim khi nghỉ ngơi và tăng cường sức khỏe của cơ tim. Đó là lý do tại sao sau khi duy trì luyện tập một thời gian dài, bạn sẽ cảm thấy sức bền được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tim không phải là bộ phận duy nhất được hưởng lợi từ việc luyện tập này.
1. Giảm lượng đường trong máu
Tập cardio giúp giảm lượng đường (glucose) trong máu và cải thiện tình trạng kháng insulin trong trường hợp bạn mắc bệnh tiểu đường. Một vài bài tập rèn luyện sức khỏe khác như nâng tạ cũng có tác dụng tương tự. Tuy nhiên nếu muốn đạt được hiệu quả nhanh chóng, bạn nên kết hợp cả hai đồng thời.
Mặc dù vậy, vì tình trạng cơ thể sẽ trở nên khá nhạy cảm khi mắc bệnh tiểu đường nên bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu bất cứ bài tập thể chất nào, đặc biệt nếu đang điều trị bằng thuốc như insulin.
2. Cải thiện tâm trạng
Các bài tập thể dục cardio và chạy bộ có tác dụng giúp giảm tình trạng trầm cảm và lo lắng khá hiệu quả. Thậm chí, các bác sĩ và nhà trị liệu còn đề xuất chúng như những phương pháp kết hợp điều trị bệnh.
Nguyên nhân được cho là khi tập thể dục nhịp điệu, vùng hải mã – một trong những vùng đóng vai trò quản lý cảm xúc của não bộ – sẽ mở rộng, đồng thời làm chậm lại quá trình phân hủy tế bào não.
Nếu muốn cải thiện tâm trạng với những bài luyện tập này, hãy cố gắng duy trì chúng thường xuyên trong vài tháng để thu được kết quả tối đa.
3. Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Các nhà khoa học cho biết cardio có thể giúp bạn giữ tâm trạng ổn định, thư giãn trước khi đi ngủ và thiết lập một chu kỳ ngủ-thức lành mạnh (nhịp sinh học).
Những tác động của việc luyện tập đối với não sẽ không thể hiện rõ ràng như với cơ bắp có thể nhìn thấy được, nhưng nghiên cứu cho thấy những người tập thể dục thường xuyên có xu hướng ngủ sâu hơn trong giai đoạn 3 – “sóng chậm”, là giai đoạn quan trọng nhất của giấc ngủ giúp tái tạo năng lượng cho não bộ và cơ thể.
Tuy nhiên đừng luyện tập sát giờ đi ngủ vì nó sẽ khiến bạn cảm thấy hưng phấn và khó ngủ hơn.
4. Cải thiện khả năng tư duy
Theo nhiều nghiên cứu, những người thường xuyên tập cardio có “chức năng điều hành” tốt hơn. Chức năng điều hành (executive function) là khái niệm để gọi chung nhiều khả năng trí óc như tổ chức, giải thích, phân tích thông tin và điều khiển hành động dựa trên những thông tin thu được.
Chỉ cần một buổi tập cardio trong vòng 30 phút, lượng máu lưu thông đến vùng vỏ não trước trán đã được tăng lên đáng kể. Về lâu dài, tập cardio thường xuyên sẽ giúp các tế bào trong vỏ não trước của bạn được kết nối dễ dàng hơn.
5. Tăng khả năng ghi nhớ
Không chỉ riêng cardio mà hầu hết những người thường xuyên vận động thể chất đều ít có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Nguyên nhân là vì bạn sẽ tránh được một số loại bệnh như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao và trầm cảm – đều là những bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến não bộ nói riêng và sức khỏe tổng quát nói chung.
6. Học tập tốt hơn
Tính linh hoạt thần kinh là khả năng não bộ thay đổi cấu trúc mạng lưới thần kinh khi bạn học tập hoặc tiếp thu những điều mới. Bộ não càng trẻ, tính linh hoạt càng cao và khả năng học tập của bạn càng tốt.
Tập cardio có thể hỗ trợ củng cố chức năng này. Ngoài ra, nếu kết hợp nó cùng với một số bài tập khác về tim mạch và kháng lực, bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của não bộ và giảm tình trạng sa sút trí tuệ khi về già.
7. Giúp giảm đau do viêm khớp
Tuổi càng cao, xương khớp thoái hóa sẽ khiến bạn dễ gặp tình trạng đau nhức dẫn đến nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Sự chuyển động uyển chuyển của các bài tập thể dục cardio như chạy bộ hoặc đi xe đạp là cách hiệu quả giúp bạn giảm đau và giảm viêm. Hơn nữa, khi kết hợp hoạt động thể chất với chế độ ăn uống lành mạnh, việc giảm cân cũng giúp giảm áp lực từ cơ thể đè nặng lên khớp gối của bạn.
8. Cải thiện hơi thở
Ngay cả khi bạn đang mắc các bệnh về phổi, duy trì tập cardio đều đặn cũng có thể giúp cải thiện đường thở của bạn rất tốt.
Nếu không muốn đến phòng tập, bạn có thể chọn đi bộ, chạy bộ hoặc chơi quần vợt cũng mang lại những tác dụng tương tự. Điều quan trọng là hãy nói chuyện với bác sĩ để lên kế hoạch luyện tập với cường độ phù hợp.
9. Chống lại virus, vi khuẩn gây bệnh
Nghe có vẻ kì lạ nhưng tập cardio thường xuyên có thể giúp cơ thể bạn chống lại bệnh tật do virus và vi khuẩn gây ra. Một phần nguyên nhân là do máu lưu thông khắp cơ thể tốt hơn, đồng nghĩa với các kháng thể chống lại virus sẽ được đưa đến nơi chúng cần đến.
Mặc dù vậy, hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân chính xác tại sao tập thể dục lại giúp tăng cường hệ miễn dịch – cơ chế tự bảo vệ của cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh bên ngoài.
10. Kiểm soát cholesterol trong máu
Lượng cholesterol xấu tăng cao trong máu sẽ làm tăng nguy cơ tích tụ mảng bám động mạch và dẫn đến các bệnh nguy hiểm như đau tim hoặc đột quỵ. Cardio có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này.
Theo các nghiên cứu đã được thực hiện, cardio dường như làm tăng cholesterol “tốt” HDL trong cơ thể, đồng thời nó cũng có thể làm giảm cholesterol “xấu” LDL, tuy nhiên bạn cần phải tập luyện với cường độ cao để đạt kết quả như mong muốn.
Cùng tham khảo một số bài tập cardio tại đây nhé:
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Những bài tập cardio tại nhà lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của bạn
- Tập luyện hai lần trong cùng một ngày liệu có mang lại nhiều lợi ích hơn không?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!