Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng vươn mình để tiếp cận cái mới, cái hiện đại hơn thì vẫn còn một số người lại không chịu thoát mình khỏi cái cũ, cái truyền thông. Để rồi vô tình những lời nói, lời bàn tán lại vô tình trở thành những chuẩn mực cho định kiến giới. Để tìm hiểu thế nào là “định kiến giới” và tại sao nó cần phải được thay đổi ngay thì hãy cùng BlogAnChoi bàn luận nhé!
Định kiến giới là gì?
Định kiến giới chính là nhận thức, thái độ và có những suy nghĩ đánh giá tiêu cực, sai lệch về những đặc điểm, vị trí và vai trò của nam và nữ. Chẳng hạn như người Việt Nam ta thường có quan điểm rằng:
- Phụ nữ là phận yếu đuối, chỉ hợp với những công việc ở nhà, phụ nữ phải đảm đang, nuôi con tốt và biết phụ giúp gia đình hai bên.
- Đàn ông phải giỏi kiếm tiền, không cần làm việc nhà, có quyền quyết định mọi chuyện trong gia đình.
Các định kiến kiến giới này vô tình trở thành áp lực, những chuẩn mực đè nặng lên các cá nhân. Các định kiến không phản ánh đúng được khả năng thực tế của từng người và thường giới hạn đi những gì mà xã hội cho phép và mong chờ ở các cá nhân thực hiện.
Có thể điểm qua những “chuẩn mực chung” mà xã hội đang áp đặt lên mỗi chúng ta, những con người của thế kỷ mới, thời đại mới. Những chuẩn mực này không chỉ kìm chặt ước mơ của nhiều người, mà vô tình còn trở thành rào cản trong mối quan hệ gia đình. Để từ đó xuất hiện những xung đột, những cãi vã, người lớn thì cho rằng mình đúng, cho rằng con cái ngày nay phải làm theo những gì thế hệ đi trước đã làm. Còn những bạn trẻ, những người với lối tư duy mới thì đang không ngừng cải tiến và phát triển hơn, không chỉ về tính cách, lối suy nghĩ mà còn về hành động, cũng như cách tiếp cận với cuộc sống ngày nay.
Quyền lợi của phụ nữ đang vô tình bị “chiếm đoạt” vì cái gọi là phái yếu
Chúng ta chẳng còn xa lạ gì với những suy nghĩ, lối tư duy của các thế hệ trước, cho rằng việc của phụ nữ là ở nhà, là kết hôn sớm để yên bề gia thất. Còn phải biết giỏi việc nhà, hiếu thuận với cha mẹ hai bên và là người vợ hiền. Mọi người đang cho rằng việc của phụ nữ rất nhẹ nhàng, chẳng cần va chạm xã hội nhiều, chỉ cần ngoan ngoãn ở nhà làm tốt bổn phận mình.
Nhưng chính lối suy nghĩ cổ hủ này mà ngày này rất nhiều các bạn nữ trở nên rụt rè và sợ hãi hơn với việc kết hôn, việc trở thành một nàng dâu, người vợ hiền. Để rồi cũng chính lúc này, lại bắt đầu xuất hiện thêm nhiều những định kiến, những câu nói đầy tính áp đặt và có phần “không thiện cảm” lắm về những người phụ nữ. Nếu họ giỏi giang một chút, có công việc tốt một chút, thì sẽ xuất hiện lời bàn tán rằng sau này họ sẽ không biết làm việc nhà, không biết cách làm một người vợ tốt. Không chỉ vậy, một số người còn ác độc trong lời nói khi cho rằng: “Con gái lớn tuổi chưa kết hôn, sinh con thì là vô dụng, bất hiếu.”
Phải chăng chúng ta quá khắt khe với nữ giới? Chúng ta vô tình xem nhẹ giá trị của họ, luôn nghĩ họ không thể làm tốt được như đàn ông? Những chuẩn mực và những suy nghĩ này vô tình trở thành những mũi dao, những lời chỉ trích tàn độc hướng đến họ. Khi xã hội ngày càng phát triển hơn, càng có thêm nhiều cô gái, phụ nữ chứng tỏ được bản lĩnh cũng như tài năng của họ. Thì cũng là lúc chúng ta nên có cái nhìn thoáng hơn, ánh mắt khác hơn, nên tôn trọng những điều họ lựa chọn và đừng nên dùng ánh nhìn, suy nghĩ của những năm về trước để bắt một ai đó làm theo những gì mình mong muốn.
Quyền lợi của phụ nữ nên được ngang hàng, chứ đừng vì họ là phái yếu mà quên đi giá trị họ đem lại.
Bạn có thể xem thêm Định kiến giới trong truyền thông trong video dưới đây:
Định kiến về đàn ông và những góc khuất không thể giãi bày
Dường như khi nhắc đến hai từ “đàn ông” chúng ta sẽ nghĩ ngay đến các tính từ “giỏi giang, thành đạt, mạnh mẽ”. Phải chăng chính những điều này mà ta rất hiếm khi nhìn thấy đàn ông rơi nước mắt, đàn ông trở nên yếu đuối hay buồn bã.
Cũng giống như nữ giới, các định kiến giới làm họ khó có thể bày tỏ được cảm xúc, suy nghĩ cũng như có thể nói rõ được suy tư trong lòng mình. Định kiến giới không cho phép những người đàn ông được trở nên yếu đuối, không cho phép họ được dễ dàng bày tỏ cảm xúc hay trở nên suy sụp.
Nhưng chẳng phải chính những điều này, đã khiến họ trở nên ngột ngạt và dần mất đi cách để bày tỏ cảm xúc chăng? Nếu như những bài báo, những mẩu thông tin đăng về sự thành đạt của người đàn ông, sẽ xuất hiện vô số những lời bình luận ca tụng khen ngợi. Còn nếu như đàn ông xuất hiện với nét mặt buồn bã, yếu đuối thì mọi người lại gán cho họ các định nghĩa mang tính xúc phạm như: “Đàn ông gì mà yếu đuối như đàn bà”, “Đàn ông gì mà lại đi khóc lóc, nhìn thật ẻo lả!”
Những lời khiếm nhã này đã vô tình trở thành áp lực, là thứ vũ khí khiến họ không dám để lộ đi những xúc cảm của bản thân, phải luôn che giấu và không được để người khác thấy sự yếu đuối của họ. Phải chăng chúng ta quá khắt khe với nam giới, quá nghiêm túc đưa họ vào khuôn mẫu cố định, ép buộc họ với những lời bình luận, nhận xét mang đầy tính tiêu cực?
Không có đàn ông nào không được phép yếu đuối cả, cũng như không có ai bị xem nhẹ giá trị nếu họ phô bày những cảm xúc thật của mình. Chúng ta nên công tâm hơn trong việc nhìn nhận một ai khác, đừng đẩy họ vào những định kiến giới của bản thân và ép một ai đó phải là đúng nguyên tác, phiên bản mà mình mong muốn.
Phụ nữ – Đàn ông và những giá trị đằng sau giới tính của họ
“Đàn ông mâm trên, đàn bà mâm dưới”. Một câu nói quen thuộc mà chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua. Từ trước đến giờ, giá trị của đàn ông luôn được đề cao hơn một bậc so với nữ giới. Định kiến về phụ nữ cũng phải đón nhận nhiều hơn cả đàn ông.
Vậy tại sao chúng ta phải làm theo những điều vô lý đó? Mà không tìm cách để thay đổi, để cân bằng giới lại, để từ đây chúng ta sẽ chẳng còn định kiến giới nữa?
Ai cũng có một giá trị của riêng mình, năng lực đến từ bản thân, sự thành công đến từ nỗ lực, mọi thứ đều nên được đón nhận công tâm bằng chính sự chăm chỉ, cố gắng từ đó. Chứ không nên đến từ giới tính mà họ đang mang.
Biết bao nhiêu năm trôi qua, mọi thứ cũng thay đổi theo cách riêng của nó, nhưng dường như chỉ có định kiến giới, vẫn còn tồn tại và bóp nghẹt những giá trị mà các cá nhân đem lại. Chúng ta cần phải suy xét lại, biết trân trọng các cá nhân, các màu sắc mà họ đem lại cho xã hội. Đừng vì là nữ giới, mà xem họ không có năng lực lãnh đạo hơn đàn ông. Cũng đừng vì là đàn ông, mà ép họ vào sự thành công, mạnh mẽ và không cho phép họ được bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình.
Chúng ta hãy thôi là những người định kiến giới! Mà hãy trở thành một người công tâm, biết cân bằng giới và tôn trọng những điều ý nghĩa, giá trị mà cả đàn ông – phụ nữ đem lại.
Đàn ông có thể làm việc nhà.
Phụ nữ có thể lãnh đạo, ra ngoài làm việc.
Ai cũng đều có thể, ai cũng đều có tài năng và lĩnh vực họ mong muốn lựa chọn.
Hãy cùng BlogAnChoi không định kiến giới để xã hội ngày càng phát triển hơn!
bạn viết hay quá