Bạn có hay quan sát lưỡi của mình không? Có bao giờ bạn thấy lưỡi đổi màu bất thường? Chiếc lưỡi tưởng như chỉ để nếm vị thức ăn hóa ra lại có thể nói lên nhiều điều về sức khỏe và bệnh tật của mỗi người, hãy cùng khám phá cách “nhìn lưỡi đoán bệnh” là như thế nào nhé!
Để đánh giá tình trạng sức khỏe và phát hiện vấn đề bất thường, các bác sĩ đôi khi phải nhìn vào lưỡi của người bệnh. Lưỡi khỏe mạnh phải có màu hồng tươi và được bao phủ bởi các nốt nhỏ li ti phân bố đều khắp trên bề mặt. Bất kỳ sự thay đổi nào về hình dạng, màu sắc hoặc cảm giác đau đều có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật.
Lưỡi có lớp phủ màu trắng hoặc đốm trắng là bệnh gì?
Nấm miệng
Đây là một bệnh do nấm men Candida phát triển bên trong miệng, biểu hiện dưới dạng các mảng trắng có kết cấu giống như phô mai. Bệnh nấm miệng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và người già, đặc biệt là những người đeo răng giả, hoặc ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như bệnh nhân tiểu đường hay HIV/AIDS.
Những người đang sử dụng thuốc steroid dạng hít hoặc uống để điều trị bệnh hen suyễn hoặc bệnh phổi cũng có thể bị nấm miệng, vì thuốc này gây ức chế miễn dịch. Nấm miệng cũng có thể xảy ra sau khi uống thuốc kháng sinh.
Các mảng trắng của nấm cũng xuất hiện ở vòm miệng, niêm mạc má hoặc nướu, ngoài ra có thể lan xuống thực quản. Ở những người có hệ miễn dịch yếu, nấm có thể lan khắp nhiều cơ quan và thậm chí vào máu gây nhiễm trùng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Điều trị nấm miệng ở những người này cũng khó khăn hơn.
Bạch sản
Đây là tình trạng các tế bào trong miệng phát triển quá mức, tạo ra các mảng trắng trên lưỡi và các vị trí khác bên trong miệng như niêm mạc má, nướu.
Bạch sản có thể xuất hiện khi lưỡi bị kích thích, chẳng hạn như ở người hút thuốc lá, cắn vào lưỡi hoặc đeo răng giả không đúng cách gây cọ xát thường xuyên. Nếu bạch sản kèm với các nhú dài trên lưỡi giống như lông thì có thể là dấu hiệu nhiễm virus Epstein-Barr (EBV).
Bản thân bạch sản không nguy hiểm, nhưng trong một số trường hợp nó có thể là dạng tiền thân của ung thư. Nếu bạn nghi ngờ có bạch sản trong miệng mình thì hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
Lichen ở miệng
Đây là dạng tổn thương nhìn giống như mảng địa y hay các đường ren, là một mạng lưới nhiều đường trắng nổi lên trên bề mặt lưỡi.
Lichen có thể xuất hiện kèm với các nốt đỏ, sau đó bị bong tróc và loét gây đau. Hiện tượng này thường không rõ nguyên nhân, nhưng đa số có thể tự hết.
Lưỡi bị đỏ là bệnh gì?
Cơ thể thiếu chất
Thiếu hụt axit folic và vitamin B12 có thể làm cho lưỡi có màu đỏ và đau, thậm chí gây loét miệng, ngoài ra bề mặt lưỡi cũng trở nên trơn láng không còn các nốt nhỏ như bình thường, gọi là “lưỡi mất gai”.
Axit folic và vitamin B12 là thành phần quan trọng để tổng hợp hồng cầu, do đó khi bị thiếu các chất này sẽ xuất hiện triệu chứng thiếu máu: mệt mỏi, đầu óc khó tập trung, da xanh xao, dễ mệt khi vận động, hoa mắt chóng mặt, v.v.
Xét nghiệm máu đơn giản sẽ đo được nồng độ các chất này, nếu đúng là cơ thể đang bị thiếu thì hãy bổ sung các thực phẩm chứa axit folic (ngũ cốc, rau xanh, trứng, thịt) và vitamin B12 (thịt, cá, hải sản).
Lưỡi bản đồ
Đúng như tên gọi, đây là hiện tượng các mảng và đốm màu đỏ trên bề mặt lưỡi tạo thành hình ảnh giống như bản đồ địa lý.
Những mảng này có bản chất là hiện tượng viêm lành tính, có thể có viền trắng bao quanh và tự lành lại rồi đến phần khác bị viêm nên có cảm giác chúng “di chuyển” vị trí theo thời gian. Lưỡi bản đồ có thể gây khó chịu khi ăn uống nhưng không phải do nhiễm trùng và thường không liên quan với ung thư. Nguyên nhân chưa rõ, nhưng thường là vô hại.
Sốt tinh hồng nhiệt
Đây là một bệnh nhiễm trùng toàn thân do vi khuẩn Streptococcus gây ra, với biểu hiện ở lưỡi là bề mặt lưỡi trở nên đỏ và có các nốt phồng to gồ ghề nhìn giống như quả dâu tây, do đó thường gọi là triệu chứng “lưỡi dâu”.
Sốt tinh hồng nhiệt còn gây triệu chứng ở nhiều bộ phận khác như:
- Sốt cao
- Nổi ban đỏ trên da, thường ở đầu và cổ rồi lan xuống thân mình, tay chân. Khi dùng ngón tay ấn vào, các nốt ban này sẽ mất màu đỏ tạm thời.
- Đau rát họng, khó nuốt
- Sưng đau các hạch bạch huyết ở đầu, cổ và amidan
Nếu bạn thấy mình có các triệu chứng trên thì hãy đi khám, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị sốt tinh hồng nhiệt.
Bệnh Kawasaki
Đây là một bệnh viêm mạch máu nhỏ toàn thân, cũng có thể gây triệu chứng “lưỡi dâu” giống như trên. Bệnh Kawasaki đa phần chưa rõ nguyên nhân, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và kèm theo sốt cao. Đây là một tình trạng nghiêm trọng cần được khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt là ảnh hưởng đến tim mạch.
Lưỡi có màu đen và nhiều “lông” là bệnh gì?
Các nốt nhỏ hay nhú gai trên lưỡi sẽ phát triển liên tục suốt cuộc đời, nhưng ở một số người, chúng lại trở nên dài quá mức và có nguy cơ trở thành nơi để vi khuẩn bám vào sinh sôi. Khi vi khuẩn phát triển có thể làm cho lưỡi bị sẫm màu, thậm chí chuyển thành màu đen, và những nhú gai phát triển quá mức có thể dài giống như sợi lông.
Tình trạng này không phổ biến, thường chỉ xảy ra ở những người không vệ sinh răng miệng tốt. Ngoài ra những người bị suy giảm miễn dịch như mắc bệnh tiểu đường, dùng thuốc kháng sinh hoặc hóa trị ung thư cũng có thể xuất hiện lưỡi đen có “lông”.
Lưỡi bị đau hoặc có u, loét là bệnh gì?
Chấn thương
Vô tình cắn vào lưỡi hoặc cho đồ ăn quá nóng vào miệng có thể làm cho lưỡi bị đau và kéo dài đến khi vết thương lành lại. Tật nghiến răng cũng có thể gây kích ứng hai cạnh bên của lưỡi và gây đau.
Hút thuốc lá
Các hóa chất độc hại trong thuốc lá làm lưỡi bị kích ứng và gây đau.
Nhiệt miệng – loét miệng
Các vết loét trên lưỡi có thể xuất hiện bất chợt mà không rõ nguyên nhân, nhưng stress có thể là một yếu tố góp phần. Vết loét do nhiệt miệng thường tự lành trong khoảng 1-2 tuần mà không cần điều trị.
Ung thư miệng
Nếu bạn thấy xuất hiện cục u hoặc vết loét trên lưỡi không tự biến mất trong vòng 2 tuần thì hãy cẩn thận, đó có thể là dấu hiệu của ung thư miệng. Đặc biệt là nhiều trường hợp ung thư miệng không hề có cảm giác đau trong giai đoạn sớm, vì vậy đừng cho rằng không đau nghĩa là không có gì nghiêm trọng cả.
Các chuyên gia khuyên rằng mỗi người chúng ta nên kiểm tra lưỡi của mình hằng ngày trong lúc đánh răng và rơ lưỡi. Bất kỳ sự đổi màu, cục u, vết loét hoặc cảm giác đau xuất hiện bất thường đều phải được thăm khám và theo dõi bởi các bác sĩ, đặc biệt là nếu chúng không tự biến mất trong vòng 2 tuần.
Vậy là bạn đã biết về những dấu hiệu bất thường có thể gặp ở lưỡi của mình. Hãy tự quan sát và lắng nghe cơ thể mình mỗi ngày để luôn vui khỏe nhé!
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Thôi miên có tác dụng chữa bệnh thần kỳ như “quảng cáo” hay không?
- Bàn tay cũng có thể cảnh báo bệnh tật: Hãy để ý những dấu hiệu này!
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!