Thôi miên có phải là phép thuật kỳ diệu như trong phim ảnh, hay chỉ là trò “tà đạo” lừa bịp mọi người? Thôi miên có thể tác động như thế nào đến cơ thể con người, thậm chí là thôi miên chữa bệnh có tồn tại thật hay không? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!

Chính xác thì thôi miên là gì và thôi miên chữa bệnh có thật hay không?

Thực ra thôi miên là một quá trình trị liệu tâm lý có thật, nhưng ngày nay thường bị hiểu sai một cách vô tình hoặc cố ý và không được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên các nghiên cứu y học vẫn đang được thực hiện để cố gắng tìm hiểu xem thôi miên có tác dụng trị liệu đối với sức khỏe như thế nào.

Thôi miên hoàn toàn có thật, nhưng không giống như những điều chúng ta thường nghĩ (Ảnh: Internet).
Thôi miên hoàn toàn có thật, nhưng không giống như những điều chúng ta thường nghĩ (Ảnh: Internet).

Thôi miên là phương pháp có thể giúp hỗ trợ điều trị một số vấn đề sức khỏe. Để thực hiện, chuyên gia thôi miên sẽ hướng dẫn “khách hàng” rơi vào trạng thái thư giãn sâu (đôi khi được mô tả là nửa tỉnh nửa mê). Khi đối tượng đã ở trong trạng thái đó, nhà thôi miên có thể dùng lời nói để “tư vấn” giúp cho họ tiếp nhận những thay đổi hoặc các liệu pháp điều trị khác hiệu quả hơn.

Cảm giác nửa tỉnh nửa mê khi thôi miên thực ra không phải là siêu nhiên hay hiếm gặp. Nếu bạn đã từng nhập tâm cao độ khi xem phim hoặc suy nghĩ mơ màng về một chuyện gì đó giống như “mơ giữa ban ngày” thì đó cũng là trạng thái tương tự.

Thôi miên là trạng thái rất đặc biệt của trí não (Ảnh: Internet).
Thôi miên là trạng thái rất đặc biệt của trí não (Ảnh: Internet).

Như vậy thôi miên là một công cụ có thể được dùng để trị bệnh, còn liệu pháp thôi miên là quá trình sử dụng công cụ đó. Trên thực tế, kỹ thuật thôi miên hay liệu pháp thôi miên thực sự chẳng liên quan gì đến trò lắc lư chiếc đồng hồ trước mặt người khác giống như trên phim ảnh, và nó cũng không phải là trò vui biểu diễn trên sân khấu để giải trí.

Tại sao thôi miên lại có tác động tới tâm trí con người?

Trong quá trình trị liệu, chuyên gia thôi miên đưa người bệnh vào trạng thái tập trung chú ý cao độ thông qua hướng dẫn bằng lời nói lặp đi lặp lại. Đối với người được thôi miên thì trạng thái đó có thể giống với giấc ngủ ở nhiều khía cạnh, nhưng họ vẫn hoàn toàn nhận thức được mọi thứ đang xảy ra xung quanh mình.

Thôi miên nhìn giống như đang ngủ nhưng thực ra không phải (Ảnh: Internet).
Thôi miên nhìn giống như đang ngủ nhưng thực ra không phải (Ảnh: Internet).

Khi người bệnh đã ở trong trạng thái “xuất thần” này, chuyên gia sẽ dùng lời nói đưa ra các hướng dẫn theo quy trình để giúp họ đạt được mục tiêu điều trị. Vì tâm trí đang ở trạng thái tập trung cao độ nên người đó có thể dễ dàng chấp nhận các hướng dẫn hoặc lời khuyên mà khi tỉnh táo bình thường họ hay từ chối hoặc né tránh.

Khi buổi điều trị hoàn tất, bác sĩ thôi miên sẽ “đánh thức” người bệnh hoặc họ có thể tự thoát ra khỏi trạng thái mơ màng.

Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao sự tập trung cao độ hướng vào nội tâm bên trong của người được thôi miên lại tạo ra những hiệu quả quan sát được trên thực tế. Giả thuyết có thể là:

  • Liệu pháp thôi miên giúp “gieo” những ý tưởng và suy nghĩ vào tâm trí trong trạng thái mơ màng, để sau đó chúng có thể bám rễ vào nhận thức của người đó và ngày càng phát triển.
  • Liệu pháp thôi miên cũng có thể “dọn dẹp” để bộ não xử lý thông tin và chấp nhận sự thay đổi sâu sắc hơn. Ở trạng thái tỉnh táo bình thường, những suy nghĩ lộn xộn trong tâm trí có thể khiến chúng ta không tiếp thu được các đề xuất và hướng dẫn trị liệu.

Điều gì xảy ra với bộ não trong quá trình thôi miên?

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard đã nghiên cứu bộ não của 57 người trong quá trình thôi miên có hướng dẫn, kết quả cho thấy rằng:

  • Hai vùng não chịu trách nhiệm xử lý và kiểm soát những quá trình đang diễn ra trong cơ thể có biểu hiện hoạt động mạnh hơn trong quá trình thôi miên.
  • Vùng não chịu trách nhiệm về các hành động của cơ thể và vùng não nhận thức các hành động đó dường như bị ngắt kết nối trong quá trình thôi miên.
Thôi miên có tác động đến bộ não (Ảnh: Internet).
Thôi miên có tác động đến bộ não (Ảnh: Internet).

Như vậy các phần riêng biệt của não bị thay đổi rõ ràng trong quá trình thôi miên, trong đó bị ảnh hưởng nhiều nhất là những vùng não kiểm soát hành động và nhận thức.

Có phải tác dụng của thôi miên chỉ là một kiểu “hiệu ứng giả dược”?

Hiệu ứng giả dược là hiện tượng một phương pháp vốn không có tác dụng chữa bệnh nhưng tạo cho người bệnh có niềm tin, và thực tế mang lại hiệu quả giống như thuốc thật. Phải chăng thôi miên cũng là một thứ “giả dược” như vậy?

Có phải thôi miên chỉ là "chữa bệnh bằng niềm tin"? (Ảnh: Internet).
Có phải thôi miên chỉ là “chữa bệnh bằng niềm tin”? (Ảnh: Internet).

Không loại trừ khả năng đó, nhưng thực tế đã cho thấy có sự thay đổi rõ rệt trong hoạt động của não khi tiếp nhận thôi miên. Điều đó cho thấy não phản ứng với quá trình này theo một cách đặc biệt, có hiệu quả hơn so với hiệu ứng giả dược.

Giống như thôi miên, hiệu ứng giả dược cũng bắt nguồn từ việc người bệnh có niềm tin đối với lời nói của bác sĩ. Những cuộc trò chuyện có hướng dẫn hoặc liệu pháp tâm lý hành vi dưới bất kỳ hình thức nào đều có thể có tác động mạnh mẽ đến hành động và cảm xúc của con người. Thôi miên cũng là một trong những công cụ trị liệu kiểu như vậy.

Thôi miên có tác dụng phụ hoặc rủi ro nào không?

Thôi miên thường an toàn (Ảnh: Internet).
Thôi miên thường an toàn (Ảnh: Internet).

Thôi miên hiếm khi gây ra tác dụng phụ hoặc rủi ro, với điều kiện phải được tiến hành bởi một chuyên gia được đào tạo và có chứng nhận, khi đó nó có thể là một liệu pháp hỗ trợ điều trị an toàn. Tuy nhiên một số người có thể gặp tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình khi tiếp nhận thôi miên, bao gồm các triệu chứng:

  • Đau đầu
  • Buồn ngủ
  • Chóng mặt
  • Lo lắng

Cần đặc biệt lưu ý: phương pháp thôi miên với mục đích phục hồi trí nhớ là một vấn đề gây tranh cãi hiện nay. Những người được thôi miên theo cách này dễ xuất hiện cảm giác lo lắng, đau khổ và các tác dụng phụ khác, ngoài ra cũng có nguy cơ tạo ra ký ức sai lệch.

Phương pháp thôi miên có được các bác sĩ ủng hộ không?

Chỉ những chuyên gia được đào tạo đặc biệt mới có thể thực hiện thôi miên (Ảnh: Internet).
Chỉ những chuyên gia được đào tạo đặc biệt mới có thể thực hiện thôi miên (Ảnh: Internet).

Một số bác sĩ không tin rằng thôi miên có thể được sử dụng để cải thiện các vấn đề về tinh thần hoặc đau đớn về thể chất. Các nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng thôi miên ngày càng nhiều, nhưng không phải tất cả các bác sĩ đều chấp nhận nó.

Nhiều trường y không đào tạo cách sử dụng thôi miên cho bác sĩ, và không phải mọi chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần đều được học về phương pháp này trong thời gian ở trường. Điều đó đã gây ra rất nhiều quan niệm sai lầm về liệu pháp tiềm năng này.

Thôi miên có thể hỗ trợ điều trị các vấn đề sức khỏe nào?

Thôi miên có thể chữa bách bệnh như lời đồn? (Ảnh: Internet).
Thôi miên có thể chữa bách bệnh như lời đồn? (Ảnh: Internet).

Mặc dù thôi miên thường được “quảng cáo” như một phương pháp thần kỳ chữa được nhiều bệnh, nhưng các nghiên cứu mới chỉ cho thấy nó có tác dụng hỗ trợ điều trị một số ít vẫn đề sức khỏe. Có nhiều bằng chứng vững chắc ủng hộ dùng thôi miên đối với:

  • Giảm đau đớn
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)
  • Mất ngủ

Một số bằng chứng hạn chế cho thấy có thể sử dụng thôi miên để hỗ trợ điều trị:

  • Trầm cảm
  • Lo âu
  • Các vấn đề khi cai thuốc lá
  • Chữa lành vết thương sau phẫu thuật
  • Giảm cân

Một nghiên cứu năm 2000 được công bố bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho thấy: dữ liệu từ 18 nghiên cứu khác nhau đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng kỹ thuật thôi miên có tác động tích cực đến việc giảm đau và kiểm soát cơn đau lâu dài.

Thôi miên có thể giúp giảm đau hiệu quả (Ảnh: Internet).
Thôi miên có thể giúp giảm đau hiệu quả (Ảnh: Internet).

Năm 2007, một nghiên cứu khác được công bố bởi Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cho thấy các tình trạng đau sau phẫu thuật, buồn nôn và khó chịu xuất hiện ít nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân đã trải qua thôi miên trước khi thực hiện phẫu thuật.

Như vậy cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để tìm hiểu rõ tác động của thôi miên trong chữa bệnh.

Một buổi trị liệu bằng thôi miên diễn ra như thế nào?

Phải có không gian thoải mái và thân thiện để thực hiện thôi miên (Ảnh: Internet).
Phải có không gian thoải mái và thân thiện để thực hiện thôi miên (Ảnh: Internet).

Bạn có thể chưa được thôi miên ngay trong lần hẹn đầu tiên với nhà trị liệu, mà thay vào đó có thể nói chuyện với họ về những mục tiêu cần đạt được và các phương pháp cụ thể để giúp đạt được mục tiêu đó.

Trong buổi thôi miên, bác sĩ trị liệu sẽ giúp bạn thư giãn trong điều kiện thoải mái. Họ sẽ giải thích cách làm và xem xét mục tiêu cụ thể trong buổi đó, sau đó sử dụng các tín hiệu bằng lời nói lặp đi lặp lại để hướng dẫn bạn rơi vào trạng thái thôi miên.

Khi bạn đã ở trong trạng thái tâm trí dễ tiếp nhận, bác sĩ sẽ gợi ý những việc bạn cần làm để đạt được mục tiêu nhất định, giúp bạn hình dung về tương lai của mình và đưa ra các quyết định tốt hơn.

Cuối cùng bác sĩ trị liệu sẽ chấm dứt trạng thái thôi miên, đưa bạn trở lại trạng thái tỉnh táo hoàn toàn.

Buổi thôi miên trải qua nhiều giai đoạn (Ảnh: Internet).
Buổi thôi miên trải qua nhiều giai đoạn (Ảnh: Internet).

Đối với một số người thì chỉ cần một buổi như vậy là đủ, nhưng hầu hết các nhà trị liệu sẽ yêu cầu áp dụng liệu pháp thôi miên kéo dài từ 4-5 buổi. Sau khi hoàn thành, họ có thể thảo luận với bạn xem có cần thêm nữa hay không, hoặc bạn chủ động sắp xếp các buổi trị liệu duy trì nếu cảm thấy cần thiết.

Một số lầm tưởng phổ biến về thôi miên

Mặc dù đang dần được chấp nhận nhiều hơn trong y học nhưng thôi miên vẫn bị hiểu sai khá nhiều. Dưới đây là một vài điều lầm tưởng thường gặp.

Tất cả mọi người đều có thể được thôi miên?

Không phải ai cũng tiếp nhận được phương pháp này. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 10% dân số thuộc dạng dễ thôi miên, những người còn lại mặc dù cũng có thể bị thôi miên nhưng ít có khả năng tiếp thu và nhận được lợi ích của nó.

Người bị thôi miên sẽ không kiểm soát được bản thân mình?

Có phải bị thôi miên là sẽ trở thành con rối của người khác? (Ảnh: Internet).
Có phải bị thôi miên là sẽ trở thành con rối của người khác? (Ảnh: Internet).

Thực tế là bạn vẫn hoàn toàn kiểm soát được cơ thể của mình trong quá trình thôi miên. Khác với phim ảnh hay trình diễn trên sân khấu, người bị thôi miên ngoài đời thực vẫn nhận thức được việc mà mình đang làm và trả lời được những câu hỏi của nhà trị liệu. Nếu họ yêu cầu làm việc gì đó mà bạn không muốn làm thì bạn vẫn có thể từ chối.

Thôi miên cũng giống như ngủ?

Mặc dù trông giống như đang ngủ nhưng thực ra bạn hoàn toàn tỉnh thức trong lúc thôi miên, chỉ là đang ở trong trạng thái vô cùng thư giãn mà thôi. Các cơ bắp trên khắp cơ thể sẽ thả lỏng hoàn toàn, nhịp thở chậm lại và có thể cảm thấy buồn ngủ.

Người bị thôi miên không thể nói dối?

Thôi miên không phải là “thuốc nói thật” như trong phim. Mặc dù tâm trí trở nên cởi mở hơn trong quá trình này, nhưng bạn vẫn tự do kiểm soát ý chí của mình và suy xét đúng sai. Không ai có thể bắt bạn nói bất cứ điều gì mà bạn không muốn, dù là thật hay dối.

Không thể dùng thôi miên để bắt người khác nói thật (Ảnh: Internet).
Không thể dùng thôi miên để bắt người khác nói thật (Ảnh: Internet).

Có thể bị thôi miên qua Internet?

Hiện nay có nhiều ứng dụng trên điện thoại và video trên Internet tự xưng là có khả năng thôi miên, nhưng thực ra chúng không hiệu quả. Một bản đánh giá năm 2013 đã phát hiện rằng những công cụ này thường không phải là sản phẩm của các chuyên gia hay tổ chức thôi miên được chứng nhận, vì vậy các bác sĩ và nhà thôi miên thực sự khuyên rằng không nên sử dụng chúng.

Thôi miên có thể giúp tìm lại những ký ức đã mất?

Điều này vẫn là một bí ẩn. Mặc dù có thể tái hiện phần nào ký ức trong quá trình thôi miên, nhưng cũng có thể tạo ra ký ức giả sai lệch khi ở trạng thái mơ màng, do đó nhiều chuyên gia thôi miên vẫn nghi ngờ về việc sử dụng thôi miên để lấy lại trí nhớ.

Thôi miên để khôi phục ký ức có thể tiềm ẩn nguy hiểm (Ảnh: Internet).
Thôi miên để khôi phục ký ức có thể tiềm ẩn nguy hiểm (Ảnh: Internet).

Tổng kết

Thôi miên đã bị hiểu lầm khá nhiều do ảnh hưởng của phim ảnh và những màn biểu diễn trên sân khấu, trong đó thường hứa hẹn nhiều khả năng rất thần kỳ đến mức khó tin. Tuy nhiên trên thực tế đây là một phương pháp trị liệu chân chính và có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị một số vấn đề, chẳng hạn như mất ngủ, trầm cảm và giảm đau.

Điều quan trọng là phải tìm đến những chuyên gia trị liệu thôi miên có trình độ để tiếp nhận quy trình thôi miên bài bản. Họ sẽ lập kế hoạch cụ thể để giúp bạn đạt được mục tiêu điều trị của mình.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Xăm hình có hại gì cho cơ thể không? Có gây ung thư da không?

Bạn muốn xăm hình nhưng lại sợ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe? Thậm chí nhiều người nói rằng xăm hình gây ung thư da? Rốt cuộc xăm hình có nguy hiểm như lời đồn hay không? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu sự thật nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận