Xu hướng sử dụng thực phẩm ít chất béo xuất phát từ mục đích tốt cho sức khỏe, nhưng các loại thực phẩm đóng gói được dán nhãn “ít béo” hay “dành cho người ăn kiêng” thực ra có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Tại sao lại như vậy?

Tại sao thực phẩm “ít béo” không hẳn là tốt cho sức khỏe?

Trước đây mọi người cho rằng việc cắt giảm chất béo sẽ giảm lượng calo nạp vào cơ thể và do đó giúp giảm cân, nhưng ngày nay chúng ta biết rằng không phải chất béo nào cũng giống nhau. Một số loại chất béo như axit béo omega-3 và chất béo không bão hòa đơn có nhiều lợi ích như giảm viêm và tăng cường sức khỏe tim mạch. Ngay cả tác động của chất béo bão hòa đối với sức khỏe cũng phức tạp hơn nhiều so với chúng ta từng nghĩ trước đây.

Dù thế nào thì chất béo cũng không phải là xấu hoàn toàn, nó là chất dinh dưỡng đa lượng cần thiết cho cơ thể con người và ăn chất béo không đồng nghĩa với việc bạn sẽ béo. Tuy nhiên một số nhà sản xuất thực phẩm vẫn tạo ra các sản phẩm được dán nhãn “ít béo”. Đối với một số người cần hạn chế chất béo vì bệnh lý thì đây có thể là điều tốt, nhưng đối với nhiều người bình thường, những thực phẩm “ít béo” này không những không cần thiết mà còn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Thông thường, khi loại bỏ chất béo tự nhiên, các nhà sản xuất thực phẩm phải thay thế bằng các chất độn, chất nhũ hóa và các thành phần khác không có giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe.

Vì vậy, trước khi quyết định mua những sản phẩm “ít béo” hoặc “ăn kiêng” thì hãy xem danh sách 9 thực phẩm ít béo không tốt cho sức khỏe như bạn nghĩ.

9 loại thực phẩm ít béo có thể ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của bạn

Kem ít béo

Kem ít béo (Ảnh: Internet)
Kem ít béo (Ảnh: Internet)

Loại bỏ chất béo khỏi kem và các món ăn đông lạnh khác không chỉ làm mất đi sự thú vị khi ăn chúng, mà các sản phẩm này thường được thay thế bằng các chất phụ gia không mang lại dinh dưỡng giống như kem dùng sữa thật. Sữa nguyên chất đầy đủ chất béo có chứa canxi và protein cần thiết cho cơ thể. Một số nghiên cứu thậm chí còn cho thấy rằng tiêu thụ sữa nguyên chất thường không đi kèm với tăng nguy cơ thừa cân, bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường loại 2.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, việc chọn kem ít béo cũng không giúp giảm lượng chất béo đáng kể.

Bơ đậu phộng ít béo

Bơ đậu phộng ít béo (Ảnh: Internet)
Bơ đậu phộng ít béo (Ảnh: Internet)

Đừng sợ chất béo trong bơ đậu phộng! Theo trang tin Harvard Health, bơ đậu phộng đầy đủ chất béo có tỷ lệ chất béo bão hòa và không bão hòa tương tự như dầu ô liu – một trong những thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thường xuyên ăn bơ đậu phộng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2 thấp hơn so với những người hiếm khi ăn bơ đậu phộng.

Ngoài ra, để loại bỏ chất béo khỏi bơ đậu phộng, các nhà sản xuất phải loại bỏ thành phần quan trọng nhất, đó là đậu phộng. Bơ đậu phộng ít béo chỉ có khoảng 60% là đậu phộng, phần kem còn lại đến từ protein đậu và dầu thực vật được hydro hóa.

Sốt mayonnaise nhẹ

Sốt mayonnaise nhẹ (Ảnh: Internet)
Sốt mayonnaise nhẹ (Ảnh: Internet)

Mayonnaise truyền thống có vị béo đặc trưng từ lòng đỏ trứng, mỗi lòng đỏ chứa khoảng 5 gam chất béo. Vậy làm thế nào để có vị béo mà không dùng trứng? Mayonnaise ít béo thường thêm các chất làm đặc, chẳng hạn như tinh bột thực phẩm biến tính, và dựa vào dầu đậu nành thay vì trứng để tạo độ mịn. Mặc dù những thành phần này không nguy hiểm cho sức khỏe nhưng chúng không cung cấp dinh dưỡng giống như lòng đỏ trứng, cụ thể là vitamin A, B12 và D cùng với các chất chống oxy hóa như lutein, zeaxanthin và selen.

Granola ít béo

Granola ít béo (Ảnh: Internet)
Granola ít béo (Ảnh: Internet)

Các thanh ngũ cốc thường được quảng cáo là cực kỳ tốt cho sức khỏe, khiến bạn tin rằng chúng rất bổ dưỡng. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Thanh ngũ cốc ít chất béo có thể đã trải qua chế biến sâu và sử dụng các thành phần không tự nhiên. Ví dụ: thanh ngũ cốc hương dâu tây và kem có thể chứa ít chất béo – chỉ 2 gam mỗi thanh, nhưng thành phần của chúng gồm hương liệu, phẩm màu, xi-rô và dầu nhân tạo.

Bánh quy ít béo

Bánh quy sô cô la (Ảnh: Internet)
Bánh quy sô cô la (Ảnh: Internet)

Có thể bạn không biết: ăn nhiều đường có liên quan với tăng cân nhiều hơn là ăn nhiều chất béo. Vì bánh quy ít béo thường có lượng đường cao nên chúng thực sự không tốt cho sức khỏe hơn so với bánh quy thông thường.

Đối với các loại bánh quy ít béo, thành phần chủ yếu của chúng là đường, và mặc dù lượng chất béo rất ít nhưng một phần trong đó là dầu cọ – một loại dầu không thân thiện với môi trường. Nếu muốn ăn bánh quy, bạn nên chọn loại bánh đầy đủ chất béo với nguyên liệu chất lượng cao.

Bơ thực vật

Bơ thực vật ăn với bánh mì (Ảnh: Internet)
Bơ thực vật ăn với bánh mì (Ảnh: Internet)

Bơ thực vật ngày càng ít được sử dụng kể từ giai đoạn phát triển mạnh nhất vào những năm 1970. Theo trang tin Harvard Health, “chưa bao giờ có bằng chứng xác thực nào cho thấy việc sử dụng bơ thực vật thay vì bơ thường sẽ làm giảm nguy cơ bị đau tim hoặc xuất hiện bệnh tim.” Một số loại bơ thực vật có thể ít chất béo hơn bơ thường, nhưng cả hai đều có lượng calo cao, vì vậy chúng đều là thực phẩm không nên sử dụng nhiều.

Nước sốt salad ít béo

Nước sốt salad (Ảnh: Internet)
Nước sốt salad (Ảnh: Internet)

Nước sốt salad tự làm tại nhà có thể chứa rất nhiều calo vì chúng thường được làm bằng dầu. Do đó, các loại nước sốt “ít béo” được cho là có thể giúp giảm lượng calo nạp vào cơ thể.

Tuy nhiên hãy chú ý đến các loại nước sốt ít béo. Một số nhà sản xuất bù đắp lượng chất béo được cắt giảm bằng cách bổ sung thêm chất làm ngọt và tinh bột. Ví dụ xi-rô ngô là một thành phần phổ biến để làm các loại nước sốt, cùng với màu nhân tạo và chất bảo quản.

Súp đóng hộp ít béo

Các món súp “nhẹ” không có nghĩa là tốt cho sức khỏe vì chúng thường chứa nhiều muối natri.

Snack giòn ít béo

Khoai tây chiên và bánh quy xoắn (Ảnh: Internet)
Khoai tây chiên và bánh quy xoắn (Ảnh: Internet)

Khoai tây chiên, bánh quy xoắn hoặc bánh phồng ít béo có thể cung cấp ít calo hơn so với phiên bản đầy đủ chất béo của chúng, nhưng có một điều không thay đổi là những loại thực phẩm này đã trải qua chế biến sâu. Để đảm bảo ăn uống lành mạnh, hãy nhìn vào danh sách thành phần của thực phẩm, dù ít béo hay không thì những thành phần bổ sung không tự nhiên là dấu hiệu cảnh báo rằng món ăn không tốt cho sức khỏe của bạn.

Mời bạn xem thêm các bài liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Có nên dùng vitamin tổng hợp thường xuyên để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể hay không?

Hiện nay các sản phẩm bổ sung vitamin được rất nhiều người sử dụng thường xuyên, thậm chí kể cả khi cơ thể khỏe mạnh và không có bệnh. Vậy điều này có tốt cho sức khỏe hay không? Vitamin tổng hợp có lợi ích cho cơ thể như thế nào, có thể dùng thay thế cho thực phẩm ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận