Vitamin D được gọi vui là “vitamin ánh nắng” vì ngoài được bổ sung thông qua thực phẩm, cơ thể chúng ta còn có thể tổng hợp loại vitamin này thông qua việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vitamin D đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, từ thể chất đến tinh thần. Do đó, việc thiếu vitamin D có thể mang đến nhiều tác động tiêu cực đến cơ thể. Vì được gọi là “vitamin ánh nắng”, thế nên, có không ít người lo lắng việc sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da trước tia UV có ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp vitamin D không? Cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!
Vitamin D là gì?
Vitamin D là tên gọi chung cho một nhóm (tiền) hormone tan trong chất béo. Vitamin D có nhiều trong một số loại thực phẩm như cá béo, trứng, gan, sữa và các chế phẩm từ sữa,… Điểm đặc biệt của Vitamin D so với các vitamin và khoáng chất khác là ngoài thực phẩm, cơ thể có thể tổng hợp loại vitamin này thông qua việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (cụ thể là tia UVB). Ở người, các dạng quan trọng nhất của vitamin D là vitamin D3 (cholecalciferol) và vitamin D2 (ergocalciferol) nhưng dạng hiệu quả nhất và có khả năng sinh học cao nhất là vitamin D3.
Vitamin D rất quan trọng đối với cơ thể khi đảm nhiệm nhiều vai trò như duy trì sức khỏe xương, thần kinh, cơ và miễn dịch đồng thời hỗ trợ giảm viêm, cải thiện sức khỏe đường ruột và kiểm soát lượng đường trong máu,…

Vitamin D được sản xuất từ ánh nắng như thế nào?
Khi da tiếp xúc với ánh nắng, tia UVB sẽ kích hoạt quá trình chuyển đổi 7-dehydrocholesterol có sẵn trong da thành tiền vitamin D (previtamin D3), rồi tạo thành vitamin D3. Sau khi được vận chuyển đến gan theo hệ tuần hoàn, gan sẽ chuyển hóa phân tử đó thành một loại vitamin D khác gọi là 25-hydroxyvitamin D (calcidiol). Cuối cùng, thận sẽ chuyển hóa nó thành 1,25-dihydroxyvitamin D – dạng vitamin D có hoạt tính chuyển hóa mạnh nhất.
Để làm được điều này, trung bình một người lớn cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 5 đến 30 phút mỗi ngày, tùy theo mùa, thời điểm trong ngày, màu da, thời tiết và thậm chí là cả chất lượng không khí (vì khói bụi cũng có thể ảnh hưởng đến lượng vitamin D mà bạn có thể hấp thụ),… Các chuyên gia cho biết thời điểm tốt nhất trong ngày để tắm nắng là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Sử dụng kem chống nắng có khiến cơ thể thiếu vitamin D không?
Hầu hết mọi người đều biết khi tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài, da sẽ dễ bị cháy nắng, thâm, sạm, nám, lão hóa sớm và thậm chí là tăng nguy cơ ung thư da. Để bảo vệ da trước những tác hại của tia UV, sử dụng kem chống nắng (đặc biệt là kem chống nắng phổ rộng) là biện pháp hiệu quả và được ưa chuộng hàng đầu hiện nay. Tuy nhiên, như đã trình bày phía trên, cơ thể cũng cần da tiếp xúc với ánh nắng để tổng hợp vitamin D. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là việc sử dụng kem chống nắng có dẫn đến tình trạng thiếu vitamin D hay không?

Mặc dù kem chống nắng có thể hạn chế tác động của tia UV lên da nhưng hiện không có đủ bằng chứng cho thấy kem chống nắng làm giảm nồng độ vitamin D và các nhà nghiên cứu cũng tin rằng kem chống nắng không phải là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin D.
Nguyên nhân là vì kem chống nắng có thể bảo vệ da trước tia UV nhưng hiệu quả không đạt đến mức 100%, do đó vẫn có 1 ít tia UV có thể tiếp xúc với da. Tiếp theo, khi sử dụng kem chống nắng, hầu hết mọi người không che phủ toàn bộ làn da bằng kem chống nắng hoặc thường quên thoa lại sau mỗi hai giờ. Trong những trường hợp này, vitamin D vẫn được sản xuất từ vùng da không được bảo vệ hoặc do kem chống nắng đã hết tác dụng.

Bác sĩ da liễu Alain Michon – giám đốc y khoa của Project Skin MD, Ottawa – cho biết: “Kem chống nắng nhìn chung có thể làm giảm lượng vitamin D mà bạn nhận được nhưng không đến mức khiến mọi người phải lo lắng về tình trạng thiếu hụt”. Ông cũng xác nhận: “Hầu hết các lần thoa kem chống nắng đều không hoàn hảo, khiến một số tia UVB có thể được da hấp thụ”.
Như vậy, thoa kem chống nắng có thể khiến việc sản xuất vitamin D bị suy giảm nhưng nhìn chung là không nhiều, không đến mức gây thiếu vitamin D.
Kết luận
Vitamin D giữ vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể duy trì hoạt động bình thường. Nguồn cung cấp vitamin D chủ yếu đến từ thực phẩm, thực phẩm bổ sung và ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, tiếp xúc quá nhiều với tia UV từ ánh nắng có thể làm tăng nguy cơ ung thư da và đó là lý do tại sao các bác sĩ da liễu khuyên bạn nên luôn thoa kem chống nắng để bảo vệ da.
Nếu bạn thắc mắc việc sử dụng kem chống nắng có hạn chế quá trình sản xuất vitamin D của cơ thể hay không thì câu trả lời là có nhưng không nhiều. Các chuyên gia cho biết việc thoa kem chống nắng không phải lúc nào cũng hoàn hảo nên mọi người vẫn có thể nhận đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời khi thoa kem chống nắng. Ngoài ra, bên cạnh tiếp xúc với ánh nắng, bạn hoàn toàn có thể bổ sung vitamin D thông qua các thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng này, ví dụ như cá béo, trứng, gan, sữa và các chế phẩm từ sữa,…
Bạn có thể quan tâm:
Các bạn có thích bài viết này không? Hãy chia sẻ cảm nhận của mình với mình nhé! Mình rất trân trọng những đóng góp của các bạn.