Trao đổi chất là quá trình chuyển hóa thức ăn đã nạp vào cơ thể thành nguồn năng lượng để cơ thể hoạt động. Quá trình trao đổi chất kém hiệu quả có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Nhẹ thì gây mệt mỏi, suy nhược, dễ tăng cân hay các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, táo bón, tiêu chảy,… Nghiêm trọng hơn, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, thậm chí là ung thư. Việc nắm được nguyên nhân làm chậm quá trình trao đổi chất có thể giúp quá trình điều trị thuận lợi hơn. Trên thực tế, có nhiều yếu tố ảnh hưởng mức độ trao đổi chất và dưới đây là 10 nguyên nhân làm chậm quá trình trao đổi chất phổ biến mà bạn nên biết.
Gen di truyền
Quá trình trao đổi chất có thể chịu ảnh hưởng của gen di truyền. Một số người có thể có tốc độ trao đổi chất chậm hơn bình thường trong khi những người khác lại có quá trình trao đổi chất nhanh hơn.

Tuổi tác
Quá trình trao đổi chất chậm lại theo sự tăng trưởng của tuổi tác của bạn. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng nguyên nhân của việc này có thể là do những thay đổi liên quan đến tuổi tác trong các tế bào của cơ thể, sự suy giảm khối lượng cơ bắp và các thay đổi về nội tiết tố.

Giới tính
Việc bạn được chỉ định là nam hay nữ khi sinh ra có thể ảnh hưởng đến tốc độ trao đổi chất của bạn do sự khác biệt về kích thước cơ thể, thành phần cơ thể và mức độ hormone. Ví dụ, phụ nữ có nhiều khả năng gặp tình trạng trao đổi chất chậm hơn vì cơ thể họ có xu hướng có nhiều mỡ và ít khối lượng cơ hơn so với nam giới.

Rối loạn hormone
Rối loạn hormone có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Cụ thể, nồng độ hormone quá cao hay quá thấp đều có thể làm quá trình trao đổi chất bị chậm lại. Những hormone có ảnh hưởng lớn nhất đến trao đổi chất gồm: Insulin, Cortisol, Estrogen, Leptin, Ghrelin, Neuropeptide Y, GLP-1, Cholecystokinin,…

Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống cũng là một trong những yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến tốc độ trao đổi chất. Việc ăn uống quá ít, ăn không đủ chất hay ăn quá nhiều thực phẩm chiên rán, giàu chất béo,…cũng có thể khiến quá trình trao đổi chất của bạn chậm lại. Ngược lại, một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng sẽ giúp quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn.

Lối sống
Quá trình trao đổi chất chậm có thể là kết quả của các yếu tố liên quan đến lối sống như ít vận động, thiếu ngủ hay căng thẳng. Cụ thể, ít vận động dẫn đến đốt cháy ít calo hơn trong khi thức khuya, không ngủ đủ giấc có thể làm rối loạn các hormone giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất và căng thẳng kéo dài cũng có thể kích hoạt cơ thể giải phóng hormone khiến quá trình trao đổi chất chậm lại.

Tình trạng sức khỏe
Các tình trạng sức khỏe như bệnh tiểu đường, suy giáp,…có thể dẫn đến quá trình trao đổi chất chậm. Cụ thể, bệnh tiểu đường khiến lượng đường trong máu tăng cao, ảnh hưởng đến tốc độ trao đổi chất. Trong khi đó, suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) là tình trạng cơ thể không sản xuất đủ hormone tuyến giáp – có nhiệm vụ kiểm soát quá trình trao đổi chất, từ đó dẫn đến việc trao đổi chất chậm.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Tác dụng phụ của một số loại thuốc như như thuốc tránh thai, thuốc trị trầm cảm, thuốc trị động kinh, steroid, thuốc chống loạn thần,…cũng có thể là nguyên nhân khiến quá trình trao đổi chất chậm. Nếu bạn nghi ngờ quá trình trao đổi chất của cơ thể bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc đang sử dụng, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn thêm.

Không uống đủ nước
Quá trình trao đổi chất trong cơ thể có thể sẽ bị chậm khi bạn không uống đủ nước. Một số nghiên cứu cho thấy uống nước có thể làm tăng tốc độ trao đổi chất. Như vậy, bạn nên uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo quá trình trao đổi chất không bị trì trệ do thiếu nước.

Môi trường
Nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với một số hóa chất và độc tố trong môi trường có thể làm ảnh hưởng đến tốc độ trao đổi chất.

Bạn có thể quan tâm:
Bình luận của các bạn sẽ giúp cho các bài viết của mình trở nên đa dạng và phong phú hơn, hãy để lại ý kiến của các bạn dưới đây nha!