Trao đổi chất là quá trình cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Quá trình này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống của cơ thể. Việc trao đổi chất nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như di truyền, tình trạng sức khỏe hay lối sống. Quá trình trao đổi chất chậm có nghĩa là cơ thể bạn không đốt cháy nhiều calo và điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như thèm ăn, da khô, mệt mỏi và thay đổi tâm trạng.
1. Mệt mỏi
Mệt mỏi dai dẳng mà không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của tình trạng trao đổi chất chậm. Nguyên nhân là vì, khi quá trình trao đổi chất của bạn diễn ra chậm, quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cũng bị trì trệ, dẫn đến việc cơ thể thiếu hụt năng lượng. Chính vì thế, bạn có thể sẽ thường xuyên cảm thấy uể oải hay mệt mỏi.
2. Da khô
Da khô hoặc xỉn màu cũng là một trong những dấu hiệu thường gặp của tình trạng trao đổi chất chậm. Nguyên nhân là vì các hormone tuyến giáp giúp kiểm soát quá trình trao đổi chất cũng tham gia vào việc duy trì mức độ hydrat hóa của da. Chính vì thế, khi chức năng tuyến giáp mất cân bằng, quá trình trao đổi chất chậm lại, làn da dễ xảy ra tình trạng mất nước, khô căng, bong tróc.
3. Tăng cân hoặc khó giảm cân
Trao đổi chất chậm cũng có thể gây tăng cân hoặc khó giảm cân. Cụ thể, khi quá trình trao đổi chất diễn ra chậm hơn bình thường, cơ thể không thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng một cách nhanh chóng, dẫn đến lượng calo bị đốt cháy cũng ít hơn. Lúc này, lượng lớn calo sẽ được lưu trữ dưới dạng chất béo trong cơ thể, khiến bạn tăng cân. Do đó, khi bạn nhận thấy tình trạng cân nặng tăng bất thường hoặc giảm cân không hiệu quả dù đã áp dụng chế độ ăn uống phù hợp và tập thể dục thường xuyên thì nguyên nhân có thể là do quá trình trao đổi chất chậm.
4. Cảm thấy lạnh
Nếu bạn dễ cảm thấy lạnh ngay cả khi nhiệt độ môi trường không thấp thì đây cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn chức năng trao đổi chất. Quá trình trao đổi chất chậm sẽ dẫn đến việc sản xuất nhiệt và lưu thông máu kém đi, từ đó khiến cơ thể dễ bị lạnh.
5. Thèm ăn
Thèm ăn, đặc biệt là thèm những thực phẩm nhiều đường và chất béo, cũng là dấu hiệu thường thấy của tình trạng trao đổi chất chậm. Nguyên nhân là vì quá trình trao đổi chất kém hiệu quả dẫn đến việc chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết bị đình trệ, khiến cơ thể buộc phải tìm kiếm nhiều năng lượng hơn thông qua thức ăn, từ đó gây ra tình trạng thèm ăn.
6. Tâm trạng thay đổi thất thường
Việc thay đổi tâm trạng thường xuyên có thể là kết quả của quá trình trao đổi chất chậm. Mức năng lượng thấp và mất cân bằng hormone đi kèm với quá trình trao đổi chất chậm lại có thể góp phần gây ra những cảm giác tiêu cực như cáu kỉnh và thất vọng.
7. Các vấn đề về tiêu hóa
Trao đổi chất chậm có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy,… Nguyên nhân là vì quá trình tiêu hóa và trao đổi chất có mối liên hệ chặt chẽ bởi tiêu hóa là quá trình phân hủy thức ăn trong khí quá trình trao đổi chất là quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Chính vì thế, sự thay đổi trong quá trình trao đổi chất có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
Bạn có thể quan tâm:
Mình mong muốn nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các bạn về bài viết này, hãy để lại bình luận để mình cảm ơn nhé.