Vitamin D là một loại tiền hormone mà bạn có thể nhận được thông qua thực phẩm, thực phẩm bổ sung hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng vitamin D chỉ liên quan đến quá trình chuyển hóa xương. Tuy nhiên, ngày nay, vitamin D còn được biết đến như là một chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe xương, thần kinh, cơ và miễn dịch. Không chỉ vậy, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vitamin D còn đóng vai trò trong việc giảm viêm, cải thiện sức khỏe đường ruột và kiểm soát lượng đường trong máu. Chính vì thế, việc thiếu hụt vitamin D có thể gây ra nhiều vấn đề đối với cơ thể như tăng nguy cơ các bệnh về xương khớp và tim mạch, suy giảm nhận thức, ảnh hưởng đến chức năng não bộ, làm rối loạn chuyển hóa và suy giảm miễn dịch,… Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây thiếu vitamin D.

Chế độ ăn uống không đủ chất

Vitamin D chủ yếu có sẵn trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như các loại các béo, trứng, gan, sữa bò và các chế phẩm từ sữa,… Chính vì thế, những người theo chế độ ăn ít thịt động vật và các sản phẩm từ sữa có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao hơn. Để cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin D, hãy đảm bảo ăn uống đủ chất và cân bằng. Đối với những người ăn theo chế độ thuần chay, bạn có thể sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin D.

Chế độ ăn uống
Chế độ ăn ít thịt động vật và các sản phẩm từ sữa có nguy cơ gây thiếu hụt vitamin D (Ảnh: Internet)

Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Cơ thể bạn có thể dễ dàng sản xuất vitamin D thông qua việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cụ thể, tia UVB từ ánh nắng mặt trời sẽ kích hoạt quá trình chuyển đổi 7-dehydrocholesterol có sẵn trong da bạn thành tiền vitamin D, sau đó được chuyển hóa thành vitamin D. Chính vì thế, việc ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin D. Một nghiên cứu năm 2022 trên BMJ Nutrition, Prevention & Health cũng xác định rằng những người ở trong nhà dài hạn thường có xu hướng bị thiếu vitamin D. Ngoài ra, việc luôn sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao cùng với quần áo bảo hộ cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D. Để cơ thể có thể tổng hợp đủ vitamin D, bạn nên thường xuyên phơi nắng 10-15 phút mỗi ngày vào khoảng 9 giờ sáng hoặc 4 giờ chiều.

Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Việc ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin D (Ảnh: Internet)

Lão hóa

Lão hóa là quá trình tất yếu mà cơ thể con người phải trải qua và quá trình này cũng đi kèm với nhiều thay đổi trên cơ thể, trong đó có việc giảm khả năng tổng hợp vitamin D. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Mayo Clinic Proceedings, người lớn tuổi sản xuất vitamin D ít hơn tới 75% so với người trẻ tuổi, ngay cả khi họ thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Một trong những nguyên nhân khiến người lớn tuổi thường thiếu hụt vitamin D được cho là do tình trạng suy giảm chức năng thận – cơ quan đóng vai trò quan trọng trong quá trình kích hoạt vitamin D.

Lão hóa
Lão hóa là một trong những lý do làm giảm khả năng tổng hợp vitamin D của cơ thể (Ảnh: Internet)

Làn da sẫm màu

Làn da sẫm màu là một trong những nguyên nhân gây thiếu vitamin D. Như mọi người đã biết, cấu trúc của da bao gồm ba lớp chính là lớp thượng bì (biểu bì), lớp trung bì và lớp hạ bì. Trong lớp biểu bì có chứa một nhóm tế bào melanocytes (tế bào biểu bì tạo hắc tố) có nhiệm vụ sản xuất melanin – sắc tố quyết định màu da, tóc và mắt. Tuy nhiên, melanin không chỉ quyết định màu da mà còn có thể bảo vệ làn da khỏi bức xạ UV từ mặt trời. Cũng chính vì thế mà những người có mức melanin cao hơn (da sẫm màu hơn) sẽ có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao hơn. Theo một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Cureus, mức melanin tăng cao sẽ hấp thụ và phân tán tia UV từ mặt trời, dẫn đến giảm sản xuất vitamin D từ da. Nói cách khác, những người có tông màu da sẫm hơn sẽ khó sản xuất vitamin D hơn và cần tiếp xúc với tia UV lâu hơn để sản xuất vitamin D.

da sẫm màu
Da sẫm màu có melanin cao, bảo vệ làn da khỏi bức xạ UV từ mặt trời và làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D (Ảnh: Internet)

Béo phì

Có nghiên cứu cho thấy béo phì có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D. Để giải thích cho vấn đề này, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Obesity đưa ra khái niệm gọi là pha loãng thể tích. Theo nghiên cứu, trọng lượng cơ thể và mỡ cơ thể càng cao thì mức vitamin D càng thấp. Ngoài ra, theo một nghiên cứu được công bố trên Nutrients, vitamin D bị giảm khả dụng do bị cô lập trong mô mỡ. Nguyên nhân là vì vitamin D tan trong chất béo nên nó sẽ liên kết chặt chẽ với chất béo trong cơ thể bạn. Do đó, khi bị béo phì, cơ thể sẽ không thể tiếp cận được vitamin D, gây thiếu vitamin D. Theo nghiên cứu, điều này xảy ra bất kể vitamin D được tiêu thụ thông qua thực phẩm hay được sản xuất trong da. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho biết việc giảm mỡ cơ thể thông qua giảm cân có thể dẫn đến việc giải phóng vitamin D vào máu, điều này sẽ giúp đảo ngược tình trạng thiếu hụt.

Béo phì
Béo phì có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D (Ảnh: Internet)

Chế độ ăn ít chất béo

Cùng với vitamin A, E và K, vitamin D thuộc nhóm vitamin tan trong chất béo. Điều này có nghĩa là, loại vitamin này cần chất béo để cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ. Do đó, việc áp dụng chế độ ăn ít chất béo trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt các vitamin tan trong chất béo, bao gồm cả vitamin D. Do đó, để cơ thể tăng khả năng hấp thụ Vitamin D, bạn nên bổ sung vào thực đơn một số chất béo lành mạnh như dầu ô liu, quả bơ hoặc các loại hạt.

Chế độ ăn ít chất béo
Chế độ ăn ít chất béo trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt các vitamin tan trong chất béo, bao gồm cả vitamin D (Ảnh: Internet)

Bệnh thận và gan

Bệnh thận và gan cũng là nguyên nhân gây thiếu vitamin D. Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), quá trình kích hoạt vitamin D gồm hai bước, bước đầu tiên diễn ra ở gan và bước thứ hai diễn ra ở thận. Do đó, những người mắc bệnh thận và gan sẽ có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao hơn.

Bệnh thận và gan
Bệnh thận và gan cũng là nguyên nhân gây thiếu vitamin D (Ảnh: Internet)

Dùng thuốc steroid

Steroid hoặc corticosteroid là thuốc chống viêm được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như viêm khớp, hen suyễn, gout, lupus, đa xơ cứng, các bệnh tự miễn,… Tuy nhiên, steroid được cho là có thể gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin D. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nội tiết và Chuyển hóa Lâm sàng (The Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism), steroid có thể thúc đẩy tác dụng của một loại enzyme cản trở hoạt động của vitamin D trong cơ thể.

Dùng thuốc steroid
Dùng thuốc steroid được cho là có thể gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin D (Ảnh: Internet)

Dùng thuốc giảm cân và hạ cholesterol

Theo một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tạp chí Metabolites, mục tiêu chính của thuốc giảm cân là làm giảm sự hấp thụ chất béo trong chế độ ăn uống. Ngược lại, thuốc hạ cholesterol (như statin) hoạt động bằng cách hạn chế sản xuất cholesterol của cơ thể – trong khi cơ thể lại cần cholesterol để sản xuất vitamin D. Vì vitamin D tan trong chất béo, điều này có nghĩa là các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D.

Dùng thuốc giảm cân và hạ cholesterol
Dùng thuốc giảm cân và hạ cholesterol có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D (Ảnh: Internet)

Hút thuốc

Hút thuốc ảnh hưởng đến sự hấp thụ vitamin D của cơ thể. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc với khói thuốc lá có liên quan đến mức vitamin D thấp hơn bình thường. Nếu bạn là người thường xuyên hút thuốc, việc cai thuốc sẽ có thể giúp cải thiện lượng vitamin D trong cơ thể.

Hút thuốc
Hút thuốc ảnh hưởng đến sự hấp thụ vitamin D của cơ thể (Ảnh: Internet)

Bạn có thể quan tâm:

Xem thêm

Đau lưng khi đến tháng: Nguyên nhân và 10 cách giảm đau lưng hiệu quả

"Là con gái thật khổ" mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt vì rất nhiều cơn đau bụng, đau lưng, đau đầu...Vì sao bạn bị đau lưng khi đến tháng? Nguyên nhân và cách giảm đau lưng hiệu quả là gì, cùng tìm hiểu nhé.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận