“Là con gái thật khổ” mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt vì rất nhiều cơn đau bụng, đau lưng, đau đầu…Vì sao bạn bị đau lưng khi đến tháng? Nguyên nhân và cách giảm đau lưng hiệu quả là gì, cùng tìm hiểu nhé.
“Mùa dâu” của chị em phụ nữ bắt đầu xuất hiện vào độ tuổi dậy thì và hoạt động theo chu kỳ mỗi tháng một lần cho đến khi kết thúc vào giai đoạn mãn kinh. Đây là chu kỳ bất cứ người phụ nữ nào cũng đều phải trải qua để chuẩn bị cho quá trình mang thai và sinh nở. Chu kỳ của mỗi người khác nhau, nhưng cơ bản giống nhau về quá trình. Các hormone sinh dục nữ cùng những hoạt chất cần thiết cho quá trình sinh sản đều đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa chu kỳ “dâu” rụng.
Dấu hiệu nhận biết “mùa dâu” đến là ra máu âm đạo kèm theo các cơn đau thắt bụng dưới và đau lưng, đôi khi còn xuất hiện thêm triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy,… Theo đó, đau lưng trong “mùa dâu” vốn bắt nguồn từ các cơn đau bụng âm ỉ, tập trung nhiều tại vùng thắt lưng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự gia tăng đột ngột của hormone progesterone và prostaglandin trong cơ thể tạo ra các cơn co thắt cơ trơn tử cung để tống “dâu” ra ngoài.

Nguyên nhân gây đau lưng khi đến tháng
Người ta nói rằng 40-50% phụ nữ bị đau lưng dưới trong thời kỳ kinh nguyệt, nhưng tiến sĩ Stacey Misma, giáo sư sản phụ khoa và sinh học sinh sản tại Cao đẳng Khoa học và Nhân văn thuộc Đại học Tiểu bang Michigan, cho biết con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Nếu bạn bị đau lưng dưới mỗi lần có kinh nguyệt, tình trạng này cũng có thể liên quan đến các vấn đề sinh sản (lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung), vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ sản phụ khoa.
Đau bụng kinh chức năng
Theo bác sĩ Misma, đau lưng dưới trong kỳ kinh nguyệt thường xảy ra vào khoảng ngày thứ 1 đến ngày thứ 6 của kỳ kinh. Loại đau lưng dưới này là do đau bụng kinh chức năng (tức là đau bụng và đau vùng chậu kèm theo kinh nguyệt). Hơn 80% phụ nữ sẽ gặp phải các triệu chứng như vậy trong kỳ kinh nguyệt.
Tiến sĩ Lisa Masterson, bác sĩ sản phụ khoa và là người sáng lập Ocean Oasis Day Spa, cho biết chứng đau lưng dưới do đau bụng kinh chức năng thường liên quan đến sự thay đổi cân bằng prostaglandin, một loại hormone khiến niêm mạc tử cung bong ra và tử cung co bóp trong thời kỳ kinh nguyệt. Áp lực của các cơn co thắt tử cung này có thể gây đau vùng chậu và đau lưng dưới. Các trường hợp nhẹ có thể được giảm bớt bằng thuốc giảm đau không kê đơn, nhưng các trường hợp nặng có thể gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày.
Đau bụng kinh thứ phát

Đau bụng kinh thứ phát là tình trạng đau lưng dưới trong thời kỳ kinh nguyệt do rối loạn chức năng sinh sản, phổ biến nhất là lạc nội mạc tử cung. Tiến sĩ Masterson giải thích: “Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mô nội mạc tử cung di chuyển ra ngoài tử cung để tạo thành u nang xung quanh tử cung hoặc trên buồng trứng. Khi mô nội mạc tử cung di chuyển đến xương chậu, nó có thể gây đau vùng chậu và đau lưng dưới”.
Những người bị lạc nội mạc tử cung có thể vẫn cảm thấy đau ngay cả sau khi kỳ kinh nguyệt của họ kết thúc. Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung, trong đó nội mạc tử cung tăng sinh trong cơ tử cung, cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau vùng chậu và đau lưng dưới.
Do các bệnh lý tiềm ẩn
Nhiều người thắc mắc tại sao đến tháng lại đau lưng, đau bụng và các cơn đau này có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hay không? Thực tế, đau lưng và đau bụng là triệu chứng điển hình của “mùa dâu”, nếu cơ thể bạn phải chịu đau suốt chu kỳ, luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải và gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt, bạn cần đến ngay các phòng khám phụ khoa để được hỗ trợ tư vấn và điều trị. Bởi ngoài những thay đổi về sinh lý, các cơn đau này có liên quan đến một số bệnh lý như: u nang buồng trứng, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, dùng dụng cụ tránh thai, hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, viêm phần phụ (vòi tử cung, buồng trứng, hệ thống dây chằng rộng), ngồi sai tư thế,…

Ngoài ra, đau lưng dưới có thể do các tình trạng gây viêm mãn tính hoặc đau quanh vùng chậu, chẳng hạn như nhiễm trùng ống dẫn trứng hoặc áp xe buồng trứng. Tiến sĩ Masterson cho biết thêm rằng tình trạng tích tụ dịch ở vùng chậu và các bệnh nhiễm trùng như bệnh viêm vùng chậu cũng có thể khiến tình trạng đau lưng dưới trong kỳ kinh nguyệt trở nên tồi tệ hơn.
U xơ tử cung, khối u lành tính phát triển trong tử cung, cũng là nguyên nhân phổ biến gây đau lưng dưới và đau bụng. Cuối cùng, phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) thường bị đau bụng kinh nghiêm trọng hơn và nếu máu kinh tích tụ, nó cũng có thể gây đau ở tử cung và lưng.
Do tư thế nằm ngủ
Nằm ngủ không đúng cách cũng là nguyên nhân khiến tình trạng đau lưng, đau bụng tệ hơn trong “mùa dâu”. Nhiều người nhầm lẫn nằm sấp là tư thế nằm giảm đau lưng khi đến tháng. Tuy nhiên, tư thế này lại tiềm ẩn nhiều tác hại không ngờ. Cụ thể, khi nằm sấp, các cơ quan nội tạng, vùng ngực, cùng với cả bàng quang và tử cung đều bị ép xuống làm cản trở quá trình lưu thông máu khiến chứng đau lưng, đau bụng kinh càng thêm dữ dội.
Cách giảm đau lưng khi đến tháng hiệu quả
Đa số chị em sẽ chỉ bị đau thắt lưng vào những ngày đầu chu kỳ, một vài trường hợp khác đau suốt chu kỳ và chỉ chấm dứt khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Các cơn đau kéo dài sẽ khiến bạn khó vào giấc hơn, do đó, tìm tư thế nằm giảm đau lưng khi đến tháng rất quan trọng.
Co người nằm nghiêng
Khi nằm ngủ, bạn hãy thử co người và nghiêng về bên phải. Đây là tư thế nằm giảm đau lưng khi đến tháng hiệu quả nhất vì không gây ra áp lực đối với nội tạng, hơn thế, vùng bụng còn được giữ ấm, giảm các cơn quặn thắt giúp bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Để có sự thư giãn tốt nhất, bạn nên sử dụng thêm một chiếc gối ôm dài có chất liệu lành tính và đàn hồi êm ái để xua tan đau nhức, căng thẳng và nhanh vào giấc.
Ngoài ra, bạn có thể uống một cốc trà gừng ấm trước khi đi ngủ để giữ ấm tử cung và hạn chế các cơn co bóp. Khi nằm nghiêng, bạn cũng có thể kết hợp chườm nóng quanh bụng để xoa dịu cơn đau và dễ ngủ hơn.
Nằm ngửa, dưới đầu gối có đặt miếng đệm mỏng
Nằm ngửa là tư thế nằm giảm đau lưng khi đến tháng tốt nhất vì chân và bụng dưới không bị chèn ép. Khi nằm ngửa và chân kê cao hơn cột sống, trọng lượng cơ thể được cân bằng và không tạo áp lực lên vùng xương chậu.
Bạn có thể chườm nóng lên bụng để giảm đau nhanh hơn. Ngoài ra, khi kê thêm đệm mỏng hoặc gối mỏng dưới đầu gối, tuần hoàn máu trong cơ thể lưu thông tốt hơn, có tác dụng thư giãn tối đa.
Tư thế em bé

Đây là tư thế yoga quen thuộc và cũng là mẹo chữa đau lưng khi hành kinh hữu hiệu. Bạn chỉ cần quỳ gối thấp và ngồi lên hai lòng bàn chân đang mở ra hướng lên trên, kế đến, bạn đưa hai tay vươn về phía trước, giữ thẳng lưng và cúi gập người xuống cho đến khi ngồi hẳn lên hai chân và thít chặt cơ bụng, hít thở sâu và đều.
Tư thế này không giống với nằm sấp gây chèn ép các cơ quan, trái lại còn có tác dụng giảm đau nhanh và mang đến cảm giác thư thái, dễ chịu.
Tắm nước ấm giúp giảm đau lưng hiệu quả
Chỉ cần hòa mình vào làn nước ấm 35 – 40 độ trong ít nhất 15 phút mỗi ngày, bạn sẽ cảm nhận được ngay sự thư giãn của các cơ. Hơn thế, nhiệt độ còn giúp cải thiện lưu thông tuần hoàn máu. Bạn có thể nhỏ thêm vài giọt tinh dầu hoặc pha muối Epsom để giảm đau nhức hiệu quả.
Chườm nóng giúp giảm đau lưng

Nhiệt độ vừa phải từ khăn ấm hay miếng dán nhiệt có tác dụng giãn cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm đau hữu hiệu. Bạn chỉ cần chườm ngay tại vùng lưng bị đau và cảm nhận sự thay đổi tích cực.
Massage lưng
Cách massage giảm đau lưng khi đến tháng là sử dụng kết hợp với tinh dầu có chiết xuất thiên nhiên, có thể kể đến tinh dầu hoa hồng, kinh giới, quế, đinh hương, oải hương,… Mẹo nhỏ khi massage lưng bằng tinh dầu đó là pha với một ít dầu dừa, dầu jojoba,… để tăng hiệu quả.
Chú ý chế độ dinh dưỡng
Để tránh đau lưng khi đến “mùa dâu”, bạn nên tránh các loại thực phẩm quá mặn hoặc quá ngọt, các món nhiều chất béo, đồ đông lạnh, rượu, bia, caffeine,… Thay vào đó, bạn cần bổ sung nhiều rau xanh, cá, sữa chua, trà gừng,… đồng thời bổ sung các loại vitamin và khoáng chất như vitamin B1, B6, B12, E, D,… Uống ít nhất 2l nước/ngày giúp lưu thông máu tốt hơn. Ngoài ra, bạn nên dùng nước ấm thay cho nước lạnh, vì nước lạnh khiến hoạt động điều tiết các cơ vùng thắt lưng và tử cung bị hạn chế, gây ra các cơn đau thắt.
Bấm huyệt hoặc châm cứu
Nhiều nghiên cứu cho thấy châm cứu giúp làm giảm mức độ và rút ngắn thời gian gây đau lưng trong “mùa dâu”. Tuy nhiên, với phương pháp này, bạn cần tìm đến người có chuyên môn cao để thực hiện.
Yoga hoặc Pilates

Thông qua yoga hoặc Pilates giúp giãn cô, gân cốt, có thể làm giảm các cơn đau bụng kinh thông thường và các nghiên cứu cho thấy yoga có thể có hiệu quả tương đương với vật lý trị liệu trong điều trị chứng đau lưng mãn tính.
Chọn sản phẩm vệ sinh phù hợp
Các sản phẩm vệ sinh bạn đang sử dụng có thể liên quan đến chứng đau lưng dưới. Nếu lượng kinh nguyệt của bạn nhiều, bạn có thể sử dụng một chiếc tampon lớn hơn. Tuy nhiên, đối với những người có lượng kinh nguyệt ít, nếu một chiếc tampon lớn hơn nở ra quá nhiều, nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau vùng chậu và đau lưng, rất nguy hiểm. Do đó, bạn nên chọn một chiếc có kích thước phù hợp với mình.
Một số thông tin khác:
- Tập yoga gây đau lưng: 6 nguyên nhân thường gặp có thể bạn đang mắc phải
- 4 mẹo giảm đau lưng dễ thực hiện ngay tại nhà giúp bạn không còn nỗi lo đau nhức
- Rối loạn kinh nguyệt: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phòng ngừa
- Kinh nguyệt không đều cảnh báo 5 căn bệnh nguy hiểm
- COVID-19 và vaccine có ảnh hưởng đến kinh nguyệt của nữ giới không?
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết của mình. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay ý kiến đóng góp nào, hãy để lại bình luận để mình có thể hỗ trợ bạn tốt hơn nhé!