Có những yêu thương lặng thầm nhưng bền bỉ theo năm tháng, có những bóng hình dù đã khuất xa nhưng không cách nào biến mất khỏi tâm trí một người. Ấy là tình thương, là bóng dáng của ngoại trong “Thưa ngoại con mới về”. Quyển sách là lời thủ thỉ dịu dàng về tình ngoại – mộc mạc mà sâu nặng, bình dị mà thiêng liêng. Một quyển sách để những ai đã từng lớn lên trong vòng tay ngoại thấy lòng mình ấm lại, và những ai còn may mắn có ngoại bên cạnh sẽ trân quý hơn từng khoảnh khắc sum vầy.
Thông tin chung về sách Thưa ngoại con mới về

- Loại bìa: Bìa mềm
- Ngôn ngữ: Tiếng Việt
- Tác giả: Lam (Hồ Dương Mộng Tuyền)
- Thể loại: Tản văn
- Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Dân Trí
- Công ty phát hành: Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Skybooks Việt Nam
- Năm xuất bản: 2024
- Kích thước: 12×20 cm
- Giá bìa: 105.000 VND
- Đánh giá trên Shopee: 4.9/5 (270 đánh giá)

Nội dung chính của sách Thưa ngoại con mới về
“Thưa ngoại con mới về” bao gồm hai phần chính. Phần đầu là tản văn tập hợp những câu chuyện nhỏ, những ký ức trong trẻo về ông bà ngoại tần tảo, yêu thương con cháu bằng tất cả sự bao dung và hy sinh thầm lặng. Phần sau là những bài thơ xúc động về ngoại được tác giả gửi gắm tâm tư, tình cảm da diết.
Tuổi thơ của Suối và Mần Ri lớn lên trong vòng tay chở che của ngoại, được ôm ấp bằng thế giới tràn đầy tình yêu. Ở đó có bữa cơm chắt chiu của bà với cá đồng kho mặn, nồi canh chua thanh tao, đĩa thịt kho tàu mềm thơm,… Miền kí ức ấy còn có vô vàn hình ảnh thân thương là chái bếp đơn sơ có dáng ngoại khum khum nhóm lửa, là góc vườn xanh tươi ông trồng đầy cây trái, là buổi trưa len lén trốn nhà rong chơi, là những bữa cơm quây quần dưới trăng nghe ông kể chuyện, nằm cho bà vuốt ve,… Suối và Mần Ri cứ thế được ông bà ngoại dìu dắt đi qua những năm tháng tuổi thơ hạnh phúc nhất cuộc đời.

Bên cạnh ông bà ngoại, tuổi thơ của Mần Ri còn được điểm tô thêm sắc màu khi có sự xuất hiện của An Tít – một nhà thơ nhí với tâm hồn tươi sáng mặc dù tuổi thơ cậu không mấy đủ đầy. Từ đó những vần thơ ngây ngô ra đời vương trên nụ cười của hai đứa nhóc, những ngày cùng nhau chăm sóc chim chích bông, cùng vui cùng buồn, cùng san sẻ cho nhau từng chút quà vặt, bữa cơm,… Kì thực, những đứa trẻ được nuôi dạy bằng tình yêu thương ắt sẽ biết cách cho đi sự thương yêu ấy theo cách chân thành nhất.

Phần cuối của quyển sách là những vần thơ đong đầy tâm tình tha thiết dành cho ông bà. Khi ngoại mất đi, cả bầu trời tuổi thơ như dần trôi theo dấu chân ngoại, ngày càng rời xa Suối và Mần Ri. Khung cảnh thành phố càng nhộn nhịp, tấp nập lại càng khiến lòng tác giả thêm trống trãi, cô đơn, thèm cái bình yên trong vòng tay ngoại, thèm cái sân vườn xanh mát nơi làng quê cũ, thèm nghe mấy câu chuyện cũ ngoại kể dưới ánh trăng,… Để rồi hụt hẫng và đau đớn nhận ra mọi thứ không còn xoay quanh mình như điều hiển nhiên của ngày trước.
Những đứa cháu nhỏ mãi không thể nào quên được ông bà ngoại, tình yêu thương ngày nào được ngoại ươm mầm, vun vén giờ đây đã bung nở, chiếm lấy tâm hồn cháu thơ. Khi không còn ngoại bên cạnh, người ta vẫn chọn cách bày tỏ tình yêu thương ấy, trong những giấc mơ, những vần thơ, nỗi nhớ,… và dù bằng cách nào đi chăng nữa, bằng hình dáng nào đi chăng nữa, nó vẫn là “yêu thương”.

Cảm nhận của độc giả sau khi đọc Thưa ngoại con mới về
Quyển sách gợi lên những ký ức thân thuộc, làm sống dậy hình ảnh ông bà hiền từ, luôn dành trọn tình thương cho con cháu. Từng trang sách như thể đang đưa người đọc quay về những ngày xưa cũ để bắt gặp hình ảnh thơ dại của chính mình, ngày hạnh phúc trong vòng tay ngoại thân yêu. Cứ như thế, tâm hồn lắng đọng lại theo từng câu chữ, bồi hồi và xao xuyến khó tả.


Điều Mình tâm đắc sau khi đọc Thưa ngoại con mới về
“Thưa ngoại con mới về” không chỉ đơn thuần kể lại những kỷ niệm mà còn truyền tải một thông điệp đầy xúc động: tình thương của ông bà ngoại không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc, dạy dỗ, mà còn là nền tảng vững chắc giúp nuôi dưỡng tâm hồn con cháu, để rồi khi trưởng thành, dù có đi xa đến đâu, ta vẫn luôn hướng về gia đình với lòng biết ơn và nỗi nhớ khôn nguôi.

“Thưa ngoại con mới về” đã dắt mình đi qua thật nhiều cung bậc cảm xúc, từ hạnh phúc, nhớ nhung, thấu cảm đến đau đớn và nuối tiếc. Là cảm giác hạnh phúc và biết ơn vô bờ khi bắt gặp hình ảnh ông bà ngoại quá đỗi thân thương. Bà ngoại vẫn thường hay chê cá, chê thịt rồi gắp nhường hết cho con cháu. Ngoại chỉ ăn vài miếng cà, miếng cá đầy xương mà lại nói là ngon. Bà ngoại chẳng bao giờ dậy trễ cả, bằng một cách thần kì nào đó, ngoại đã luôn có mặt trong bếp từ rất sớm. Hay hình ảnh ông ngoại chờ cháu về đến nỗi mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười không hề vụt tắt. Tất cả đều khiến tim mình thắt lại, bản thân như thêm một lần nữa, sống lại trong tuổi thơ ngọt ngào nhất.
Ngoài ra trong chuỗi cảm xúc ấy còn có niềm thấu cảm cho cậu bé nhỏ An Tít. Một cậu bé ngoan và hiểu chuyện, luôn luôn nhớ về ba và mượn thơ để bày tỏ nỗi lòng. Ba mất, em sống cùng bà nội, vậy mà tuổi già cũng dần dần lấy đi trí nhớ của bà, bà đang từ từ quên đi em. Cậu bé vô tư, nhanh nhảu ngày nào cũng vì thế ngày càng trầm buồn, chắc em đau lắm. Nhưng em chưa từng ngừng yêu bà, những ngày bà ốm nằm viện em không đi đâu, chỉ chờ bà về, em sợ mất bà đến phát khóc, ngày bà ra viện, em chăm sóc bà chu đáo. Tất cả đều là dáng hình của yêu thương.
Cách tác giả khéo léo lồng ghép hình ảnh những đứa trẻ lớn lên trong vòng tay ông bà, không chỉ nhận được sự yêu thương mà còn học được cách lan tỏa nó là một điểm sáng trong sách. Suối và Mần Ri không chỉ là những đứa trẻ vô tư tận hưởng tình yêu thương của ngoại, mà còn biết san sẻ, biết yêu thương người khác một cách chân thành, như cách mà ông bà đã yêu thương các em. Cả hai thương Tít, thương cả bà nội của Tít, thương chim chích bông nhỏ, thương cái cây khô héo,… Đó là cách mà ông bà ngoại dạy các em khôn lớn.
Nếu như phần đầu cuốn sách là những ký ức trong trẻo, đầy ắp yêu thương, thì phần sau lại thấm đẫm nỗi trống trải khi tuổi thơ dần rời xa theo bước chân ngoại. Cảm giác thật đau đớn khi nhận ra rằng những điều đẹp đẽ – vòng tay ngoại, sân vườn rợp bóng mát, những câu chuyện dưới ánh trăng – giờ đây chỉ còn là hoài niệm, đã chạm đến sâu thẳm cảm xúc của mình. Miền kí ức tuyệt vời nhất bao giờ cũng là miền kí ức có bóng hình của ông bà ngoại. Dẫu vậy, khi không còn ông bà bên cạnh, con người ta vẫn sẽ luôn tìm cách nuôi dưỡng miền kí ức đó, để một khắc nào đó khi ta mỏi mệt trên con đường trưởng thành lắm chông gai, vẫn sẽ có một vùng đất ấm áp ôm lấy tâm hồn mình.
Mua sách Thưa ngoại con mới về ở đâu? Giá bao nhiêu?
Một số tựa sách khác có thể bạn muốn đọc thử:
Mình hy vọng các bạn sẽ chia sẻ suy nghĩ của mình về bài viết này ở phần bình luận.