Một số người đã từng gặp tình trạng một buổi sáng thức dậy bỗng nhiên phát hiện trong mắt mình có những vệt màu đỏ! Thực tế hiện tượng mắt bị xuất huyết này không hiếm gặp và có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Vậy nguyên nhân nào làm mắt bị xuất huyết, có nguy hiểm cho sức khỏe về lâu dài hay không, và cách xử trí như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Xuất huyết dưới kết mạc là gì?

Vết máu ở mắt là do mạch máu nhỏ bị vỡ (Ảnh: Internet).
Vết máu ở mắt là do mạch máu nhỏ bị vỡ (Ảnh: Internet).

Hiện tượng có máu trong mắt thường xảy ra ở người trẻ tuổi chơi thể thao vận động mạnh và những người lớn tuổi mắc các bệnh ảnh hưởng tới mạch máu. Đây được gọi là xuất huyết dưới kết mạc, tức là vỡ các mạch máu nhỏ ở mắt, chủ yếu do chấn thương hoặc áp lực gây ra. Mặc dù nhìn đáng sợ nhưng xuất huyết dưới kết mạc nếu không tái phát và không kéo dài thì thường vô hại.

Nguyên nhân của tình trạng này cũng giống như vết bầm tím ở da, có thể xảy ra sau chấn thương nhẹ, thậm chí bản thân không nhận ra như dụi mắt lâu và mạnh tay. Các thuốc chống đông máu và một số tình trạng bệnh lý cũng có thể khiến mạch máu nhỏ trong mắt bị tổn thương và chảy máu.

Kết mạc là lớp mỏng bao phủ trên bề mặt nhãn cầu (Ảnh: Internet).
Kết mạc là lớp mỏng bao phủ trên bề mặt nhãn cầu (Ảnh: Internet).

Các mạch máu rất nhỏ có chức năng nuôi dưỡng kết mạc, đó là một lớp trong suốt lót mặt trong mí mắt và bao phủ trên bề mặt nhãn cầu. Khi những mạch máu này bị vỡ sẽ làm máu chảy vào khoảng giữa kết mạc và nhãn cầu, chúng ta sẽ nhìn thấy vết máu dạng phẳng, loang không đều và có màu đỏ tươi.

Giống như vết bầm tím trên da, vết xuất huyết này thường mờ dần sau vài ngày hoặc vài tuần, chuyển từ màu đỏ sang màu tím, sau đó là màu xanh lục và cuối cùng là màu vàng do sự phân hủy sắc tố trong máu.

Những đối tượng nào dễ bị xuất huyết dưới kết mạc?

Những người trên 50 tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tăng lipid máu (mỡ máu cao) hoặc các bệnh khác ảnh hưởng tới mạch máu có nguy cơ bị xuất huyết tự phát cao hơn. Còn xuất huyết do vận động mạnh thường xảy ra ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là khi chơi thể thao.

Người lớn tuổi có bệnh nền thường dễ bị xuất huyết dưới kết mạc (Ảnh: Internet).
Người lớn tuổi có bệnh nền thường dễ bị xuất huyết dưới kết mạc (Ảnh: Internet).

Phụ nữ cũng có thể bị xuất huyết ở mắt trong quá trình sinh nở, đồng thời một số trẻ sơ sinh cũng gặp tình trạng này do sự thay đổi áp lực tác động lên cơ thể của trẻ trong lúc sinh.

Nguyên nhân nào gây vỡ mạch máu ở mắt?

Gần một nửa số trường hợp xuất huyết dưới kết mạc tự phát là vô căn, tức là không xác định được nguyên nhân. Những tình huống gây áp lực trong cuộc sống hàng ngày, những vận động gắng sức thoáng qua, va đập nhẹ, hoặc bệnh tiềm ẩn trong người có thể là những nguyên nhân gây xuất huyết khó nhận biết.

Một số bệnh toàn thân làm mạch máu bị suy yếu và dễ bị tổn thương khi chịu tác động trong sinh hoạt hàng ngày, ví dụ như rối loạn đông máu, huyết áp cao, tiểu đường, tăng cholesterol và các vấn đề về tim mạch.

Một số bệnh toàn thân làm cho mạch máu dễ bị tổn thương (Ảnh: Internet).
Một số bệnh toàn thân làm cho mạch máu dễ bị tổn thương (Ảnh: Internet).

Ngoài ra những nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết dưới kết mạc là:

Áp lực do vận động mạnh

Gắng sức quá mạnh như khi tập thể dục cường độ cao hay kéo, đẩy, nâng vật nặng trong sinh hoạt hằng ngày có thể làm tăng áp lực làm tổn thương các mạch máu.

Gắng sức quá mạnh làm tăng áp lực trong mạch máu (Ảnh: Internet).
Gắng sức quá mạnh làm tăng áp lực trong mạch máu (Ảnh: Internet).

Những người tập tạ hoặc người bị táo bón thường dễ bị xuất huyết. Những tình huống như rặn quá mạnh, ho mạnh, hắt hơi, nôn, cười, khóc – tất cả đều có thể làm tăng áp lực bên trong mạch máu.

Nghiến răng và nín thở

Cả hai hành động này đều có thể dẫn đến xuất huyết dưới kết mạc do làm tăng áp lực trong mạch máu.

Chấn thương

Thể thao là nguyên nhân hàng đầu gây ra các chấn thương đe dọa đến mắt, trong đó các môn như bóng rổ, thể thao dưới nước, bóng chày có nguy cơ cao nhất, theo Viện Bác sĩ Gia đình Mỹ.

Một số hoạt động giải trí hoặc thể thao cường độ cao khác cũng có nguy cơ gây hại cho mắt như nhảy bungee, trượt zipline và đi tàu lượn siêu tốc. Chúng tạo ra sự thay đổi áp suất không khí đột ngột, căng cơ cực độ và các chuyển động nhanh, mạnh có thể làm vỡ mạch máu ở mắt.

Kính áp tròng

Phải cẩn thận khi dùng kính áp tròng để không làm tổn thương mắt (Ảnh: Internet).
Phải cẩn thận khi dùng kính áp tròng để không làm tổn thương mắt (Ảnh: Internet).

Việc tháo lắp kính áp tròng không đúng cách hoặc vật liệu làm kính không tốt có thể làm tổn thương bề mặt của mắt. Đối với loại kính áp tròng dùng một lần, nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây nhiễm trùng, cảm giác khó chịu và dụi mắt có thể dẫn đến xuất huyết dưới kết mạc. Các bác sĩ khuyên rằng nên đeo kính có gọng bình thường trong thời gian đợi vết xuất huyết lành lại, tạm ngừng sử dụng kính áp tròng để không làm tổn thương thêm.

Các bệnh toàn thân

Huyết áp cao ảnh hưởng lớn đến các mạch máu ở mắt nhưng hiếm khi gây xuất huyết nếu không có các vấn đề khác kèm theo. Tuy nhiên bệnh tăng huyết áp vẫn được coi là một yếu tố làm tăng nguy cơ xuất huyết dưới kết mạc, ngay cả khi huyết áp đã được kiểm soát tốt bằng thuốc. Thực tế, một số bác sĩ coi xuất huyết dưới kết mạc thường xuyên hoặc tái phát là một dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tăng huyết áp.

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ của xuất huyết (Ảnh: Internet).
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ của xuất huyết (Ảnh: Internet).

Bệnh tiểu đường và tăng lipid máu có thể làm suy yếu các mạch máu theo thời gian, làm tăng khả năng bị vỡ tự phát. Bệnh ưa chảy máu và Von Willebrand là những rối loạn đông máu di truyền phổ biến cũng làm tăng đáng kể nguy cơ xuất huyết.

Một số nghiên cứu phát hiện rằng một số người nhập viện chăm sóc đặc biệt do COVID-19 có nguy cơ bị xuất huyết dưới kết mạc cao hơn, nhưng không xác định rõ xuất huyết do thuốc chống đông máu, ho mạnh, nôn ói do phản ứng với thuốc hay nguyên nhân khác.

Các loại thuốc

Bất kỳ loại thuốc nào ảnh hưởng quá trình đông máu đều có thể gây xuất huyết. Loại thuốc chống đông máu hay còn gọi là thuốc “làm loãng máu” phổ biến nhất là heparin và warfarin, trong đó warfarin đã được xác định là nguyên nhân gây xuất huyết dưới kết mạc.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin và ibuprofen, cũng như các thuốc ức chế P2Y12 (như clopidogrel) đều ảnh hưởng tới quá trình đông máu và làm tăng nguy cơ xuất huyết.

Các thuốc không cần kê đơn như aspirin cũng có tác dụng phụ (Ảnh: Internet).
Các thuốc không cần kê đơn như aspirin cũng có tác dụng phụ (Ảnh: Internet).

Phẫu thuật mắt

Bất kỳ phẫu thuật nào ở mắt cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết dưới kết mạc, đặc biệt là ở những người đang dùng thuốc chống đông máu. Phẫu thuật đục thủy tinh thể, thủ thuật chữa tật khúc xạ mắt và gây tê cục bộ mắt có thể dẫn đến xuất huyết.

Những nguyên nhân khác

Đa số các trường hợp xuất huyết ở mắt là không rõ nguyên nhân, có thể là do tay vô tình va chạm vào mắt trong lúc ngủ. Đó có thể là lý do nhiều trường hợp phát hiện xuất huyết khi mới ngủ dậy.

Xuất huyết dưới kết mạc được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Sau khi thăm khám cẩn thận, bác sĩ nhãn khoa có thể xác định vết máu là do máu chảy ra dưới kết mạc hay chỉ là các mạch máu giãn to do các bệnh lý khác.

Điều trị xuất huyết dưới kết mạc thường đơn giản, đôi khi chỉ cần theo dõi mà không tác động gì. Trong thời gian ngắn từ vài ngày đến khoảng 2 tuần, máu sẽ được cơ thể hấp thụ trở lại và không có hậu quả lâu dài.

Xuất huyết thường tự lành mà không cần điều trị mạnh tay (Ảnh: Internet).
Xuất huyết thường tự lành mà không cần điều trị mạnh tay (Ảnh: Internet).

Một số người có thể chườm lạnh và dùng thuốc nhỏ mắt để cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng dù có điều trị hay không thì xuất huyết dưới kết mạc thường sẽ tự biến mất hoàn toàn.

Những phương pháp “điều trị” sai lầm khi bị xuất huyết dưới kết mạc

Các bác sĩ khuyên rằng không nên dùng những loại thuốc “chữa đỏ mắt” không cần kê đơn được bán tự do trên thị trường. Đó là những loại thuốc làm co mạch máu trong mắt nên giảm bớt đỏ mắt, nhưng khi ngưng dùng thuốc có thể gây hiệu ứng dội lại khiến mắt đỏ hơn nhiều. Và quan trọng là những loại thuốc này không có tác dụng đối với xuất huyết.

Nếu bạn đã từng bị xuất huyết ở mắt thì nên cẩn thận khi dùng thuốc giảm đau, vì các loại thuốc như aspirin và NSAID như ibuprofen có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn dùng các chất bổ sung như dầu cá, gừng và nghệ, vì chúng có chứa những chất làm loãng máu.

Nếu bạn thích chơi những môn thể thao hoặc giải trí vận động mạnh hoặc làm công việc dễ bị va chạm như khoan cắt, sửa xe hoặc hàn thì hãy đeo kính bảo hộ.

Đeo kính bảo hộ khi vận động thể thao (Ảnh: Internet).
Đeo kính bảo hộ khi vận động thể thao (Ảnh: Internet).

Tổng kết

Xuất huyết dưới kết mạc nếu xảy ra một lần thì thường không nghiêm trọng, nhưng nếu tái diễn thường xuyên hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường thì nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám. Đa số các trường hợp xuất huyết dưới kết mạc thường là vô hại và tự hết, chỉ nên dùng thuốc khi có hướng dẫn của bác sĩ.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

7 triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em và những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị bệnh

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Dengue, lây từ người này qua người khác do trung gian là muỗi vằn. Hiện nay tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, đặc biệt là ở khu vực các tỉnh phía Nam. Dưới đây là một số triệu chứng sốt xuất huyết ở ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận