Trong thời đại công nghệ số hoá như hiện nay, quảng cáo tiếp thị cũng thay đổi không ngừng với nhiều hình thức, cách thức khác khau từ trực tiếp đến trực tuyến. Trong đó, một phương pháp được rất nhiều nhãn hàng và công ty áp dụng hiện nay là thông qua các KOL để quảng bá, giới thiệu, mang sản phẩm/dịch vụ đến gần với công chúng, khách hàng hơn. Vậy KOL là gì? Cùng tìm hiểu nhé!
KOL là gì?
KOL là một thuật ngữ trong Marketing, viết tắt những chữ cái đầu từ từ tiếng Anh “Key Opinion Leader” (tạm dịch “người dẫn dắt dư luận chủ chốt”, người có ảnh hưởng đến dư luận). KOL có thể là một cá nhân, một tập thể, một tổ chức dẫn đầu trong một lĩnh vực cụ thể, được nhiều người biết đến, quan điểm/ý kiến của họ có ảnh hưởng lớn đến số đông công chúng.
Trên các phương tiện truyền thông, KOL rất được coi trọng bởi những thông điệp, ý tưởng mà thương hiệu muốn truyền tải, gửi gắm sẽ được KOL chia sẻ một cách chân thực, kết nối trực tiếp với công chúng, trở thành chủ đề được quan tâm, chiến dịch quảng cáo trở nên hấp dẫn, thu hút hơn, từ đó ảnh hưởng đến quyết định mua hàng, sử dụng sản phẩm/dịch vụ của đa số đối tượng khách hàng
Các dạng KOL
KOL có thể là người nổi tiếng như các diễn viên, ca sĩ,…hay người có uy tín, kiến thức chuyên môn như các chuyên gia, người thành công trong một lĩnh vực nào đó, thông thường được chia thành 3 dạng:
- Celeb (Celebrity – Người nổi tiếng): Như tên gọi đã nói lên tất cả, đây là nhóm những người nổi tiếng trong các lĩnh vực như giải trí, nghệ thuật, thể thao…như ngôi sao bóng đá, diễn viên, ca sĩ, người mẫu, hoa hậu…Họ có lượng fan khá hùng hậu, được yêu thích, độ nhận biết cao trong xã hội. Nhóm này thường được chọn là đại sứ thương hiệu, đại diện cho một nhãn hàng nào đó bởi uy tín, mức độ nhận biết, sức ảnh hưởng đến đông đảo công chúng. Lướt một vòng trên các mặt báo, biển quảng cáo, mạng xã hội, bạn rất dễ dàng bắt gặp những người nổi tiếng trở thành đại sứ thương hiệu của một nhãn hàng nào đó.
- Influencer (người có sức ảnh hưởng): Đây là nhóm các KOL có sức ảnh hưởng lớn trên social media (mạng xã hội), có lượng theo dõi lớn. Influencer sẽ rộng hơn so với Celeb, họ có thể đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khách nhau. Không cần là người nổi tiếng, bất kỳ ai sử dụng mạng xã hội đều có thể trở thành influencer nếu quan điểm, chia sẻ của họ có ảnh hưởng lớn đến số lượng lớn đối tượng yêu thích lĩnh vực mà họ đang hoạt động. Influencer có thể là doanh nhân, bác sĩ, blogger, youtuber, tiktoker,…
- Mass seeder (người gieo hạt – người uy tín trong nhóm nhỏ): Khác với 2 nhóm trên, mass seeder không có tầm ảnh hưởng rộng, chỉ là một nhóm nhỏ. Nhưng dựa vào sự tín nhiệm của những người xung quanh dành cho họ, những quan điểm, chia sẻ của họ (có thể chỉ là chia sẻ lại từ những người nổi tiếng, influencer) lại rất đáng tin, đến gần với nhóm khách hàng mục tiêu nhất.
Điều này xuất phát từ văn hoá “truyền miệng” của người Việt, không tin vào những quảng cáo trên mạng, báo chí nhưng rất dễ tin thông tin, những đánh giá khách quan, chân thực từ những người quen thuộc, gần gũi, bình dị. Nhóm mass seeder này thường là các bà nội trợ, mẹ, reviewer (người đánh giá sản phẩm),…
Vai trò của KOL trong Marketing
KOL có vai trò rất quan trọng trong hoạt động Marketing của nhãn hàng, thương hiệu hay công ty. Quan điểm, mức độ phủ sóng và nhận biết, lượng người hâm mộ/người theo dõi của KOL sẽ được tận dụng để khuếch trương hình ảnh của thương hiệu sản phẩm, dịch vụ đến ngày càng nhiều khách hàng, tiếp cận vào đúng đối tượng mục tiêu tiềm năng nhanh nhất.
Sử dụng KOL cũng là một cách thức giúp tăng độ tin cậy của sản phẩm. Các KOL trong một lĩnh vực nào đó thường có kiến thức chuyên môn tốt, am hiểu về lĩnh vực đó như các chuyên gia, bác sĩ,…thì những ý kiến, chia sẻ của họ liên quan tới lĩnh vực đó sẽ được công chúng tin tưởng, đánh giá cao, từ đó tin dùng sản phẩm/dịch vụ mà họ đề cập, giới thiệu.
Thông qua lượng lớn người hâm mộ, lượng người theo dõi của các KOL, các thương hiệu/công ty có cơ hội tiếp cận dễ dàng với nhóm khách hàng mục tiêu nếu lựa chọn KOL phù hợp, từ đó thúc đẩy hành vi mua hàng của khách hàng. Bởi ông bà ta đã từng nói “yêu ai yêu cả đường đi lối về”, đánh vào tâm lý đó của số đông công chúng, các nhãn hàng sẽ thông qua chia sẻ, quan điểm của KOL để giới thiệu một sản phẩm/dịch vụ nào đó, chắc chắn nhiều người hâm mộ/ người theo dõi (“follower”) cũng tin tưởng và muốn sử dụng sản phẩm/dịch vụ đó.
Gắn từ khoá sản phẩm, website với các nội dung liên quan đến các KOL như người nổi tiếng… sẽ giúp cải thiện thứ hạng từ khoá liên quan trên sản phẩm/dịch vụ trên Google Search. Chính vì vậy, trong chiến dịch quảng cáo nếu có sử dụng KOL, tất cả mọi thông tin, bài viết, bài đăng (post), tweet…liên quan đến KOL hoặc KOL tự đăng đều phải chứa từ khoá, link website sản phẩm/dịch vụ, từ đó tăng lượng traffic của website, tần suất từ khoá cao, hỗ trợ cho hoạt động SEO (viết tắt của Search Engine Optimization – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm)
Cách lựa chọn KOL
Bởi vì vai trò quan trọng của KOL nên việc lựa chọn KOL có ảnh hưởng nhất định đến sự thành công của một chiến dịch quảng cáo, trong hoạt động Marketing của bất cứ thương hiệu, nhãn hàng nào, dưới đây là 3 ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn KOL:
1. Mức độ phù hợp của KOL đến sản phẩm/dịch vụ quảng cáo, giới thiệu
Đây là yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn KOL trong quảng bá sản phẩm dịch vụ. KOL được chọn phải phù hợp với “tích cách” của nhãn hàng, ví dụ như một nhãn hàng năng động trẻ trung không thể chọn một KOL lớn tuổi, trầm tính. Thêm nữa, đối tượng theo dõi hay yêu thích KOL phải nằm trong nhóm khách hàng mục tiêu của nhãn hàng, từ đó mới có thể tạo được nhóm khách hàng tiềm năng chấp nhận mua và sử dụng sản phẩm. Nếu như nhóm khách hàng mà sản phẩm hướng tới là người lớn tuổi, trung niên thì tuyệt đối không nên chọn một KOL còn quá trẻ với lượng người theo dõi hâm mộ trong khoảng từ 20-30 tuổi.
2. Phạm vi phủ sóng của KOL
Để chiến dịch quảng cáo sử dụng KOL đạt hiệu quả, lan truyền rộng trong xã hội, công ty hay nhãn hàng cần nghiên cứu kỹ mức độ phủ sóng KOL, tầm ảnh hưởng của KOL tới mức nào. KOL có phạm vi phủ song càng rộng, tầm ảnh hưởng càng lớn càng ảnh hưởng tốt đến việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đối với các KOL nổi danh trên mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ, xác thực về số lượng người theo dõi (“follower”) có phải là thật hay tài khoản ảo, tương tác thực để đảm bảo hiệu quả.
3. Hình tượng, độ yêu mến và tin cậy của KOL
Chi phí KOL tham gia vào việc giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ là không hề rẻ, chính vì vậy cần lựa chọn KOL có hình ảnh tốt, được yêu mến và đáng tin cậy, để không ảnh hưởng tiêu cực đến sản phẩm. Những KOL có phong cách sống tốt, đời tư sạch sẽ không scandal sẽ được ưu tiên lựa chọn. Bởi chỉ cần KOL có tin đồn không tốt, gặp khủng hoảng khiến công chúng chán ghét, phản đối thì các nhãn hàng, thương hiệu họ đại diện cũng sẽ bị ảnh hưởng, tẩy chay toàn bộ.
Cách để trở thành một KOL
KOL trong Marketing đang là một xu hướng và đây cũng là một nghề kiếm ra tiền mà nhiều bạn trẻ đang hướng tới. Vậy là thế nào để trở thành một KOL?
- Hiểu rõ điểm mạnh của bản thân và phát huy nó: Đầu tiên, để trở thành một KOL bạn phải có chuyên môn ở một lĩnh vực nào đó, chuyên môn thật tốt, được nhiều người quan tâm, yêu mến. Bạn phải nắm được điểm mạnh của mình trong lĩnh vực nào và đầu tư phát triển nó. Chẳng hạn bạn là người yêu thích nấu ăn, khẩu vị của bạn rất tốt, có khiếu ẩm thực thì bạn có thể đầu tư học thêm về nấu ăn, xây dựng các video nấu ăn, hướng dẫn nấu nướng tới mọi người.
- Xác định đối tượng mục tiêu: từ việc hiểu rõ bản thân, tiếp theo bạn cần xác định đối tượng mục tiêu mà bạn đang hướng tới, khoanh vùng nó để có hướng tiếp cận đúng. Ví dụ như cũng ở lĩnh vực ẩm thực như trên, nếu muốn hướng tới đối tượng các bà nội trợ, phụ nữ gia đình thì bạn không nên lựa chọn các món quá cầu kỳ, phức tạp với nguyên liệu quá đắt tiền.
- Đầu tư phát triển hình ảnh và xây dựng mạng lưới: bạn cần đầu tư để quảng bá hình ảnh bản thân như chạy quảng cáo, dựng video, xây dựng blog… đôi khi cả website, song song với việc đầu tư phát triển chuyên môn. Tiếp đến, mở rộng các mối quan hệ để phát triển đối tượng mục tiêu, tăng lượng theo dõi cũng như tìm kiếm cơ hội quảng bá từ các nhãn hàng.
Những thay đổi của KOL trong thời kỳ mới
Thời gian gần đây, KOL ngày càng biến đổi không ngừng cho phù hợp với xu thế của thời đại mới, trong đó phải kể đến 2 hình thức: KOC và Affiliate KOL
KOC
KOC là viết tắt các chữ cái đầu của từ Key Opinion Customer (“người tiêu dùng có ý kiến chủ chốt), ở đây có thể hiểu là người tiêu dùng có sức ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người khác. KOC được xem như là một phiên bản khác của KOL nhưng khác nhau về tính chất. KOC thường là người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm, có số lượng người theo dõi có thể không nhiều bằng KOL nhưng mức độ tin tưởng của KOC thường chiếm tỷ lệ cao hơn. Họ thường sẽ trải nghiệm, dùng thử sản phẩm rồi đưa ra ý kiến, đánh giá khách quan, hữu ích đến đông đảo công chúng nên được tin tưởng, ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng.
Affiliate KOL
Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết) đã không còn quá xa lạ trong thời gian gần đây. Với Affiliate Marketing, bất kỳ ai cũng có thể kiếm thêm hoa hồng từ việc tiếp thị bằng việc chia sẻ, quảng bá những link sản phẩm/dịch vụ của công ty, thương hiệu nào đó. Chỉ cần có người đăng kí dịch vụ, hoặc mua sản phẩm đó thông qua đường link được chia sẻ là bạn đã có thể nhận được hoa hồng theo mức đã thoả thuận với nhà cung cấp.
Mới đây, xu hướng liên kết giữa các KOL và Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết) đang rất phát triển, đặc biệt là trong mảng thương mại điện tử. Hình thức này không chỉ giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, hình ảnh đến đông đảo công chúng mà còn thông qua kênh cá nhân của các KOL giới thiệu bán sản phẩm, gia tăng doanh thu một cách rõ ràng. Hình thức này cũng mang lợi cho các KOL khi vừa nhận được cát xê quảng cáo, vừa nhận được hoa hồng từ hình thức Affiliate thông qua link bán sản phẩm được đăng lên.
Hi vọng những thông tin trên đây thực sự hiểu ích, giúp bạn hiểu hơn KOL là gì và những thông tin liên quan đến KOL!