Hàng ngàn công nhân của “gã khổng lồ thương mại điện tử” Amazon từ Mỹ, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha và Đức đang liên tục phản đối và tổ chức đình công Amazon Prime Day, dịp lễ giảm giá “khủng nhất năm” của Amazon.
Sponsor
Sự giận dữ của các công nhân vì thời gian giao hàng bị rút xuống còn một nửa
Theo Business Insider, những công nhân của Amazon ở 5 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha và Đức đang chuẩn bị tổ chức phản đối về điều kiện làm việc trong ngày lễ giảm giá lớn nhất năm của Amazon, Prime Day. Ngoài ra, những người biểu tình cũng kêu gọi tăng lương và cải thiện môi trường làm việc.
Vào tuần trước, những công nhân tại một nhà kho ở Minnesota cho biết họ sẽ đình công trong 6 tiếng kể từ lúc bắt đầu ngày lễ mua sắm tấp nập nhất trong năm Prime Day vào ngày 15/7. Hành động này sau đó đã lan ra khắp Châu Âu và thu hút hàng công nhân khác tham gia.
Amazon Prime Day là một sự kiện do chính Amazon tổ chức với mục đích kích cầu mua sắm vào thời điểm sức mua trong năm đang bị suy giảm. Những khách hàng muốn tham gia sự kiện phải đăng ký thành viên với mức phí 99 USD một năm. Điều gây phẫn nộ ở đây chính là việc Amazon đã quá tham vọng khi Prime Day 2019 sẽ kéo dài trong liên tiếp 48h và là sự kiện dài nhất từ trước đến nay.
“Bằng việc kéo dài gấp đôi thời gian tổ chức Prime Day và giảm một nửa thời gian giao hàng, dường như Amazon đang thử thách sức chịu đựng của hàng nghìn công nhân. Thật điên rồ khi Amazon đặt ra một khối lượng công việc như vậy và họ cần phải thuê thêm công nhân”, Stuart Appelbaum, Chủ tịch Liên đoàn Bán lẻ và Bách hóa Mỹ cho biết.
Tại Đức, những công nhân sẽ đình công trong ít nhất 2 ngày tại 7 nhà kho khác nhau trên cả nước. Orhan Akman, thư ký liên bang cho công đoàn Đức ver.di, cho biết các công nhân hiện đang “thiếu một mức lương đủ sống”.
Những cuộc biểu tình trên khắp Châu Âu
Theo UNI Global Union, một hiệp hội quốc tế đại diện cho 20 triệu công nhân toàn cầu, chỉ trong buổi sáng thứ Hai 15/7, 2.000 công nhân tại Đức đã tiến hành đình công và số lượng người tham gia đang có chiều hướng ngày càng tăng.
Những công nhân ở Anh, Tây Ban Nha và Ba Lan cũng đang chuẩn bị kế hoạch để đình công. Các công nhân tại nhà kho San Fernando de Henares ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha dự kiến sẽ biểu tình trong 2 ngày. Cũng chính tại nhà kho này vào ngày Black Friday năm 2018, tờ El Confidencial cho biết Amazon đã tác động phía cảnh sát tiến vào nhà kho để buộc các công nhân ở lại làm việc để duy trì năng suất.
Trong khi đó, ở nước Anh, các công nhân đã bắt đầu đình công vào ngày 15/7 và kết thúc bằng màn biểu tình với quy mô lớn tại một nhà kho ở thị trấn Rugeley vào ngày 19/7. Các công nhân ở Tây Ban Nha cũng dự kiến sẽ tham gia cuộc biểu tình này.
Không phải ngẫu nhiên mà Rugeley được chọn làm nơi để tổ chức biểu tình. Vào năm 2016, nhà báo James Bloodworth đã thực hiện một phóng sự bí mật bằng cách làm “nội gián” tại Amazon để cho cả thế giới biết đến điều kiện làm việc tồi tệ tại đây.
Bloodworth đã gọi điều kiện làm việc ở đây thật sự là một “nhà tù”. Anh còn cho biết đã từng tìm thấy một chai nhựa đựng nước tiểu trên kệ hàng. Công nhân buộc phải làm như vậy vì sợ rằng đi vệ sinh sẽ quá mất thời gian và họ sẽ không đủ thì giờ để hoàn thành chỉ tiêu khắc nghiệt mà mình được giao.
Amazon đã có những phát ngôn về cuộc đình công này. Trao đổi với Business Insider, đại diện của Amazon cho biết: “Những sự kiện như Prime Day đang bắt đầu bị lợi dụng để các thành phần cực đoan tạo nên sự rối loạn như vậy. Amazon luôn cung cấp mức lương, lợi ích cùng nơi làm việc an toàn cho công nhân”, người này chia sẻ.