Thế hệ Gen Z ngày nay, với những đặc trưng năng động và sự dám xông pha, đang dần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần và việc chữa lành cảm xúc. Tuy nhiên, cụm từ “chữa lành” dần bị những thế hệ khác cho rằng lạm dụng quá nhiều và với Gen Z thì lại có thiên hướng rằng chưa bao giờ là đủ cho việc chữa lành những cảm xúc. Vậy câu hỏi đặt ra là giới hạn của sự chữa lành thực sự nằm ở đâu?

Định nghĩa về chữa lành

Đối với mỗi cá nhân sẽ có định nghĩa khác nhau về sự chữa lành nhưng chung quy lại cái gốc của sự chữa lành thực sự chính là hành trình đi tìm hạnh phúc, sự bình yên cho tâm hồn sau những tổn thương về mặt tâm lý.

Vì đâu mà con người thời nay cần phải chữa lành

Đặt ra một câu trả hỏi rằng vì sao nhu cầu được chữa lành của con người trong xã hội ngày nay tăng cao đến như vậy? Sự xuất hiện của hàng loạt những áp lực và nhu cầu cởi mở về mặt cảm xúc đã đưa con người đến một nhận thức mới. Những nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như áp lực cuộc sống, công việc, các bệnh tâm lý hay gánh nặng xã hội.

Trong thời đại hiện nay, khi căn bệnh trầm cảm ngày càng trở nên phổ biến thì tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý được quan tâm hơn bao giờ hết. Theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó 2,45% là rối loạn trầm cảm. Trong năm 2015, tỷ lệ tự sát là 5,87 trên 100.000 dân.

Nguồn: ảnh từ Internet
Các bệnh về tâm lý ngày càng gia tăng trong xã hội hiện nay. Nguồn: ảnh từ Internet

Bên cạnh đó, chính áp lực từ những khuôn khổ xã hội như phải thành công trước tuổi 30, phải kết hôn để có thể an cư lạc nghiệp…. cho đến gánh nặng kinh tế như thuế tăng hay giá nhà đất tăng chóng mặt cùng với sự suy thoái của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Những áp lực trên đã dần bào mòn đi sức khỏe tâm lý của rất nhiều người trẻ.

Những biện pháp chữa lành phổ biến

Chính vì ngày càng có nhiều áp lực cuộc sống như vậy, con người thời nay đã phát triển thêm một nhu cầu mới về mặt cảm xúc. Họ lựa chọn các phương pháp chữa lành khác nhau để giải tỏa căng thẳng. Ngày nay, tuy có nhiều phương pháp chữa lành với những lợi ích khác nhau, chung quy lại có những phương pháp phổ biến như:

Vận động cơ thể

Tập thể dục giúp cơ thể loại bỏ độc tố, thanh lọc cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện sức khỏe tổng thể. Một số bộ môn khác như ngồi thiền, yoga giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng, tăng cường sự tập trung, cải thiện giấc ngủ và nâng cao nhận thức.

Các bài tập thể dục giúp đào thỉa độc tố qua tuyến mồ hôi, giúp con người có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sản khoái hơn. Nguồn: ảnh từ Internet.
Các bài tập thể dục giúp đào thỉa độc tố qua tuyến mồ hôi, giúp con người có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sản khoái hơn. Nguồn: Internet.

Nương nhờ sự chở che từ các tôn giáo

“Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Đây là câu nói của Karl Marx, ông cho rằng tôn giáo có thể được sử dụng như một công cụ để kiểm soát và thao túng con người. Chính vì vậy, những lời nói của tôn giáo cực kỳ có giá trị trong việc tác động đến cảm xúc cũng như nhận thức của con người. Đối với một số người, niềm tin vào tôn giáo có thể mang lại sức mạnh tinh thần và giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Các tôn giao luôn là chổ dựa tinh thần vững chắc cho con người trong những giây phút tối tăm nhất của cuộc đời. Nguồn: ảnh từ Internet.
Các tôn giao luôn là chổ dựa tinh thần vững chắc cho con người trong những giây phút tối tăm nhất của cuộc đời. Nguồn: ảnh từ Internet.

Những hoạt động vui chơi khác

Tùy vào tính cách mỗi người thường chọn những hoạt động vui chơi mang tính chất khác nhau. Một số người sẽ chọn cắm trại, hòa mình cùng thiên nhiên. Từ đó, giúp con người kết nối với thiên nhiên, thư giãn tinh thần và cải thiện sức khỏe tổng thể. Bên cạnh đó, đi du lịch giúp con người khám phá những địa điểm mới, học hỏi những điều mới mẻ và giải tỏa căng thẳng. Hay niềm vui gắn kết cùng bạn bè giúp con người chia sẻ hạnh phúc, nỗi buồn, và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp. Một số người sẽ chọn kết hợp cả hai hoạt động như cắm trại cùng bạn bè, số khác lại chọn những nơi vui chơi sôi nổi như hộp đêm, club sau một ngày làm việc mệt mỏi.

"Du lịch chữa lành" hiện đang là hoạt động yêu thích của giới trẻ hiện nay. Nguồn: ảnh từ Internet.
“Du lịch chữa lành” hiện đang là hoạt động yêu thích của giới trẻ hiện nay. Nguồn: Internet.

Sự hiệu quả của những phương pháp chữa lành

Với những phương pháp trên, sẽ không có một thang đo cố định thế nên mức độ hiệu quả sẽ tùy thuộc vào mức độ áp lực của mỗi cá nhân. Một số người có thể nhờ sự trợ giúp từ các yếu tố bên ngoài để giảm thiểu áp lực cuộc sống, một số khác lại cho rằng dù đã thực hiện tất cả mọi phương pháp trên nhưng vẫn không thể kiểm soát sự hỗn độn của cảm xúc trong lòng để tìm về chốn bình an. Vậy thì chính lúc này, chúng ta thực sự cần phải nhìn nhận lại khi các liệu pháp bên ngoài không còn hiệu quả nữa sẽ là lúc phải cân nhắc về các liệu pháp giúp đỡ từ “bên trong”.

Vì sao thực hiện tất cả các biện pháp trên mà vẫn không được chữa lành đúng nghĩa?

Nhưng trước khi hiểu hơn về sự chữa lành từ bên trong, cần phải đặt ra một câu hỏi rằng “Liệu sự chữa lành từ bên ngoài đôi khi có thực sự phù hợp với những người trầm cảm nặng hay không?”

Trong Phật giáo, Tham – Sân – Si hay còn gọi Tam độc chỉ 3 trạng thái tinh thần có hại của chúng sinh. Đạo Phật cho rằng nguồn cội của mọi khổ đau trên đời đều từ 3 việc Tham Sân Si mà ra.

Cái tâm tham chính là muốn tồn tại niềm vui mãi để không phải chịu đựng sự dày vò của cảm xúc đau khổ bên trong. Điều này là bất khả thi. Đối với những người tìm kiếm niềm vui từ bên ngoài, hay cụ thể hơn ở những người xung quanh. Nhìn từ thực tế, ai cũng có cuộc sống riêng của họ, nên không thể chạy theo để an ủi cảm xúc cho một người mãi được. Vậy nên tìm kiếm sự chữa lành từ bên ngoài là một liệu pháp không bền vững cho những người có cái tâm tham to lớn.

Một trong những giáo lý quan trọng của nhà Phật mà chúng ta cần phải nhớ nếu muốn đạt được sự bình an trong tâm hồn chính là “Không có gì có thể làm hại bạn nhiều như những suy nghĩ của chính bạn”. Nhìn một cách tổng quát, suy nghĩ chính là thứ gieo rắc đau khổ hoặc mang lại niềm vui. Tất cả các sự vật, sự việc đều sẽ diễn ra như đúng cái cách mà nó phải diễn ra và chính con người chúng ta sẽ nhìn nhận nó theo những chiều hướng như thế nào.

Nếu là một người suy nghĩ đơn giản, thì họ sẽ nhìn nhận sự việc ấy một cách đơn giản, không lo lắng, u sầu, thuận theo tự nhiên để nó đến và đi. Nhưng nếu một người có tâm hồn nhạy cảm thì sẽ có xu hướng suy diễn từ một vấn đề chính thành nhiều các vấn đề phụ. Họ sẽ dễ lo lắng dù cho những lo lắng đó chỉ mới là những suy tưởng trong đầu và thậm chí còn chưa xảy ra ngoài đời thực.

Thực tế từ câu nói trên của Đức Phật, chúng ta hãy nhìn nhận lại được rằng việc đi du lịch có thực sự hoàn toàn chữa lành được hay không? Với một số người chắc có lẽ là không. Khi đầu chúng ta bị bủa vây bởi những suy nghĩ tiêu cực thì cho dù đến đâu vẫn không bao giờ tìm được sự chữa lành đúng nghĩa.

Đứng trước vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng Đà Lạt hay ngồi ngắm mặt trời lặn trên biển Vũng Tàu. Hoặc thậm chí là chìm đắm trong sự lãng mạn của thành phố Paris và sững sờ trước sự hùng vĩ của những kim tự tháp Ai Cập cổ đại. Nhưng trong những khoảnh khắc vui vẻ đó, chỉ cần một ý nghĩ nhỏ của những chuyện không vui lúc trước bỗng vụt qua thì liệu rằng chính người đang đi du lịch ấy, có thực sự vui vẻ toàn diện trong những chuyến đi hay không. Hay những suy nghĩ bất chợt ấy vẫn kéo theo đám mây đen giông bão đến Đà Lạt, Vũng Tàu thậm chí là đến tận Paris, Ai Cập.

Cảm xúc không bao giờ là cố định cả, vui vẻ cũng vậy, u buồn cũng vậy. Nguồn: ảnh từ Internet
Cảm xúc không bao giờ là cố định cả, vui vẻ cũng vậy, u buồn cũng vậy. Nguồn: Internet

Khi suy nghĩ của con người không được tự do thì dù cho cơ thể vật lý này có đi khắp năm châu bốn bể để tìm sự chữa lành cũng chẳng thể đạt được hiệu quả vì chính những suy nghĩ tiêu cực ấy mới là xiềng xích thực sự của tâm hồn chúng ta.

Vậy phải làm sao để tâm hồn chúng ta hoàn toàn được chữa lành từ bên trong?

Đối với câu hỏi giải quyết vấn đề như thế này cần xác định chính xác nguyên nhân sâu xa để nhổ tận gốc vấn đề. Theo như lời Đức Phật, nguyên nhân gây đau khổ cho con người là những suy nghĩ của chính chúng ta. Vậy nên đối với những biện pháp tìm kiếm niềm vui từ bên ngoài thì chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn và sẽ không có hiệu quả với những người trầm cảm nặng.

Tập trung nhìn sâu vào chính bản thân

Đầu tiên, con người không nên trông đợi niềm vui từ môi trường bên ngoài vì môi trường luôn biến động và thay đổi. Hơn thế nữa, môi trường bên ngoài bao gồm nhiều yếu tố như bạn bè, những nhân tố bất khả kháng,… Và có rất nhiều yếu tố ngoài kia mà chính bản thân con người không có khả năng kiểm soát chúng. Chính vì vậy, chúng ta không thể nào ép buộc tất cả mọi người, mọi thứ làm những điều bản thân mong muốn để có được niềm vui và sự hạnh phúc.

Như trong câu chuyện cổ tích “Nhà vua và đôi chân đau”. Câu chuyện kể về một nhà vua đi vi hành và bị đau chân vì những con đường gập ghềnh. Bực mình, ông ra lệnh cho tất cả con đường trong vương quốc được bọc da súc vật. Tuy nhiên, một người hầu khôn ngoan đã khuyên nhà vua nên cắt da bò làm giày để đi thay vì lãng phí tiền bạc và công sức. Nhà vua nghe theo và đôi giày đầu tiên trong lịch sử ra đời.

Muốn thay đổi thế giới, trước hết hãy thay đổi bản thân. Nguồn ảnh từ Internet.
Muốn thay đổi thế giới, trước hết hãy thay đổi bản thân. Nguồn ảnh từ Internet.

Chính từ câu chuyện trên cho chúng ta thấy một bài học rằng đôi khi vấn đề không nằm ở thế giới mà chính chúng ta. Nhà vua không thể nào sát sanh tất cả con bò để lót đường cho cả một vương quốc rộng lớn được. Đây chắc chắn là một cách làm phi thực tế vì không thể nào có đủ bò để làm thảm và những con đường gập ghềnh cũng sẽ không biến mất. Mặt khác, nhà vua vẫn có thể giải quyết vấn đề từ chính bản thân mình bằng cách thay đổi lối tư duy cũng như thay đổi đôi chân trần thành một đôi giày để có thể đi vi hành khắp thế giới.

Cảm xúc cũng chính là như vậy. Vì cảm xúc là cái cá nhân nên chúng ta không thể ép buộc thế giới chiều chuộng theo cảm xúc của chính mình được. Thay vào đó, để có thể “đi khắp nơi” mà không bị “đau chân” bởi những con đường gập ghềnh như nhà vua, chúng ta cần tập trung đánh giá lại cảm xúc và tính cách của chính mình. Xác định những đặc điểm, tính cách nào góp phần làm cho chính con người đau khổ: sự ích kỷ, sự yếu đuối, hay sự sân hận,…

Học cách yêu bản thân là khởi đầu cho sự chữa lành từ bên trong. Nguồn ảnh từ Internet.
Học cách yêu bản thân là khởi đầu cho sự chữa lành từ bên trong. Nguồn ảnh từ Internet.

Sau khi đánh giá, việc chúng ta cần học đó chính là yêu bản thân. Nhưng yêu bản thân ở đây đề cập đến việc chấp nhận khuyết điểm của chính mình. Với những người hay suy nghĩ nhiều, hãy chấp nhận “sự nhạy cảm” nhưng không cần phải gượng ép xem nó như một món quà. Vì hơn chính ai hết, người sở hữu đặc điểm tính cách này hiểu được sự rối rắm mà một trái tim nhạy cảm đem lại. Đôi khi chính chúng ta phải chấp nhận rằng bản thân chỉ là một người bình thường giữa sa mạc mênh mông.

Tuy nhiên chỉ khi tập trung nhìn nhận bản thân, con người mới nhìn thấu được bản thân thực sự muốn gì, cần gì và phù hợp nhất với điều gì? Bởi vì, chỉ có chúng ta mới là người hiểu rõ bản thân nhất.

Chấp nhận đau khổ là một phần của thân thể

Tính chất của sự chữa lành sẽ không tồn tại mãi mãi, bởi nó thuộc phạm trù cảm xúc, mang tính trừu tượng và sẽ linh hoạt thay đổi. Chính vì vậy để có thể hoàn toàn hiểu được tính chất của sự chữa lành thì ta phải hiểu tính chất của cảm xúc và học cách chấp nhận điều này trước tất cả. Con người cần nhận thức rằng “đau khổ” cũng là một loại cảm xúc. Vậy nên phải hiểu rằng, “đau khổ” cũng sẽ linh hoạt thay đổi.

Nguồn: ảnh từ Internet
Tất cả mọi cảm xúc đều không tồn tại vĩnh cữu. Nguồn: ảnh từ Internet

Trong đạo Phật có một câu rất hay: ”Có sinh ắt có diệt, có hợp ắt có tan, có thịnh ắt có suy”. Vậy nên, khi con người cảm thấy vui nên hiểu rằng niềm vui này không là mãi mãi. Khi con người đau khổ, thì nỗi đau này cũng không phải là vĩnh hằng. Chỉ khi chấp nhận “đau khổ” như một phần của thân thể, ngụ ý rằng chấp nhận sự tồn tại của nó và hiểu được bản chất chất của nó, con người sẽ thực sự có được bước đầu của sự bình yên.

Từ bỏ những suy nghĩ tiêu cực

Trong tất cả những phương pháp trên, đây ắt hẳn là một phương pháp khó thực hành nhất. Các biểu hiện của tư duy tiêu cực thường gặp có là:

  • Suy nghĩ tiêu cực về bản thân như tự chỉ trích hay so sánh bản thân với người khác. Trong đó bao gồm việc tự hạ thấp giá trị bản thân, không công nhận chính bản thân mình và có xu hướng tiêu cực về các khuyết điểm nhiều hơn là suy nghĩ về các ưu điểm.
  • Suy nghĩ tiêu cực về thế giới như tập trung vào những điều tiêu cực trong cuộc sống, tin rằng mọi thứ sẽ luôn tồi tệ. Những hành vi bao gồm hay dễ dàng bị lo lắng, sợ hãi, khó tin tưởng người khác, luôn nghi ngờ ý đồ của họ, dẫn đến những mối quan hệ khó khăn và cô lập bản thân.
  • Suy nghĩ tiêu cực về tương lai như tin rằng mọi thứ sẽ luôn tồi tệ hơn trong tương lai hay khó khăn trong việc đặt ra mục tiêu và kế hoạch cho tương lai do lo lắng và thiếu hy vọng.

Tất cả những điều tiêu cực trên, chúng ta ai cũng đã từng nghĩ đến ít nhất một lần trong đời. Nhưng đối những người mắc bệnh tâm lý thì mức độ suy nghĩ tiêu cực hoàn toàn có khả năng như một lưỡi dao gián tiếp đẩy họ đến cái chết.

Người bị bệnh tâm . Nguồn ảnh từ Internet.
Những người mắc các bệnh tâm lý ở cấp độ nặng thường gặp khó khăn trong việc tự kiểm soát suy nghĩ. Nguồn ảnh từ Internet.

Chính vì vậy, phương pháp này còn tùy thuộc vào khả năng tự kiểm soát suy nghĩ của bản thân mỗi người. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, đối với cơ thể vật lý này, những hành vi, thói quen là các yếu tố có thể luyện tập được. Việc thường xuyên suy nghĩ đến những điều tiêu cực thuộc phạm trù thói quen. Vậy nên, chúng ta hoàn toàn có thể sửa các thói quen này bằng rất nhiều cách chẳng hạn như:

Chặt đứt những suy nghĩ tiêu cực bằng cách viết chúng ra giấy. Với phương pháp này, sẽ nhanh chóng giúp chúng ta điều hòa lại cảm xúc. Vì vậy, khi cảm xúc trở nên bất ổn, hãy viết chúng ra giấy nhưng đừng đọc lại để giữ một tâm trạng thật bình tĩnh, tránh bị dao động bởi những dòng chữ tiêu cực trên giấy.

Thay thế suy nghĩ tiêu cực bằng suy nghĩ tích cực: Để tiêu diệt suy nghĩ tiêu cực, chúng ta hãy thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích cực và thực tế hơn. Việc tận hưởng và ghi nhớ những điều tích cực trong cuộc sống nên được rèn luyện thường xuyên, biến nó thành thói quen cho não bộ. Chúng ta có thể bắt đầu luyện tập với lòng biết ơn vì những gì ta đã có. Và con người nên học cách xoay chiều góc nhìn sự việc.

Tránh xa nguồn năng lượng tiêu cực khác: khi tiếp xúc những người tiêu cực có thể khiến chúng ta suy nghĩ tiêu cực hơn. Bởi vì cảm xúc có thể lây lan về cả tích cực lẫn tiêu cực. Vậy nên, nếu muốn từ bỏ các suy nghĩ tiêu cực hãy tránh tiếp xúc với những người mang nguồn năng lượng xấu.

Bình yên thực sự đến từ bên trong suy nghĩ của mỗi chúng ta. Nguồn ành từ Internet.
Bình yên thực sự đến từ bên trong suy nghĩ của mỗi chúng ta. Nguồn ành từ Internet.

Trước đây, Đức Phật từng dạy rằng, “Quý vị không nên theo đuổi quá khứ và mơ tưởng tương lai”. Với những điều không vui xảy ra trong quá khứ, hãy học cách buông xả vì quá khứ sẽ không bao giờ quay trở lại. Với những điều ở tương lai càng không nên vọng tưởng vì tương lai là những điều chưa đến, không thể dự đoán. Vậy nên, trong tâm trí chúng ta hãy nên tập trung cho những điều ở hiện tại. Sự chú tâm vào hiện tại giúp con người tránh được những phiền muộn không cần thiết và sống một cuộc đời ý nghĩa hơn. Đây cũng là nền tảng của thiền định, giúp tâm trí thanh thản và tập trung vào những gì đang diễn ra.

Thực hành các bài tập thể dục

Một phương pháp cải thiện cảm xúc khác cũng mang đến nhiều lợi ích đó chính là tập thể dục. Điều này giúp tăng cường sản xuất endorphin và serotonin, những hormone có tác dụng cải thiện tâm trạng và giảm bớt các triệu chứng trầm cảm. Hơn thế nữa, vận động thường xuyên giúp tăng cường lưu thông máu đến não, giúp tập trung tốt hơn và cải thiện khả năng ghi nhớ. Điều này sẽ tạo nên một giấc ngủ sâu và ngon hơn, cải thiện đáng kể cho sức khỏe tinh thần.

Một số động tác Yoga tham khảo giúp cải thiện sức khỏe tâm thần:

Chung quy lại, với câu hỏi “ giới hạn của sự chữa lành thực sự nằm ở đâu?” có thể thấy, giới hạn thực sự nằm ở trong suy nghĩ của chính chúng ta. Khi chúng ta tự do trong suy nghĩ, mỗi vùng trời con người đi qua dù là bất kể nơi đâu là điều là niềm vui và sự hạnh phúc. Nhưng khi trái tim chúng ta bị xiềng xích bởi những suy nghĩ tiêu cực, dù là đi khắp bốn bể năm châu, dù là nơi xa lạ hay trở về ngôi nhà thân thuộc, những cảm xúc gò bó, bức bối, đau khổ, khó chịu vẫn sẽ đeo bám theo từng ngày, từng giờ. Thế thì, con người sẽ chẳng thể nào hoàn toàn đặt được sự chữa lành cả.

Vì vậy, sự chữa lành không chỉ là một hành trình vượt qua những rào cản bên ngoài, mà còn là quá trình giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc tinh thần bên trong. Khi chúng ta học cách buông bỏ những suy nghĩ tiêu cực và nuôi dưỡng tâm hồn với tình yêu thương và sự lạc quan, chúng ta mới có thể tìm thấy sự bình yên và chữa lành đích thực. Hãy nhớ rằng, mỗi bước đi trên hành trình chữa lành là một bước tiến về phía ánh sáng của sự tự do và hạnh phúc, nơi mà không gian và thời gian không còn là những giới hạn của tâm hồn ta.

Xem thêm

Bộ sưu tập 150+ cap cục súc ngang ngược dành cho Gen Z

Những status ngắn gọn, cap cục súc đã trở thành trào lưu được nhiều sự quan tâm của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z năng động. Nếu đang loay hoay tìm cho mình một mẫu caption chất như nước cất thì bạn nên tham khảo nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận