Tập thể dục là chìa khóa cho một cuộc sống khỏe mạnh. Trong thời kì đại dịch COVID-19 bùng nổ, việc đeo khẩu trang cũng mang ý nghĩa tương tự. Nhưng khi kết hợp cả hai việc này với nhau chúng ta lại phải đối mặt với một câu hỏi rất hóc búa: Đeo khẩu trang khi tập thể dục liệu có hại cho sức khỏe hay không?
Kể từ khi COVID-19 xuất hiện, đã có một cuộc tranh luận về độ an toàn của việc đeo khẩu trang khi tập thể dục, cho cả người tập thể dục và người đứng cạnh họ. Vào tháng 12, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo mọi người “không đeo khẩu trang khi đang hoạt động thể chất mạnh”. Trong khi đó, CDC khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang khi tập thể dục, ngay cả khi tập ở cường độ cao.
Mới đây, một số nghiên cứu đã cung cấp thêm vài thông tin về vấn đề này. Các nhà khoa học đã công bố trên Tạp chí Hô hấp Châu Âu rằng không có tác dụng phụ nào đối với sức khỏe liên quan đến việc đeo khẩu trang trong khi tập thể dục – mặc dù đeo khẩu trang có thể làm giảm hiệu quả tập luyện một chút.
Đeo khẩu trang khi tập thể dục có an toàn không ?
Đeo khẩu trang có vẻ là việc không hay chút nào nếu bạn đi tập gym. Nhưng các nhà nghiên cứu cho thấy phòng tập gym và những không gian khép kín là những khu vực làm tăng nguy cơ lây lan COVID-19. Việc đeo khẩu trang là rất cần thiết để giữ an toàn cho bạn và mọi người xung quanh.
Trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hô hấp Châu Âu, các nhà khoa học đã khảo sát trên 12 người khỏe mạnh tuổi trung niên và không phải vận động viên để so sánh hiệu suất của họ khi nghỉ ngơi và khi tập thể dục. Mỗi người sẽ đeo thử ngẫu nhiên 1 trong 3 loại khẩu trang: khẩu trang phẫu thuật, khẩu trang FFP2 (tương tự khẩu trang KN95), hoặc “khẩu trang giả”. “Khẩu trang giả” là khẩu trang phẫu thuật với một lỗ được khoét thủng ra.
Kết quả cho thấy khả năng tập thể dục bị giảm đi 10% vì khẩu trang làm chặn mất luồng oxi cần cho sự hô hấp khi cơ thể hoạt động. Tuy nhiên khẩu trang không hề gây nguy hiểm hay làm giảm đáng kể hiệu suất tập luyện của những người được nghiên cứu.
Piergiuseppe Agostoni là tác giả của nghiên cứu này và là giáo sư tim mạch của Đại học Milan. Ông nói rằng kết quả trên rõ ràng đã chứng minh được rằng mọi người hoàn toàn có thể đeo khẩu trang khi hoạt động thể chất, mặc dù điều đó có một số hạn chế đi chăng nữa.
Trong lúc những đối tượng nghiên cứu tập thể dục trên một chiếc xe đạp cố định, Agostoni và các cộng sự đã kiểm tra các dấu hiệu khác nhau về chức năng hô hấp và tim mạch, bao gồm:
- Chức năng thông khí
- Lượng oxi hít vào
- Lượng CO2 thải ra
- Việc hít thở gặp khó khăn và tốn sức nhiều đến mức nào
Kết quả cho thấy, mặc dù những người đeo khẩu trang có cảm giác khó thở hơn so với khi không đeo, nhưng cơ thể họ đã tự điều chỉnh hoạt động thông khí, và nhờ đó không có tác dụng phụ nào do việc đeo khẩu trang gây ra.
Các loại khẩu trang khác nhau có ảnh hưởng khác nhau khi tập luyện không ?
Nghiên cứu cho thấy cả khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang KN95 đều hoàn toàn an toàn cho việc tập luyện.
Để kiểm tra tác động của việc đeo khẩu trang, nghiên cứu đã sử dụng 3 loại khẩu trang như đã nêu: khẩu trang phẫu thuật tiêu chuẩn, khẩu trang FFP2 và “khẩu trang giả” được giấu dưới ống ngậm silicon. Những người tham gia không biết họ đang đeo loại khẩu trang nào khi tiến hành thử nghiệm, vì vậy họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý. Ống ngậm được giấu trong khẩu trang và bản thân nó không gây cản trở luồng không khí.
Kết quả là không có tác dụng phụ nào liên quan đến các loại khẩu trang được thử nghiệm, mặc dù những người tham gia cảm thấy khó thở tăng dần theo thứ tự từ không đeo khẩu trang đến đeo khẩu trang phẫu thuật và đến khẩu trang KN95.
Tuy nhiên, “chúng ta không thể lấy lý do đó để từ chối việc đeo khẩu trang,” Agostini nói. “Có rất nhiều người lấy lý do này như một cái cớ biện minh cho sự vô ý thức của bản thân”.
Kết quả của nghiên cứu này đã phản bác những tuyên bố sai lầm về việc đeo khẩu trang mà một số người sử dụng để biện minh cho sự vô ý thức của mình, chẳng hạn như “đeo khẩu trang làm tích tụ CO2 và tăng CO2 trong máu”.
Đi tập gym trong thời kỳ COVID-19 có an toàn không?
Nghiên cứu này chứng minh rằng đeo khẩu trang hoàn toàn an toàn đối với hoạt động thể chất và khuyến cáo rằng mọi người khi tập thể dục thể thao đều có thể và nên đeo khẩu trang để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh dịch, dù là hoạt động thể chất cường độ cao. Tuy nhiên nghiên cứu không đề cập đến sự an toàn của các cơ sở tập thể dục.
Sarah K. Kemble là nhà dịch tễ học nghiên cứu về trường hợp đầu tiên của SARS-CoV-2 lây lan trong 3 phòng tập thể dục ở Hawaii. Cô cho rằng rất khó để xác định được độ lây lan bệnh dịch trong các phòng tập thể dục.
Kemble giải thích: “Càng có nhiều kế hoạch phòng chống thì càng an toàn. Nếu các biện pháp được thực hiện cùng một lúc, thì nếu bất kỳ biện pháp nào trong số đó không thành công, sự lây lan vẫn sẽ được giảm thiểu thông qua các biện pháp khác”.
CDC khuyến nghị giảm thiểu rủi ro trong phòng tập thể dục bằng nhiều cách: duy trì khoảng cách 2 mét, đeo khẩu trang, hoạt động trong những không gian mở thông thoáng, rửa tay thường xuyên với nước rửa tay sát khuẩn, vệ sinh bề mặt các vật dụng và tránh ra đường vào những giờ cao điểm. Đáng chú ý, tổ chức này cũng khuyến nghị nên tập luyện thể chất ở ngoài trời.
Vì vậy, nếu phòng gym mà bạn đến có hệ thống thông gió tốt, yêu cầu đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách 2 mét thì sẽ giảm thiểu rất nhiều rủi ro lây lan SARS-CoV-2.
Tại sao tập thể dục trong thời kì đại dịch COVID-19 lại quan trọng ?
Nhìn chung, tập thể dục là một trong những việc làm rất tốt cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần nhất là trong đại dịch COVID-19. Một đánh giá về dịch COVID-19 và việc tập thể dục cho thấy hoạt động thể chất thực sự tăng cường chức năng miễn dịch trong cơ thể chống lại các loại virus và vi khuẩn. Các nhà nghiên cứu cho rằng tập thể dục thường xuyên giống như một công cụ bổ trợ trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại COVID-19.
Hippocrates đã từng nói “Nếu bạn đang có tâm trạng xấu, hãy đi dạo. Nếu bạn vẫn tiếp tục buồn, hãy đi dạo một lần nữa”. Hơn bao giờ hết, mọi người hiện nay đang có một cuộc sống thụ động. Ít tập thể dục dẫn đến tăng cân, đau nhức do ngồi lâu và những thay đổi tiêu cực trong tâm trạng.
Tập thể dục có một loạt các lợi ích: Ngăn chặn dịch bệnh, kéo dài tuổi thọ, giúp ngủ ngon và chống đau nhức cơ xương khớp. Theo một báo cáo từ WHO về hoạt động thể chất, người lớn trong độ tuổi từ 18-64 nên dành 75-150 phút hoạt động mạnh mỗi tuần: chạy, bơi lội, đạp xe, chơi các môn thể thao…
Một nghiên cứu cho thấy rằng những người tập thể dục 2-3 lần một tuần ít bị trầm cảm, tức giận và căng thẳng hơn những người khác. Thậm chí chỉ cần dành 30 phút mỗi ngày cho bất kỳ hoạt động thể chất nào, bạn cũng đã làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe của cơ thể.
Trên đây là một hồi chuông cảnh giác cho tất cả mọi người: Hãy đeo khẩu trang vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính bản thân bạn!
Mời bạn đọc tiếp những bài viết hấp dẫn khác của BlogAnChoi:
- COVID-19 và cảm cúm thông thường: Bạn đã biết 10 điểm khác nhau giữa chúng hay chưa?
- Dậy thì sớm là như thế nào? Có đơn giản chỉ là “lớn trước tuổi”?
Nhớ đón xem những thông tin bổ ích và lý thú được cập nhật thường xuyên tại BlogAnChoi bạn nhé!
Bài viết rất bổ ích. Cảm ơn tác giả