Trong lúc đại dịch COVID-19 đang căng thẳng do biến thể Delta thì các biến thể mới vẫn liên tục xuất hiện. “Nhân vật” mới nhất đang khiến các nhà khoa học phải đặc biệt chú ý là biến thể C.1.2 và biến thể Mu. Vậy chúng có nguy hiểm hơn Delta hay không? Liệu vaccine có còn hiệu quả?
Biến thể C.1.2 là gì?
Một biến thể mới của virus gây bệnh COVID-19 được phát hiện ở Nam Phi đã khiến các chuyên gia y tế đặc biệt chú ý. Biến thể này được đặt tên là C.1.2 và gây xôn xao trong giới khoa học vì nó sở hữu những đột biến trong bộ gene tương tự như những đột biến từng được phát hiện trong các biến thể đáng lo ngại đã biết như Delta.
Cảnh báo về dòng virus C.1.2 đã được Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi đưa ra vào ngày 30/8 vừa qua, trong đó nói rằng nó đã được phát hiện ở tất cả các tỉnh trong cả nước, nhưng với tỷ lệ tương đối thấp. Cụ thể, C.1.2 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 5/2021, sau đó đã có mặt ở phần lớn các tỉnh của Nam Phi và cũng xuất hiện ở 7 quốc gia khác rải rác trên thế giới bao gồm châu Phi, châu Á, châu Âu và châu Úc.
Mặc dù chiếm tỷ lệ thấp trong dân số nói chung nhưng dòng C.1.2 đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học vì nó sở hữu các đột biến trong bộ gene tương tự như những đột biến có trong các biến thể đáng quan tâm và đáng lo ngại khác – chẳng hạn như Delta – và còn có thêm một số đột biến bổ sung.
Vậy chúng ta đã biết gì về biến thể mới này, và nên lo lắng đến mức độ nào?
C.1.2 có phải là biến thể “đáng quan tâm” hoặc “đáng lo ngại”?
Hiện nay thì chưa. Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm của Nam Phi đang tiếp tục theo dõi tần suất của C.1.2 và tìm hiểu xem nó hoạt động như thế nào. Các thử nghiệm vẫn đang được tiến hành để đánh giá xem các đột biến mà nó sở hữu có ảnh hưởng thế nào đối với khả năng lây nhiễm và kháng vaccine. Cho đến nay, dòng virus mới này vẫn chưa đáp ứng các tiêu chí của WHO để được gọi là “biến thể đáng quan tâm” hoặc “biến thể đáng lo ngại”.
Các biến thể đáng lo ngại – chẳng hạn như Delta – là những biến thể đã được xác định có khả năng lây truyền cao hơn, độc lực mạnh hơn hoặc thay đổi tình trạng bệnh lâm sàng của người mắc phải, đồng thời làm giảm hiệu quả của các biện pháp xã hội và y tế cộng đồng.
Còn các biến thể đáng quan tâm là những biến thể đã được chứng minh gây ra sự lây truyền thành nhiều cụm trong cộng đồng và đã được phát hiện ở nhiều quốc gia, nhưng chưa nhất thiết được chứng minh là có độc lực cao hơn hoặc dễ lây lan hơn.
Nếu C.1.2 chưa phải là biến thể đáng quan tâm thì tại sao cơ quan y tế lại đưa ra cảnh báo?
Nguyên nhân là vì C.1.2 chứa các đột biến quan trọng có trong các biến thể khác đã trở thành biến thể đáng quan tâm hoặc đáng lo ngại.
Tiến sĩ Megan Steain, chuyên gia về virus và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Central Clinical ở Sydney (Úc), cho biết: “Bất cứ khi nào chúng ta thấy những đột biến cụ thể đó xuất hiện, chúng ta sẽ muốn theo dõi biến thể đó để xem nó sẽ làm gì. Những đột biến này có thể ảnh hưởng đến những thứ như liệu nó có né tránh phản ứng miễn dịch hay lây truyền nhanh hơn hay không”.
Ví dụ như Delta: nó sở hữu một số đột biến cho phép nhân lên nhanh hơn và xâm nhập vào các tế bào của cơ thể người hiệu quả hơn. Các nhà khoa học gọi đó là sự liên kết, tức quá trình virus bám dính và gắn vào thụ thể của tế bào chủ để cho phép các thành phần của nó xâm nhập vào bên trong tế bào. Sau đó dường như chúng cũng nhân lên nhanh hơn, tạo ra nhiều virus mới trong khoảng thời gian ngắn hơn.
Theo tiến sĩ Steain, chúng ta sẽ phải chờ một thời gian để các nhà khoa học xác định xem liệu dòng virus mới C.1.2 có thực sự “ưu việt” hơn các chủng khác hay không. Những thử nghiệm và nghiên cứu như vậy tốn khá nhiều thời gian, và còn rất nhiều việc cần làm phía trước.
Mặc dù C.1.2 có chứa một vài đột biến quan trọng đã từng khiến cho các biến thể khác dễ lây nhiễm hơn, nhưng thường thì các đột biến sẽ kết hợp với nhau và tổng hợp lại có thể khiến cho virus mạnh lên hoặc yếu đi.
C.1.2 có thể tự biến mất không?
Có khả năng như vậy. Các biến thể của virus vẫn liên tục xuất hiện và nhiều biến thể trong số chúng rất “mong manh” đến mức tự biến mất trước khi có thể trở thành vấn đề thực sự nghiêm trọng. Chỉ có một số ít thể đột biến sống sót được sau những thay đổi và tiếp tục sinh sôi phát triển lấn át các chủng virus cũ, đó chính là những gì chúng ta đã thấy với Delta.
Theo tiến sĩ Steain, C.1.2 sẽ phải thích nghi thật tốt và lây lan thật nhanh thì mới có thể cạnh tranh được với Delta ở thời điểm hiện tại. Bà cho rằng có rất nhiều khả năng biến thể này sẽ tự mất đi, và tỷ lệ hiện nay của nó thực sự rất thấp.
Chúng ta đã thấy điều này với biến thể Beta và các biến thể đáng lo ngại khác. Ban đầu chúng gây ra vấn đề khá nghiêm trọng, thậm chí có những khu vực mà chúng lây truyền và lan rộng nhanh chóng. Nhưng sau đó chúng lại không duy trì được lâu và bị thay thế bởi các biến thể khác thích nghi tốt hơn. Nói cách khác, chúng bị đào thải một cách tự nhiên.
“Điều đó vẫn có thể dễ dàng xảy ra với C.1.2,” tiến sĩ Steain nhận xét.
Liệu vaccine có hiệu quả với C.1.2 không?
Theo tiến sĩ Steain, chúng ta có thể phỏng đoán dựa trên hiểu biết về một số đột biến mà C.1.2 sở hữu tương tự các biến thể khác như Beta hay Delta, tức là hiệu quả của vaccine có thể sẽ giảm đi một chút. Nhưng đó vẫn chỉ là suy đoán cho đến khi chúng ta thực hiện những thử nghiệm trên thực tế.
“Chúng ta phải luôn nhớ rằng vaccine cho đến nay có vẻ vẫn đang thực sự rất tốt trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng nặng, nhập viện và tử vong do các biến thể,” tiến sĩ Steain nhấn mạnh và cho rằng không cần phải hoảng sợ. “Tuy nhiên điều quan trọng là phải theo dõi các biến thể khác đang có hiện nay và xem chúng diễn biến như thế nào.”
Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm của Nam Phi cho biết họ đang thận trọng về những tác động của dòng virus mới này, đồng thời đang thu thập thêm dữ liệu để hiểu rõ hơn. “Dựa trên sự hiểu biết của chúng tôi về các đột biến trong biến thể này, chúng tôi nghi ngờ rằng nó có thể tránh được một phần phản ứng miễn dịch, nhưng bất chấp điều này, vaccine vẫn sẽ cung cấp mức độ bảo vệ cao chống nhập viện và tử vong”.
Biến thể Mu là gì?
Một biến thể của virus SARS-CoV-2 được đặt tên là “Mu” hay B.1.621 đã được WHO xác định là “biến thể đáng quan tâm” vào đầu tuần này và sẽ được theo dõi sát khi các ca bệnh do nó gây ra đang tiếp tục xuất hiện trên khắp thế giới. Đây là biến thể thứ 5 đang được WHO theo dõi.
Biến thể Mu lần đầu tiên được phát hiện ở Colombia vào tháng 1 năm 2021, và hiện nay các ca bệnh tại đây vẫn tiếp tục gia tăng. Cho đến nay WHO đã phát hiện biến thể này có mặt ở hơn 40 quốc gia, trong số đó có Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ecuador, Canada và một số nước châu Âu.
Theo Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu về Chia sẻ Tất cả Dữ liệu Cúm (GISAID), cho đến nay đã có khoảng 2.000 trường hợp nhiễm biến thể Mu được xác định ở Mỹ, là nước có cơ sở dữ liệu lớn nhất về trình tự bộ gene của các chủng virus mới trên thế giới. Hầu hết các trường hợp này phân bố ở các bang California, Florida, Texas và New York.
Tuy nhiên Mu không phải là “mối đe dọa tức thời ngay bây giờ” ở Mỹ, theo lời chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Anthony S. Fauci trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm ngày 02/9. Ông nói rằng mặc dù chính phủ đang “theo dõi rất kỹ” nhưng biến thể này chưa hề có dấu hiệu chiếm ưu thế khi mà Delta vẫn là thủ phạm gây ra hơn 99% số ca nhiễm COVID-19 của cả nước Mỹ.
Mu vẫn chưa được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) cảnh báo là một biến thể đáng quan tâm hoặc đáng lo ngại. Trong khi đó Bộ Y tế Công cộng California vào ngày 02/9 cho biết đến nay đã có 348 ca mắc liên quan đến Mu được phát hiện ở bang này, và họ sẽ tiếp tục “theo dõi tất cả các biến thể lưu hành tại bang”.
Các báo cáo về Mu đã gây chú ý trên khắp thế giới. Hồi cuối tháng 7, một hãng tin ở bang Florida đã báo cáo rằng 10% các mẫu được giải trình tự tại Đại học Miami là biến thể Mu. Đến đầu tháng 8, hãng Reuters đưa tin rằng 7 người được tiêm vaccine đầy đủ trong một viện dưỡng lão ở Bỉ đã tử vong vì biến thể Mu bùng phát. Tuy nhiên đó chỉ là vài thông tin thoáng qua, chưa đủ để đánh giá rõ ràng về biến thể mới này.
Vì sao biến thể Mu được WHO xếp vào nhóm “đáng quan tâm”?
Câu hỏi quan trọng là liệu Mu có khả năng lây truyền cao hơn so với biến thể hiện đang chiếm ưu thế là Delta, và liệu nó có thể gây ra bệnh nặng hơn hay không.
Mu sở hữu một đột biến tên là P681H, lần đầu tiên được phát hiện trong biến thể Alpha, có khả năng giúp virus lây truyền nhanh hơn. Tuy nhiên kết quả này vẫn đang trong quá trình xem xét thẩm định, tức là đang được các nhà khoa học đánh giá độ chính xác. Hiện nay chúng ta chưa thể chắc chắn về tác động của P681H đối với đặc tính của virus.
Mu cũng sở hữu các đột biến E484K và K417N, có liên quan đến khả năng trốn tránh kháng thể, và có nhiều bằng chứng vững chắc khẳng định điều đó. Những đột biến này cũng xuất hiện trong biến thể Beta, do đó Mu có thể sẽ giống như Beta và khiến cho một số loại vaccine trở nên kém hiệu quả hơn.
Ngoài ra Mu cũng có các đột biến khác – chẳng hạn như R346K và Y144T – mà tác động của chúng là chưa rõ, do đó cần phải nghiên cứu thêm.
Biến thể Mu có dễ lây lan hơn không?
Paul Cardenas, giáo sư về bệnh truyền nhiễm và di truyền tại Đại học San Francisco de Quito ở Ecuador, đã nghiên cứu biến thể Mu và nói rằng bằng chứng hiện tại cho thấy nó có khả năng “dễ lây truyền hơn” so với chủng virus ban đầu. Ông cho biết: “Mu đã có thể vượt qua Gamma và Alpha ở hầu hết các vùng của Ecuador và Colombia.”
Tuy nhiên theo giáo sư Cardenas vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy mọi người nên lo lắng hơn, vì những biến thể mới như vậy vẫn liên tục xuất hiện và cần phải theo dõi nhiều hơn nữa.
Vaccine COVID-19 có còn hiệu quả với biến thể Mu không?
Hiện nay vẫn chưa rõ mức độ hiệu quả của vaccine đối với biến thể này. Trong một phát biểu vào ngày 31/8 vừa qua, WHO cho biết “biến thể Mu có một tập hợp các đột biến cho thấy tiềm ẩn khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch”, làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể kháng vaccine tốt hơn các biến thể khác. “Nhưng điều này cần được xác nhận bởi các nghiên cứu sâu hơn,” WHO cho biết.
Tiến sĩ Anthony Fauci nói rằng mặc dù dữ liệu từ phòng thí nghiệm cho thấy biến thể Mu có thể tránh được một số kháng thể nhất định – trong đó có các kháng thể được tạo ra sau khi tiêm vaccine – nhưng hiện tại vẫn thiếu dữ liệu lâm sàng và các nghiên cứu khác trên người để kết luận rõ ràng. Ông nhấn mạnh rằng: nhìn chung vaccine vẫn có hiệu quả và là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại COVID-19.
Hãng sản xuất vaccine Pfizer cho biết họ đang nghiên cứu biến thể Mu và dự kiến sẽ sớm chia sẻ dữ liệu với các cơ quan truyền thông. Người phát ngôn Kit Longley của Pfizer cho biết: cho đến nay, cả dữ liệu thực tế và các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đều không thấy bằng chứng rằng các biến thể đáng lo ngại có thể thường xuyên thoát khỏi tác dụng của vaccine.
Trong khi đó đại diện từ các nhà sản xuất vaccine khác là Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca vẫn chưa đưa ra bình luận về biến thể Mu. Một nghiên cứu ở Rome (Ý) cho thấy vaccine Pfizer – BioNTech kém hiệu quả hơn đối với Mu khi thử trong phòng thí nghiệm. Mặc dù vậy, nghiên cứu vẫn cho rằng khả năng bảo vệ của vaccine chống lại biến thể này là rất mạnh mẽ.
Tiếp theo sẽ là gì?
Mu là biến thể đáng quan tâm thứ 5 đang được WHO theo dõi. Nó vẫn chưa được đưa vào danh sách các biến thể đáng lo ngại hiện nay bao gồm Delta đang hoành hành khắp thế giới cùng với các biến thể Alpha, Beta và Gamma được WHO công nhận là có khả năng lây truyền hoặc độc tính cao hơn.
Hầu hết các loại virus đều biến đổi theo thời gian, trong đó đa số đột biến rất ít hoặc không hề ảnh hưởng đến đặc tính của chúng, nhưng một số đột biến khác có thể thay đổi mức độ lây lan, khả năng gây bệnh của virus hoặc hiệu quả của vaccine và các loại thuốc khác chống lại chúng.
Hiện tại WHO cho biết cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ các đặc điểm của biến thể Mu và sẽ theo dõi cách nó tương tác với các biến thể khác, đặc biệt là Delta.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- COVID-19 có thể gây ra 11 triệu chứng rất kỳ lạ này – Bạn đã biết chưa?
- Biến thể Lambda là gì? Nó có thể làm đại dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn không?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin bổ ích cho cuộc sống bạn nhé!