Có những điều nhỏ xíu, vụn vặt vẫn diễn ra mỗi ngày. Nó không đủ sức gây hoang mang, lo sợ như những con số thống kê lạnh lùng được cập nhật hàng giờ trên các bản tin, nhưng nó vẫn là hiện thực mà chúng ta đang phải chung sống.
Thời gian thì vẫn luôn xa xỉ như vậy đấy, ta tưởng rằng nó đi song song cùng ta, nhưng thật ra là không. Lúc nào cũng vậy, khi chúng ta giật mình chững lại, ta luôn cảm thấy đã bỏ lỡ rất nhiều. Khi đặt bút viết những dòng này, tôi nhận ra quỹ thời gian của năm 2021 đã trôi qua gần một nửa.
Bạn đã quen với “trạng thái bình thường mới” chưa?
Năm 2003, khi dịch Sars bùng phát, tôi mới chỉ là cô nhóc cấp 2. Kí ức về những ngày đi học còn chẳng nhớ rõ hơn, nói chi đến hai từ ” đại dịch”. Lớn thêm một chút, tôi có đọc về 10 dịch bệnh đáng sợ nhất mà loài người từng trải qua, có đọc về dịch cúm Tây Ban Nha 1918. Gần hơn nữa, dịch Ebola 2013 – 2016 thì xa tít tận Châu Phi. Hai từ “đại dịch” vẫn là thứ gì đó trìu tượng, mơ hồ.
Nhưng bạn thấy đó, thế hệ chúng ta, đôi ba chục năm nữa, cũng sẽ đi vào những bài báo, đi vào cả wikipedia để cho thế hệ sau đọc và tìm hiểu về một đại dịch mang tên Covid 19.
Chúng ta đang sống trong “thời đại dịch”, đó là sự thật. Sức công phá khủng khiếp của nó lên kinh tế, chính trị, y tế, giáo dục, quốc phòng…những thứ vĩ mô đó hàng ngày ta đều phải cập nhật trên mọi kênh thông tin. Vậy còn những thứ nhỏ bé, bình dị hơn trong đời sống hàng ngày, những thứ không thống kê được bằng số liệu, báo cáo?
Bạn có nhận ra không?
Hôm nay ta về đến nhà sớm hơn
Con đường từ nhà đến chỗ làm chắc chắn là con đường quen thuộc nhất đối với mỗi người. 1 tuần 6 ngày, 1 tháng 26 ngày…đi và về, ta có thể nói vui rằng chúng ta nhớ rõ từng ổ gà, ổ voi trên đường còn hơn nhớ về người yêu cũ.
Tôi thường về đến nhà lúc 18h30, mẹ tôi cũng quen với lịch trình đó nên chiều nào cũng đợi cửa. Muộn 5, 10 phút thôi là đã bồn chồn. Nhưng không biết từ khi nào, câu đầu tiên mẹ nói hỏi tôi khi về đến nhà là :”sao hôm nay về sớm thế?”
Tôi vẫn tan làm đúng giờ, vẫn đi con đường đó. Đèn đỏ, đèn xanh vẫn nhấp nháy những con số như bao năm qua. Nhưng một điều đã thay đổi, vì những con đường không còn kẹt xe nữa.
Không cần đến những ngày Tết, không cần đến những dịp nghỉ lễ dài ngày, Hà Nội cũng trở nên thoáng đãng, thưa thớt. Phố xá vắng vẻ đấy, những chẳng ai muốn “thưởng thức” điều đó cả. Một ngày đường phố yên tĩnh là thêm một ngày chúng ta đương đầu với đại dịch, một ngày chúng ta không chen chúc kẹt xe là thêm một ngày những khu cách ly chật cứng, thêm một ngày những y bác sĩ đổ mồ hôi, nước mắt, là thêm những vết hằn sâu phía sau bộ đồ bảo hộ. Một ngày đường phố yên tĩnh, có thể là sẽ có thêm cả những sự ra đi.
Những lời “từ chối” trong ngại ngần
Trước đây tôi luôn cảm thấy 2 ngày nghỉ cuối tuần là không đủ cho tôi làm những điều mình muốn, đặc biệt là quỹ thời gian dành cho việc gặp gỡ bạn bè. Thế nhưng bây giờ lại hoàn toàn khác. Bạn có giống tôi không? Có nhiều lần cảm thấy ngại ngần khi phải từ chối lời hẹn đi chơi cùng ai đó? Lý do không phải vì quá bận rộn, mà đơn giản lắm. Tôi sợ Covid.
Nỗi sợ đấy rất thật. Nhưng để nói ra thì dường như lại hơi…buồn cười. Dù báo đài ngày ngày đều kêu gọi “không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết”, nhưng nếu chúng ta triệt để thực hiện quy định đó thì có lẽ lại trở nên kì quặc đối với những người xung quanh. Ai cũng hiểu rõ rằng 1 người nhiễm bệnh sẽ kéo theo hàng chục người liên lụy. Ai cũng hiểu rõ những người có bệnh lý nền sẽ gặp những biến chứng nguy hiểm ra sao nếu nhiễm Covid, nhưng đôi lúc chúng ta vẫn vô tư rủ rê, vẫn tặc lưỡi cả nể nhau để gặp gỡ, ăn uống. Nhưng hãy nghĩ thêm một điều trước khi gật đầu với những hành động chủ quan, rằng : “ có thể nếu mình nhiễm bệnh thì mình sẽ khỏi nhanh thôi, nhưng bố mẹ, vợ/ chồng, con cái mình có thể sẽ không như vậy đâu.”
Ranh giới giữa “kiếm sống” và “an toàn”
Một câu chuyện chỉ mới xảy ra hôm qua thôi. Tôi có một khách hàng đang phải cách ly trong khu vực phong toả Park 11 Time City. Đơn hàng của chị ấy đặt trước khi khu đó bị phong toả. Khi gọi điện cho anh shipper quen để đặt giao đồ cho chị khách, anh ấy đã từ chối thẳng, vì “ khu đấy đang cách ly phong toả, bọn anh cũng không nhận đơn đến đó đâu, lỡ ra thì…”
Tôi hiểu ý của anh, chắc các bạn cũng vậy phải không?
Sau đó thì tôi cũng tìm được một bác tài xế của Grab đồng ý giao hàng đến Time City. Lúc đến nhận hàng bác có nói :” khu đấy phong toả vì có người nhiễm Covid đấy, bác cũng sợ nhưng không đi làm thì chết đói.”
Cả nỗi sợ của anh shipper và của bác, đều rất thật. Và nó hiện hữu từng phút, từng giờ xung quanh chúng ta.
Một chuyến giao hàng vài chục nghìn đồng, nhưng nó vẫn khiến chúng ta lưỡng lự giữa ranh giới của “kiếm sống” và “ an toàn”. Sự lựa chọn nằm ở hoàn cảnh và suy nghĩ của từng người. Tôi chỉ cảm thấy buồn. Rất buồn.
Những câu chuyện nhỏ bé, vụn vặt này vẫn diễn ra mỗi ngày. Nó không đủ sức gây hoang mang, lo sợ như những con số thống kê lạnh lùng được cập nhật hàng giờ trên các bản tin, nhưng nó vẫn là hiện thực mà chúng ta đang phải chung sống.
Mong rằng, nó sẽ chấm dứt vào một ngày không xa.