Đại dịch Virus Corona đang ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe và kinh tế cả thế giới. Những lúc này, bất cứ quốc gia nào cũng cần sự chung tay của toàn dân tộc. Thế nhưng, mới đây ngày 30/03, trên trang Mesacape đã đăng tải một bài viết với nội dung “Nước Mỹ phản bội nhân viên y tế trong đại dịch Coronavirus”.
Ngày 30/03/2020, trên trang Mescape, một trang báo chính thống của Hoa Kỳ đã đăng tải bài viết có tiêu đề “Nước Mỹ phản bội nhân viên y tế trong đại dịch Coronavirus”. Bài viết được thực hiện bởi bác sĩ Eric Topol, hiện đang là tổng biên tập của tạp chí y khoa nổi tiếng này. Nội dung của bài viết đã giấy lên nhiều tranh luận trái chiều.
Bài viết thông tin, Đối với toàn bộ nhân viên y tế trên nước Mỹ, năm 2020 bắt đầu với sự chán nản, kiệt sức, tỷ lệ trầm cảm và tự sát cao chưa từng thấy, nhưng đó là tinh trạng chung trên toàn cầu. Nhưng tình trạng tồi tệ này chưa dừng ở đây.
Vào tháng 12 năm 2019, một bệnh dịch viêm phổi xuất hiện ở Vũ Hán, mà sau đó được xác định là do virus covid-19 vào ngày 05/01/2020. Bệnh nhân đầu tiên ở Mỹ mắc bệnh này được chẩn đoán vào ngày 21/01/2020 tại Seatle, gần như cùng ngày với bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán tại Nam Hàn, là quốc gia quan trọng để so sánh với Mỹ trong trận dịch này.
GIAI ĐOẠN 1: SỰ LÂY LAN ÂM THẦM Ở MỸ
Trái ngược với Nam Hàn, là quốc gia đã sử dụng xét nghiệm do WHO cung cấp và nhanh chóng xét nghiệm hàng loạt, Mỹ từ chối dùng xét nghiệm của WHO, tự phát triển bộ xét nghiệm riêng do CDC đảm trách. Nhưng CDC đã thất bại trong việc chế tạo kit xét nghiệm và đây là một sai lầm trong số nhiều sai lầm mà chính quyền đã mắc phải.
Không có đủ xét nghiệm, đến tận 50 ngày sau chúng ta mới có thể bắt đầu xét nghiệm hàng loạt so với Nam Hàn. Vì sao điều này cực kỳ quan trọng?
Trong suốt thời gian này, hàng loạt bệnh nhân có triệu chứng của viêm phổi và viêm đường hô hấp trên đến khám tại phòng cấp cứu, phòng khám ngoại trú và tư nhân. Do sự bất lực trong chẩn đoán vì không có xét nghiệm, các bệnh nhân này đã vô tình lây nhiễm cho nhân viên y tế. Ngoài ra còn có các bệnh nhân nhiễm covid-19 nhưng không có triệu chứng (khoảng 30%) làm tăng sự lây nhiễm qua NVYT.
Khi so sánh giữa hai nước, trong tháng hai Nam Hàn đã thực hiện 75000 xét nghiệm, trong khi Mỹ chỉ có thể thực hiện 352 xét nghiệm. Nhờ đó Nam Hàn có thể áp dụng chiến lược chống dịch tốt nhất do WHO đề nghị: xét nghiệm hàng loạt, truy tìm và xét nghiệm những người tiếp xúc với người bệnh, cách ly những người nhiễm và duy trì cách ly vật lý trong cộng đồng.
Trong lúc đó, nước Mỹ đã KHÔNG thực hiện bất kỳ biện pháp nào kể trên. Ngược lại cơ quan chức năng tiếp tục đưa ra nhiều lựa chọn sai lầm đưa sức khoẻ cộng đồng vào tình trạng nguy hiểm, ngoài ra còn kỷ luật những NVYT có tiếng nói quan tâm tới cộng đồng.
Cùng thời gian, Nam Hàn đã vượt lên trước và trở thành kiểu mẫu trong việc chống dịch, đồng thời cùng với Singapore và Hong Kong, là những nước áp dụng biện pháp chống dịch của WHO và bảo vệ nguồn lực y tế.
Ở các quốc gia trên, NVYT phải đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với tất cả các bệnh nhân. Biện pháp này lại trở thành điềm báo cho sự thất bại trong giai đoạn kế tiếp ở Mỹ.
GIAI ĐOẠN 2 : RA TRẬN KHÔNG VŨ KHÍ
Mặc dù vùng dịch đầu tiên ở Mỹ là Seatle, nhưng tới khi dịch bùng nổ tại New York thì chúng ta mới nhận ra sự thiếu chuẩn bị của một cường quốc đối với trang bị bảo hộ (PPE), giường bệnh ICU và máy thở.
Chẳng đặng đừng, các NVYT sẽ không được mang khẩu trang, hay phải mang một khẩu trang trong nhiều ngày, và thiếu cả PPE. Đây là chỉ nói tới khẩu trang y tế thông thường giá 75 cents một cái, chứ không phải loại N95 sang chảnh có thể ngăn chặn các giọt khí dung tốt hơn. Không chỉ NVYT, ngay cả bệnh nhân phải dùng chung máy thở ở vài nơi. Chúng ta sẽ cần tới vài trăm ngàn máy thở, trong khi cả nước chỉ có 160 nghìn máy thở.
Không chỉ có tình trạng thiếu trang thiết bị, mà tình trạng còn tệ hơn khi ở nhiều nơi khác nhau, NVYT bị trù dập, bịt miệng vì bày tỏ sự lo ngại, bị kỷ luật thậm chí bị đuổi việc khi lên tiếng. Cùng lúc đó, việc thiếu xét nghiệm vẫn tiếp diễn, nên việc xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế không thể thực hiện được, cho dù là vô cùng cần thiết.
GIAI ĐOẠN 3: NVYT NHIỄM BỆNH HÀNG LOẠT VÀ THIỆT MẠNG
Ở Ý, tới cuối tháng 3 có 20% NVYT nhiễm bệnh và 54 bs thiệt mạng, chưa tính đến y tá và NVYT ở các bộ phận khác. Hiện nay ở những điểm nóng của dịch như NY, Boston, rất nhiều nhân viên y tế đã nhiễm bệnh, nhiều bác sỹ trẻ đã viết di chúc và lên kế hoạch cho tang lễ của mình.
Thông thường covid-19 không làm người trẻ thiệt mạng, nhưng đã có những y tá, bác sĩ trẻ đang chiến đấu với tử thần ở Mỹ. Đã có nhiều giả thuyết cho việc này, nhưng có lẽ giả thuyết khả dĩ nhất là lượng virus lớn mà những người này nhiễm phải. Nvyt phải tiếp xúc với những người bệnh nặng nhất trong điều kiện thiếu thốn trang bị bảo hộ, một lượng lớn virus có thể làm hệ miễn dịch khoẻ mạnh của người trẻ cũng không thể đảm đương nổi.
Thật là một thảm kịch cho những NVYT đang phải chống chọi với con virus độc ác vì nhiều người trong số họ sẽ phải chết một cách vô ích, bắt nguồn từ việc không có xét nghiệm và không có trang bị bảo hộ.
Con số thiệt hại của nhân viên y tế sẽ còn tăng cao hơn nữa, và hiện thực là điều này không được chú ý đúng mức.
Mỗi bác sỹ, y tá, chuyên viên vật lý trị liệu hô hấp, nhân viên cấp cứu phải chăm sóc cho hàng chục, thậm chí hàng trăm người cùng lúc. Khi một người ngã xuống, là tăng thêm gánh nặng cho những người còn lại. Số lượng những nhân viên y tế được tốt nghiệp sớm dù cho nhiều tới đâu cũng không thể nào bù đắp được sự mất mát này, vì số lượng không thể bù đắp cho kinh nghiệm. Và đây cũng là một tổn thất lớn lao cho chính những bệnh nhân covid-19, họ sẽ dễ chết hơn.
Phương pháp chống dịch của Mỹ lần này sẽ trở thành một thảm hoạ y tế tồi tệ nhất trong lịch sử của đất nước này. Sự tổn thất về nhân mạng lần này sẽ khiến thảm hoạ 9/11 và nhiều thảm hoạ khác trở thành nhỏ bé. Có lẽ điều mà những nhân viên y tế sẽ ghi nhớ nhất là cách mà đất nước này đã phản bội họ vào đúng lúc đất nước này cần đến nỗ lực của họ nhất.
Theo Mescape 30/03/2020