Một loài cây chẳng xuất hiện nhiều nơi chốn thành thị, một loài quả mang hương vị “bình dân”, và những bông hoa nhỏ bé khiêm nhường. Trẻ còn chẳng biết, người lớn cũng dần quên. Vậy nên, ai còn thương nhớ mùa dâu da?
” Dâu da xoan”, cái tên vừa thân quen vừa xa lạ
“Mùa dâu da”, “dâu da xoan”… những tên gọi này có gợi lên trong bạn điều gì không? Nếu có, chắc hẳn bạn đã từng có một tuổi thơ khá “dữ dội”.
Vì sao ư? Bởi dường như lũ trẻ con bây giờ chẳng còn “được” biết đến những trưa hè trốn ngủ, bêu nắng chạy chơi, hò hét đuổi bắt nhau rồi công kênh nhau vặt những chùm dâu da lúc lỉu trĩu cành.
Ngày tôi còn ở căn nhà tập thể cũ, khu nhà tôi có một cây xoài và hai cây dâu da xoan. Vì cây xoài quá cao so với tầm với của lũ trẻ con 6-7 tuổi, nên hai cây dâu da với dáng cong thấp, đan vào nhau nghiễm nhiên trở thành “căn cứ địa” của chúng tôi, để chúng tôi tha hồ leo trèo, lại còn được vặt quả. Ngày đấy chẳng đứa nào biết thứ quả chua nhăn mặt đấy tên là gì, chỉ biết nó dễ hái là thích rồi. Những chùm quả lửng lơ ngay tầm tay của một lũ nghịch ngợm nên còn chẳng có cơ hội được chín. Ăn chẳng được thì chúng tôi lấy làm “vũ khí” ném nhau. Sau mỗi trận chiến, la liệt trên khoảng sân nhỏ là những quả dâu da, rồi sau đó còn bị dẫm bẹp khi chúng tôi hò hét đuổi nhau. Chỉ sau 1,2 buổi phá làng phá xóm như thế, cả 2 cây dâu da đã tan tác. Và tất nhiên, đứa nào cũng bị “cấm túc” ở nhà để ngủ trưa.
Sau khi chuyển nhà đến nơi khác, kí ức về loài cây mang tên dâu da xoan cũng phai dần trong suy nghĩ của tôi. Bởi, ở nơi ở mới, chẳng có khoảng sân chung nào để trẻ con được chơi đùa cùng nhau dưới những tán cây xanh mát.
Phố thị càng phát triển, càng ít đi những khoảng trời trong lành như vậy. Trẻ con bây giờ có những khu vui chơi trong nhà với không gian mát lành của điều hòa, với những món đồ chơi hiện đại thao tác chỉ bằng vài nút bấm đơn giản. Cái thú của việc tự sáng tạo những trò chơi và hòa mình vào không gian ngoài trời cũng vì thế mà hiếm hoi hơn, lạ lẫm hơn.
Ai còn thương nhớ mùa dâu da?
Trẻ con chẳng biết, người lớn cũng dần quên. Bởi tháng 4 có loa kèn, tháng 5 lại rực cháy phượng đỏ và bằng lăng.
Thế nhưng, có ai đó đã nói, mọi thứ đều có giá trị riêng và sẽ có chỗ đứng riêng, chỉ cần vẫn có những người trân trọng và nhớ nhung. Dù chẳng được đăng ảnh lên “phây” bằng những bộ ảnh nghệ thuật như loa kèn, chẳng được gọi tên nhiều như phượng vĩ, bằng lăng khi những cô cậu học trò chia tay mái trường, nhưng chẳng biết từ khi nào, những tán cây dâu da xoan đã xuất hiện trên những góc phố của thành phố này. Lặng lẽ thôi, nhưng vẫn khiến cho khúc giao mùa của thiên nhiên thêm trong lành, xanh mát.
Ừ, chẳng biết từ khi nào nhỉ? Ta chỉ nhận ra khi ngước lên chạm mắt vào một vùng trời trắng muốt những bông hoa nhỏ li ti, và thoảng nghe trong làn gió một hương thơm nhẹ nhàng.
Có lẽ, chỉ khi đó người lớn như tôi mới chợt nhớ về một loài cây đã từng “bắt gặp” đâu đó trong một khoảng kí ức tuổi thơ.