“Chuyện của trẻ con” cần phải được nhìn từ góc độ của trẻ con và nếu có thể, hãy để trẻ con “chịu tổn thương từ những vết thương cần thiết”. Hãy ở bên quan sát, lắng nghe để thấu hiểu và giảng giải, chứ đừng vội gạt đi hay áp đặt. Góc nhìn của trẻ con và người lớn chắc hẳn là khác nhau. Nhưng, người lớn có thể hiểu được trẻ con, bởi người lớn cũng trưởng thành từ những tổn thương của một đứa trẻ. Chỉ cần, người lớn đừng bao giờ quên đi điều đó.

Vạch xuất phát nào để đón nhận những tổn thương?

“Giờ em đã trưởng thành rồi, dù có muốn bảo vệ em đến mức nào đi nữa, em cũng không thể tránh khỏi việc bị tổn thương được nữa. Bây giờ em muốn biết tất cả và chịu tổn thương từ những vết thương cần thiết. Và sau đó, em mong vết thương của em sẽ dần lành lại theo cách mà em cho là đúng”.

Đó là một câu thoại của nhân vật thầy giáo Lee Sun Woo trong bộ phim Nobody Knows của Hàn Quốc, phát sóng năm 2020. Khi xem bộ phim lần đầu tiên, tôi đã lướt qua đoạn đối thoại này mà không đọng lại ấn tượng gì sâu sắc. Tuy nhiên cũng như nhiều bộ phim khác của Ryu Deok Hwan, tôi luôn xem nhiều hơn 1 lần mới có thể thật sự hiểu và cảm nhận được hết tâm lý của nhân vật. Và có thể cũng là một sự trùng hợp, câu thoại ngắn của thầy giáo Lee Sun Woo, trong lúc này dường như lại rất phù hợp để chúng ta nhắc nhở nhau, về những tổn thương – đôi khi là cần thiết.

Tổn thương có thể xảy đến vào bất kỳ thời điểm nào, với bất kỳ ai (Ảnh: Internet)
Tổn thương có thể xảy đến vào bất kỳ thời điểm nào, với bất kỳ ai (Ảnh: Internet)

“3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”, đó là những cột mốc phát triển thể chất tự nhiên mà tạo hóa đã vạch ra cho con người, ngay từ khi mới lọt lòng. Tuy nhiên không có vạch xuất phát nào để một đứa trẻ “khởi động” trước khi biết đến cảm giác mà những tổn thương mang lại.

Chúng ta có thể muốn cho con mình biết viết, biết đọc ngay cả trước khi bước vào lớp 1, chứ có ai muốn chúng phải rèn luyện bằng những mất mát, đau thương trước cả khi biết đánh vần, ghép chữ.

Hầu hết chúng ta đều coi 18 tuổi là tuổi trưởng thành, là lúc một đứa trẻ trở thành người lớn, đủ khả năng chịu trách nhiệm cho hành vi và các quyết định của bản thân. Trẻ con đều háo hức khi bước sang tuổi 18, vì khi đó chúng sẽ được phép làm rất nhiều thứ và dường như cha mẹ, thầy cô đều chuẩn bị hành trang rất kĩ để những đứa trẻ bước vào tuổi trưởng thành.

Nhưng chúng ta có thể sắp xếp trước được một công việc, có thể mai mối sắp đặt trước một cuộc hôn nhân, nhưng những tổn thương thì không thể nào trốn tránh.

Những biến cố có thể xảy đến ở bất kỳ thời điểm nào của cuộc đời. Đừng nghĩ chỉ khi qua tuổi 18, hay khi học xong đại học, ra trường đi làm thì mới được biết đến “mùi đời”. Đừng vội coi những sự việc xảy ra khi con em mình vẫn đang trong độ tuổi thiếu niên chỉ là “chuyện của trẻ con” và chọn cách giải quyết theo cách nhìn của người lớn. Đó hoàn toàn có thể trở thành một sự tổn thương trong tâm hồn nhạy cảm và còn nhiều non nớt của một đứa trẻ.

“Chuyện của trẻ con” cần phải được nhìn từ góc độ của trẻ con và nếu có thể, hãy để trẻ con “chịu tổn thương từ những vết thương cần thiết”. Hãy ở bên quan sát, lắng nghe để thấu hiểu và giảng giải, chứ đừng vội gạt đi hay áp đặt.

Góc nhìn của trẻ con và người lớn chắc hẳn là khác nhau. Nhưng, người lớn có thể hiểu được trẻ con, bởi người lớn cũng trưởng thành từ những tổn thương của một đứa trẻ. Chỉ cần, người lớn đừng bao giờ quên đi điều đó.

Ai cũng trưởng thành từ những tổn thương của một đứa trẻ

“Trẻ con thì biết cái gì…”

Nếu có thể chỉ cần ăn ngoan, ngủ khỏe, học chăm và bình yên lớn lên thì đó sẽ là mong mỏi lớn nhất của tất cả những người làm cha, làm mẹ. Cha mẹ nào cũng sẽ luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để bao bọc những đứa trẻ trong vòng an toàn đó mà quên đi rằng, đứa trẻ của họ rồi đến lúc sẽ biết “đau” – những nỗi đau không nhìn thấy được trên da thịt.

Hãy ở bên quan sát, lắng nghe để thấu hiểu những tâm tư sâu bên trong những đứa trẻ (Ảnh: Internet)
Hãy ở bên quan sát, lắng nghe để thấu hiểu những tâm tư sâu bên trong những đứa trẻ (Ảnh: Internet)

Tại sao ngày càng có nhiều những đứa trẻ đang tuổi ăn học vui chơi mắc trầm cảm và những bệnh lý khác về tâm lý? Cha mẹ thắc mắc, bối rối thậm chí bàng hoàng, sững sờ khi phát hiện, đôi khi là đã quá muộn, đứa trẻ của mình… bị trầm cảm.

Một phần lý do, có thể nhỏ thôi, đến từ những bao bọc, tránh né mà người lớn dành cho trẻ con. Quan tâm quá mức nhưng lại áp đặt hay phớt lờ những tâm tư “vớ vẩn” của những đứa trẻ đang lớn, đều có thể gây hại như nhau.

Lại một lần nữa, người lớn đừng quên rằng mình cũng trưởng thành từ một đứa trẻ. Có thể bạn đã “may mắn” trở thành một người lớn khi vượt qua được những tổn thương đến từ những rắc rối tâm lý của tuổi dậy thì. Bạn có nhớ, chúng đã lành lại như thế nào không?

Có thể bạn nhớ, nhưng mỗi đứa trẻ sẽ được chữa lành theo cách khác nhau. Một lần nữa, nếu có thể, hãy ở bên quan sát, thấu hiểu và giảng giải, hãy cho những đứa trẻ được tự chữa lành những vết thương theo cách mà chúng cho là đúng. Nếu được quan tâm, yêu thương đúng và đủ, tôi tin trẻ con sẽ lớn lên từ những tổn thương cần thiết.

Xương rồng cũng có thể nở hoa (Ảnh: Internet)
Xương rồng cũng có thể nở hoa (Ảnh: Internet)

Chỉ cần người lớn đừng quên, ai cũng phải trưởng thành từ một đứa trẻ.

Xem thêm

300+ câu châm ngôn cuộc sống hay nhất sẽ khiến bạn "sáng mắt ra"!

Những câu châm ngôn cuộc sống, câu nói về cuộc sống hay, ý nghĩa nhất sẽ giúp bạn hiểu ra nhiều sự thật và chân lý, có thêm động lực để cố gắng phát triển bản thân hoặc đơn giản là bạn sẽ "sáng mắt ra" vì cuộc đời vốn không phải ngôn tình.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận