Sahara là một trong những sa mạc nổi tiếng và rộng lớn nhất trên thế giới. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu những sự thật thú vị về địa điểm này nào!
1. Thực sự rất lớn
Sa mạc Sahara gần như bao phủ toàn bộ phần trên cùng – chính xác là 31% – lục địa châu Phi, tương đương với khoảng 9.2 triệu km2.
Sahara chạy dài hơn 1.800 km từ bắc tới nam và hơn 4.800 km từ đông sang tây. Những cồn cát lớn nhất ở sa mạc tây Sahara cao hơn 152 mét, cao nhất lên tới 183 mét. Đó là một cuộc leo núi khá khó khăn đối với bất kỳ người đàn ông hoặc con thú nào không may mắn bị mắc kẹt giữa tình huống đầy cát đó.
Tóm lại, Sahara là sa mạc lớn thứ ba thế giới và là sa mạc lớn nhất trong số các sa mạc “nóng”. Hai sa mạc khác lớn hơn nó là Nam Cực và Bắc Cực.
2. Không phải chỉ có cát
Biển cát chỉ là một phần rất nhỏ của sa mạc Sahara. Những biển cát này được các nhà khoa học gọi là “ergs”, chiếm một phần lớn ở vùng cực tây của sa mạc, chủ yếu ở Tây Sahara, Maroc, Mauritania và vùng viễn tây của Algeria.
Phía đông của sa mạc Sahara có khá nhiều môi trường sống khác nhau ngoài những cồn cát khổng lồ. Có những cao nguyên đá được gọi là “hamadas” trải khắp phần lớn phía đông sa mạc Sahara, những đồng bằng sỏi được gọi là “regs”, vô số hồ cạn, một số thung lũng sâu, hoang vắng và thậm chí cả những khu vực có những bãi muối lớn.
Và núi! Sa mạc Sahara được bao quanh gần như mọi hướng bởi các dãy núi khác nhau. Ở phía bắc Niger là dãy núi Air Mountains, phía nam Algeria là dãy Hoggar, Chad và Libya chia sẻ dãy Tibesti nằm gần trung tâm sa mạc, Ai Cập và Sudan có Đồi Biển Đỏ – một phần biên giới giữa hai quốc gia này. Một ngọn núi lửa không hoạt động ở sa mạc Sahara – Emi Koussi của Chad – cũng là đỉnh núi cao nhất khu vực.
3. Con mắt của sa mạc Sahara
Sự hình thành địa chất được gọi là “cấu trúc Richat” là một trong những khía cạnh độc đáo nhất của sa mạc Sahara và các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn nó là gì. Nằm ở vùng nông thôn Mauritania, Richat Structure là một mái vòm tự nhiên được tạo thành từ nhiều lớp đá trầm tích. Nó được xếp thành những vòng tròn hoàn hảo, tạo cho khu vực này vẻ đẹp bắt mắt khi nhìn từ trên cao xuống.
Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra khu vực này vào những năm 1930 và lúc đầu, họ nghĩ rằng một thiên thạch rơi xuống trái đất cách đây hàng triệu năm đã gây ra hiện tượng này. Vào những năm 2000, có bằng chứng chứng minh thiên thạch không tạo ra “con mắt sa mạc Sahara”.
4. Sahara và Sahel
Dọc theo rìa phía nam của các quốc gia như Burkina Faso, Nam Sudan, Chad, Nigeria và Mali là vùng được gọi là “Sahel” – một đồng cỏ xavan nhiệt đới rất ẩm ướt, xanh tươi và sống động trong mùa mưa nhưng rất khô và hoang vắng trong mùa khô. Cũng giống như sa mạc Sahara, Sahel trải dài dọc bờ biển châu Phi và đóng vai trò là khu vực biên giới giữa vùng khí hậu khắc nghiệt nhất của sa mạc Sahara và vùng nhiệt đới xa hơn của lục địa.
“Sahel” trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “bờ biển”, không phải vì Sahel tiếp giáp với bờ biển mà vì Sahel có chức năng như “bờ” của sa mạc Sahara. Các nhà ngôn ngữ học khác cho rằng từ tiếng Ả Rập “sahl” – có nghĩa là “đơn giản” – mới là từ gốc của thuật ngữ Sahel.
Sahel là vùng đệm quan trọng ngăn giữa sa mạc Sahara khắc nghiệt và các vùng có khí ôn đới và tươi tốt hơn. Sahel là khu vực quan trọng đối với nông dân, chủ trang trại cũng như những người và động vật khác sống dựa vào đất.
5. Xác ướp lâu đời nhất
Xác ướp lâu đời nhất trên thế giới được tìm thấy ở sa mạc Sahara và nó không liên quan gì đến nền văn minh Ai Cập cổ đại. Xác ướp của một đứa trẻ được gọi là “xác ướp Tashwinat” này được tìm thấy bởi nhà khảo cổ học, giáo sư người Ý tên là Fabrizio Mori tại Uan Muhuggiag ở Libya vào năm 1958.
Đây là xác ướp của cậu bé 1 tuổi được quấn lá cẩn thận rồi quấn chặt bằng da linh dương. Nội tạng của cậu bé đã bị loại bỏ trước khi chôn cất trên sa mạc và người ta phát hiện ra rằng các chất bảo quản nguyên thủy đã được tiêm vào thi thể. Việc xác định niên đại bằng carbon cho thấy thi thể đã qua đời vào khoảng năm 3000 trước công nguyên, có nghĩa là xác ướp Tashwinat lớn hơn khoảng 1000 tuổi so với những xác ướp Ai Cập cổ đại lâu đời nhất được biết đến.
Cậu bé sống cách đây hơn 5.000 năm, được cho là những người chăn nuôi gia súc lang thang khắp sa mạc Sahara cùng đàn gia súc của họ. Vào thời điểm đó, Sahara giống một đồng cỏ hơn là sa mạc và người ta cho rằng các nền văn minh nguyên thủy có thể đã tồn tại rất lâu dài trong đó.
6. Nền văn minh sa mạc phát triển mạnh mẽ
Trong khi người Hy Lạp cổ đại và La Mã cổ đại đang thống trị châu Âu thì ở phía nam Địa Trung Hải, ngay giữa sa mạc Sahara, một số nền văn minh cổ đại đã trỗi dậy và thịnh vượng trước khi lụi tàn và hòa nhập vào các nền văn hóa khác.
Đứng đầu trong số này là một nhóm người được gọi là Garamantes. Những người này thống trị nơi ngày nay là Libya vào khoảng 500 năm trước công nguyên và kiểm soát khu vực này trong hàng nghìn năm tiếp theo. Họ sống sót giữa sa mạc bằng cách đào giếng sâu xuống lòng đất, lấy nước cho đồng ruộng, giúp cây trồng phát triển và sự sống tồn tại, sau đó phát triển mạnh ở nơi lẽ ra phải cực kỳ khắc nghiệt.
Điều thú vị là cả người Hy Lạp và người La Mã đều không coi trọng người Garamantes và tin rằng họ này là dân du mục thiếu văn minh, không đáng được coi là đồng minh hoặc mối đe dọa.
Nhưng mặc dù người Garamantes thực sự là dân bán du mục nhưng nền văn minh của họ lại không hề nhỏ. Họ xây dựng các công trình kiến trúc, sáng tạo nghệ thuật, thành lập cộng đồng và cuối cùng đã thành công sống sót ở một trong những nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới. Đáng buồn là vào thế kỷ thứ 7 sau công nguyên, giếng của họ bắt đầu cạn kiệt và họ buộc phải rời khỏi sa mạc và hòa nhập với những nền văn hóa xung quanh.
7. Những người du mục vẫn lang thang ở đó
Ngày nay, vẫn có những bộ lạc du mục đi khắp sa mạc Sahara. Đáng chú ý nhất trong số này là Berbers và Tuareg. Người Berber là bộ tộc lâu đời nhất trong số những bộ tộc du mục với dòng máu tồn tại từ 10.000 năm trước công nguyên. Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng người Berber cổ đại là những dân tộc du mục đầu tiên sinh sống ở Sahara. Ngày nay, họ sống thành những cộng đồng nhỏ, rải rác khắp Maroc, Libya, Tunisia, Mali và Ai Cập.
Người Tuareg là cư dân nổi tiếng ở phía tây sa mạc Sahara và thường được coi là một nhóm nhỏ của người Berber. Họ bảo tồn lối sống truyền thống, các gia đình dựng trại và di chuyển khắp nơi vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm để tìm nước và thực phẩm. Một số người đã chuyển sang sống cuộc sống bán du mục bằng cách tạo ra các trung tâm đô thị phát triển hơn một chút.
8. Có thể có biển
Vào cuối thế kỷ 19, các doanh nhân cũng như các nhà khoa học bắt đầu suy xét về tính khả thi của việc làm ngập sa mạc Sahara bằng nước và tạo ra biển Sahara.
Kế hoạch này bắt đầu vào năm 1877 khi doanh nhân người Scotland Donald Mackenzie cân nhắc việc cắt một con kênh từ sa mạc ra đại dương gần đó và làm ngập một phần lớn sa mạc Sahara bằng nước biển. Theo Mackenzie, nó sẽ cho phép thực hiện nhiều hoạt động nông nghiệp hơn ở Bắc Phi, làm thay đổi thời tiết ở châu Âu và các nơi khác, mở ra thị trường mới cho các thương nhân châu Âu.
Các doanh nhân và nhà khoa học khác cũng đưa ra ý tưởng này vào thế kỷ 20, dù tới hiện tại thì nó vẫn chỉ là kế hoạch.
9. Đường cao tốc đến địa ngục
Một số quốc gia trong sa mạc Sahara đã cùng nhau thực hiện các dự án xây dựng đầy tham vọng nhằm kết nối những địa điểm khác nhau ở giữa sa mạc. Một số dự án đã thành hiện thực – đáng chú ý nhất là một số đường cao tốc lớn chạy qua toàn bộ sa mạc ở những nơi như Ai Cập và Sudan.
10. Sahara đang mở rộng nhanh chóng
Sa mạc Sahara hiện nay lớn hơn khoảng 10% so với một trăm năm trước. Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của nó là chu kỳ khí hậu tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu do con người tạo ra.
Sa mạc đang chiếm lấy vùng đất mới (đặc biệt là ở phía nam) và lấn chiếm Sahel, các đồng cỏ khác và đất canh tác trước đây với tốc độ chưa từng thấy. Có thể nói rằng tương lai trước mắt của nhiều người dân sống ở vùng rìa sa mạc Sahara sẽ rất ảm đạm.
Bạn có thể đọc thêm:
Mình rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bạn về bài viết này.