Thuật ngữ “người nhạy cảm cao “ (HSP) do nhà tâm lý học Elaine Aron đưa ra, điều thú vị là chính bà cũng thuộc HSP. Bà cùng với chồng đã xây dựng Thang đo người nhạy cảm cao (HSPS), giúp thúc đẩy nghiên cứu sâu hơn về kiểu tính cách đặc biệt này.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu những đặc điểm của người nhạy cảm cao và những dấu hiệu gợi ý bạn có thể là một HSP.
Người nhạy cảm cao (HSP) là gì?
Thang đo HSPS cho thấy ước tính HSP chiếm khoảng 15–20% dân số, và lên tới 30% dân số khi sử dụng thang đo rút gọn. Thang đo HSPS gồm 27 mục và nếu một người đạt 14 điểm trở lên thì được xếp vào tính cách nhạy cảm cao. Định nghĩa ban đầu cho rằng HSP là bẩm sinh, di truyền và được xác định rõ ràng. Nói cách khác, HSP là đặc điểm mà bạn đã có hoặc không có ngay khi mới sinh ra.
Các nghiên cứu sau này đã phân biệt HSP thành 4 loại khác nhau:
1. Xử lý sâu
HSP thường xử lý thông tin một cách kỹ càng hơn so với người bình thường, suy ngẫm nhiều hơn và cân nhắc lâu hơn trước khi đưa ra quyết định.
Quá trình xử lý sâu diễn ra một cách có ý thức thông qua việc phân tích thông tin được truyền tải qua giao tiếp trong các mối quan hệ, và một cách vô thức thông qua cảm xúc hoặc linh cảm.
2. Cảm nhận quá mức
HSP chú ý đến mọi thứ nhiều hơn so với những người bình thường trong cùng hoàn cảnh hoặc môi trường, bao gồm cả cảm xúc của người khác (mặc dù chúng có thể không được bộc lộ ra), mức độ tiếng ồn, mùi vị và các khía cạnh khác của môi trường. Điều này có thể có lợi nhưng cũng có thể dẫn đến căng thẳng quá mức và kéo dài mãn tính.
3. Cường độ cảm xúc và sự đồng cảm
HSP thường có cảm xúc tích cực và tiêu cực mạnh mẽ khi gặp các kích thích từ môi trường, điều này làm tăng sự nhạy cảm của họ đối với cảm xúc của người khác, khiến họ rất đồng cảm.
4. Độ nhạy cảm giác
HSP có thể cảm nhận được những kích thích tinh tế của môi trường mà người khác thường bỏ qua. Điều này có thể giúp bảo vệ họ và những người khác ở gần khỏi những nguy hiểm không lường trước được, nhưng cũng có thể dẫn đến nhạy cảm quá mức với thực phẩm, thuốc, đau, tiếng ồn và ánh sáng.
Tác động tổng hợp của đặc điểm này tạo ra tính cách đồng cảm, tận tâm, thận trọng, nhưng cũng có thể tìm kiếm cảm giác mạnh và thích sự mới lạ. Không có mối tương quan giữa đặc điểm HSP và tính hướng ngoại hay hướng nội. HSP sẽ luôn đánh giá cẩn thận các rủi ro trước khi tiếp tục phiêu lưu, vì sự nhạy cảm của họ trái ngược với tính bốc đồng. HSP có xu hướng lập kế hoạch trước và là những nhà chiến lược xuất sắc.
Tính cách HSP thường không đi kèm với năng khiếu đặc biệt, nhưng nghiên cứu do nhà tâm lý học Elke van Hoof thực hiện cho thấy 87% người có năng khiếu thuộc kiểu tính cách nhạy cảm cao.
Những người HSP cũng có óc thẩm mỹ cao, rất nhạy cảm với vẻ đẹp của thiên nhiên và nghệ thuật. Họ cũng thường lo lắng nhiều hơn khi gặp những kích thích tiêu cực so với những người ít nhạy cảm hơn, và thường tránh những bộ phim hành động bạo lực cũng như tin tức xấu. Họ cũng có nhiều khả năng gặp những giấc mơ sống động và có đời sống nội tâm phong phú hơn.
Mặc dù HSP cảm thấy khó chịu hơn trước môi trường tiêu cực so với những người ít nhạy cảm, nhưng họ cũng được hưởng lợi nhiều hơn từ môi trường tích cực. Điều này đặc biệt đúng trong thời thơ ấu.
Có những khác biệt về văn hóa trong trải nghiệm của họ. HSP thường được đánh giá cao trong các xã hội coi trọng lễ nghi và sự kín đáo như Trung Quốc, Nhật Bản và Thụy Điển, nhưng lại ít được coi trọng ở các nền văn hóa có tính cạnh tranh, táo bạo hơn như Anh-Mỹ và một số xã hội châu Âu.
10 đặc điểm gợi ý người nhạy cảm cao
HSP có những đặc điểm riêng biệt có thể bị cho là bất thường nhưng thực ra không biểu thị chứng rối loạn, ví dụ như:
- Cảm nhận mọi thứ sâu sắc và mãnh liệt hơn những người khác, dù là niềm vui hay nỗi buồn.
- Nhạy cảm cao khiến họ rất vui với những điều đơn giản trong cuộc sống và dễ chiều.
- Cần nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn những người khác, phát triển trong im lặng và cần nhịp sống chậm hơn. Họ cần thời gian để thư giãn và xử lý các trải nghiệm của bản thân.
- Cân nhắc lâu hơn trước khi đưa ra quyết định so với những người khác do phải suy xét một cách cẩn thận, bao gồm cả việc đánh giá rủi ro kỹ lưỡng và thực hiện một cách thận trọng.
- Sự thay đổi có thể khiến họ khó chịu, kể cả sự thay đổi tích cực cũng có thể gây ra phấn khích và lo lắng quá mức, cũng như bị kích thích quá mức do những trải nghiệm mới.
- Có thể gặp khó khăn khi gặp xung đột và bị chỉ trích, vì họ thường đặt kỳ vọng rất cao vào bản thân và nghiêm khắc với bản thân khi thất bại. Những lời chỉ trích của người khác có thể khiến họ cảm thấy quá tải.
- Thường có đời sống nội tâm phong phú, tự ý thức, sáng tạo và sâu sắc hơn những người bình thường. Điều này có thể thu hút họ khám phá lĩnh vực tâm linh trong cuộc sống, đặc biệt là các phương pháp suy ngẫm như thiền định. Họ cũng có sự đánh giá sâu sắc về nghệ thuật như hội họa, khiêu vũ và âm nhạc.
- Thường tránh cảm giác hưng phấn tiêu cực do phim ảnh và tin tức bạo lực gây ra, những điều gần như khiến họ tổn thương về mặt thể chất.
- Dễ bị kích thích quá mức dẫn đến hành vi rút lui trong những tình huống mới lạ hoặc căng thẳng. Điều này có thể khiến họ bị coi là nhút nhát hoặc khó gần, trong khi nhiều người thực ra là hướng ngoại nhưng cần có thời gian một mình để xử lý mọi việc.
- Thích tụ tập với một nhóm nhỏ nhưng nhiều tình cảm và sự hỗ trợ, vì họ có khả năng đồng cảm cao. Để làm quen với họ cần có thời gian, nhưng khi HSP đã trở thành bạn của bạn thì họ sẽ trung thành và hỗ trợ bạn khi gặp khó khăn.
Mời bạn xem thêm các bài liên quan:
- Bạn tự thấy mình là người không tốt? 6 dấu hiệu nói lên vấn đề có thể là do phụ huynh của bạn
- 8 dấu hiệu cho thấy “người ấy” không yêu bạn như bạn nghĩ đâu
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Mình rất mong nhận được những đánh giá và phản hồi của các bạn về bài viết này. Hãy để lại ý kiến của mình ở phần bình luận nhé!