Có phải bạn luôn vứt bỏ vỏ cam chanh sau khi dùng hết phần ruột bên trong? Bạn có biết phần vỏ tưởng như bỏ đi thực ra lại chứa nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe? Nhưng nếu muốn dùng cả vỏ thì phải làm như thế nào để dễ ăn hơn? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!

Cam, chanh, quýt, bưởi luôn nằm trong số những loại trái cây phổ biến nhất và được nhiều người ưa thích nhờ hương vị thơm ngon mát lành. Nhưng đó là phần ruột bên trong, còn vỏ của chúng thường bị bỏ đi vì có vị đắng và nhiều người cho là không thể ăn được.

Phần vỏ có phải là đồ bỏ đi? (Ảnh: Internet)
Phần vỏ có phải là đồ bỏ đi? (Ảnh: Internet)

Thực ra vỏ cam chanh có chứa nhiều chất dinh dưỡng quý giá tác dụng rất tốt cho sức khỏe và rất nên ăn thay vì vứt đi. Vỏ cam quýt đã được sử dụng từ xa xưa trong nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới vì có đặc tính y học đối với các vấn đề sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy, và cũng được dùng như một chất chống co thắt.

Vỏ cam chanh có giá trị dinh dưỡng như thế nào?

Quả cam được biết đến với hàm lượng cao vitamin C, nhưng ít người biết rằng vỏ của nó cũng rất giàu dinh dưỡng, bao gồm chất xơ, vitamin C và các hợp chất thực vật như polyphenol.

Vỏ cam có giá trị dinh dưỡng rất cao (Ảnh: Internet).
Vỏ cam có giá trị dinh dưỡng rất cao (Ảnh: Internet).

Thực tế chỉ cần 1 muỗng canh vỏ cam (khoảng 6g) có thể cung cấp 14% nhu cầu vitamin C theo khuyến nghị hằng ngày, tức là gần gấp 3 lần so với phần ruột bên trong. Nếu so sánh cùng khối lượng thì vỏ cam cũng chứa nhiều chất xơ hơn khoảng 4 lần so với ruột. Chế độ ăn nhiều vitamin C và chất xơ có lợi cho tim mạch và hệ tiêu hóa, đặc biệt có thể giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư.

Vỏ cam cũng chứa nhiều tiền chất của vitamin A, axit folic, riboflavin, thiamine, vitamin B6 và canxi, đặc biệt rất giàu các hợp chất thực vật là polyphenol có tác dụng phòng ngừa và cải thiện nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường tuýp 2, béo phì và bệnh Alzheimer.

Đừng bỏ phí vỏ cam (Ảnh: Internet).
Đừng bỏ phí vỏ cam (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy lượng polyphenol trong vỏ cam nhiều hơn đáng kể so với phần ruột, trong đó có loại polyphenol hesperidin và polymethoxyflavone (PMF) rất hứa hẹn về khả năng chống ung thư. Ngoài ra lượng tinh dầu trong vỏ cam gồm 90% là limonene, một hợp chất tự nhiên đã được nghiên cứu về đặc tính chống viêm và chống ung thư, trong đó có ung thư da.

Vỏ cam có tác dụng tốt cho những bệnh nào?

Bệnh tiểu đường

Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học Cuộc sống cho thấy chiết xuất vỏ cam quýt có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường vì có chứa PMF giúp giảm lượng triglyceride và cholesterol trong máu, vốn là nguyên nhân góp phần gây ra nhiều vấn đề như tiểu đường, béo phì. Ngoài ra các chất trong vỏ cam quýt cũng có thể cải thiện độ nhạy insulin.

Vỏ cam chanh giảm nguy cơ tiểu đường (Ảnh: Internet).
Vỏ cam chanh giảm nguy cơ tiểu đường (Ảnh: Internet).

Chất xơ tự nhiên pectin trong vỏ có khả năng làm chậm sự tăng đường huyết sau bữa ăn, do đó hỗ trợ những người cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ như bệnh nhân tiểu đường.

Rối loạn mỡ máu

PMF là các hợp chất quý giá có trong tất cả các loại trái cây họ cam quýt. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nông nghiệp và Hóa học Thực phẩm cho thấy những con chuột có chế độ ăn nhiều cholesterol kết hợp với 1% PMF đã giảm lượng cholesterol có hại LDL khoảng 32-40%.

Khi thử nghiệm trên người cũng cho kết quả tương tự, do đó các nhà nghiên cứu tin rằng PMF trong vỏ cam quýt có khả năng làm giảm cholesterol khi bổ sung vào chế độ ăn, rất hứa hẹn trở thành giải pháp tự nhiên để giảm cholesterol xấu mà không sợ tác dụng phụ có hại của các loại thuốc giảm mỡ máu hiện nay.

Vỏ cam chanh giúp giảm mỡ máu (Ảnh: Internet).
Vỏ cam chanh giúp giảm mỡ máu (Ảnh: Internet).

Ngoài PMF, vỏ cam quýt còn chứa hesperidin và pectin. Hesperidin là một loại flavonoid cũng có tác dụng giảm cholesterol và triglyceride, còn pectin là một loại chất xơ góp phần làm giảm cholesterol.

Thừa cân, béo phì

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng và Hóa sinh Lâm sàng năm 2008, sử dụng polyphenol trong vỏ chanh giúp ngăn sự tăng cân và tích mỡ, cụ thể là thay đổi đáng kể về lượng insulin, glucose và leptin trong máu, nhờ đó giúp cải thiện tình trạng kháng insulin của cơ thể.

Các nhà nghiên cứu cho rằng polyphenol trong chanh có khả năng “ngăn ngừa hoặc cải thiện tình trạng béo phì và kháng insulin bằng cách điều chỉnh chuyển hóa lipid và ngăn ngừa hội chứng chuyển hóa” do chế độ ăn quá nhiều chất béo gây ra. Chất xơ pectin cũng giúp giảm cảm giác thèm ăn, tránh ăn quá mức dẫn đến tăng cân.

Bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, trong đó thường gặp là xơ vữa động mạch – thành động mạch tích tụ các tế bào bạch cầu và mảng bám được tạo thành từ canxi, cholesterol, triglyceride. Xơ vữa động mạch là một bệnh mãn tính không biểu hiện triệu chứng suốt nhiều năm nhưng lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho con người.

Xơ vữa động mạch làm cho mạch máu bị hẹp lại (Ảnh: Internet).
Xơ vữa động mạch làm cho mạch máu bị hẹp lại (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu năm 2013 đăng trên tạp chí ARYA Atherosclerosis cho thấy: dùng vỏ chanh và nước cốt chanh có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm hình thành xơ vữa nhờ khả năng chống oxy hóa. Đặc biệt, nghiên cứu phát hiện thấy tác dụng chống xơ vữa của vỏ chanh thực sự hiệu quả hơn so với phần nước, có thể là do các loại flavonoid đa dạng có trong vỏ.

Ợ nóng, trào ngược axit

Ợ nóng gây cảm giác bỏng rát ở vùng ngực do trào ngược thức ăn và axit từ dạ dày lên thực quản. Tình trạng này nếu diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng có thể trở thành trào ngược dạ dày thực quản mãn tính (GERD). Bản thân dạ dày có thể chịu được axit do nó tự tạo ra để tiêu hóa thức ăn, nhưng thực quản thì không có khả năng đó.

Ợ nóng và trào ngược gây tổn thương thực quản (Ảnh: Internet).
Ợ nóng và trào ngược gây tổn thương thực quản (Ảnh: Internet).

Một bài báo đăng trên tạp chí Alternative Medicine Review năm 2007 cho biết: chiết xuất vỏ cam quýt có khả năng trung hòa axit dạ dày và hỗ trợ co bóp bình thường nhờ chất d-limonene có liên quan đến giảm chứng ợ nóng. Một bài báo khác năm 2006 trên tạp chí Life Extension Magazine cho biết: chiết xuất hoặc tinh dầu của vỏ cam quýt nhẹ hơn nước nên có thể nổi lên trên dịch tiêu hóa trong dạ dày, giúp bao phủ niêm mạc thực quản và chống lại sự ăn mòn của axit.

Ung thư

Vỏ cam quýt chứa nhiều loại flavonoid đã được chứng minh có đặc tính chống ung thư hiệu quả ở người, theo một bài báo năm 2014 trên tạp chí Food Science and Human Wellness.

Vỏ cam chanh có chứa chất chống ung thư (Ảnh: Internet).
Vỏ cam chanh có chứa chất chống ung thư (Ảnh: Internet).

Nghiên cứu cho thấy chiết xuất vỏ cam quýt chứa các loại flavonoid như nobiletin và hesperidin có hoạt tính chống khối u hiệu quả đối với ung thư da, đại tràng, tuyến tiền liệt, phổi và gan. Nobiletin là một chất thuộc nhóm PMF có khả năng chống lại các chất sinh ung thư.

Nghiên cứu của Đại học Nakamura (Nhật Bản) đã cho thấy chiết xuất vỏ cam quýt có khả năng ức chế sự phát triển của khối u cả về liều lượng và thời gian, tức là liều dùng càng nhiều thì ức chế càng mạnh và tác dụng tiếp tục kéo dài sau thời gian điều trị. Một loại flavonoid khác có trong họ cam chanh và đặc biệt có nhiều trong vỏ là hesperidin, đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa các tổn thương tiền ung thư và ức chế một số loại ung thư.

Chất limonene trong vỏ cam chanh cũng có đặc tính chống ung thư nhờ kích thích các enzyme giải độc chống oxy hóa trong cơ thể, hạn chế khả năng hình thành tế bào ác tính. Trong khi đó axit citric trong vỏ làm tế bào ung thư tự chết đi bằng cách cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng cho chúng.

Hỗ trợ miễn dịch

Vỏ cam có chứa protein, kali, riboflavin, beta-carotene và các chất chống oxy hóa mạnh khác. Beta-carotene là sắc tố tạo ra màu vàng và cam sẽ được chuyển hóa thành vitamin A khi vào cơ thể, là một chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch và nhiều lợi ích khác.

Các chất chống oxy hóa mạnh trong vỏ cam quýt giúp bảo vệ DNA và chống các gốc tự do có thể gây ra bệnh tật, trong đó có ung thư. Tác dụng của các chất chống oxy hóa này còn được tăng cường nhờ hàm lượng cao vitamin C có trong trái cây họ cam.

Tốt cho thị giác

Vỏ cam tốt cho mắt (Ảnh: Internet).
Vỏ cam tốt cho mắt (Ảnh: Internet).

Ngoài khả năng tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ tế bào, beta-carotene cũng rất có lợi cho thị lực khi chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể giúp tạo hàng rào bảo vệ cho mắt, da và niêm mạc, chống vi khuẩn và virus xâm nhập. Các nghiên cứu cho thấy thuốc nhỏ mắt chứa vitamin A có hiệu quả trong điều trị khô mắt, thậm chí tương đương với các loại thuốc theo toa thông thường.

Hỗ trợ tiêu hóa

Vỏ cam quýt chứa nhiều chất xơ, không chỉ có tác dụng làm sạch đường tiêu hóa mà loại chất xơ pectin còn là nguồn thức ăn cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh và ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây hại.

Ăn vỏ cam chanh có nguy cơ gây hại gì không?

Mặc dù có nhiều lợi ích về mặt dinh dưỡng nhưng vỏ cam chanh cũng tiềm ẩn một số vấn đề cần lưu ý.

Thuốc trừ sâu và chất bảo quản

Phải cẩn thận khi ăn vỏ trái cây (Ảnh: Internet).
Phải cẩn thận khi ăn vỏ trái cây (Ảnh: Internet).

Thuốc trừ sâu thường được sử dụng trên các loại trái cây họ cam để chống nấm mốc và côn trùng. Các nghiên cứu cho thấy phần ruột bên trong quả cam có hàm lượng thuốc trừ sâu rất thấp hoặc không thể phát hiện được, nhưng ở vỏ lại nhiều hơn đáng kể.

Tiếp xúc với thuốc trừ sâu lâu dài gây nguy hiểm cho cơ thể người, trong đó có tăng nguy cơ ung thư và rối loạn hormone. Những tác hại này thường do tiếp xúc thường xuyên với liều lượng cao hơn nhiều so với lượng nhỏ trong vỏ trái cây, nhưng dù sao vẫn nên rửa chúng dưới vòi nước nóng để giảm lượng thuốc trừ sâu tồn đọng nếu có.

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng một số loại phẩm màu phun lên quả cam để màu sắc đẹp hơn, nhưng phải kiểm soát rất nghiêm ngặt và liều lượng cực thấp. Chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu ảnh hưởng của loại phẩm màu này đối với sức khỏe con người.

Khó tiêu

Do kết cấu dai, hàm lượng chất xơ cao nên vỏ cam chanh thường khó tiêu hóa, đặc biệt nếu ăn miếng to cùng một lúc có thể gây rối loạn cho dạ dày như đầy bụng hoặc co thắt.

Hương vị và kết cấu không ngon

Không giống như phần ruột bên trong, phần vỏ của cam chanh có kết cấu dai và khô, rất khó nhai, vị lại đắng và có tinh dầu cay nên hầu hết mọi người đều cảm thấy khó chịu.

Ăn vỏ cam chanh đúng cách như thế nào?

Điều đầu tiên cần nhớ nếu quyết định ăn vỏ trái cây là phải rửa kỹ thật sạch.

Bào nhỏ vỏ cam để dễ ăn hơn (Ảnh: Internet).
Bào nhỏ vỏ cam để dễ ăn hơn (Ảnh: Internet).

Có thể nhai trực tiếp vỏ của quả cam, nhưng tốt nhất nên ăn từng miếng nhỏ để tránh làm hại dạ dày. Nên dùng dao hoặc đồ bào để cắt vỏ thành sợi nhỏ và cho vào món salad hoặc sinh tố. Nếu muốn tạo vị ngọt hơn có thể dùng vỏ cam quýt làm kẹo hoặc làm mứt.

Ngoài ra có thể thái vụn vỏ cam để cho vào sữa chua, bột yến mạch, bánh nướng hoặc nước xốt cho các món ăn thông thường.

Tổng kết

Mặc dù thường bị vứt bỏ đi nhưng vỏ cam rất giàu dinh dưỡng, trong đó có chất xơ, vitamin C và polyphenol. Tuy nhiên chúng có vị đắng, khó tiêu hóa và có thể chứa dư lượng thuốc trừ sâu. Có thể khác phục các vấn đề này bằng cách rửa kỹ dưới vòi nước nóng và cắt nhỏ cho vào các món ăn như salad, sinh tố.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!

Xem thêm

Sữa mẹ gồm những phần nào và các mẹ cần làm gì để bảo vệ nguồn sữa cho con bú?

chính là món quà quý giá nhất đối với trẻ nhỏ. Do đó, các mẹ cần tìm hiểu về sữa mẹ một cách đầy đủ và chính xác để có kiến thức giải quyết những vấn đề về sữa khi cho con bú, cung cấp được số lượng và chất lượng sữa tốt nhất cho bé yêu. Vậy, sữa ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận