Tủ lạnh giúp cho việc bảo quản thực phẩm trở nên dễ dàng và tiện lợi, đặc biệt là ngăn đá, nhưng bạn đã biết cách sử dụng nó như thế nào là tối ưu? Các lưu ý quan trọng sau đây sẽ giúp bạn duy trì được kết cấu và hương vị tươi ngon của nguyên liệu, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thực phẩm. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!

Bảo quản thực phẩm đúng cách ngày càng trở nên quan trọng đối với tất cả mọi người

Thời gian gần đây tất cả chúng ta đều dành nhiều thời gian ở nhà và cắt giảm các chuyến mua sắm bên ngoài. Không chỉ tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh, mọi người còn chú ý hơn tới việc ăn uống sao cho cơ thể khỏe mạnh để phòng ngừa COVID-19.

Hầu như tất cả mọi thứ đều có thể cho vào tủ lạnh (Ảnh: Internet).
Hầu như tất cả mọi thứ đều có thể cho vào tủ lạnh (Ảnh: Internet).

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là cách đơn giản và hiệu quả để hạn chế việc đi ra ngoài mua sắm. Nhưng bạn đã biết cách làm đông và rã đông thực phẩm như thế nào để vừa giữ được chất dinh dưỡng mà lại tránh nhiễm bẩn? Sau đây là một vài lưu ý hữu ích mà bạn cần ghi nhớ.

1. Một số thực phẩm sẽ bị thay đổi kết cấu sau khi rã đông

Tiến sĩ Felicia Wu, giáo sư về an toàn thực phẩm và độc chất học tại Đại học bang Michigan (Mỹ) cho biết: sau khi đông lạnh và rã đông, một số thực phẩm vẫn duy trì kết cấu giống như khi còn tươi, ví dụ như thịt, cá sẽ trở lại trạng thái ban đầu, cũng như pho mát cứng và bánh mì cắt lát.

Các loại thịt cá vẫn giữ được kết cấu gần như ban đầu (Ảnh: Internet).
Các loại thịt cá vẫn giữ được kết cấu gần như ban đầu (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên các loại phô mai mềm thường bị thay đổi kết cấu, chẳng hạn như phô mai sữa dê, phô mai Brie hoặc Camembert. Nhiều loại trái cây và rau quả cũng gặp phải tình trạng như vậy, khi đó chúng rất thích hợp để làm sinh tố, xúp và các món hầm, nhưng không hợp để ăn tươi.

2. Không nên để thức ăn thừa ở nhiệt độ phòng quá lâu trước hoặc sau khi đông lạnh

Một quan niệm rất phổ biến nhưng thực ra lại sai lầm là: các loại vi khuẩn trong thức ăn còn thừa sẽ bị tiêu diệt khi đông lạnh.

Thực ra tủ lạnh không thể tiêu diệt được vi khuẩn (Ảnh: Internet).
Thực ra tủ lạnh không thể tiêu diệt được vi khuẩn (Ảnh: Internet).

Tiến sĩ Wu nói: “Nhiều vi khuẩn trong thực phẩm có thể chịu được sự đóng băng và gây ra vấn đề khi thực phẩm được rã đông, đặc biệt nếu sau đó nó không được nấu chín kỹ”. Đó là lý do chúng ta không nên để thực phẩm ngoài môi trường bình thường một thời gian trước hoặc sau khi đông lạnh.

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ cũng khuyến cáo rằng việc để thực phẩm rã đông ở nhiệt độ phòng là không an toàn vì vi khuẩn có thể sinh sôi nhanh chóng và tạo ra độc tố tồn tại sau quá trình nấu – ngay cả khi thực phẩm được nấu ở nhiệt độ có thể tiêu diệt vi khuẩn.

3. Xếp nhiều đồ vào tủ lạnh

Theo tiến sĩ Wu, đây không phải là một mẹo làm tăng độ an toàn thực phẩm, nhưng sẽ giúp cho hóa đơn tiền điện của bạn tiết kiệm hơn. Sử dụng càng nhiều không gian của tủ lạnh để chứa đồ sẽ càng làm tăng hiệu quả về mặt kinh tế, vì khi xếp ít đồ thì tủ lạnh sẽ tốn nhiều năng lượng hơn để duy trì nhiệt độ thấp cho không gian bên trong nó.

4. Không nên sử dụng các loại túi nhựa một cách tùy tiện

Thường thì túi zip bằng nhựa được thiết kế chuyên dùng để cấp đông sẽ có giá đắt hơn túi nilon thông thường, nhưng nó đáng để đầu tư. Theo tiến sĩ kiêm chuyên gia dinh dưỡng Kimberly Baker tại Đại học Clemson, khái niệm “túi đông lạnh” không chỉ đơn thuần là một chiêu thức quảng cáo, mà nó thực sự có tác dụng đặc biệt giúp bảo quản thực phẩm tốt hơn.

Túi nhựa dành riêng để đựng thực phẩm trong tủ lạnh (Ảnh: Internet).
Túi nhựa dành riêng để đựng thực phẩm trong tủ lạnh (Ảnh: Internet).

Khi sử dụng loại bao bì không được thiết kế cho tủ lạnh, thực phẩm sẽ bị giảm chất lượng nhanh hơn. Đó là do nhiều không khí có thể lọt vào bên trong dẫn đến hiện tượng gọi là “bỏng lạnh” (freezer burn).

Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng “bỏng lạnh” là hiện tượng khi thực phẩm tiếp xúc với không khí bên trong tủ lạnh sẽ bị mất độ ẩm. Sự mất nước đó làm cho thực phẩm bị khô, có thể dẫn đến xuất hiện các tinh thể băng trên bề mặt và làm thay đổi hương vị, màu sắc, kết cấu của thực phẩm sau khi rã đông.

Mặc dù điều này không ảnh hưởng đến độ an toàn, tiến sĩ Baker cho biết, nhưng nó có thể khiến thực phẩm không còn hấp dẫn về hương vị và kết cấu.

5. Ghi ngày tháng cho mỗi món thực phẩm

Sau khi đã xếp đồ vào tủ lạnh, chúng ta thường dựa vào hạn sử dụng để biết có thể dùng tới khi nào, nhưng bạn cũng nên tập thói quen dán nhãn ghi ngày tháng cho từng món và xếp các món cũ lên phía trước để lấy ra dùng sớm hơn.

Dán nhãn cho thực phẩm bảo quản lâu ngày (Ảnh: Internet).
Dán nhãn cho thực phẩm bảo quản lâu ngày (Ảnh: Internet).

Cách dán nhãn sẽ giúp bạn theo dõi thời gian bảo quản lạnh phù hợp cho từng loại đồ ăn. Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, thời hạn đối với từng nguyên liệu khi giữ trong ngăn đá là:

  • Trái cây và rau quả: lên đến 12 tháng
  • Thịt sống của bò, cừu, lợn: tối đa 12 tháng
  • Thịt gia cầm sống: lên đến 12 tháng
  • Thịt xay: tối đa 4 tháng
  • Cá: lên đến 6 tháng
  • Thức ăn nấu sẵn hoặc thức ăn còn thừa: 1 đến 2 tháng
  • Thịt đã nấu chín: 2 đến 6 tháng

Thịt chín có thời gian bảo quản ngắn hơn so với các loại thực phẩm khác là vì chúng có nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn tương đối cao hơn do cách chế biến và xử lý.

Thịt đã chín không nên để quá lâu (Ảnh: Internet).
Thịt đã chín không nên để quá lâu (Ảnh: Internet).

Một lưu ý nữa là: ngay cả khi bạn lấy thực phẩm từ tủ lạnh ra trong thời hạn thì vẫn nên ngửi để kiểm tra sau khi rã đông, vì nếu thịt đã hết mùi thơm thì đó là dấu hiệu cho thấy chúng không còn an toàn và không nên ăn nữa. Thường thì thịt hỏng có mùi hăng hắc khó chịu, thậm chí có thể giống như mùi amoniac do sự phân hủy protein và chất béo.

6. Hãy chú ý tới cách bảo quản hải sản

Hải sản rất dễ bị hỏng, do đó bạn chỉ nên để một ít trong tủ lạnh thay vì dồn thật nhiều để ăn được lâu. Bên cạnh đó, cách xử lý và đóng gói cũng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của chúng.

Hải sản là loại thực phẩm rất dễ hỏng nên phải cẩn thận khi bảo quản (Ảnh: Internet).
Hải sản là loại thực phẩm rất dễ hỏng nên phải cẩn thận khi bảo quản (Ảnh: Internet).

Tiến sĩ Li cho biết: “Cá và các loài có vỏ được đánh bắt thương mại, đông lạnh nhanh trên thuyền ngoài biển, thường được đóng gói chân không và bảo quản an toàn trong 6 tháng, mặc dù hương vị có thể bị mất nếu bạn để lâu như vậy”.

Ngoài ra, ngay cả việc rã đông nhẹ cũng có thể làm giảm độ tươi của cá, do đó điều quan trọng là phải giữ cho hải sản được đông hoàn toàn. Như vậy tức là sau khi mua đồ đông lạnh từ cửa hàng về, bạn nên cho ngay vào ngăn đá để giữ trạng thái đông lạnh thay vì chạy đi làm những việc lặt vặt khác rồi mới quay lại.

Nếu bạn mua cá tươi, hãy sử dụng loại bao bì được thiết kế dành riêng cho tủ lạnh, thậm chí đầu tư hẳn một chiếc máy hút chân không để bảo quản cá và các loại thực phẩm khác.

7. Rã đông đúng cách

Rã đông thực phẩm đúng cách là cực kỳ quan trọng để ngăn vi khuẩn trong thực phẩm sinh sôi đến mức gây nguy hiểm. Các chuyên gia khuyên rằng không nên rã đông bất kỳ loại thực phẩm nào ở nhiệt độ phòng, ngay cả những món có vẻ an toàn như thức ăn cũ còn thừa hoặc thịt đã nấu chín. Thay vào đó, bạn nên sử dụng các phương pháp sau:

Rã đông bằng cách nấu chín

Lấy thực phẩm đông đá ra nấu ngay (Ảnh: Internet).
Lấy thực phẩm đông đá ra nấu ngay (Ảnh: Internet).

Cách này đặc biệt hiệu quả đối với những loại thực phẩm nhỏ, chẳng hạn như thịt xay hoặc thịt băm.

Rã đông bằng lò vi sóng

Đây thường là cách rã đông thực phẩm nhanh thứ hai (nấu trực tiếp là nhanh nhất). Cách này không nên dùng cho các loại thực phẩm lớn, chẳng hạn như gà nguyên con, nhưng sẽ rất lý tưởng cho các món có kích thước nhỏ hơn.

Rã đông trong nước lạnh

Phương pháp này có nhược điểm là mất thời gian khá lâu. Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), bạn nên dùng loại bao bì không thấm nước, thay nước mỗi 30 phút một lần và giữ nước ở khoảng 4 độ C hoặc lạnh hơn trong toàn bộ quá trình áp dụng phương pháp này.

Rã đông trong ngăn mát tủ lạnh

Cách này không cần theo dõi nhưng lại mất thời gian (Ảnh: Internet).
Cách này không cần theo dõi nhưng lại mất thời gian (Ảnh: Internet).

Đây là cách dễ nhất và an toàn nhất, nhưng cũng tốn nhiều thời gian nhất. Tùy thuộc vào từng loại thực phẩm, bạn có thể mất tới nhiều giờ mới rã đông hoàn toàn được.

8. Làm đông trở lại đúng cách

Một khi đã rã đông thực phẩm, nguyên tắc chung là bạn nên tránh việc “tái đông” hết mức có thể, bởi vì quá trình rã đông trước đó đã làm mất độ ẩm của thực phẩm và ảnh hưởng đến chất lượng. Tuy nhiên nếu vẫn phải làm đông lại thì hãy áp dụng các khuyến cáo của USDA như sau:

  • Nếu thực phẩm đã được rã đông trong tủ lạnh một cách an toàn, bạn có thể làm đông chúng lại, miễn là không quá 3 đến 4 ngày kể từ khi rã đông.
  • Thực phẩm đã được rã đông rồi nấu chín có thể đông lại một cách an toàn.
  • Không làm đông lại bất kỳ thực phẩm nào để ngoài tủ lạnh hơn hai giờ. Nếu bạn đang ở môi trường có nhiệt độ trên 30 độ C thì giới hạn cho phép chỉ là một giờ mà thôi.
  • Các loại thịt, gia cầm hoặc cá đã đông lạnh từ trước ở cửa hàng có thể làm đông lại, với điều kiện chúng phải được xử lý an toàn và không để ở nhiệt độ phòng hơn hai giờ.

Như vậy là bạn đã biết cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh sao cho an toàn và đảm bảo chất lượng tối đa. Áp dụng các quy trình khoa học và thói quen tốt trên đây, bạn sẽ tận dụng chiếc tủ lạnh của mình để giữ cho thực phẩm luôn tươi ngon và lành mạnh nhất có thể!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Bánh hamburger rất ngon nhưng không tốt cho sức khỏe? Thử ngay 12 bí quyết cực hay này nhé!

Bạn là fan của hamburger nhưng lại sợ tăng cân hay những thực phẩm không lành mạnh có trong món fastfood này? Tin vui là chỉ cần vài chiêu đơn giản sẽ giúp chiếc bánh hamburger của bạn trở nên thân thiện hơn với sức khỏe mà vẫn giữ được độ ngon như thường. Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận