Bạn đã nghe nói đến từ khóa “thân thiện với môi trường” trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống hiện nay đúng không? Nhưng bạn có biết rằng chỉ cần vài thay đổi đơn giản trong chế độ ăn hằng ngày cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường và giảm lượng khí thải carbon? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!

Vì sao cần thay đổi chế độ ăn theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường?

Khi tìm đến các thực phẩm có nguồn gốc thực vật là bạn đang chăm sóc cho sức khỏe của chính mình. Nhưng bạn có biết rằng môi trường thiên nhiên cũng đang cảm ơn bạn rất nhiều vì điều đó?

Cách lựa chọn thực phẩm của mỗi người thực sự có thể tác động tới môi trường thiên nhiên (Ảnh: Internet).
Cách lựa chọn thực phẩm của mỗi người thực sự có thể tác động tới môi trường thiên nhiên (Ảnh: Internet).

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nhiều loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe con người cũng chính là tác nhân gây hại hàng đầu đối với môi trường, góp phần gây ra đủ mọi vấn đề: từ biến đổi khí hậu đến sự tuyệt chủng của các loài động thực vật trên khắp thế giới.

Tiến sĩ Michael Clark, nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford ở Vương quốc Anh và là tác giả chính của một bài báo được xuất bản vào tháng 11 năm 2019 trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS), cho biết: “Lựa chọn chế độ ăn uống tốt hơn, bền vững hơn là một trong những cách chính để mọi người có thể cải thiện sức khỏe của mình và giúp bảo vệ môi trường.”

Bài báo của ông tập trung vào tìm hiểu mối liên hệ giữa thực phẩm, môi trường và sức khỏe con người. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự lựa chọn tốt nhất là thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và rau. Trong khi đó đối tượng gây hại nặng nề nhất là các sản phẩm từ động vật, đặc biệt là thịt đỏ.

Hãy ăn có ý thức, chứ đừng "ăn cả thế giới" (Ảnh: Internet).
Hãy ăn có ý thức, chứ đừng “ăn cả thế giới” (Ảnh: Internet).

Trên thực tế, thịt và sữa cùng đóng góp khoảng 14,5% lượng khí thải nhà kính toàn cầu do con người gây ra, theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO). Tính chung trong ngành chăn nuôi, thịt bò và sữa là phân khúc tạo ra nhiều khí thải nhất (lần lượt là 41% và 20%).

Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 năm 2018 trên tạp chí Science đã tiết lộ ảnh hưởng cực lớn của vật nuôi đối với môi trường. Thịt và sữa chỉ cung cấp 18% calo và 37% protein nhưng lại chiếm tới 83% diện tích đất canh tác.

Hơn thế nữa, các khu rừng trên khắp thế giới bao gồm cả rừng nhiệt đới đang bị tàn phá để nhường chỗ cho vật nuôi, đặc biệt là chăn thả gia súc, theo FAO. Nạn phá rừng này không chỉ làm mất môi trường sống của động thực vật và đe dọa đa dạng sinh học, mà còn phá hủy các khu rừng vốn có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khí nhà kính từ khí quyển.

Rừng rậm trên khắp thế giới đang bị tàn phá để lấy đất làm nông nghiệp (Ảnh: Internet).
Rừng rậm trên khắp thế giới đang bị tàn phá để lấy đất làm nông nghiệp (Ảnh: Internet).

Khi nói đến việc ăn uống tốt cho môi trường, điều quan trọng nhất là chọn thực phẩm có nguồn gốc thực vật thay cho những thứ có nguồn gốc động vật. Nhưng nếu bạn chưa sẵn sàng loại bỏ hoàn toàn những món khoái khẩu như bánh mì kẹp thịt và bít tết, thì việc giảm ăn thịt cũng là bước khởi đầu rất tốt. Các mô hình tính toán quy mô lớn đã chỉ ra rằng: cắt giảm một nửa lượng thịt và sữa có thể giảm tới 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Sau đây là 7 bước đơn giản để làm cho chế độ ăn uống của bạn trở nên thân thiện hơn với môi trường. Hãy cùng tìm hiểu nào!

1. Nếu phải loại bỏ một loại thịt trong chế độ ăn của mình, hãy chọn thịt đỏ

Thịt đỏ không tốt cho sức khỏe và cả môi trường (Ảnh: Internet).
Thịt đỏ không tốt cho sức khỏe và cả môi trường (Ảnh: Internet).

Theo nghiên cứu của PNAS, quá trình sản xuất thịt đỏ – chủ yếu là thịt bò và thịt cừu – gây ảnh hưởng lớn nhất đến 5 chỉ số môi trường quan trọng, trong đó có phát thải khí nhà kính, suy thoái tài nguyên đất và nước cũng như phá vỡ hệ sinh thái.

Xếp thứ 2 về tác động tiêu cực tới môi trường là sản xuất thịt đỏ đã qua chế biến. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một vài ví dụ về thịt đỏ đã qua chế biến bao gồm xúc xích, giăm bông, lạp xưởng và thịt bò khô.

Tốt nhất là bạn nên tìm cách thay thế thịt đỏ bằng protein thực vật chất lượng cao, nếu không thì chỉ thỉnh thoảng mới ăn thịt đỏ cũng là một sự tiến bộ rất tích cực rồi, theo nghiên cứu của PNAS. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về nguồn protein thực vật chất lượng cao thì hãy đọc tiếp nhé.

2. Ăn các loại đậu để có nguồn protein từ thực vật

Các thực phẩm họ đậu như đậu Hà Lan và đậu lăng được xếp vào nhóm thực phẩm có lợi nhất cho sức khỏe và có thể dễ dàng thay thế cho protein động vật, theo Trường Y tế Công cộng Harvard T.H Chan.

Đậu là nguồn protein thực vật dồi dào rất dễ kiếm (Ảnh: Internet).
Đậu là nguồn protein thực vật dồi dào rất dễ kiếm (Ảnh: Internet).

Không những thế, một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 năm 2016 trên tạp chí Frontiers in Plant Science còn cho thấy rằng các loại đậu sẽ giúp ích cho nông nghiệp bền vững và góp phần giảm tác động tới môi trường.

Về mặt dinh dưỡng, ngoài protein thực vật thì đậu còn cung cấp chất xơ – một thành phần quan trọng nhưng không phải ai cũng ăn đủ – và các vitamin nhóm B. Những chất này có thể đóng vai trò giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư và bệnh tim, theo Trường Y tế Công cộng Harvard T.H Chan.

Nhóm Công tác Môi trường (EWG) – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và vận động về trợ cấp nông nghiệp, hóa chất độc hại và chất gây ô nhiễm nước uống – đã xếp đậu lăng là loại protein thân thiện số một với khí hậu.

3. Chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt chưa qua chế biến thay cho những loại đã qua tinh chế

Ngũ cốc là những người bạn tốt đối với cơ thể, được đánh giá cao về lợi ích sức khỏe và môi trường, nhưng điều đó chỉ đúng khi chúng ít trải qua chế biến hoặc còn ở dạng nguyên hạt.

Ngũ cốc càng ít qua chế biến thì càng giữ được nhiều dưỡng chất (Ảnh: Internet).
Ngũ cốc càng ít qua chế biến thì càng giữ được nhiều dưỡng chất (Ảnh: Internet).

Lilian Cheung, giám đốc truyền thông và nâng cao sức khỏe tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan cho biết: “Ngũ cốc nguyên hạt mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể chúng ta hơn so với ngũ cốc tinh chế, loại ngũ cốc đã bị mất đi các chất dinh dưỡng quý giá”. Ngoài chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt còn chứa các vitamin B, khoáng chất và protein, cũng như các hợp chất có hoạt tính chống oxy hóa, giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh tật.

Một lựa chọn tốt hơn nữa là các loại ngũ cốc cổ xưa như kiều mạch, lúa mạch, lúa dại, lúa mì spelt và hạt teff – chúng thậm chí còn bổ dưỡng hơn và có thể cải thiện môi trường đất cũng như giúp giảm bớt lượng khí thải carbon, theo một báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).

Bạn có thể tìm mua ngũ cốc nguyên hạt tại đây.

4. Thay vì cá hồi nuôi, hãy chọn các hải sản có vỏ như sò

Vì sao nuôi cá hồi lại ảnh hưởng tới môi trường? (Ảnh: Internet).
Vì sao nuôi cá hồi lại ảnh hưởng tới môi trường? (Ảnh: Internet).

Cá hồi từ lâu đã được coi là thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe, nhưng lại có một “mặt tối” khá lớn. Cá hồi hiện nay hầu như chỉ được nuôi trong các trang trại với mật độ đông đúc và thường được cho ăn kháng sinh liên tục để ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn, theo một bài báo đăng vào tháng 9 năm 2018 trên tạp chí khoa học PLOS One.

Nghiên cứu cho thấy rằng quy trình nuôi cá như vậy có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Như hãng tin BBC đưa tin, cá hồi nuôi cũng thường xuyên được xử lý bằng hóa chất để ngăn chặn sự xâm nhập của rận biển, và hành vi này đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây.

Các trang trại nuôi cá hồi có thể gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái tự nhiên (Ảnh: Internet).
Các trang trại nuôi cá hồi có thể gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái tự nhiên (Ảnh: Internet).

Nhìn chung, cá hồi hoang dã được cho là an toàn cho sức khỏe con người hơn so với cá được nuôi trong trang trại. Về mặt môi trường, một số nhóm chuyên gia về hải sản coi cá hồi Alaska hoang dã là sự lựa chọn tốt, mặc dù cũng không phải là tối ưu, theo tổ chức phi lợi nhuận Oceana chuyên bảo vệ và phục hồi các đại dương trên thế giới.

Sự thay thế lý tưởng cho cá hồi là các loài hải sản có vỏ như hàu, trai, sò. Tất cả chúng đều là nguồn dinh dưỡng dồi dào chứa nhiều axit béo omega-3, protein và khoáng chất, theo Oceana. Những loài này cũng ít tác động tới môi trường, và vì chúng lấy thức ăn bằng cách lọc nước nên có thể giúp làm sạch nguồn nước.

5. Hãy ăn nấm

Các loại nấm được xem là thực phẩm tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet).
Các loại nấm được xem là thực phẩm tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet).

Nấm đã được con người trồng suốt nhiều thế kỷ qua nhờ hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2021 trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm & Dinh dưỡng cho thấy: chỉ cần thêm một khẩu phần nấm vào bữa ăn sẽ làm tăng đáng kể lượng chất xơ cùng một số vi chất dinh dưỡng mà chúng ta thường không có đủ, chẳng hạn như vitamin D và kali.

Trên thực tế, một số loại nấm tiếp xúc với tia UV chính là nguồn vitamin D thực vật duy nhất mà con người có thể ăn được, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Ngoài các chất dinh dưỡng khác như vitamin nhóm B, nấm còn chứa các chất đã được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật.

Về tác động môi trường, nấm được ghi nhận là có khả năng hấp thụ carbon – tức là chúng có thể giúp giảm lượng khí nhà kính đang góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Nấm cũng có mặt trong top 10 nhóm thực phẩm hàng đầu trong báo cáo của WWF đã nói đến ở trên.

6. Thay thế măng tây bằng bông cải xanh để giảm lượng khí thải carbon

Theo Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC), một nhóm vận động vì môi trường phi lợi nhuận, măng tây là một trong 10 loại thực phẩm có hại cho khí hậu. Quá trình trồng măng tây cần tới khoảng 1960 lít nước cho mỗi kilogam thành phẩm, trong khi với bông cải xanh chỉ tốn khoảng 260 lít.

Trồng măng tây cần nhiều nước hơn so với bông cải xanh (Ảnh: Internet).
Trồng măng tây cần nhiều nước hơn so với bông cải xanh (Ảnh: Internet).

Ngoài ra, măng tây thường chỉ được trồng ở một số vùng có khí hậu phù hợp rồi sau đó vận chuyển đến các nơi tiêu thụ, điều này làm tăng đáng kể lượng khí thải carbon của chúng. Trong khi đó bông cải xanh có thể được trồng ở nhiều nơi và luôn được xếp hạng là một trong những loại rau “sạch” hơn, cần tương đối ít thuốc trừ sâu ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

Hầu hết mọi người đều biết đến bông cải xanh vì những lợi ích về sức khỏe của nó. Giống như các loại rau họ cải khác, bông cải xanh rất giàu các hợp chất thực vật có thể giúp giảm viêm và giảm nguy cơ ung thư, theo Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan.

7. Loại bỏ phô mai, hoặc chỉ chọn những loại thân thiện với môi trường

Phô mai đứng thứ ba trong danh sách của EWG, tạo ra lượng khí thải nhà kính cao thứ ba sau thịt cừu và thịt bò. Theo EWG, những loại thực phẩm này tạo ra lượng khí thải cao nhất vì chúng có nguồn gốc từ các động vật nhai lại – hoạt động tiêu hóa của các loài này tạo ra khí mê-tan, loại khí nhà kính mạnh gấp 25 lần so với carbon dioxide.

Phô mai và các sản phẩm khác từ sữa có ảnh hưởng không tốt tới môi trường (Ảnh: Internet).
Phô mai và các sản phẩm khác từ sữa có ảnh hưởng không tốt tới môi trường (Ảnh: Internet).

Phô mai cũng tạo ra nhiều khí thải carbon vì quá trình làm ra nó cần nhiều sữa – khoảng 10 khối lượng sữa để làm ra 1 khối lượng phô mai cứng.

Nếu bạn chưa sẵn sàng loại bỏ phô mai ra khỏi chế độ ăn của mình, thì lời khuyên là nên chọn các sản phẩm được sản xuất tại địa phương để giảm lượng khí thải do giao thông vận chuyển, mua các sản phẩm hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học, và chọn những loại ít đặc hơn như phô mai tươi, vì loại này cần ít sữa hơn để làm ra.

Bạn có thể tìm mua phô mai hữu cơ tại đây

Như vậy là bạn đã biết những mẹo đơn giản khi lựa chọn thực phẩm và thay đổi chế độ ăn để vừa tốt cho sức khỏe, lại góp phần bảo vệ môi trường. Chỉ với những hành động nhỏ như vậy thôi, mỗi chúng ta đã có thể chung tay làm cho thiên nhiên xanh sạch hơn rồi. Hãy cùng thực hiện ngay hôm nay nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Ăn pizza ngon lành mà vẫn đảm bảo sức khỏe với 8 mẹo đơn giản này!

Đối với các tâm hồn ăn uống thì pizza luôn là một trong những món khoái khẩu khó cưỡng nhất, nhưng xét về dinh dưỡng thì đó lại là một món fastfood không có lợi cho sức khỏe, giống như hamburger và khoai tây chiên. Vậy có cách nào để làm cho chiếc bánh pizza lành mạnh hơn mà ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
2 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Mộc Chi

Vì 1 tương lai sống healthy <3

Loken

Ủng hộ