Người ta hay nói với nhau rằng, đời người chỉ sống một lần, có những việc cũng chỉ có thể xảy đến một lần, vậy nên hãy làm hết sức có thể để sau này không phải hối tiếc. Đó là một châm ngôn sống rất hay. Tôi nhớ rằng mình cũng đã đôi ba lần mang nó ra để khích lệ bản thân. Nhưng sau một thời gian tôi nhận ra “làm hết sức có thể” cũng rất có thể trở thành “cố chấp”. Thứ cảm giác “thà hối hận vì đã làm” còn hơn “hối hận vì đã không làm” rất dễ đánh lừa những con người nóng vội, như tôi. Nếu có thể quay lại thời điểm đó, không chắc kết quả sẽ khác đi, nhưng chắc chắn tôi sẽ đón nhận nó với một thái độ và suy nghĩ bình tĩnh hơn.
Cột mốc nào đánh dấu ta đã bước vào “cuộc sống của người trưởng thành”? Khi ta phải đi làm kiếm tiền trang trải nhu cầu của bản thân? Khi ta dọn ra sống một mình, không còn ở chung nhà với bố mẹ? Hay khi chúng ta kết hôn, tạo ra 1 gia đình nhỏ của riêng mình? 18 tuổi? 20 tuổi? 25 tuổi hay 30 tuổi?
Tôi còn nhớ, năm học lớp 9, gần đến ngày thi tốt nghiệp, 4 ông bạn thân của tôi khi đó, cũng là 4 “ông thần” trong sổ ghi đầu bài, bỗng dưng…đòi bỏ học để đi làm như “mấy ông anh”. Ở cái tuổi dở dở ương ương đấy, “mấy ông anh” chính là hình mẫu trong suy nghĩ của những đứa con trai “trẻ trâu”. Có xe máy phóng vi vu, có tiền tiêu xài…và nhất là không phải ngồi trong lớp học 5 tiết mỗi buổi sáng, 2 tiết buổi chiều, không có bài kiểm tra, không có bài tập về nhà, thay vào đó có thể ngồi quán nước, vào quán net bất kỳ lúc nào. “ Cuộc sống của người trưởng thành” khi đó là bên ngoài cổng trường học, là 2 chữ “tự do”.
Lớn thêm chút nữa, “ thế giới của những người trưởng thành” trong con mắt chúng tôi là những anh chị sinh viên “được ở một mình”, “không cần sống với bố mẹ”. Chúng tôi nghĩ rằng “được sống một mình “ sẽ thích thú lắm. “Tự do” lúc đó đã vượt rất xa khỏi cổng trường cấp 2 năm nào.
Lớn thêm chút nữa, thế giới đó lại thu hẹp về trong môi trường công sở. Những nhân viên văn phòng sáng xách cặp đi, trưa ngồi cafe tán gẫu, nói xấu đồng nghiệp, than chuyện gia đình, khoe bộ váy mới, 5h chiều xách túi hối hả về đón con, đi chợ, nấu cơm…đó đã từng là quy chuẩn chúng tôi đặt ra cho tương lai của mình.
Vậy mà 10 năm sau, khi được hỏi về “cuộc sống của người trưởng thành”, tôi nhận ra mình đã đi theo một con đường khác hẳn. Cái đích đến trong cuộc sống mỗi người có thể là tương đồng, nhưng con đường mỗi người chọn sẽ khác nhau. Có khá nhiều những nhận định ( tạm gọi là như vậy) không mấy tươi sáng về những vấn đề mà người trưởng thành phải đối mặt. Vậy nên tôi không muốn đứa em mình mang trong lòng suy nghĩ nặng nề về việc “phải sống sao cho đúng là một người trưởng thành”. Tôi nên sửa lại câu trả lời cho câu hỏi ban sáng của đứa em:
“ em không cần tò mò về cuộc sống của một người trưởng thành, cũng không cần bắt mình phải sống như thế nào đó để trở thành một người trưởng thành. Em chỉ cần sống cuộc sống mà em muốn, vậy là đủ.”
Trưởng thành thật cô đơn
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của mình.