Bạn có hay quan sát và cảm nhận bàn tay mình? Bạn có biết rằng bàn tay không chỉ góp phần vào vẻ đẹp của cơ thể mà còn là nơi biểu hiện nhiều triệu chứng khi có bệnh tật? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!

Không phải vô cớ mà các bác sĩ thường xem bàn tay của người bệnh để tìm các triệu chứng bệnh tật. Nhưng họ không đọc chỉ tay hay xem hoa tay, mà có những dấu hiệu khác thực sự báo hiệu nhiều vấn đề của cơ thể. Từ hình dạng, cử động cho đến cảm giác, bàn tay có thể nói lên rất nhiều điều về sức khỏe, cung cấp các manh mối để chẩn đoán bệnh và tiên lượng.

Bàn tay có thể báo hiệu những bệnh gì? (Ảnh: Internet).
Bàn tay có thể báo hiệu những bệnh gì? (Ảnh: Internet).

Bác sĩ Kelly Weselman, chủ tịch truyền thông của Hội Thấp khớp học Mỹ khẳng định: “Bạn có thể học được nhiều điều bằng cách nhìn vào bàn tay.” Bác sĩ Weselman cùng với các chuyên gia y tế khác bao gồm bác sĩ thần kinh, tim mạch và da liễu đã chia sẻ những dấu hiệu mà họ tìm kiếm khi nhìn vào bàn tay của bệnh nhân, và giải thích ý nghĩa của các triệu chứng đó mà có thể nhiều người chưa biết.

Lực tay nắm yếu

Trong giao tiếp, một cái bắt tay yếu ớt hay mạnh mẽ có thể nói lên tính cách của người đó. Còn trong y học, lực nắm tay yếu có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang suy giảm.

Tay nắm yếu báo hiệu sức khỏe có vấn đề (Ảnh: Internet).
Tay nắm yếu báo hiệu sức khỏe có vấn đề (Ảnh: Internet).

Bác sĩ tim mạch Anne Albers làm việc tại Columbus, bang Ohio (Mỹ) cho biết: “Trong lúc khám sức khỏe cho bệnh nhân, chúng tôi chắc chắn phải chú ý đến lực nắm tay của họ. Chúng tôi liên hệ nó với sự yếu ớt.”

Theo một đánh giá năm 2016 trên Tạp chí Quốc tế về Tim mạch, sức nắm tay yếu cùng với dáng đi chậm có thể báo hiệu nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn ở người cao tuổi. Gần đây hơn, một nghiên cứu đăng trên PLOS One cho thấy lực nắm tay mạnh hơn có thể là dấu hiệu của cấu trúc và chức năng tim khỏe mạnh ở những người từ 40 đến 69 tuổi.

Lực nắm tay có liên quan với sức khỏe tim mạch (Ảnh: Internet).
Lực nắm tay có liên quan với sức khỏe tim mạch (Ảnh: Internet).

Dựa trên những phát hiện này, các nhà nghiên cứu tin rằng một ngày nào đó việc đo lực nắm tay có thể trở thành phương pháp hữu ích để xác định những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim.

Bàn tay có các nốt đỏ hoặc mụn nước li ti

Phát ban đỏ trên bàn tay hoặc cổ tay, đôi khi tiến triển thành mụn nước chảy mủ, có thể là dấu hiệu của dị ứng niken. Theo Viện Da liễu Mỹ, nhạy cảm với niken là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của viêm da tiếp xúc dị ứng.

Da tay bị dị ứng với niken (Ảnh: Internet).
Da tay bị dị ứng với niken (Ảnh: Internet).

Rất nhiều đồ vật chạm vào da của chúng ta có chứa niken: vòng tay, đồng hồ, nhẫn, thậm chí cả điện thoại di động. Nhưng bạn cũng có thể bị phát ban ở tay do ăn phải thực phẩm có chứa niken. Theo bác sĩ da liễu Salma Faghri tại Đại học Emory ở Atlanta (Mỹ): “Niken đặc biệt có nhiều trong đậu, sôcôla, đậu phộng, đậu nành, bột yến mạch và granola. Bạn có thể xác định xem điều đó có đúng với mình hay không bằng cách thử tránh các thực phẩm có chứa niken.”

Tay bị tê hoặc ngứa ran

Tay bạn có cảm giác tê đau như bị kim chích? Nếu bạn là một người trẻ khỏe mạnh thì đó có thể là dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay. Nhiều người bị ngứa ran hoặc tê tay vào ban đêm vì cổ tay bị cong trong lúc ngủ và làm chèn ép dây thần kinh đi từ cổ tay đến bàn tay.

Hội chứng ống cổ tay là do dây thần kinh bị chèn ép khi đi qua cổ tay (Ảnh: Internet).
Hội chứng ống cổ tay là do dây thần kinh bị chèn ép khi đi qua cổ tay (Ảnh: Internet).

Bác sĩ có thể yêu cầu làm EMG (điện cơ đồ) để tìm tổn thương thần kinh hoặc cơ, nếu đúng là hội chứng ống cổ tay thì có thể điều trị bằng các phương pháp khác nhau, từ nẹp đến phẫu thuật.

Nhưng cũng có rất nhiều lý do khác dẫn đến tê tay và ngứa ran, ví dụ bạn có thể cảm thấy ngứa ran tạm thời ở các ngón tay nếu đang thở gấp vì lo lắng, theo bác sĩ thần kinh Matthew Barrett tại Đại học Virginia (Mỹ). Một lưu ý rất quan trọng là: nếu bị tê hoặc yếu đột ngột ở cánh tay hoặc bàn tay thì luôn phải nghĩ đến khả năng bị đột quỵ và gọi cấp cứu ngay.

Ngón tay cò súng

Ngón tay bị cong không thể duỗi thẳng được (Ảnh: Internet).
Ngón tay bị cong không thể duỗi thẳng được (Ảnh: Internet).

“Ngón tay cò súng” (thực chất là viêm bao gân xuất huyết) là hiện tượng ngón tay bị cong và cứng ở một tư thế cố định giống như bóp cò súng, nếu cố duỗi thẳng ra thì sẽ bị bật lại như cũ. Tình trạng này thường xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam và thường ở ngón áp út hoặc ngón cái.

Nguyên nhân gây ra ngón tay cò súng là do các sợi gân (cấu trúc giúp gắn chặt cơ vào xương) hoặc các mô bao quanh nó bị viêm, khiến cho gân bị cứng và khó cử động linh hoạt. Triệu chứng này thường xuất hiện ở những người bị viêm khớp, bệnh tuyến giáp và tiểu đường, cũng như những người vận động tay nhiều.

Tay có vảy đỏ hoặc nốt chứa mủ

Vảy nến là một bệnh tự miễn dịch mãn tính làm cho nhiều bề mặt da bị bong vảy rất nhiều, có thể xuất hiện ở bàn tay hoặc móng tay. Biểu hiện ở tay có thể trông giống như các mảng đỏ, có vảy, nổi gồ lên và đôi khi có thể là mụn mủ trắng trên lòng bàn tay.

Bệnh vảy nến ở bàn tay (Ảnh: Internet).
Bệnh vảy nến ở bàn tay (Ảnh: Internet).

Các thay đổi ở móng tay như rỗ trên bề mặt, ố vàng dưới móng hoặc tách móng ra khỏi da bên dưới cũng có thể là triệu chứng của bệnh vảy nến. Nếu bạn thấy mình đang có những triệu chứng này thì phải đi khám và chẩn đoán ngay, vì theo các chuyên gia thì bệnh vảy nến có thể xuất hiện kèm với nhiều bệnh khác, bao gồm cả viêm khớp và bệnh tim mạch.

Ngón tay có màu trắng, xanh hoặc đỏ

Nếu ngón tay của bạn trắng bệch (mất màu) rồi sau đó chuyển sang xanh tái, tím hoặc đen khi trời lạnh hoặc khi gặp căng thẳng, thì có thể đó là hội chứng Raynaud. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ hoặc cảm xúc làm giảm lưu lượng máu tạm thời đến các ngón tay ngón chân.

Hội chứng Raynaud ở ngón tay (Ảnh: Internet).
Hội chứng Raynaud ở ngón tay (Ảnh: Internet).

Theo Viện Quốc gia về Tim, Phổi và Máu của Mỹ, hội chứng Raynaud ban đầu có thể làm ngón tay bị tê, lạnh hoặc đau. Khi lưu lượng máu giảm nhiều hơn nữa, ngón tay có thể bị đau nhói hoặc ngứa ran và chuyển sang màu đỏ.

Bác sĩ Weselman nói rằng đã thấy rất nhiều người bị hội chứng này, đặc biệt là phụ nữ trẻ. Nó có thể xuất hiện một mình và không nguy hiểm, chỉ gây khó chịu mà thôi. “Hoặc nó có thể liên quan đến một bệnh tự miễn dịch tiềm ẩn, thường là lupus hoặc xơ cứng bì.”

Run tay

Đôi khi run tay không phải là vấn đề lớn, nhưng có những trường hợp đó có thể là dấu hiệu của bệnh thần kinh.

Tay run có phải luôn là bình thường? (Ảnh: Internet).
Tay run có phải luôn là bình thường? (Ảnh: Internet).

Tất cả mọi người đều có đôi chút bị run tay, nhất là khi làm những việc cần sự tỉ mỉ như xâu kim. Bác sĩ Barrett giải thích rằng đó được gọi là “run sinh lý” và thường rõ hơn khi cơ thể bị thiếu ngủ, dùng quá nhiều caffeine, dùng một số loại thuốc hoặc khi cai rượu.

Một dạng khác được gọi là “run cơ bản”, gây run bàn tay và cánh tay cả hai bên, thường di truyền theo gia đình và xuất hiện trong bất kỳ hành động nào cần dùng tay, kể cả ăn uống.

Ngoài ra còn có các chứng run khác liên quan đến bệnh tật, ví dụ run tay do bệnh Parkinson thường chỉ ở một tay hoặc rõ hơn so với tay bên kia, xuất hiện khi bàn tay ở trạng thái nghỉ ngơi không vận động. Nếu kết hợp với cử động chậm chạp và cứng ở phần bị run thì khả năng rất cao đó là bệnh Parkinson.

Các nốt tím ở ngón tay

Theo bác sĩ Albers, nếu bệnh nhân có những nốt sưng đau màu đỏ hoặc tím trên đầu ngón tay (được gọi là nốt Osler) thì chẩn đoán gần như chắc chắn: “Nó rất đặc hiệu cho bệnh viêm nội tâm mạc,” một bệnh nhiễm trùng van tim do vi khuẩn.

Các nốt Osler trên bàn tay (Ảnh: Internet).
Các nốt Osler trên bàn tay (Ảnh: Internet).

Viêm nội tâm mạc cũng có thể gây xuất huyết dưới da ở lòng bàn tay, để lại các chấm màu tím hoặc nâu, hoặc xuất huyết bên dưới móng hoặc ở vùng da gần móng.

Các triệu chứng ngoài da có thể biến mất nhanh, nhưng người bệnh cũng thường có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, vì vậy phải đánh giá tổng thể để nghĩ đến bệnh viêm nội tâm mạc.

Tay bị đau, cứng và sưng phù

Khi các bác sĩ thấp khớp nhìn thấy một bệnh nhân nữ có bàn tay bị đau và viêm, họ thường nghĩ đến các bệnh viêm có thể gây ra hiện tượng đó, bao gồm viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, lupus, viêm mạch máu, xơ cứng bì (một bệnh ở mô liên kết) và viêm da cơ.

Tay bị sưng đau và cứng có thể do viêm khớp (Ảnh: Internet).
Tay bị sưng đau và cứng có thể do viêm khớp (Ảnh: Internet).

Bác sĩ Weselman nói rằng bàn tay bị sưng thậm chí có thể gợi ý bệnh viêm ruột. “Nó thường ảnh hưởng đến đầu gối và mắt cá chân hơn, nhưng không thể loại trừ ảnh hưởng đến bàn tay.”

Chiều dài của ngón áp út

Các nhà khoa học đã tính tỷ lệ chiều dài của ngón trỏ so với ngón áp út (gọi là tỷ lệ ngón tay) và phát hiện có mối liên quan với việc thai nhi tiếp xúc testosterone trong bụng mẹ. Ở nữ, ngón trỏ và ngón áp út thường có chiều dài tương đương nhau, trong khi nam giới thường có ngón trỏ ngắn hơn ngón áp út, tức là tỷ lệ ngón tay thấp.

Tỷ lệ chiều dài của ngón 2 so với ngón 4 (Ảnh: Internet).
Tỷ lệ chiều dài của ngón 2 so với ngón 4 (Ảnh: Internet).

Chiều dài ngón tay có thể dự đoán năng khiếu thể thao của con người không? Không ai biết chắc chắn, nhưng có một số nghiên cứu phát hiện mối liên quan giữa tỷ lệ ngón tay thấp với thành tích tốt hơn trong các môn thể thao như bóng bầu dục, lướt sóng, chèo thuyền và chạy nước rút.

Còn về nguy cơ mắc bệnh hay năng lực trí óc? Cũng chưa ai chứng minh được mối quan hệ nhân – quả, nhưng một nhóm nghiên cứu ở Anh đã phát hiện những người mắc bệnh ALS (bệnh xơ cứng teo cơ một bên) có tỷ lệ ngón tay thấp hơn so với dân số chung. Một nghiên cứu khác của Na Uy cho thấy những phụ nữ có mức độ tiếp xúc với testosterone trước khi sinh cao hơn (được đo bằng tỷ lệ ngón tay) có kết quả kiểm tra nhận thức không gian tốt hơn.

Trên đây là những dấu hiệu bệnh tật mà bàn tay có thể cảnh báo cho chúng ta. Hãy quan sát và lắng nghe cơ thể mình mỗi ngày để chăm sóc bản thân tốt nhất nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Bị nấc kéo dài là bệnh gì? Có phải là dấu hiệu nguy hiểm phải đi khám?

Có phải mỗi lần bạn bị nấc thường tự hết sau vài phút? Nhưng bạn có biết những trường hợp bị nấc kéo dài tới nhiều ngày, thậm chí lâu hơn nữa? Vậy nấc kéo dài có phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm gì không? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận